cover

Hướng đi nào cho các thương hiệu du lịch thời Covid-19?

07 Thg 04

Dịch Covid-19 với nhiều diễn biến phức tạp cùng mức độ lan nhanh đã khiến nhiều công ty, ngành hàng phải đóng cửa để đảm bảo an toàn cho cộng đồng. Không chỉ ảnh hưởng đến sức khoẻ mà Covid-19...

Dịch Covid-19 với nhiều diễn biến phức tạp cùng mức độ lan nhanh đã khiến nhiều công ty, ngành hàng phải đóng cửa để đảm bảo an toàn cho cộng đồng. Không chỉ ảnh hưởng đến sức khoẻ mà Covid-19 còn tác động trực tiếp đến nền kinh tế toàn cầu, nhiều doanh nghiệp phải cắt giảm phần lớn nhân sự do không còn đủ ngân sách để duy trì. Một trong những lĩnh vực phải chịu hậu quả nặng nề trực tiếp từ dịch bệnh này chính là các công ty du lịch lữ hành khi họ buộc phải huỷ bỏ hoặc rời lịch các chuyến đi. Vậy trong thời kỳ dịch bệnh đang bùng phát, đâu sẽ là hướng đi tốt cho các thương hiệu du lịch?

Ngay từ đầu ngày 5 tháng 3, Flybe - hãng hàng không lớn nhất Châu Âu - đã nhận định rằng ảnh hưởng của Covid-19 chính là một trong những nguyên nhân chính khiến hãng rơi vào khủng hoảng trầm trọng. Hay gần đây nhất là hãng hàng không Norwegia Air đã buộc phải tạm thời sa thải một nửa số nhân viên của mình, nhiều hãng hàng không khác cũng đã giảm công suất và hủy các các chuyến bay do tình hình dịch bệnh ngày càng phức tạp. 

Khi các sự kiện toàn cầu bị hủy bỏ, cũng như việc người dân chủ động cách ly cộng đồng, hạn chế việc đi lại không cần thiết đã khiến các công ty lữ hành, du lịch gặp nhiều rủi ro trong thời gian này. Trong khi hầu hết các thương hiệu đang lặng lẽ tạm ngừng hoạt động và hy vọng dịch bệnh sớm qua đi thì nhiều công ty đã chủ động lên các phương án truyền thông hợp lý, cập nhật tình hình đầy đủ, chính xác đến người dùng, tránh gây xôn xao hoặc những hiểu lầm không đáng có cho thương hiệu. 

Hướng đi nào cho các thương hiệu du lịch thời Covid-19?- Ảnh 1.

Nguồn: Vietnam Tourism

Khuyến cáo người dân nên ở nhà

Một trong những điều đáng tiếc nhất, là khi chính phủ ra quy định khuyến cáo người dân nên ở nhà để cách ly xã hội trong thời gian này thì nhiều người lại hiểu lầm thông điệp hoặc không tuân thủ theo. Họ cố gắng trốn thoát khỏi thị trấn và thành phố đang sống để tránh bị cách ly. Cuối tuần trước, nhiều tin tức đã đưa tin về một số địa điểm tại Anh, bao gồm Whitstable, Lake District và Cornwall đang chứng kiến một lượng lớn du khách đổ về. Các công viên ở Luân Đôn cũng trở nên đông kín người dân kéo đến tận hưởng không khí trong lành. Chính điều này đã làm cho luật cách ly xã hội ngày càng trở nên khó khăn hơn.

Do đó, các thương hiệu du lịch ở Anh đang ủng hộ lời kêu gọi của ông Boris Johnson, đi ngược lại các hoạt động quảng cáo thường ngày của họ. Công ty du lịch Visit Cornwall đưa ra thông báo yêu cầu mọi người tránh đến thăm khu vực này, trấn an người dùng bằng những lời lẽ hứa hẹn tích cực như "chúng tôi rất muốn gặp lại bạn vào dịp cuối năm thay vì thời điểm dịch bệnh này".

Những doanh nghiệp khác cũng đã thực hiện thay đổi có chủ đích trong giai điệu thương hiệu, yêu cầu mọi người nên ở nhà, không nên đi du lịch rong thời gian này. Road to the Isles - nhóm du lịch đại diện cho hơn 100 doanh nghiệp ở Scotland, đã kêu gọi mọi người tránh khu vực này để bảo vệ cộng đồng, tránh sự lây lan của dịch bệnh.

National Trust đang có những hành động hữu hiệu hơn. Mặc dù vừa thông báo vào tuần trước rằng họ sẽ mở nhiều công viên và khu vườn miễn phí để giúp mọi người giải quyết vấn đề cách ly xã hội. Nhưng sau đó, họ đã quyết định đóng cửa, vì lượng khách đến đây không thể đảm bảo duy trì khoảng cách. Các địa điểm ven biển và nông thôn vẫnđược mở, tuy nhiên có khả năng họ cũng sẽ bị hạn chế nếu du khách tiếp tục đổ về đây.

Hướng về tương lai tốt đẹp

Khi các thương hiệu du lịch lữ hành thông báo tạm dừng các hoạt động marketing thì nhiều doanh nghiệp vẫn đang tận dụng chúng như một cách để truyền cảm hứng. Điều này nhằm giúp người tiêu dùng an tâm hơn và hy vọng mọi thứ cuối cùng sẽ trở lại bình thường, khuyến khích họ cân nhắc về kế hoạch du lịch trong tương lai thay vì thời điểm hiện tại.

Công ty du lịch Thụy Sĩ là một ví dụ đã thực hiện tốt điều này. Họ đã mang tới cho người dùng trên mạng xã hội hình ảnh một phần của Thụy Sĩ và sử dụng các hashtag như #neverstopdreaming và #staystrong để củng cố tinh thần người dân.

Nhà xuất bản du lịch - Lonely Planet cũng là một ví dụ về doanh nghiệp tập trung vào sự tích cực. Họ đã chuyển sự chú ý của mình sang lợi ích tiềm năng có thể phát sinh từ tình hình hiện tại thay vì tập trung vào các yếu tố tiêu cực. Các nội dung đó có thể kể tới các câu chuyện, tin tức vui vẻ, các nội dung về việc làm thế nào để tận hưởng du lịch tại nhà và hướng dẫn mọi người cách giữ an toàn nếu họ cần di chuyển.

Với các hãng hàng không và các tổ chức khác bị ảnh hưởng trực tiếp nhiều hơn, một trong những điều nên làm là hỗ trợ khách hàng tối đa, tạo điều kiện cho mọi người hủy bỏ chuyến đi và hoàn tiền. Tất nhiên, nhiều người cũng khuyến khích khách hàng nên hoãn các chuyến đi thay vì hủy bỏ chúng với hy vọng mọi thứ sẽ có thể trở lại bình thường sớm hơn trong thời gian tới.

Một thông tin tích cực khác từ một báo cáo gần đây của Izea cho thấy, việc cách ly xã hội có thể dẫn đến sự gia tăng của người tiêu dùng vào các ngày lễ trong tương lai. Cuộc khảo sát cho thấy, 55% người tiêu dùng tại Mỹ, những người thường đi du lịch năm lần trở lên mỗi năm nói rằng họ 'có thể' hoặc 'sẽ' thực hiện một kỳ nghỉ trong tương lai sau khi bị cách ly tại nhà trong thời gian dịch bệnh Covid-19. Tỷ lệ này tăng lên 61% với những người được khảo sát thường xuyên đi du lịch vì mục đích kinh doanh.

Hành động tích cực

Khi các tổ chức thực hiện các bước để mô tả một thái độ hy vọng, thì một số tổ chức cũng đang có hành động chủ động hơn để đóng góp tích cực vào tình hình.

Ví dụ, ứng dụng giao thông Citymapper đã phát hành một bản nâng cấp tên là "Mobility index" nhằm cập nhật cung cấp cho người dùng cách mà mọi người ở các thành phố trên thế giới di chuyển như thế nào. Tính năng này (dựa trên dữ liệu của ứng dụng) đã cho thấy rằng 31% dân số London vẫn đang di chuyển xung quanh thành phố vào thứ 6 ngày 20-3, mặc cho khuyến cáo của chính phủ là nên ở nhà. Phần lớn trong số đó là các lao động trọng yếu, do đó họ vẫn bắt buộc phải di chuyển đến nơi làm việc. Tính năng này đặc biệt thú vị khi được dùng để so sánh có bao nhiêu người đang di chuyển ở thành phố này so với các thành phố khác, nơi đại dịch đang lan rộng nhanh chóng. 

Một số doanh nghiệp khác trong ngành du lịch cũng đang làm hết sức để hỗ trợ khách hàng cũng như những người bị ảnh hưởng trực tiếp bởi Covid-19. Ví dụ, Prestige Travel là một trong nhiều công ty du lịch nới lỏng chính sách đặt phòng và miễn phí cho khách hàng thay đổi ngày hoặc điểm đến các chuyến đi tiếp theo. Theo Telegraph, Prestige Travel cũng đang tập trung vào cam kết "12 tháng hành động tốt" của mình tới những người bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19, bắt đầu từ tháng 1, ví dụ như tạo ra các gói chăm sóc người già.

Telegraph cũng báo cáo về việc Experience Travel Group - một nhà tổ chức tour du lịch có trụ sở tại London, đã bắt đầu tiếp cận với người dân địa phương và các nhân viên tình nguyện để giúp mọi người cách ly xã hội với các hoạt động hỗ trợ như mua sắm hộ hàng hóa hoặc các việc vặt khác.

Một trong những hậu quả của dịch bệnh Covid-19 là khiến nhiều người làm trong ngành du lịch và khách sạn buộc phải nghỉ việc. Những lĩnh vực khác như siêu thị hay cửa hàng tạp hoá may mắn hơn, họ có thể cắt giảm những yếu tố khác để duy trì hoạt động. Mới đây, cả siêu thị Lidl và Asda đang tung ra các đợt tuyển dụng để thuê những người mất việc từ các công ty du lịch hoặc khách sạn sang làm cho họ.

Ngành du lịch cần chuẩn bị tinh thần để đối mặt với những hệ quả trong tương lai, và rất nhiều trong số đó còn chưa được xác định cụ thể. Nhưng sự tập trung sẽ được phân bổ vào những mảng vẫn có thể kiểm soát được - chẳng hạn như chăm sóc khách hàng, cũng như các hành động mang tính nhân ái để giúp đỡ cộng đồng.

Phương Thảo - MarketingAI

Theo econsultancy

Bình luận của bạn

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bình luận không đăng nhập

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.