cover

Giải mã Interactive Film của Netflix: Không chỉ tăng tương tác mà còn là nghệ thuật quảng cáo và thu data đầy tinh vi

08 Thg 01

Vốn nổi tiếng là một bậc thầy về trải nghiệm người dùng, Netflix luôn thỏa mãn người xem với những tính năng ưu việt bất ngờ. Một trong số đó phải kể đến Interactive film - Thể loại phim tương tác đặc biệt, nơi mà người xem chính là những người quyết định cái kết của một bộ phim, thay vì đi theo một kịch bản gốc. Hơn hết, Interactive film không chỉ là một công cụ để nâng cao trải nghiệm người dùng, mà còn là một chiến lược dữ liệu và quảng cáo ngầm rất khôn khéo của Netflix.

Interactive film - Sự kết hợp giữa Gamification và phim ảnh

Interactive film hay Phim tương tác là một thể loại phim cho phép người xem tác động vào diễn biến, kịch bản của bộ phim ngay khi đang xem. Trên thực tế, Interactive film không phải là một tính năng mới, nó là một ứng dụng dạng Gamification và đã được sử dụng khá phổ biến trong mảng game. Tuy nhiên, đối với ngành công nghiệp phim thì Netflix là cái tên đầu tiên khai thác và sử dụng rất hiệu quả công cụ này.

Netflix bắt đầu với Interactive film vào năm 2018 với bộ phim đầu tay “Black Mirror: Bandersnatch”. Khác với những bộ phim thường, diễn biến của “Black Mirror: Bandersnatch” không đi theo một kịch bản cố định mà cho phép người xem lựa chọn hành động của nhân vật theo ý thích của riêng mình. Với mỗi lựa chọn của người xem, diễn biến phía sau của bộ phim sẽ được thay đổi và dẫn tới những cái kết riêng. Xuyên suốt bộ phim “Bandersnatch” đã có tới khoảng 250 diễn biến kịch bản khác nhau. Ngay sau khi phát hành, bộ phim đã tạo nên một cơn sốt trên toàn cầu, thu hút hàng triệu người dùng bởi tính năng tương tác đầy thú vị. Tiếp nối thành công này, Netflix tiếp tục phát hành một số bộ phim tương tác mới như Mini-series Kaleidoscope và bộ Headspace: Unwind Your Mind,... hay mới đây là “Choose Love” - được phát hành vào tháng 6/2023.

Giải mã Interactive Film của Netflix: Không chỉ tăng tương tác mà còn là nghệ thuật quảng cáo và thu data đầy tinh vi - Ảnh 2.

Sau sự bùng nổ của “Black Mirror: Bandersnatch”, Netflix đã mở ra một kỷ nguyên mới cho Interactive film, tạo nên một làn sóng mới trong lĩnh vực OTT. Đặc biệt, trong 2 năm trở lại đây, với sự phát triển các công nghệ như Smart TV, Interactive film ngày càng nhận được sự chú ý của đông đảo người xem hơn. Các nhà làm phim khác như HBO Max, hay các thương hiệu ngoài mảng OTT như Walmart cũng đang dần đầu tư nhiều hơn vào Interactive film để có thể thu hút sự tương tác của khách hàng.

Với Interactive film, Netflix cũng dành được rất nhiều lời khen về việc đa dạng hóa trải nghiệm người dùng. Tuy nhiên, những lợi ích mà Interactive film mang lại cho thương hiệu này không chỉ nằm ở việc thu hút người dùng, hay nâng cao trải nghiệm. Mà hơn thế, đây còn là một chiến lược khai thác và thu thập dữ liệu khách hàng rất tinh vi của Netflix.

Interactive film đã giúp Netflix thu hút người dùng như thế nào?

1. Dễ dàng thu hút khán giả trẻ

Đối tượng người xem của Netflix phần đông là người trẻ, nhóm đối tượng rất nhạy cảm với công nghệ. Họ luôn hứng thú với trải nghiệm mới, đặc biệt là công nghệ hiện đại mới. Vì vậy, Interactive film sẽ là một thỏi nam châm hữu ích để Netflix có thể tạo sự mới mẻ và thu hút nhóm khách hàng chủ chốt này.

2. Đánh vào tâm lý kiểm soát & sự tò mò của người xem

Với Interactive film, Netflix trao quyền “biên tập phim” cho chính người xem, biến họ những biên kịch, đạo diễn của bộ phim. Yếu tố này đã đánh trúng vào mong muốn kiểm soát của người dùng, cho phép họ được định đoạt số phận của các nhân vật trong phim.

Ngoài ra, Interactive film cũng là một chiến thuật đánh vào sự tò mò của người xem và giữ chân họ ở lại với nền tảng lâu hơn. Khi có nhiều lựa chọn họ sẽ bắt đầu tò mò rằng, phía sau mỗi lựa chọn đó diễn biến sẽ diễn ra khác nhau thế nào và buộc phải xem hết từng cốt truyện để tìm ra câu trả lời. Ví dụ như với Bandersnatch, một bộ phim chỉ dài khoảng 40-100 phút tùy lựa chọn, nhưng để khám phá hết những diễn biến sau từng lựa chọn, người xem sẽ phải cần đến 5 tiếng.

Interactive film cũng làm xoa dịu một số cảm xúc tiêu cực của người dùng khi xem phim. Nếu như trước đây người xem thường bực bội với những cái kết không mong muốn, chán ghét hành động ngớ ngẩn của các nhân vật trong phim,... làm ảnh hưởng phần nào để cảm xúc sau khi xem phim của người xem. Thì với Interactive film của Netflix, người xem sẽ tự chịu trách nhiệm với những diễn biến, kết quả của phim.

3. Là một ứng dụng dạng Gamification cho phép người dùng vừa xem vừa giải trí

Interactive film của Netflix vốn là một ứng dụng của Gamification giúp nâng tầm trải nghiệm xem của người dùng, cho phép họ vừa xem phim, vừa giải trí. Người xem sẽ phải cân nhắc nên điều hướng nhân vật hoạt động như thế nào? Tư duy về diễn biến tiếp theo ra sao khi lựa chọn? Ví dụ trong Bandersnatch, việc lựa chọn ngũ cốc ăn sáng cho nhân vật chính cũng có thể khiến họ vào tù. Các tương tác trên Interactive film của Netflix cũng khá đơn giản, như một loại game lựa chọn cơ bản mà bất kỳ ai cũng có thể chơi.

Ngoài ra, Netflix là thương hiệu gần như độc quyền và thống trị hoàn toàn mảng Interactive film hiện nay, tạo ra một sự cách biệt rất lớn đối với những đối thủ khác trên thị trường. Thế mạnh đặc biệt này cũng phần nào củng cố vị thế dẫn đầu về trải nghiệm người dùng của Netflix, góp phần thu hút các nhà làm phim khác đến với nền tảng này.

Cách khai thác dữ liệu & quảng cáo đầy tinh vi phía sau phim tương tác của Netflix

1. Chiến thuật thu data người dùng tinh vi của Netflix

Phía sau mỗi lựa chọn của khách hàng, sẽ tạo nên những nguồn dữ liệu rất phong phú, mới mẻ cho Netflix. Đây sẽ là những căn cứ quan trọng để thương hiệu này thấu hiểu người dùng rõ ràng hơn, tiếp tục tối ưu trải nghiệm, mong muốn của họ. Đó có thể là những dữ liệu về trải nghiệm của khách hàng, ví dụ như: Người xem có thực sự chú tâm vào bộ phim hay không? Sự lựa chọn được thực hiện nhanh chóng hay không? Người xem bị cuốn hút trong bao lâu và họ sẵn sàng xem bao nhiêu cốt truyện?.... Hoặc những dữ liệu về tâm lý, mong muốn của khách hàng. Ví dụ như: Họ thích những lựa chọn đáng sợ hơn hay họ chọn những cốt truyện nhẹ nhàng hơn hơn? … Chỉ là những cú nhấp chuột đơn giản của người dùng, nhưng lại góp phần làm rõ bức tranh chân dung của họ hơn rất nhiều.

2. Một chiến lược quảng cáo sản phẩm ngầm của Netflix?

Quay lại với Bandersnatch, trong một khung cảnh ăn sáng của nhân vật chính, Netflix đã đưa ra cho người dùng 2 lựa chọn giữa hai thương hiệu: Ăn ngũ cốc của Frosties hay Sugar Puffs? Như vậy, dù trên danh nghĩa bộ phim Bandersnatch không quảng bá cho bất kỳ loại sản phẩm nào. Nhưng tính năng này đã rõ ràng đã mang lại hiệu quả về mặt thương mại và phần nào giúp cho các nhãn hàng hiểu rõ hơn về sự lựa chọn của khách hàng mục tiêu. Hơn hết, quảng cáo này được hiển thị rất tự nhiên, giống như một phần của bộ phim và không tạo nên cảm giác phiền toái cho người xem.

Giải mã Interactive Film của Netflix: Không chỉ tăng tương tác mà còn là nghệ thuật quảng cáo và thu data đầy tinh vi - Ảnh 3.

Mặt khác, Interactive Film cũng mở ra một cơ hội để các thương hiệu có thể khảo sát và đo lường phản ứng, mong muốn của người tiêu dùng. Như trong ví dụ trên, Giám đốc điều hành Netflix, Reed Hastings đã chia sẻ rằng, thương hiệu chiến thắng là ngũ cốc Frosties đến từ thương hiệu Kellogg’s với hơn 73% lựa chọn của người xem.

Lời kết:

Như vậy, Interactive Film là một nước đi kép, vừa mang lại hiệu quả về mặt trải nghiệm người dùng, vừa mở ra cơ hội về doanh thu quảng cáo cho Netflix. Đồng thời, công nghệ này cũng tiếp tục cho thấy khả năng khai thác và sử dụng dữ liệu tài tình của Netflix.

TAGS:

Bình luận của bạn

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bình luận không đăng nhập

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.