10 năm về trước, Uniqlo chỉ là một thương hiệu nhỏ bé nằm gọn trong phạm vi lãnh thổ Nhật Bản. Tuy nhiên, đến thời điểm hiện tại, Uniqlo đã vươn ra toàn cầu với ấn tượng mạnh mẽ về một thương hiệu thời trang tân tiến, chất lượng cao và giá cả vừa tầm. Sau nhiều năm ấp ủ tham vọng với thị trường Việt Nam, thương hiệu thời trang này đã lần lượt đặt chân đến Sài Gòn và Hà Nội trong năm 2019, 2020.
Hãy cùng Marketing AI nhìn lại hành trình của Uniqlo trên đất Việt!
Nuôi tham vọng từ 10 năm về trước
Cuối năm 2019, Uniqlo đặt dấu chân đầu tiên trên đất Việt với cửa hàng Uniqlo Đồng Khởi. Đại diện công ty chia sẻ, trong hơn 2000 cửa hàng của Uniqlo, điểm đến Đồng Khởi là cửa hàng có có thiết kế tốt nhất với nghệ thuật trưng bày và bố trí sản phẩm hài hòa, hệ thống vận hành đảm bảo. Đây được xem là mô hình chuẩn cho các cửa hàng khác của Uniqlo.
Ông Osamu Ikezoe, Tổng giám đốc Uniqlo Việt Nam cho biết: “10 năm trước, chúng tôi đã bắt đầu mong muốn được thử thách tại thị trường Việt Nam”. Sau quãng thời gian chuẩn bị khá dài, Uniqlo chính thức tham chiến trên thị trường thời trang Việt - một thị trường non trẻ và cũng ẩn chứa rất nhiều tiềm năng.
Đến tháng 3/2020, Uniqlo thẳng tiến ra Hà Nội với cửa hàng Uniqlo tại Vincom Phạm Ngọc Thạch. Hai cửa hàng Uniqlo tại Việt Nam đều thuộc diện lớn nhất trong khu vực Đông Nam Á. Tuy nhiên, đây chưa phải con số cuối cùng, bởi tham vọng của Uniqlo trên đất Việt còn nhiều hơn thế. Ông Koyama Noriaki, Phó chủ tịch Tập đoàn Uniqlo cho biết, thương hiệu này có kế hoạch mở ít nhất 3 cửa hàng nữa tại Hà Nội. Trong vòng 3 đến 5 năm tới, Uniqlo sẽ tiếp tục tăng lượng cửa hàng tại cả Hà Nội và TpHCM.
Đúng như lộ trình đã đề ra, tháng 5 và tháng 6 vừa qua, Uniqlo lần lượt khai trương thêm hai cửa hàng mới thuộc khu vực miền Nam. Các cửa hàng này đặt tại SC VivoCity và Vincom Landmark 81. Đến, ngày 24 tháng 8, Uniqlo thông báo sẽ mở thêm hai cửa hàng mới tại các trung tâm thương mại Vincom Center Metropolis và Aeon Mall Long Biên.
Đây đều là những vị trí đắc địa của hai thành phố lớn nhất nước ta, được kỳ vọng sẽ góp phần mở rộng và củng cố thương hiệu Uniqlo tại Việt Nam với các dòng sản phẩm LifeWear.
Bên cạnh đó, ông Osamu Ikezoe cũng cho biết, Uniqlo có kế hoạch mở rộng sản xuất tại Việt Nam. Trước đây, các sản phẩm của thương hiệu này chủ yếu sản xuất ở Trung Quốc, theo thời gian, các nhà xưởng lần lượt được mở thêm tại Indonesia, Ấn Độ, và giờ là Việt Nam. Việc mở cửa hàng tại nơi sản xuất sẽ tiết kiệm thời gian và chi phí đưa sản phẩm từ xưởng đến các kệ trưng bày, tạo ra nguồn lợi nhuận không nhỏ cho thương hiệu.
Chiến thuật “Nhập gia tùy tục”
Uniqlo Đồng Khởi đặc biệt chú trọng bày bán nhiều sản phẩm dành riêng cho thị trường Việt Nam. Bên cạnh đó còn mở ra dịch vụ in áo phông theo thiết kế riêng khiến khách hàng đặc biệt hứng thú.
Trong khi đó, điểm nhấn của Uniqlo Vincom Phạm Ngọc Thạch toàn bộ sản phẩm trong dòng sản phẩm UT (Áo thun Uniqlo) nổi tiếng được trưng bày trong một khu vực riêng biệt. Hình thức trưng bày này không phải cửa hàng Uniqlo nào cũng có. Trong khu trưng bày này có bộ sưu tập UT Mickey Stands Việt Nam kết hợp các họa tiết độc quyền của Uniqlo với những hình ảnh đậm chất Việt Nam như hoa sen, nón lá,... Đây là bộ sưu tập dành riêng cho thị trường Việt Nam.
Ngoài ra, các tín đồ Uniqlo còn có thể trải nghiệm UTme! và tự do sáng tạo từ những chiếc áo thun với những họa tiết thiết kế “độc nhất vô nhị” mà Uniqlo đã hợp tác cùng Họa sỹ Vũ Anh Tuấn để tạo ra.
Uniqlo đã ra mắt các khách hàng bộ sưu tập 20 họa tiết thân thương và gần gũi với nếp sống thủ đô như áo dài, xe xích lô, những hoạt động thường ngày bên bờ Hồ Hoàn Kiếm,... Những họa tiết này không chỉ tôn vinh mảnh đất Kinh kỳ, mà còn đưa sản phẩm của Uniqlo nhanh chóng “nhập gia tùy tục”.
Một điểm đáng khen nữa của Uniqlo là hành động nâng cao nhận thức xã hội về vấn đề sử dụng và rác thải nhựa. Thương hiệu này đã bắt tay với Tòhe, một doanh nghiệp xã hội của Việt Nam để tổ chức các sân chơi nghệ thuật cùng nhiều hoạt động sáng tạo hoàn toàn miễn phí dành cho những em nhỏ có hoàn cảnh đặc biệt.
Hành động này vừa thể hiện mong muốn đóng góp cho công cuộc bảo vệ môi trường, đồng thời bộc lộ “tấm chân tình” của Uniqlo khi sẵn sàng tiếp cận người tiêu dùng Việt thông qua những nét đẹp văn hóa, giá trị và bản sắc dân tộc Việt.
Lấy khách hàng làm trọng tâm - Chiến lược marketing “bất khả chiến bại”
Ông Osamu Ikezoe cho biết, từ khi đặt chân đến Việt nam, Uniqlo luôn được truyền cảm hứng từ lịch sử lâu đời và nét văn hóa độc đáo của Thủ đô Hà Nội nói riêng, và về đất nước, con người Việt Nam nói chung. Cảm hứng ấy là tiền đề sáng tạo cho Uniqlo tạo ra một không gian mua sắm đẳng cấp quốc tế, lại hài hóa với văn hóa bản địa của người Việt. Không gian này không những mang lại trải nghiệm mua sắm độc đáo mà còn khiến người tiêu dùng cảm nhận được sự tôn trọng văn hóa bản địa mà Uniqlo dành cho thị trường Việt.
Có thể nói, sáng tạo và tôn vinh văn hóa bản địa là là nỗ lực đáng ghi nhận của Uniqlo trong hành trình chinh phục khách hàng. Để có được thứ hạng trên toàn cầu cũng như thị phần rộng lớn tại Việt Nam, Uniqlo đã có những bước đi phù hợp với văn hóa như tuyên bố trước đó của thương hiệu: lấy khách hàng làm trọng tâm.
Với phương châm luôn tiếp cận các vấn đề từ góc độ khách hàng, Uniqlo yêu cầu các nhân viên đánh giá mọi thứ từ góc độ người tiêu dùng, luôn phải xem xét những việc mình làm sẽ mang lại lợi ích gì cho khách hàng, có đáp ứng được yêu cầu của khách hàng không? Tất cả các bộ phận của Uniqlo đều phải tuân thủ theo giá trị cốt lõi này.
Uniqlo là một thương hiệu toàn cầu, chính vì vậy khi về Việt Nam, thương hiệu này không chỉ tiếp thu và phát huy những giá trị liên quan đến bản sắc dân tộc, mà còn tích hợp với các xu hướng trên thế giới. Sự giao thoa này mang đến những giá trị độc đáo và mới mẻ cho người tiêu dùng, đây cũng là điểm nhấn của Uniqlo trên thị trường Việt, được đông đảo khách hàng yêu thích.
Uniqlo cũng khá “chịu chơi” trong việc đầu tư cho các chiến dịch Digital marketing, trước thềm khai trương cửa hàng, thương hiệu này đã đẩy mạnh quảng cáo trên các nền tảng mạng xã hội và các phương tiện truyền thông đại chúng khác.
Những buổi khai trương cửa hàng tại Việt Nam của Uniqlo cũng không kém phần “đình đám” và thu hút báo giới bởi sự tham gia của hàng loạt các KOLs, Influencers Việt. Sự góp mặt này khiến các tín đồ thời trang trong nước thêm phần “phấn khích” cũng như dành sự quan tâm nhiều hơn cho Uniqlo.
Ngày mai, tức 25/9, Uniqlo chính thức khai trương cửa hàng mới tại Vincom Center Metropolis, tuy là cửa hàng thứ 2 tại Hà Nội và thứ 5 trên toàn quốc, nhưng các "tín đồ" thời trang Việt vẫn quan tâm nhiều tới sự kiện này, hứa hẹn sẽ tiếp tục là một "bữa tiệc" khai trương bùng nổ và sôi động.
Cùng với Zara, H&M, Uniqlo từng bước chen chân vào thị trường thời trang Việt Nam. Mang theo lợi thế thương hiệu, nhưng Uniqlo cũng là một “người chơi” khá thận trọng khi đưa yếu tố văn hóa bản địa và phương châm lấy khách hàng là trọng tâm lên hàng đầu. Đây sẽ là một thách thức lớn cho các Local Brands trong cuộc đua giành giật thị phần.
Huyền Nguyễn - Marketing AI
>> Có thể bạn quan tâm: Tân Hiệp Phát: Làm marketing theo phong thái “đại gia” và giấc mộng “ngôi vương” Châu Á
Bình luận của bạn