Genesis - Công nghệ AI mới của Google liệu có thể thay thế phóng viên viết tin tức?

24 Thg 07

Google đang thử nghiệm một sản phẩm của công nghệ trí tuệ nhân tạo (AI) nhằm hỗ trợ các phóng viên sản xuất các bài báo. Gã khổng lồ tìm kiếm đang giới thiệu và truyền thông về công cụ này cho các tổ chức phát hành tin tức lớn trên thế giới như The New York Times, The Washington Post và News Corp…

Tờ New York Times cho biết, dự án có tên “Genesis” có thể tiếp nhận và lĩnh hội thông tin chi tiết của các sự kiện đang diễn ra và sau đó tạo ra tin tức.  Google cho biết họ đang trong giai đoạn đầu khám phá công cụ AI để công cụ này có thể hỗ trợ các nhà báo với nhiều lựa chọn về tiêu đề hoặc chọn các phong cách viết khác nhau. Gã khổng lồ đã được giới thiệu cho tờ báo này cùng tờ Washington Post và News Corp – tập đoàn sở hữu tạp chí Wall Street Journal.

Tuyên bố của Google không tiết lộ tên các hãng truyền thông tham gia thử nghiệm Genesis nhưng công ty cho biết họ  đang đặc biệt tập trung vào “các nhà xuất bản nhỏ hơn”. Google chia sẻ thêm dự án không nhằm mục đích thay thế các nhà báo cũng như “vai trò thiết yếu của họ trong việc đưa tin, tạo và kiểm tra tính xác thực các bài báo”.

Google đang thử nghiệm một sản phẩm của công nghệ trí tuệ nhân tạo (AI)

Người phát ngôn của Google nêu rõ: “Mục tiêu của chúng tôi là cung cấp cho các nhà báo lựa chọn sử dụng công nghệ mới nổi này theo cách giúp nâng cao công việc và năng suất của họ”.

Theo các nguồn tin của The New York Times, Google đã đưa ra ý tưởng về công cụ mới như một loại trợ lý cá nhân cho các nhà báo, giúp tự động hóa một số nhiệm vụ để họ dành nhiều thời gian hơn cho các nhiệm vụ khác. Google cũng xem đây là một công nghệ có trách nhiệm, có thể giúp ngành xuất bản tránh được những hạn chế và sai sót do AI tạo sinh gây ra.

Thông tin sai lệch là một vấn đề nan giải của ngành báo chí hiện nay và một trong những trách nhiệm chính của các nhà báo là kiểm tra thực tế để đảm bảo nguồn tin không bị sai lệch, ảnh hưởng đến người đọc cũng như gây tác động xấu đến xã hội. Mặc dù AI đang phát triển nhanh chóng, nhưng chúng ta phải thừa nhận rằng đôi khi nó có thể tạo ra thông tin không chính xác hoặc không liên quan.

Rất nhiều người đang bị hấp dẫn bởi khả năng của các công cụ AI như ChatGPT của OpenAI hoặc Bard của Google

Hiện nay, rất nhiều người đang bị hấp dẫn bởi khả năng của các công cụ AI như ChatGPT của OpenAI hoặc Bard của Google, nhưng một số vấn đề liên quan đến việc sử dụng chúng cần được giải quyết, trong đó mục đích mà chúng được tạo ra là gì và phục vụ cho nhu cầu gì, cho tổ chức nào. Nếu công cụ AI sử dụng các bài viết của các tác giả đã xuất bản mà không có sự cho phép của họ, sau đó nhào nặn thành một bài viết khác có nội dung tương tự thì vấn đề này lại thuộc về vi phạm bản quyền tác giả.

Công cụ mới này xuất hiện khi các công ty công nghệ, bao gồm cả Google, đang chạy đua để phát triển và triển khai một loạt các tính năng AI tạo sinh mới với lời hứa đơn giản hóa các tác vụ và giúp người lao động làm việc hiệu quả hơn. Nhưng những công cụ này cũng gây lo ngại vì chúng có khả năng đưa ra các phản hồi sai sự thật.

Trang tin CNET đã phải chỉnh sửa “đáng kể” vào đầu năm nay sau khi thử nghiệm sử dụng công cụ AI để viết bài. Một câu chuyện do AI viết về “Chiến tranh giữa các vì sao” được Gizmodo xuất bản vào đầu tháng này cũng cần phải chỉnh sửa tương tự. Nhưng cả hai đơn vị sản xuất tin tức này đều cho biết họ vẫn sẽ tiếp tục sử dụng AI.

Đài NPR cùng tờ Business Insider cũng thông báo cho nhân viên rằng họ dự định khám phá cách sử dụng AI một cách có trách nhiệm trong cơ quan của họ.

Dự định khám phá cách sử dụng AI một cách có trách nhiệm trong cơ quan của họ.

Động thái này của Google được thông báo sau khi OpenAI-công ty mẹ của ChatGPT - và hãng thông tấn AP (Mỹ) thỏa thuận để OpenAI sử dụng kho lưu trữ tin tức của AP để đào tạo các mô hình AI của họ. Những mô hình AI này sẽ sử dụng một lượng lớn tài liệu để tạo ra phản hồi thích hợp. 

Công cụ AI hỗ trợ viết báo của Google được giới thiệu khi các chính phủ trên khắp thế giới kêu gọi hãng tìm kiếm này phân bổ cho các nhà xuất bản tin tức một phần doanh thu quảng cáo lớn hơn. Năm 2021, chính phủ Úc đã buộc Google đàm phán với các nhà xuất bản để trả tiền khi sử dụng nội dung tin tức của họ. Kể từ đó, Google đã thiết lập thêm mối quan hệ đối tác với các tổ chức tin tức ở nhiều nước.

Sự nổi lên của ChatGPT vào năm ngoái đã gióng lên một hồi chuông cảnh báo lớn với ngành báo chí, khi phần mềm này có khả năng viết rất thuyết phục và nhanh chóng với cả những chủ đề phức tạp.

>>> Xem thêm: 45% CEO đã tăng mạnh đầu tư vào AI tạo sinh sau sự phổ biến của ChatGPT

Thanh Thanh - MarketingAI

Tổng hợp

Đánh giá của bạn

Bình luận của bạn

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bình luận không đăng nhập

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.