Ngành hàng không Việt Nam đang thấy những bước tiến vượt bậc trên thị trường, khi hàng loạt các thương hiệu mới ra mắt. Đây được xem là thị trường chưa được quan tâm đúng mức, và suốt nhiều năm chỉ là sự độc quyền của Hãng hàng không quốc gia Vietnam Airlines và tới rất lâu sau này, sự xuất hiện của Vietjets mới đem lại chút cạnh tranh cho thị trường hàng không cũng như đem đến nhiều cơ hội di chuyển thuận tiện cho tất cả các đối tượng trong xã hội. Bamboo Airways của tập đoàn FLC ra mắt năm ngoái chính là tín hiệu cho thấy sự phát triển của những hàng không tư nhân. Gần đây nhất, sau khi không thỏa thuận về thương vụ với AirAsia, thì Thiên Minh Group đã thành lập CTCP Hàng không Thiên Minh với vốn điều lệ 1000 tỷ đồng.
Những điểm gì đáng chú ý trong thông cáo báo chí của Thiên Minh Group? Hãy đọc bài viết dưới đây để biết thêm thông tin chi tiết.
Thiên Minh Group sẽ cho ra mắt thương hiệu hàng không của riêng mình
Dữ liệu trên Cổng thông tin quốc gia về đăng ký doanh nghiệp cho biết ông Trần Trọng Kiên, Chủ tịch HĐQT Thiên Minh Group, đã đứng ra thành lập Công ty Cổ phần Hàng không Thiên Minh vào ngày 13/6 vừa qua.
Công ty hàng không mới này có vốn điều lệ lên tới 1.000 tỷ đồng và ngành nghề kinh doanh chính là vận tải hành khách hàng không, trụ sở chính đặt tại số 187 Lý Thường Kiệt, thành phố Hội An, tỉnh Quảng Nam. Ngoài ra, Công ty Hàng không Thiên Minh cũng đăng ký một số lĩnh vực kinh doanh như sửa chữa và bảo dưỡng phương tiện vận tải (trừ ôtô, môtô, xe máy và xe có động cơ khác); vận tải hàng hóa hàng không; và đặc biệt là cho thuê máy bay.
Trong đó, ngành nghề kinh doanh cho thuê máy bay chính là mã ngành quan trọng với các hãng hàng không giá rẻ mới thành lập, tiêu biểu là Vietjet Air và Bamboo Airways tại thị trường Việt Nam. Đây là mã ngành bắt buộc với các hãng nếu muốn thực hiện chiến lược Sale and Leaseback (bán và thuê lại) tàu bay. Có thể thấy dựa theo những gì tìm hiểu được, thì hãng hàng không này sẽ có TA (Target Audience) giống với Vietjets hay Bamboo Airways, dự báo sẽ có màn tranh giành thị phần khá khốc liệt trong ngành hàng không Việt Nam.
>>> Xem thêm: Chiến lược Marketing của công ty du lịch Vietravel
Hãng này có 3 cổ đông góp vốn chính, trong đó ông Trần Trọng Kiên góp 600 tỷ đồng, tương đương 60% vốn; Công ty Cổ phần Du lịch Thiên Minh góp 300 tỷ, chiếm 30%; và bà Trần Hằng Thu góp 100 tỷ đồng, tương đương 10%.
Công ty hàng không này được ông Kiên thành lập trong bối cảnh tháng 4 vừa qua, Thiên Minh Group và AirAsia vừa chấm dứt hợp tác trong việc thành lập một liên doanh. Vốn điều lệ của công ty mới thành lập này cũng đúng bằng vốn dự kiến của liên doanh hãng hàng không hai bên thỏa thuận trước đó là 1.000 tỷ đồng (phía Việt Nam sở hữu 70%, AirAsia nắm 30%).
Hồi tháng 4, AirAsia đã phát đi thông báo về việc chấm dứt hợp tác cùng Thiên Minh Group để thành lập hãng hàng không giá rẻ tại thị trường Việt Nam sau hơn 1 năm đàm phán. Ông Trần Trọng Kiên (Chủ tịch kiêm Tổng giám đốc, đồng thời là cổ đông lớn nhất tại Công ty Hàng không Thiên Minh) sau đó cũng cho biết nguyên nhân khiến hai bên dừng hợp tác là không tìm được tiếng nói chung trong các thỏa thuận.
Tuy nhiên, cả AirAsia và phía Thiên Minh Group đều khẳng định vẫn sẽ tham gia thị trường hàng không theo cách của riêng mình. Trong khi AirAsia vẫn chưa thể tìm ra cách để gia nhập thị trường hàng không Việt Nam sau 4 lần thất bại, phía Thiên Minh Group đã đi trước bằng việc thành lập công ty hàng không vốn nghìn tỷ.
Ngoài Công ty Hàng không Thiên Minh mới thành lập, trong hệ thống của Thiên Minh Group còn có Công ty Cổ phần Hàng không Hải Âu được thành lập năm 2011 cũng kinh doanh vận tải hàng không. Tuy nhiên, hoạt động chính của Hải Âu là loại hình thủy phi cơ phục vụ du lịch. Hiện tại, Công ty lữ hành Vietravel cũng đang trong quá trình xin giấy phép hoạt động cho hãng hàng không Vietravel Airlines với vốn điều lệ 300 tỷ đồng.
Kết
Có thể sắp tới, với những tiềm năng lớn về thị trường du lịch, ngành hàng không Việt Nam sẽ chứng kiến sự đổ bộ của một loạt các thương hiệu khác. Hãy cùng chờ xem, với phân khúc giá rẻ này, thì các hãng sẽ làm những gì để có thể đánh bật sự độc chiếm của Vietjet Air hiện tại?
Xem thêm: Bamboo Airways: “Ngôi sao” mới của ngành hàng không Việt Nam?
Thắng Nguyễn - MarketingAI
Theo Zing.vn
Bình luận của bạn