Chúng ta sắp đánh dấu tròn một năm kể từ ngày thực hiện đợt giãn cách xã hội lần đầu tiên. Đã một năm trôi qua và mọi người đều đã thấy cuộc sống, công việc, hoạt động xã hội và và gia đình bị bó buộc như thế nào trong bốn bức tường. Khi tất cả dần quen với việc tương tác với bạn bè, gia đình và thậm chí với thương hiệu theo những cách mới, thì đã có rất nhiều tác động lớn ảnh hưởng đến mọi khía cạnh của marketing, từ việc thực hiện chiến lược kết hợp đa kênh đến việc thay đổi cách thức truyền tải thông điệp, ở thời điểm mà các doanh nghiệp buộc phải thích nghi với những thay đổi về nhu cầu, thái độ và yêu cầu của người tiêu dùng - những thứ được mang lại bởi một lối sống mới bị ràng buộc trong một ngôi nhà.
Trong bài viết này, MarketingAI sẽ cùng bạn xem xét một số cách mà các thương hiệu có thể tận dụng từ các bài học trong 10 tháng qua để thu hút người tiêu dùng tốt hơn, thông qua home-bound marketing và tận dụng các xu hướng mới trong hành vi mua hàng để thúc đẩy doanh số bán hàng.
>>> Có thể bạn quan tâm: Inbound Marketing là gì
Cuộc sống gói gọn trong một màn hình nhỏ nhất
Hàng loạt các cửa hàng bị đóng cửa đã khiến cho nhu cầu ngày càng tăng của người tiêu dùng đối với thương mại điện tử lên một tầm cao mới. Khi các thương hiệu còn chưa kịp có cơ hội xoay chuyển chiến lược của họ, từ đầu tháng 4 trở đi, doanh thu từ thương mại điện tử bắt đầu tăng đột biến lên đến 50%, mặc dù ngân sách marketing dành cho thương mại điện tử của các thương hiệu vẫn không có xu hướng tăng cho đến đầu tháng 6. Lĩnh vực bán lẻ đột nhiên mất đi một kênh bán hàng truyền thống và việc mua sắm giờ đây đều chuyển lên các kênh bán hàng trực tuyến, cửa hàng ảo, đối với mọi doanh nghiệp lớn nhỏ.
Doanh nghiệp TMĐT tại Anh báo cáo doanh thu tăng đột biến 50% trong thời gian giãn cách xã hội (Ảnh: internetretailing)
Dù nhiều người đã quen với việc mua sắm online trên các sàn thương mại điện tử như Asos hoặc Amazon, nhưng giờ đây, không chỉ có Amazon và Asos bán hàng online mà tất cả các thương hiệu đều làm vậy, điều đó khiến người tiêu dùng ở mọi lứa tuổi phải tập làm quen với việc tương tác ảo với họ. Sự thay đổi này càng nhấn mạnh thêm tầm quan trọng của trải nghiệm người dùng số và các doanh nghiệp phải xem xét tất cả các khía cạnh ảnh hưởng đến sự tương tác giữa họ và người tiêu dùng trên nền tảng trực tuyến, từ lần truy cập đầu tiên đến quy trình giao trả hàng hóa và khiếu nại từ xa.
Thương hiệu nào có thể hiểu và giải quyết được những khó khăn, rào cản của người tiêu dùng, đồng thời đáp ứng được các nhu cầu của họ, không chỉ là đối với một bộ phận khách hàng trẻ tuổi, những người đã quen với việc sử dụng các phương tiện số, mà còn là với những người lần đầu tiên mua hàng qua các nền tảng thương mại điện tử, sẽ gặt hái được những thành công trong tỷ lệ chuyển đổi.
Sự phụ thuộc mới này vào thương mại điện tử cũng đã chứng kiến một bước tiến lớn trong công nghệ kỹ thuật số nhằm hỗ trợ lĩnh vực đang lên này, đồng thời là sự ra đời của một số công cụ marketing mới vô cùng mạnh mẽ giúp tận dụng tối đa lượng khán giả khổng lồ là những người đang mua sắm tại nhà. Một ví dụ tuyệt vời về sự phát triển này là sự bùng nổ của ngành công nghiệp livestream bán hàng tại Trung Quốc. Xu hướng mua bán hàng hóa qua livestream tại Trung Quốc đã dẫn đầu trong năm qua và hiện đang tăng tốc trên toàn thế giới, với sự kết hợp của nhiều yếu tố cùng một lúc trong cùng một livestream, từ việc giới thiệu và đánh giá sản phẩm theo thời gian thực, đến việc sáng tạo ra tính năng trò chuyện trực tiếp và mua hàng ngay trong nền tảng - tất cả đã tạo ra một cú hit lớn đối với các nhà bán lẻ trực tuyến. Người ta dự đoán rằng ngành công nghiệp livestream bán hàng có thể tạo ra doanh thu hơn 1 tỷ yên (150 tỷ đô la) vào năm 2020, khiến nó trở thành một lựa chọn hấp dẫn đối với các nhà bán lẻ, đặc biệt là các nhà bán lẻ đang gặp khó khăn trong việc kinh doanh tại các cửa hàng.
Livestream bán hàng - ngành công nghiệp nở rộ tại Trung Quốc và xâm chiếm các khu vực trên thế giới (Ảnh: Fashionnetwork)
Giải quyết các thách thức hàng ngày của khách hàng từ xa
Phải nói rằng ngành công nghiệp làm tóc là một trong những ngành bị ảnh hưởng nhiều nhất trong năm 2020. Các thợ làm tóc là những người bị thiệt thòi hơn nhiều so với những nhân viên bán lẻ khác, ít nhất là thiệt thòi hơn ngành thời trang, khi không có phương pháp “ảo” nào có thể giúp người dùng tận hưởng được cảm giác có một mái đầu mới nổi bật hoặc một kiểu tóc mới hoàn hảo.
Các thương hiệu trong lĩnh vực chăm sóc tóc đã nhanh chóng thừa nhận điều này, đồng thời tìm ra một phương pháp thông minh để vẫn có thể kết nối với khách hàng của họ trong thời gian giãn cách xã hội. Đó là việc tạo ra các hướng dẫn tạo kiểu tóc tại nhà và các nội dung hướng dẫn khác, giúp khách hàng có thể cố gắng tự làm tóc tại nhà.
Các video hướng dẫn thực hiện (how-to videos) và hướng dẫn tại nhà (home tutorials) tất nhiên không phải là điều gì quá mới mẻ trong thế giới marketing, nhưng với việc người dùng dành nhiều thời gian online hơn trước đây, ngày càng có nhiều người sử dụng các ứng dụng như TikTok để tạo và chia sẻ những video hấp dẫn. Đến tháng 4 năm 2020, nền tảng này đã đạt được lượt tải xuống hơn 2 tỷ lần. Thanh thiếu niên hay người lớn đều xem các clip demo hoặc mẹo vặt cuộc sống trên TikTok, nhiều đến nỗi các thương hiệu lớn như Nike, Lush và Gucci đã nhảy vào cuộc đua vì rõ ràng ứng dụng này đang định hình lại hành vi mua sắm.
Lượt tải xuống TikTok trên toàn cầu tính theo quý (Ảnh: SensorTower)
Nhưng đối với các doanh nghiệp truyền thống phụ thuộc nhiều hơn vào tình hình kinh doanh tại cửa hàng, một xu hướng khác đã nổi lên đó là việc sử dụng ngày càng tăng các công nghệ mới nhằm cung cấp dịch vụ thực sự hữu ích và có giá trị cho khách hàng tại nhà. Ví dụ: các thương hiệu DIY và trang trí nhà đang cung cấp các ứng dụng và công cụ tinh vi giúp khách hàng chỉ cần tải lên hình ảnh phòng và sơ đồ tầng là có thể xem các gợi ý về màu sơn và cách bố trí nhà bếp sao cho hợp lý với nhà của mình.
Bằng cách cung cấp các nội dung thiết thực, mang lại nhiều thông tin và giá trị hữu ích, giúp giải quyết một số thách thức mới mà chúng ta đang phải đối mặt trong một thế giới bị ràng buộc trong 4 bức tường hiện nay, các thương hiệu không chỉ có cơ hội gia tăng chuyển đổi doanh số bán hàng trực tuyến mà còn xây dựng được một sợi dây kết nối có ý nghĩa thực sự với khách hàng của mình, thông qua việc cung cấp một thứ gì đó có lợi để đổi lại sự chú ý của họ. Loại hình chiến dịch này đang ngày càng cho thấy được những tác động hiệu quả trong thời đại mà người tiêu dùng quá dễ dàng lướt qua một nội dung và không thực sự bị hấp dẫn bởi điều gì. Nhiều khả năng chúng ta sẽ được thấy nhiều thương hiệu tự định vị mình thông qua nội dung và chiến dịch marketing với tư cách là người giải quyết vấn đề / nhà cung cấp giải pháp cho người tiêu dùng trong năm 2021 tới.
Xây dựng thương hiệu thông qua kết nối cảm xúc
Khi các công ty đang cân nhắc việc sử dụng các cách tiếp cận thực tế để tương tác và cung cấp giá trị cho khách hàng thông qua home-bound marketing, họ cần phải nhớ một điều đó là sự kết nối cảm xúc giữa thương hiệu và người tiêu dùng vẫn luôn đóng một vai trò quan trọng. Điều này đặc biệt thích hợp trong những thời điểm đáng lo ngại hiện nay và nghiên cứu từ Hiệp hội Dữ liệu và Tiếp thị cho thấy 74% các thương hiệu hiện đang tập trung đổi mới sự giao tiếp của họ, hướng tới sự nhân ái hơn với khách hàng.
Kết nối cảm xúc giúp thúc đẩy thương hiệu trong thời gian dịch bệnh (Ảnh: Brand Building Strategy)
Đối mặt với tình trạng doanh số bán hàng giảm liên tục và việc các cửa hàng đóng cửa hàng loạt trên các con phố sầm uất, có thể nhiều thương hiệu nghĩ rằng nên tập trung ngân sách marketing vào hoạt động livestream bán hàng hoặc tạo khách hàng tiềm năng hơn là các chiến dịch xây dựng thương hiệu, nhưng có lẽ họ đã quên rằng, đây là thời điểm tốt nhất để xây dựng hình ảnh và độ nhận diện thương hiệu, vì người tiêu dùng sẽ ngày càng có xu hướng tìm kiếm các thương hiệu quen thuộc và đáng tin cậy hơn để tương tác.
Các chuỗi siêu thị và nhà bán lẻ lớn đã nhanh chóng nhận ra cơ hội này vào đúng dịp Giáng sinh vừa qua, khoảng thời gian cao điểm của những lễ hội lớn nhất trên thế giới và những chiến dịch với ngân sách “khủng” diễn ra mỗi năm. Thay vì đổi mới chiến thuật và tập trung mạnh vào sản phẩm và thông điệp bán hàng, hầu hết các thương hiệu đã chọn tiếp tục xây dựng mối quan hệ tình cảm của họ với khách hàng bằng cách sáng tạo nên những quảng cáo phản ánh chân thực các thách thức chung mà con người đang phải đối mặt, đồng thời mang lại giây phút thoải mái và / hoặc hoài niệm hơn. Theo bảng xếp hạng các quảng cáo ra mắt trong dịp Giáng Sinh của System 1, ba quảng cáo dẫn đầu danh sách là của Coca-Cola, Aldi và DFS. Đặc điểm chung của 3 quảng cáo này là đều có các nhân vật và tình huống nổi bật mà người tiêu dùng đã quen thuộc, cũng như chứa đựng một câu chuyện đầy cảm xúc.
Kết
Việc chấm dứt hoàn toàn các lệnh giãn cách xã hội vẫn đang chỉ là một tia sáng mà người ta hy vọng sẽ xảy ra vào một tương lai không xa, nên vẫn còn rất nhiều thời gian để các thương hiệu điều chỉnh kế hoạch marketing của mình, nhằm phản ánh đúng những thay đổi trong hành vi và yêu cầu của người tiêu dùng. Những người chiến thắng sẽ là những người xác định và tận dụng tốt các cơ hội do home-bound marketing mang lại, từ đó thắt chặt hơn mối quan hệ với khách hàng, duy trì sự lâu dài dù cho có bất kể điều gì xảy ra.
Tô Linh - MarketingAI Theo Thedrum
>> Có thể bạn quan tâm: Các chuyên gia nói gì về xu hướng trải nghiệm khách hàng năm 2021?
Bình luận của bạn