- 1. “Epic Danish bus” - TVC quảng cáo huyền thoại viral một thời
- 1.1. Bối cảnh
- 1.2. Nội dung tóm tắt TVC
- 2. Các yếu tố tạo nên sự thành công của “Epic Danish bus”
- 2.1. Tạo sự thu hút với mô típ điện ảnh
- 2.2. Biến những tính năng “bình thường” thành USP của sản phẩm
- 2.3. Kết hợp giữa yếu tố entertainment và educate người xem
- 2.4. Phân bổ thông điệp của sản phẩm xuyên suốt TVC
- 3. Câu chuyện về creative - thinking out of the box
1. “Epic Danish bus” - TVC quảng cáo huyền thoại viral một thời
1.1. Bối cảnh
Vào năm 2012, Midttrafik - một thương hiệu cung cấp dịch vụ xe buýt công cộng ở Đan Mạch muốn định nghĩa lại trong nhận thức của công chúng về xe buýt công cộng. Từ trước đến nay, xe buýt được biết đến như một loại phương tiện phổ thông nhàm chán, vì vậy nên rất ít người lựa chọn xe buýt làm phương tiện di chuyển của mình mặt dù chi phí bỏ ra là rất thấp và tiết kiệm hơn các phương tiện khác rất nhiều.
Trước bài toán này, Midttrafik đã mang đến một bước ngoặt lịch sử cho cả công ty. Họ đã tạo ra TVC quảng cáo có tên “The Epic Bus” mang đến cái nhìn hài hước và khác biệt về phương tiện giao thông công cộng. TVC này đã thành công vang dội, đạt được hàng loạt giải thưởng danh giá về quảng cáo và trở thành một trong những TVC nổi tiếng nhất tại Châu Âu.
1.2. Nội dung tóm tắt TVC
TVC cơ bản là một đoạn clip quảng cáo các tính năng, lợi ích của xe buýt công cộng nhưng được cường điệu hóa một cách “lố lăng” để tạo sự giải trí cho người xem. Thông qua TVC, thương hiệu Midttrafik muốn nâng cao nhận thức của công chúng về những lợi ích của việc lựa chọn xe buýt làm phương tiện di chuyển và khuyến khích họ sử dụng phương tiện này.
2. Các yếu tố tạo nên sự thành công của “Epic Danish bus”
2.1. Tạo sự thu hút với mô típ điện ảnh
Đi ngược lại với mô típ quảng cáo thông thường như các thương hiệu khác vẫn hay làm tại thời điểm đó (tạo tình huống, story ngắn…), Midttrafik “phá cách” khi đầu tư xây dựng hẳn TVC như bộ phim điện ảnh.
Từ các góc quay tĩnh khơi gợi câu chuyện, các phân đoạn slow-motion đến âm thanh được sử dụng trong TVC đều mang hơi hướng của một bộ phim “bom tấn”. Điều này giúp người xem ấn tượng và bị thu hút ngay từ những giây đầu của TVC.
2.2. Biến những tính năng “bình thường” thành USP của sản phẩm
Một trong những điều khiến người xem thích thú chính là sự cường điệu hóa những yếu tố rất đỗi bình thường một cách “lố bịch” và biến chúng thành điểm đặc biệt cho xe buýt nhưng vẫn rất duyên dáng và hài hước.
Ghế ngồi đẹp, có làn đường riêng, cửa sổ lớn với view đẹp, thiết kế ghế có nút yêu cầu dừng…là những tính năng cơ bản nhất. Nhưng qua TVC, các tính năng này được cường điệu hóa với một giọng điệu rất tự hào khiến người xem cảm giác như đây là những tính năng cực kỳ đặc biệt. Và nó trở thành USP của xe buýt.
Không chỉ vậy, diễn xuất của các nhân vật trong TVC cũng được “làm lố”, khiến mọi sự việc diễn ra trong TVC đều trở nên cực kỳ nghiêm trọng và đầy tính bất ngờ. Cách họ phản ứng và ngạc nhiên khi nghe những “tính năng đặc biệt” của xe buýt mang đến cho người xem cảm giác xe buýt là một điều gì đó rất mới lạ.
2.3. Kết hợp giữa yếu tố entertainment và educate người xem
Để thay đổi nhận thức của người xem về xe buýt công cộng, giải trí thôi là chưa đủ. Thương hiệu Midttrafik cũng đã khéo léo lồng ghép các thông điệp muốn truyền tải vào trong TVC thông qua các tình tiết hài hước.
Vừa giúp người xem giải trí, không mang nặng yếu tố quảng cáo nhưng cũng vừa “thả” đủ những nội dung giúp nâng cao nhận thức của khách hàng về loại phương tiện công cộng này. Midttrafik đã phối hợp nhuần nhuyễn yếu tố giải trí và giáo dục người xem trong cùng một TVC.
2.4. Phân bổ thông điệp của sản phẩm xuyên suốt TVC
Không nhất thiết thông điệp phải thật hay hoặc thật nổi bật, đôi khi chỉ là những thông điệp đơn giản nhưng có thể làm khách hàng ghi nhớ và nghĩ đến thương hiệu của bạn khi nhắc đến thông điệp này thì đó chính là sự thành công.
Trong TVC của Midttrafik, thông điệp được phân bổ xuyên suốt. Key message “bus is cool” được lặp lại một cách đều đặn ở phần mở đầu, giữa và kết thúc của TVC. Làm cho thông điệp đi sâu vào tâm trí của người xem, giúp người xem có thể ghi nhớ thông điệp với một trạng thái vui vẻ và giải trí, mang lại hiệu ứng tích cực cho hình ảnh của thương hiệu.
3. Câu chuyện về creative - thinking out of the box
Khi thực hiện các chiến dịch mang tính sáng tạo, sẽ có rất nhiều người bị “trói buộc” và giới hạn suy nghĩ của mình bên trong một chiếc hộp vô hình. Ví dụ như, nhiều Marketer sẽ có suy nghĩ, một sản phẩm phải có tính năng khác biệt, nổi bật, phải có USP cụ thể thì mới làm quảng cáo được.
Tuy nhiên thực tế, không có bất kỳ sự ràng buộc nào về điều này, sáng tạo là vô hạn. Trong trường hợp của Midttrafik, thương hiệu là minh chứng cho “Thinking out of the box”. Từ những yếu tố rất đơn giản và bình thường, thương hiệu đã sáng tạo và làm nổi bật các đặc tính của sản phẩm, dịch vụ một cách thú vị và đầy ấn tượng đối với người xem.
TVC của Midttrafik là case-study đáng để các marketer học hỏi về việc làm sáng tạo. Đôi lúc ta cần thoát ra khỏi những chiếc hộp vô hình đang bó buộc sự sáng tạo của mình, tìm những nguồn cảm hứng mới hơn, sáng tạo với phạm vi rộng hơn sẽ giúp chúng ta có được những kết quả không ngờ đến.
Và tư duy bên ngoài “chiếc hộp” chưa bao giờ là việc đơn giản, nhưng chúng ta có thể thay đổi từng bước một bằng cách dám đón nhận cái mới, nhìn nhận công việc bằng những lăng kính mới, sẵn sàng tìm hiểu và thử nghiệm với những điều mới mẻ đó.
Lợi Hoàng - MarketingAI
Bình luận của bạn