Fake OOH - Xu hướng quảng cáo ngoài trời “giả” đang chiếm sóng mạng xã hội

19 Thg 09

Fake OOH - Quảng cáo ngoài trời giả là một trào lưu quảng cáo mới đang được rất nhiều thương hiệu ứng dụng thành công trong năm 2023. Không cần booking vị trí quảng cáo, không cần thực hiện những bảng quảng cáo đồ sộ,... Fake OOH vẫn khiến cho người dùng mạng xã hội phải choáng ngợp bởi những hình ảnh bắt mắt được thực hiện dựa trên các công nghệ xử lý hình ảnh chuyên nghiệp như 3D và CGI. Vậy Fake OOH là gì? Xu hướng quảng cáo này có thể mang lại những lợi ích gì cho thương hiệu?

Fake OOH - Xu hướng quảng cáo phá vỡ ranh giới "Thật - Ảo"

CGI, 3D hay Deepfake, AR,... vốn là những công nghệ xử lý hình ảnh đã khá quen thuộc trong lĩnh vực phim ảnh và giải trí. Tuy nhiên trong những năm gần đây, những công nghệ này đang dần len lỏi vào thị trường quảng cáo và tạo nên những xu hướng tiếp thị đột phá mới như Virtual Store, Quảng cáo 3D Animation,... và mới đây nhất là sự xuất hiện của Fake OOH.

Fake OOH bắt đầu nhận được sự chú ý và trở nên phổ biến hơn vào nửa đầu năm 2023, với hai chiến lược quảng cáo ấn tượng từ Maybelline New York và Jacquemus. Fake OOH là những hình ảnh, video về quảng cáo ngoài trời (OOH) không có thật, được tạo nên từ những công nghệ như CGI, 3D,... Trên thực tế, những quảng cáo này vốn không phải là "Out-of-home advertising" bởi nó không hề hiện diện ngoài không gian thực. Tuy nhiên, chúng lại mang lại cảm giác rất thật cho người xem nhờ vào những công nghệ xử lý hình ảnh, video tinh vi.

Những chiến dịch Fake OOH thường được xây dựng từ những ý tưởng quảng cáo phi thực tế, như: Xe oto bằng túi của Jacquemus, Chuốt mi tại tàu điện của Maybeline hay loạt hình nộm Barbie kích thước khổng lồ gần bằng tòa tháp tòa tháp Burj Khalifa,... Dựa trên những địa điểm quảng cáo có có thật, thương hiệu đã dựng lên những mô hình quảng cáo đó bằng công nghệ CGI. Chính sự kết hợp độc đáo giữa một không gian thật và những mô hình ảo này đã khiến cho các hình ảnh của Fake OOH trở nên kỳ lạ và kích thích sự tò mò của người xem.

Fake OOH - Xu hướng quảng cáo phá vỡ ranh giới "Thật - Ảo"

Vì vậy, Fake OOH chủ yếu được các thương hiệu sử dụng để tạo sự chú ý và viral trên mạng xã hội. Những hình ảnh độc lạ kích thích sự tương tác, chia sẻ tự nhiên của người xem, tạo nên những cuộc thảo luận về thương hiệu.

Những chiến lược sử dụng Fake OOH nổi bật trên thế giới

#1 Maybelline New York & Mascara chuốt "mi" cho tàu điện

Tháng 7/2023, Maybelline đã gây sốt mạng xã hội khi tung ra video quảng bá dòng sản phẩm Mascara Lash Sensational Sky High. Cụ thể, trong video một chiếc Mascara khổng lồ được gắn ở nóc đường hầm của tàu điện ngầm. Mỗi khi tàu điện đi qua, Mascara này chuốt cong những chiếc lông mi khổng lồ được gắn ở đầu của tàu.

Ý tưởng độc đáo này nhanh chóng nhận được sự chú ý của cộng đồng mạng, người dùng mạng xã hội vừa ấn tượng với sự sáng tạo của Maybeline, vừa tò mò về sự thật của quảng cáo. Chỉ riêng trên kênh Instagram của thương hiệu, clip này đã thu về hơn 74 triệu view. Maybelline không chỉ thành công nhấn mạnh về tính năng của sản phẩm, mà còn tạo được mức độ viral đáng kể trên mạng xã hội.

#2 Jacquemus & Những chiếc túi khổng lồ "đi" trên phố

Trước Maybelline, Jacquemus cũng từng gây xôn xao với một video Fake OOH vào tháng 4/2023. Trong Video những chiếc túi xách Bambino của Jacquemus đã được hô biến thành những chiếc xe hình túi, nối đuôi nhau chạy như trên những con phố lớn tại Paris. Chiến dịch được tung ra vào đúng Tuần lễ thời trang Paris 2023 và nhanh chóng thu hút sự chú ý của giới mộ điệu. Video hiện đã đạt tới 14,8 triệu lượt xem chỉ riêng trên TikTok và 48,3 triệu trên Instagram. Thương hiệu nhận được hàng loạt bình luận tích cực từ các brand và người nổi tiếng như: Mercedes Benz, Katy Perry, Parris Goebel,... Chiến dịch này không phải là lần đầu tiên Jacquemus sử dụng công nghệ trong marketing, đây được xem là một trong những thương hiệu thời trang thành công nhất trong việc ứng dụng Fake OOH cũng như những công nghệ tiếp thị khác để tạo sự thu hút trên mạng xã hội.

Ngoài ra, cũng có nhiều thương hiệu trên thế giới như Alexander Wang, Mattel (Barbie & Oppenheimer), Melts…đã gia nhập vào đường đua Fake OOH với loạt hình ảnh ấn tượng.

#3 Vietnamobile - Fake OOH tại Landmark 81

Vietnamobile là một trong những thương hiệu Việt Nam đầu tiên sử dụng Fake OOH. Vào cuối năm 2022, Vietnamobile từng khiến dân tình xôn xao khi tung ra một video về pháo hoa và hiệu ứng đèn laser bắt mắt trên đỉnh tòa nhà Landmark 81.

Tuy nhiên, không phải chiến dịch Fake OOH nào cũng mang lại hiệu ứng tốt. Bên cạnh những case study thành công cũng có những thương hiệu đã phải trả giá cho việc lạm dụng Fake OOH để đưa thông tin sai lệch đến độc giả. Điển hình như quảng cáo của thương hiệu Gymbox. Thương hiệu này đã tung ra một video Fake OOH về một quảng cáo trên nóc xe buýt và tuyên bố đây là quảng cáo đầu tiên trên thế giới thực hiện theo hình thức này. Tuy nhiên quảng này hoàn toàn không có thật và cũng có khá nhiều thương hiệu quảng cáo trên nóc xe bus trước đó. Ngay lập tức, chiến lược của Gymbox đã nhận về hàng loạt ý kiến trái chiều và không đạt được mức độ viral như mong đợi.

Ưu & Nhược điểm của Fake OOH - Thú vị nhưng tiềm ẩn rủi ro quảng cáo không nhỏ

Ưu điểm của Fake OOH

Khả năng Viral trên mạng xã hội với sự Sáng tạo & độc đáo

Fake OOH nằm ở giữa ranh giới giữa thật và ảo, kích thích sự tò mò và hứng thú của người xem. So với những tấm biển quảng cáo OOH đã quá quen thuộc trên mỗi cung đường, Fake OOH mang tới những ý tưởng độc đáo và gần như phi thực tế ngoài đời thật. Điều này cũng đã dẫn dắt người xem tò mò nhiều hơn về chiến dịch, qua đó tăng cường các lượt thảo luận và tương tác với thương hiệu. Điển hình như trường hợp của Maybelline, Phó giám đốc tiếp thị Fernando Febres cũng đã xác nhận rằng mục đích chính của các chiến dịch Fake OOH từ thương hiệu này chính là để khiến mọi người phải tò mò xem nó có thật hay không.

Fake OOH - Xu hướng quảng cáo ngoài trời “giả” đang chiếm sóng mạng xã hội - Ảnh 4.

Bên cạnh đó, có thể thấy các quảng cáo Fake OOH thường sở hữu chất lượng hình ảnh rất mãn nhãn, tính thẩm mỹ cao và mang lại hiệu ứng thị giác ấn tượng khiến người xem không thể rời mắt.

Hiện thực hóa ý tưởng quảng cáo, vượt qua những rào cản vật lý và chi phí

Rõ ràng những chiếc túi chạy trên đường của Jacquemus, mascara tàu điện ngầm của Maybelline, hay Barbie với kích thước bằng tòa nhà,.... đều rất khó để thực ngoài đời thật bởi những hạn chế về không gian, môi trường và cả quy định pháp lý. Bên cạnh đó, chi phí để thực hiện các chiến dịch Fake OOH như trên cũng sẽ ít hơn rất nhiều so với việc dàn dựng một chiến dịch OOH thực tế với quy mô tương tự. Vì vậy, Fake OOH không chỉ giúp người xem được trải nghiệm những hình ảnh chưa từng có, mà còn mang lại cơ hội cho các nhà tiếp thị có thể thỏa sức sáng tạo với mọi ý tưởng.

Mel Arrow - Giám đốc chiến lược tại McCann London nhận định về Fake OOH rằng: "Không gian giả tưởng của Fake OOH là một hướng đi tiềm năng tuyệt vời cho trí tưởng tượng và đó luôn là thứ mà ngành tiếp thị cần có. Sự sáng tạo hoàn toàn không bị cản trở bởi thực tế, ngân sách, nguồn lực và hình thức truyền thông. Thế giới như trở thành một bức tranh. Bất cứ thứ gì cũng có thể bay, phồng lên, biến thành Barbie khổng lồ, các tòa nhà có thể di chuyển hay tàu điện ngầm cũng có thể trở thành đại sứ thương hiệu,..."

Hiện thực hóa ý tưởng quảng cáo, vượt qua những rào cản vật lý và chi phí

Không phụ thuộc vào môi trường và vị trí quảng cáo

Với công nghệ CGI, thương hiệu có thể đưa quảng cáo tới bất cứ địa điểm mong muốn nào mà không cần cạnh tranh để booking điểm quảng cáo như hình thức OOH truyền thống. Quảng cáo của bạn cũng sẽ không chịu tác động bởi các yếu tố môi trường tự nhiên và cũng không bị giới hạn về thời gian sử dụng.

Nhược điểm của Fake OOH

Tiềm ẩn nguy cơ khiến khách hàng mất niềm tin vào quảng cáo

Theo một khảo sát được thực hiện bởi MarketingSherpa cho thấy 5 nền tảng quảng cáo đáng tin cậy nhất đối với khách hàng hiện nay đều là các phương tiện truyền thống. Trong khi đó, quảng cáo Fake OOH lại nhận được một số ý kiến trái chiều, một số người tiêu dùng đã bị lừa và nghĩ rằng những video này là thật. Vì vậy, nếu sử dụng công nghệ CGI để đưa những yếu tố giả mạo hoặc phóng đại quá mức về sản phẩm và thương hiệu vào trong Fake OOH có thể sẽ khiến người tiêu dùng hiểu nhầm là thật và dần mất đi niềm tin với thương hiệu khi trải nghiệm thực tế.

Ngoài ra, sự xuất hiện của các công nghệ AI có khả năng làm giả cao như Deepfake đã từng tạo nên sự đề phòng của người tiêu dùng hiện nay. Vì vậy, nếu thương hiệu muốn sử dụng CGI để đưa những thông tin sai lệch vào sản phẩm nhằm đánh lừa người tiêu dùng thì sẽ khó có thể thực hiện được.

Như trường hợp của Boxgym đã phân tích bên trên, thương hiệu đã sử dụng Fake OOH để "nói dối" khách hàng. Tuy nhiên, với tốc độ tra cứu thông tin nhanh nhạy như hiện nay, thì không khó để người tiêu dùng nhận ra những thông tin mà thương hiệu mang lại là giả và mất niềm tin vào thương hiệu. Vì vậy, Fake OOH mang lại hiệu ứng thị giác giả, nhưng không thể sử dụng để cung cấp thông tin giả.

Nhược điểm của Fake OOH

Kỹ thuật thực hiện CGI không đơn giản

Mặc dù không tốn quá nhiều chi phí cho việc dàn dựng hay thuê vị trí quảng cáo, nhưng Fake OOH lại đòi hỏi kỹ năng xử lý hình ảnh rất tinh xảo để có thể tạo nên những hình ảnh sống động và cuốn hút nhất. Trong khi tại Việt Nam, công nghệ CGI chưa phát triển mạnh và cũng tốn tương đối nhiều chi phí nếu thuê ngoài.

Thương hiệu cần lưu ý những gì để thực hiện Fake OOH hiệu quả?

Mặc dù có tồn tại một số nhược điểm, nhưng Fake OOH chắc chắn vẫn là một xu hướng marketing tiềm năng để thu hút và tiếp cận người dùng một cách đa dạng và mới mẻ hơn. Tuy nhiên, để khắc phục những nhược điểm của Fake OOH thương hiệu cần lưu ý.

1. Xác định mục tiêu truyền thông liệu có phù hợp với Fake OOH

Xu hướng Fake OOH hiện nay tập trung chủ yếu vào hiệu ứng thị giác bắt mắt, độc đáo để thu hút người tiêu dùng và tạo nên hiệu ứng viral trên mạng xã hội. Vì vậy, đây sẽ là một kênh truyền thông rất hiệu quả trong việc tăng nhận diện thương hiệu và tăng mức độ tương tác trên các kênh truyền thông.

Fake OOH cũng là một công cụ hiệu quả giúp nhà tiếp thị thể hiện màu sắc, cá tính của thương hiệu và làm nổi bật tính năng sản phẩm. Ví dụ như Jacquemus đã thành công lan tỏa màu sắc đặc trưng của thương hiệu: độc đáo, hiện đại và tươi trẻ. Hay Maybelline đã khéo léo làm nổi bật tính năng chuốt mi của những sản phẩm mascara bên trên.

Tuy nhiên đối với các hiệu quả push sale, kích cầu doanh thu của Fake OOH cũng giống như những quảng cáo ngoài trời khác, không mang lại hiệu quả ngay lập tức và cũng chưa có con số thống kê cụ thể. Bởi Fake OOH chưa có nhiều yếu tố kích thích mua sắm đối với khách hàng, mà chỉ tập trung vào việc thu hút, gây tò mò bằng hiệu ứng hình ảnh.

2. Fake OOH không thể thay thế hình thức quảng cáo ngoài trời truyền thống

Báo cáo của Kantar đã chỉ ra rằng, người tiêu dùng trên toàn cầu nhận xét OOH và DOOH (cùng với điện ảnh, sự kiện được tài trợ,...) đang là những kênh truyền thông nhận được sự yêu thích của khách hàng nhiều nhất, do không làm gián đoạn hành trình trải nghiệm của người dùng. Vì vậy, OOH vẫn luôn là một trong những kênh truyền thông chủ đạo, khó có thể thay thế. Còn đối với Fake OOH, công cụ này chỉ được khai thác trên các nền tảng trực tuyến mà không mang lại cho người dùng trải nghiệm thật, thiếu sự liên kết với thế giới thực. Ngoài ra, nó cũng tiềm ẩn nguy cơ khiến người dùng bức xúc vì bị nhầm lẫn thật giả, hoặc làm gián đoạn hành trình trải nghiệm trực tuyến của khách hàng.

Do đó, việc sử dụng Fake OOH trong giai đoạn đầu này có thể giúp thương hiệu thu hút sự tò mò hứng thú của người xem, nhưng sẽ khó thể trở thành các kênh truyền thông chủ đạo hoặc thực hiện dài hạn. Cũng vì thế, thương hiệu cần sớm nắm bắt Fake OOH để có thể tận dụng sự hưởng ứng của người tiêu dùng trong giai đoạn đầu phát triển của xu hướng này.

Fake OOH không thể thay thế hình thức quảng cáo ngoài trời truyền thống

3. Lưu ý về mặt pháp lý

Có nhiều vị trí quảng cáo nổi tiếng để lồng ghép vào trong Fake OOH, tuy nhiên không phải địa điểm nào cũng sẽ phù hợp với đặc tính của sản phẩm và thương hiệu. Điển hình như một số địa điểm có liên quan tới các yếu tố chính trị, tôn giáo, lịch sử,... phần lớn sẽ không phù hợp để quảng bá những sản phẩm nhạy cảm như nội y. Thương hiệu có thể bị chỉ trích và vi phạm về mặt pháp lý.

Ngoài ra, Fake OOH cũng tiềm ẩn những nguy cơ về việc bị xử phạt do đưa thông tin giả. Vì vậy, thương hiệu không nên sử dụng CGI trong Fake OOH để đánh lừa khách hàng về công dụng, tính năng sản phẩm, hay đưa tin giả,... Đồng thời, khi đưa tin về Fake OOH lên những kênh truyền thông khác, cần lưu truyền tải đúng sự thật cho khách hàng.

4. Fake OOH cần được kết hợp đa kênh truyền thông

Fake OOH chủ yếu khai thác mức độ viral trên mạng internet, kích thích sự tò mò, thích thú để người dùng chủ động chia sẻ, tương tác và thảo luận về thương hiệu. Vì vậy, thương hiệu cần có các kênh truyền thông để đưa Fake OOH đến với người xem và tạo cơ hội cho họ tiếp cận, tương tác. Do đó, các chiến dịch Fake OOH luôn được các thương hiệu triển khai trên đa kênh, đặc biệt là mạng xã hội như TikTok, Facebook, Instagram,... để mang lại độ phủ tốt nhất.

>>> Xem thêm: [Báo cáo] Những số liệu ấn tượng về xu hướng quảng cáo OOH trên thế giới

Lời kết

Nhìn chung, Fake OOH là một xu hướng tiếp thị đáng thử với khả năng thu hút sự chú ý và mang lại hiệu ứng viral tương đối tốt cho nhãn hàng. Mặc dù chưa mang lại hiệu quả trực tiếp về doanh thu, nhưng với Fake OOH thương hiệu có thể gia tăng đáng kể nhận nhận thương hiệu và truyền tải thông điệp một cách sáng tạo hơn. Tuy nhiên, thương hiệu không nên sử dụng Fake OOH như một kênh truyền thông chính mà thay vào đó hãy kết hợp Fake OOH để tăng cường sức lan tỏa của chiến dịch.

Đánh giá của bạn

TAGS:

Bình luận của bạn

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bình luận không đăng nhập

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.