Không chỉ là món đồ chơi sành điệu dành cho các bé, búp bê Barbie còn ghi điểm trong mắt người lớn bởi tính thay đổi liên tục và sáng tạo không ngừng nghỉ. Sau hơn nửa thế kỷ phát triển, dù đã ở độ tuổi 60 nhưng những búp bê Barbie vẫn khiến cả thế giới phải chao đảo. Liệu thương hiệu sẽ thay đổi thế nào để tiếp tục trở thành mẫu đồ chơi nổi tiếng nhất thế giới?
Búp bê Barbie nuôi mãi giấc mơ trưởng thành
Hiện nay, Barbie có rất nhiều hiện thân và hiện thân nào cũng mang dáng vẻ hấp dẫn người chơi. Cô có thể trong vai một bác sĩ phẫu thuật, một phi hành gia, một người đưa tin và một tổng thống. Cô cũng là Nữ công tước xứ Cambridge, hay một số nhân vật trong "Mad Men" và thành viên của Destiny''s Child. Nhưng trong lần ra mắt đầu tiên tại Hội chợ đồ chơi New York vào ngày 9.3.1959, cô chỉ là một con búp bê trong bộ đồ bơi với tóc đuôi ngựa, cùng cặp kính râm màu trắng trên tay.
Sáu thập niên sau, cứ mỗi phút trôi qua, có hơn 100 búp bê Barbie được bán ra, tổng cộng hơn 58 triệu Barbie được bán mỗi năm. Làm thế nào mà mẫu búp bê này tồn tại và phát triển hơn nửa thế kỷ với những kỷ lục như vậy? Lisa McKnight, Phó chủ tịch cấp cao và Tổng giám đốc toàn cầu của thương hiệu Barbie, cho biết: “Mẫu búp bê vẫn nổi tiếng vì cô ấy tiếp tục phản ánh văn hóa và cách các cô gái nhìn thế giới xung quanh họ”
>>> Xem thêm: Vĩnh biệt Karl Lagerfeld, Giám đốc sáng tạo huyền thoại của Chanel
Barbie được tạo ra bởi Ruth Handler, người sở hữu công ty đồ chơi Mattel cùng với chồng Elliot. Cô được truyền cảm hứng từ những con búp bê giấy của cô con gái Barbara. "Ban đầu, Barbie là một cách để trẻ nhỏ tự thể hiện mình là người trưởng thành", Aurore Bayle-Loudet, người từng làm việc trong một triển lãm Barbie năm 2016 tại Musée des Arts Décoratif ở Paris, cho biết.
Đến năm 1960, Barbie đã “trưởng thành” với tư cách là một y tá, biên tập viên thời trang, tiếp viên hàng không hoặc giám đốc điều hành. Năm sau, cô có một người bạn trai mặc quần bơi tên Ken và năm sau đó, chiếc xe đầu tiên của cô và một "Ngôi nhà mơ ước" cũng xuất hiện. Cô trở thành một CEO, một phi công và ứng cử viên tổng thống...
Không chỉ còn là thứ đồ chơi dành cho trẻ em
Nhưng khi Barbie tạo ra đột phá như một người phụ nữ có sự nghiệp thì nhận nhiều chỉ trích của dư luận vì đề cao mẫu phụ nữ lý tưởng da trắng và phân biệt chủng tộc. Vì vậy, búp bê Barbie da màu đầu tiên được bán ra trong năm 1967. Hiện nay, Barbies đã có bảy tông màu da, 22 màu mắt và 24 kiểu tóc.
Vào tháng 2 năm 2019, Mattel bổ sung dòng "Barbie Fashionistas" có cả một búp bê sử dụng xe lăn và có chân giả. Trong Ngày Quốc tế Phụ nữ 2018, Mattel đã phát hành một loạt búp bê mới dựa trên "mô hình vai trò ngoài đời thực": Nhà toán học tiên phong của NASA Kinda Johnson, phi công Amelia Earhart và nghệ sĩ Frida Kahlo đã trở thành Barbies trong bộ sưu tập lịch sử "Phụ nữ truyền cảm hứng"... "Bằng cách giới thiệu cho các cô gái những câu chuyện về phụ nữ từ mọi tầng lớp, họ bắt đầu thấy nhiều cơ hội hơn cho bản thân", trang web Barbie viết. Chiến dịch "Barbie Dream Gap" được McKnight mô tả là "một sáng kiến toàn cầu nhằm nâng cao nhận thức giúp các các cô gái phát huy hết tiềm năng của họ."
Ở tuổi 60, Barbie đã vượt qua không gian gói gọn chỉ của cửa hàng đồ chơi. Cô đóng vai chính trong loạt phim Netflix, "Barbie Dreamhouse Adventures" và có gần 40 bộ phim hoạt hình mang tên mình. Cô cũng là một biểu tượng truyền thông xã hội được chứng nhận. Trên Instagram @barbiestyle, cô thường xuyên chia sẻ trang phục, phong cách và những ảnh chụp theo phong cách đường phố khi đi chơi cùng bạn bè.
Với 2 triệu người theo dõi, cô đã sánh ngang tầm với một số nhân vật có ảnh hưởng lớn tới truyền thông xã hội. Trên YouTube, nơi cô đăng các vlog hoạt hình với các tiêu đề như "Tìm giọng nói của bạn", "Thử thách trong hộp!" và "Hướng dẫn trang điểm theo chủ đề Halloween với Ken", thu hút gần 6 triệu người đăng ký...
Vì vậy, các cô gái vẫn có quyền hy vọng được tiếp tục nuôi những giấc mơ với Barbie trong 60 năm tiếp theo.
Theo Nhịp cầu đầu tư
Bình luận của bạn