Hoa hậu Ý Nhi có lẽ là cái tên "nhộn nhịp" nhất trong những ngày vừa qua khi được nhắc tới trong hàng loạt những lùm xùm về phát ngôn. Nhưng nàng hậu đến từ Bình Định bị ghét bỏ vì có những phát ngôn “vạ miệng” liệu có đáng? Truyền thông thực sự không dắt mũi chúng ta?
Chuyện gì đang xảy ra trên mạng xã hội những ngày qua?
Đăng quang được hơn 1 tuần, Miss World Vietnam 2023 Huỳnh Trần Ý Nhi hiện vẫn đang trở thành tâm điểm bàn tán của cộng đồng mạng bởi những phát ngôn "vạ miệng" của mình. Group anti-fan của nàng hậu trên nền tảng mạng xã hội Facebook có số lượng thành viên tăng chóng mặt, đạt gần 400.000 thành viên (tính đến chiều ngày 2/8). Đây là con số chưa từng thấy trong giới hoa hậu ở Việt Nam bởi trước đó, những người từng được biết đến có hội anti đông đảo như Hương Giang, Thiên Ân, Bảo Ngọc cũng chưa từng vượt quá con số 100.000 người. Nhiều khán giả còn yêu cầu ban tổ chức tước vương miện của cô.
Đỉnh điểm là trong buổi trả lời phỏng vấn gần đây nhất, khi được yêu cầu kể tên 3 người nổi tiếng quê ở Bình Định, Ý Nhi đáp: "Em, nhà thơ Hàn Mặc Tử và vua Quang Trung". Việc tự cho mình là người nổi tiếng và liệt kê bản thân trước nhân vật lịch sử là vua Quang Trung khiến Ý Nhi nhận về nhiều "gạch đá". Không những thế, việc nàng hậu cho rằng nhà thơ Hàn Mặc Tử quê ở Bình Định đã khiến nhiều người ngán ngẩm vì sai kiến thức căn bản. Trước đó, Ý Nhi cũng từng gây tranh cãi vì phát ngôn thiếu cẩn trọng về bạn trai và bạn bè đồng trang lứa.
Truyền thông đáng sợ như thế nào?
1. Cắt ghép những phân đoạn nhạy cảm dễ gây hiểu lầm nhằm mục đích câu view
Từ ngay sau khi đăng quang cho đến hiện nay, Hoa hậu Ý Nhi đã làm truyền thông "dậy sóng" với nhiều trích đoạn trả lời phỏng vấn thiếu tinh tế và gây nhiều tranh cãi. Tuy nhiên, nếu theo dõi toàn bộ quá trình trả lời của HH Ý Nhi thì bạn sẽ nhận ra những phân đoạn được show off không hoàn toàn tiêu cực, một chiều đến vậy. Cụ thể:
"Bạn trai phải thay đổi để theo kịp tôi"
"Trong khi bạn bè đồng trang lứa với tôi chỉ dành thời gian để ngủ, để chơi, để uống trà sữa thì tôi đã tham dự cuộc thi hoa hậu."
Đây không phải là lần đầu tiên, giới showbiz, những người nổi tiếng trở thành nạn nhân của những chiêu trò cắt ghép câu view. Trước đó, chủ nhân hit Người Âm Phủ cũng đã từng bị chỉ trích gay gắt về phát ngôn gây tranh cãi: "Hai năm nữa tôi sẽ thay thế anh Binz". Netizen chỉ trích việc nam rapper “tự cao tự đại” và dù ngay trong buổi tối đó OSAD đã đăng tải thông tin và đính chính nhưng dường như cộng đồng mạng vẫn luôn ghim những thông tin tiêu cực được lan truyền trước đó.
Hay Taylor Swift cũng đã từng khiến cộng đồng dậy sóng và nhận về tẩy chay dữ dội, thậm chí họ còn gọi cô là “rắn độc” chỉ vì một đoạn video vô căn cứ không rõ nguồn gốc (mà sau này được đính chính lại là cắt ghép) được đăng tải bởi Kanye West. Và tới tận 4 năm sau, "công chúa nhạc đồng quê" mới có cơ hội giải oan cho mình.
Từ sự việc của Hoa hậu Ý Nhi và các trường hợp tương tự khác chúng ta có thể thấy một “công thức” câu view trên mạng xã hội đáng sợ hơn chúng ta nghĩ. Thay vì đăng tải thông tin đính chính, xác thực, thì lại cố tình đi những bài báo, tin tức đào sâu vào cá nhân, làm nổi bật các tin tiêu cực gây tranh cãi. Bởi những cuộc tranh cãi thường sẽ tạo ra những cuộc thảo luận bùng nổ. Nó chắc chắn sẽ thu hút sự chú ý của mọi người, dù họ có không thích hay có đang nghe thấy hay không.
Các trang tin tức, mạng xã hội chỉ chăm chăm tập trung giật title mà không cần biết thực hư thế nào, thậm chí họ còn cố tình “đổi trắng thay đen”, tạo ra những phe đối lập, hàng trăm, hàng nghìn bình luận ác ý về một vấn đề nào đó. Mượn sức mạnh của truyền thông để thu về những lợi ích riêng.
Một số thông tin thậm chí còn được xử lý qua cắt ghép, chỉnh sửa, làm giả… nhằm mục đích câu view, kêu gọi sự đồng cảm, truyền đi thông tin xấu, sai lệch. Vô hình chung cộng đồng mạng bị gắn mác “toxic” trên mạng xã hội.
2. Lợi dụng sự viral từ những thông tin tiêu cực khiến độc giả “sập bẫy”
Hời hợt, vội vàng... có thể là những gì mà đa số chúng ta đang thể hiện trong thời đại "bội thực tin tức" ngày nay. Chúng ta vội tin vào những gì chúng ta mới đọc lướt, cũng chẳng cần tìm hiểu đúng sai, hay gốc rễ của chúng mà đã vội thẳng tay lên án, tẩy chay về sự việc, vấn đề đó. Nhiều người thậm chí còn chẳng cần biết thông tin đó là gì, mà chỉ đơn giản là hùa theo đám đông.
Mặt khác, theo tâm lý học truyền thông, con người nhìn chung đều thích các dạng tin giật gân, gây sốt hay còn gọi là “tin drama”, nhất là còn liên quan đến giới nghệ sĩ. Điều này tạo ra kẽ hở khiến giới truyền thông lấy làm cớ để có thể trục lợi riêng. Những ngày vừa qua, hàng loạt các fanpage, cùng với các trang tin điện tử đã đồng loạt đưa tin về Hoa hậu Ý Nhi, tốt có, xấu có, nhưng nhìn chung đều mục đích ăn theo sự việc để tăng tương tác và thu hút luồng sóng dư luận.
Độc giả đều đang là nạn nhân của truyền thông
1. Truyền thông đang ảnh hưởng như thế nào?
Theo Psychology Today, não bộ con người có xu hướng thiên vị tin xấu hơn tin tốt. Đó cũng là những negativity bias (thiên kiến tiêu cực) trong cuộc sống, khuynh hướng chúng ta chú ý, ghi nhớ, và sử dụng thông tin tiêu cực nhiều hơn tích cực. Để rồi mọi người dễ dàng mất đi cơ hội suy ngẫm và tiếp cận thông tin chính xác.
Giới truyền thông có thể sử dụng các trang tin, nền tảng mạng xã hội… để đăng tải thông tin một chiều, thổi phồng, xuyên tạc thông tin với mục đích đánh lạc hướng dư luận, làm cho độc giả dần có sự chuyển hóa về mặt tư tưởng theo hướng tiêu cực.
Kết quả khảo sát của Chương trình nghiên cứu Internet và xã hội hồi tháng 4/2017 cho thấy, hơn 78% người sử dụng mạng xã hội tại Việt Nam đã trở thành nạn nhân của những phát ngôn gây thù ghét trên môi trường này. Có thể nói mạng xã hội hay bất kì nền tảng trực tuyến nào khác đều giống như con dao hai lưỡi, có mặt tốt nhưng cũng ẩn chứa nhiều “độc tố” huỷ hoại con người.
2. Vậy độc giả nên làm gì?
Chúng ta thường có xu hướng tin tuyệt đối vào những điều mà mình mới nghe qua lời đồn hay tưởng tượng trong đầu. Đôi khi, lời đồn vô căn cứ có khi còn có sức mạnh hơn cả một bản tin có thông tin rõ ràng. Để trở thành một độc giả thông minh, bạn cần:
Xem xét, đánh giá nguồn thông tin: Đầu tiên, bạn phải kìm những niềm tin hoặc sự “cho rằng” của mình xuống, đọc tiếp các thông tin khác thường so với sự tin tưởng của mình. Khi có chính kiến, bạn sẽ “tự lái” niềm tin của mình theo hướng mà bạn muốn, chứ không phải là hướng của thông tin ban đầu nữa. Không có chính kiến riêng, bạn nghiễm nhiên sẽ trở thành người bị nhồi sọ, chỉ biết răm rắp làm theo chỉ dẫn của người khác. Chính vì thế, là một người đọc trong thời đại Internet, bạn hãy bình tĩnh để có thể chọn đúng thông tin tốt và xác thực cho cuộc sống của mình chất lượng hơn.
Kiểm chứng lại thông tin: Tất nhiên “hít drama” là điều khó tránh, đó là một dạng tâm lý thường thấy ở con người. Tuy nhiên, chúng ta cần có sự sàng lọc, tìm hiểu rõ về thông tin và nên nhận thức rõ đâu là thông tin uy tín, chính thống… để không khiến mình rơi vào vòng xoáy “drama giả”.
Khi đọc tin tức, đừng chỉ đọc bản tin đầu tiên và tin tuyệt đối vào độ chính xác của thông tin đó, đặc biệt là đối với những sự việc có diễn biến phức tạp. Bạn cần theo dõi bức tranh toàn cảnh để nhìn nhận lại vấn đề. Một sự kiện, thông tin ngày hôm nay có thể được loan báo thế này, nhưng sang ngày mai có thể hoàn toàn khác.
Đừng tin 100% vào một tài khoản Facebook có 200.000 lượt thích, vì ngay cả Facebook cũng không đánh giá đây là tiêu chí của sự đáng tin cậy. Cũng đừng tin 100% vào các thành trạng thái (status updates) hay các bài viết có 10.000 lời bình luận. Có rất nhiều người dùng thời gian để xây dựng thương hiệu, uy tín cá nhân của bản thân để một khoảnh khắc nào đó có thể “đầu độc” cả cộng đồng hâm mộ của họ.
Chia sẻ tin tức một cách thông minh, có cơ sở: Đừng biến mình trở thành một quân cờ Domino. Thông tin qua mạng xã hội có thể giúp bạn biết được chuyện gì đang xảy ra sớm nhất, nhưng để có hành động phù hợp, bạn cần xác nhận những thông tin tiếp theo. Hãy đọc nhiều và đừng đọc từ một nguồn, đừng quá vội vàng bấm nút follow, hay like, share vì mỗi người sẽ lại có góc nhìn khác nhau. Mặt khác, khi bạn bấm nút chia sẻ, bạn đã trở thành NGƯỜI XUẤT BẢN LẠI thông tin đó, dẫu chưa được kiểm định.
Tạm kết
Truyền thông đang thúc đẩy xu hướng giải quyết vụ việc theo sức ép của đám đông. Mạng xã hội đang trao cho người dùng “quyền lực” để phản biện, phản đối nhưng đồng thời cũng tạo ra một “con dao hai lưỡi” với những tác hại khôn lường. Ai cũng có thể đưa tin, cũng có thể bình luận. Ai cũng có thể trở thành nhà báo, và thậm chí là “quan tòa” xét xử… Chính truyền thông đã đẩy scandal “vạ miệng” của Hoa hậu Ý Nhi đi quá xa.
Thanh Thanh - MarketingAI
Bình luận của bạn