Mỗi ngày, Giphy phục vụ 7 tỷ GIF và nhãn dán cho 500 triệu người dùng. API của họ hỗ trợ khá nhiều cho các ứng dụng nhắn tin phổ biến như: Facebook, Twitter, Instagram, TikTok,... Với độ phổ biến của mình, Giphy đang được xem như một kênh marketing tiềm năng, giúp thương hiệu dễ dàng tiếp cận người tiêu dùng. Do đó, các marketer nên tạo kênh thương hiệu Giphy cho doanh nghiệp của mình.
Sở hữu kênh Giphy, doanh nghiệp có thể tải lên bất kỳ GIF nào liên quan đến thương hiệu, sản phẩm, dịch vụ,... của mình. Các GIF này hiển thị công khai trên công cụ tìm kiếm Giphy, do đó, logo, sản phẩm,... của doanh nghiệp hoàn toàn có cơ hội được người dùng nhìn thấy, biết đến.
Một ví dụ cụ thể sau sẽ giúp doanh nghiệp dễ hình dung hơn về kênh quảng cáo này. Khi người dùng mở Facebook Messenger và tìm kiếm một cầu thủ bóng đá Ngoại hạng Anh, họ sẽ nhận các GIF trả về có biểu tượng “BT Sport” ở góc trên cùng bên phải. BT Sport là đơn vị sở hữu quyền đối với các trận đấu ở Premier League, thông qua các GIF này, biểu tượng của BT Sport đã được người dùng tìm thấy và biết đến.
Sân chơi bình đẳng
Trong khi Google Tìm kiếm bị chi phối bởi các công ty lớn và backlink thì Giphy được đánh giá là sân chơi bình đẳng hơn.
Karla and Co. là một ví dụ điển hình. Thương hiệu quần áo Latina này không chính thức xuất hiện trên Google. Tuy nhiên, trên Giphy họ có thể thu về 100.000 lượt xem mỗi ngày chỉ từ 16 sticker được tải lên.
Chìa khóa để vận hành kênh Giphy chính là tạo ra các GIF phù hợp với nhu cầu tìm kiếm của người dùng và những nội dung ít sự cạnh tranh.
Tiếp tục với Karla, những nhãn dán của thương hiệu này có cụm từ Mỹ Latinh “Ay Mama”. Đây là nhãn dán duy nhất trên Giphy có thẻ này, do đó những ai đang tìm kiếm cụm từ trên sẽ chỉ thấy nhãn dán và thậm chí là URL của Karla.
Những doanh nghiệp nào sẽ phù hợp với kênh thương hiệu Giphy?
Hiện tại, rất nhiều thương hiệu tiêu dùng đã lên và triển khai chiến lược kênh mới này. Tiêu biểu như Starbucks, thương hiệu đồ uống đắt đỏ này đang sở hữu cụm từ tìm kiếm trên Giphy “Pumpkin Spice Latte”, và cụm từ này thu về hơn một triệu lượt xem mỗi ngày.
(Nguồn: Marketing Examples)
Ngoài các thương hiệu tiêu dùng ra, hầu hết các lĩnh vực khác đều đã góp mặt. Tuy nhiên có những lĩnh vực mới chỉ manh nha chiến lược, như mảng công nghệ còn khá ít từ khóa được gắn thẻ.
Lựa chọn nhãn dán hay GIF?
Ngoài việc xem xét doanh nghiệp có phù hợp với “sân chơi” này hay không. Nhiều doanh nghiệp cũng băn khoăn cân nhắc giữ tạo GIF hay tạo nhãn dán.
GIF thường có nền với màu sắc mạnh mẽ, rõ ràng. Trong khi đó dán nhãn hầu hết chỉ có nền trong suốt. Và Giphy cũng có các API riêng biệt cho từng ứng dụng khác nhau.
Facebook, Twitter và WhatsApp sử dụng API GIF. Còn API nhãn dán được sử dụng cho Instagram, TikTok và Snap. Vì vậy, quyết định lựa chọn nhãn dán hay GIF phải phụ thuộc vào nền tảng mà khách hàng mục tiêu của doanh nghiệp đang sử dụng để trò chuyện.
Một ví dụ thực tế, các khán giả của Tennis TV hoạt động chủ yếu trên Twitter và WhatsApp, do đó họ chọn tạo GIF. Khán giả của Pretty Little Thing lại hoạt động trên Instagram và Snap, vì vậy thương hiệu này chọn tạo các nhãn dán.
Qua bài viết trên, Marketing AI cũng tổng hợp lại vài điều cần chú ý cho marketer cùng nhà quản trị doanh nghiệp. Để khai thác tốt kênh marketing miễn phí này, doanh nghiệp cần:
- Tạo GIF phù hợp với những gì khách hàng có thể tìm kiếm.
- Thêm logo, nội dung, sản phẩm hoặc URL doanh nghiệp vào các nhãn dán, GIF.
- Tải lên Giphy và gắn thẻ các từ khóa có liên quan.
- Tạo tối thiểu 5 ảnh GIF để có thể đăng ký kênh thương hiệu miễn phí.
Khâu tạo ảnh GIF để đăng ký kênh đặc biệt quan trọng. Vì chỉ khi sở hữu kênh thương hiệu, GIF của doanh nghiệp mới được tìm kiếm công khai. Và để được chấp nhận, các GIF tạo ra phải là nội dung gốc.
Huyền Nguyễn - Marketing AI
Theo Marketing Examples
>> Có thể bạn quan tâm: 8 xu hướng trên Instagram mà mọi Marketer cần chú ý trong năm 2020
Bình luận của bạn