Doanh nghiệp bạn đang làm Green Marketing hay Greenwashing?

15 Thg 09

Trong xu hướng hiện đại, người dùng rất ủng hộ các sản phẩm từ Green Marketing! Tuy nhiên, Green Marketing lại bị biến tướng một cách dễ dàng sang Greenwashing bằng những cái mác như “eco-friendly,” “organic,” “natural,” “green” thiếu thực chất. Vậy Green Marketing và Greenwashing là gì?

Green Marketing và phong trào “Xanh”

Green Marketing (tạm dịch là Marketing Xanh) là các hoạt động Marketing cho sản phẩm và dịch vụ dựa trên các yếu tố hoặc nhận thức về môi trường. Các hoạt động chủ yếu trong sản xuất và tiếp thị Xanh bao gồm: tránh sử dụng vật liệu độc hại, làm từ vật liệu tái tạo, không dùng quá nhiều bao bì, hoặc các sản phẩm được thiết kế để có thể tái sử dụng nhiều lần.

Với nhận thức ngày càng tăng, người tiêu dùng ngày nay có xu hướng chọn các sản phẩm dịch vụ thân thiện với môi trường. Nghiên cứu gần đây cho thấy: trung bình có khoảng 70% người mua hàng chọn trả thêm tiền nếu sản phẩm đó thân thiện với môi trường. Điều này vô tình tạo nên một làn sóng “Xanh”.

Tại Việt Nam, đáng chú ý nhất là vào năm 2019, phong trào “Xanh” của nhiều thương hiệu lớn đã diễn ra như: Phúc Long, Highland, Starbucks… Họ cho ra đời rất nhiều các chiến dịch thân thiện với môi trường như: giảm thiểu ống hút nhựa, phân loại rác, sử dụng sản phẩm tái chế...

Starbucks với chiến dịch Green Marketing loại bỏ ống nhựa từ năm 2018

Trên thế giới, ông trùm siêu thị Walmart cũng đã có sáng kiến ​​chuyển đổi 28% năng lượng thành năng lượng tái tạo và chuyển 78% chất thải toàn cầu sang tái chế và tái sử dụng. Walmart thậm chí đã thực hiện một mục tiêu đầy tham vọng là không có rác thải vào năm 2025. Hay McDonald''s đã cam kết bảo vệ hành tinh của chúng ta bằng cách hành động giảm lượng bao bì nhựa của họ.

>>>Xem thêm: 3 bài học thành công về Green Marketing của các thương hiệu

“Biến tướng” Greenwashing và hậu quả khôn lường

Greenwashing là quá trình truyền đạt một ấn tượng sai lệch hoặc cung cấp thông tin sai lệch để đánh bóng thương hiệu. Greenwashing được coi là một tuyên bố vô căn cứ để đánh lừa người tiêu dùng tin rằng các sản phẩm của công ty là thân thiện với môi trường. Có thể coi Greenwashing là biến tướng tiêu cực của Green Marketing.

Greenwashing
Không nên đánh bóng tên tuổi của mình bằng Greenwashing  (Ảnh minh họa)

Một ví dụ của Greenwashing: Vào khoảng tháng 4 năm nay, nhiều người dùng đã lên tiếng "tố" hãng mỹ phẩm Hàn Quốc Innisfree cố tình ghi nhãn mỹ phẩm gây hiểu lầm. Cụ thể, trên một sản phẩm làm đẹp từ trà xanh của hãng có ghi "Hello, I’m paper bottle" (Tạm dịch: Xin chào, tôi là chai giấy), tuy nhiên khi người này cắt ra lại phát hiện vỏ chai làm từ nhựa và chỉ có một lớp vỏ giấy mỏng bao quanh.

Sau đó, Innisfree đã hứng chịu không ít chỉ trích vì chiến dịch marketing gây hiểu lầm của mình. Được biết, bài đăng với tiêu đề "Tôi cảm thấy bị phản bội khi phát hiện chai giấy của Innisfree hóa ra bằng nhựa" trong nhóm "Không mua sắm đồ nhựa" của khách hàng trên nhanh chóng trở nên viral ở Hàn Quốc.

Thậm chí, người này còn gửi đơn khiếu nại lên trung tâm bảo vệ người tiêu dùng, nói rằng hãng đã ghi nhãn không đúng sự thật để đánh lừa người mua rằng sản phẩm thân thiện với môi trường.

Doanh số và các chỉ số thương hiệu của Innisfree từ đó bị ảnh hưởng nghiêm trọng.

Quảng cáo của Innisfree
Cú lừa Innisfree, bên ngoài là giấy trong lại là nhựa (Ảnh Cafebiz)

Sự khác biệt giữa Green Marketing và Greenwashing

Phần thể hiện ra bên ngoài giữa Green Marketing và Greenwashing khá giống nhau, tuy nhiên về bản chất đây là hai hoạt động khác nhau hoàn toàn. Trong khi Green Marketing là hành động giúp họ thực hiện và đảm bảo các nghĩa vụ đạo đức liên quan về môi trường, còn Greenwashing có lẽ chỉ có mục tiêu về doanh thu để đánh bóng tên tuổi, thậm chí còn có tác động tiêu cực đến môi trường.

Green Marketing rất minh bạch, sản phẩm hoặc dịch vụ trong các chiến dịch tiếp thị đều đáp ứng những tiêu chí sau:

  1. Không chứa các chất độc hại hoặc suy giảm tầng ozon
  2. Có thể tái chế hoặc được làm từ vật liệu tái chế
  3. Được thiết kế theo hướng bền vững
  4. Không sử dụng quá nhiều bao bì
  5. Có thể được tái sử dụng nhiều lần, thay vì một lần

Trong khi đó, Greenwashing hoàn toàn không đáp ứng được các tiêu chí này,  mà chỉ được thể hiện ra ngoài bằng những cái mác như “eco-friendly,” “organic,” “natural,” “green” thiếu thực chất.

>>>Xem thêm: 6 Chiến lược Marketing nổi tiếng đến từ những thương hiệu lớn

Lưu ý quan trọng để tránh biến Green Marketing thành Greenwashing

Những lưu ý của Green Marketing

Không phải cứ gán nhãn “Xanh” là thương hiệu của bạn đã làm Green Marketing thành công, để tránh Greenwashing, bạn cần TRÁNH những điều sau đây:

  1. Sử dụng các từ không rõ ràng: Sử dụng các từ như “hoàn toàn tự nhiên” hoặc “thân thiện với môi trường” có thể khá chung chung. Thay vào đó bạn nên sử dụng những từ ngữ cụ thể, mô tả ý nghĩa thực sự với môi trường của sản phẩm, dịch vụ mà mình cung cấp.
  2. Thiếu tính minh bạch và không có bằng chứng: Khi làm Green Marketing, doanh nghiệp bạn phải có khả năng cung cấp bằng chứng về các thông tin liên quan đến chủ đề thân thiện với môi trường. Hãy thực hiện bước này một cách minh bạch!
  3. Sử dụng hình ảnh, màu sắc sai: Hình ảnh là thứ gây ấn tượng đầu tiên với khách hàng, do đó phải được thể hiện vô cùng cẩn thận. Nếu sản phẩm của bạn không liên quan gì đến “màu xanh” hay “thân thiện môi trường” mà bạn cứ cố tình sử dụng những màu sắc, biểu tượng liên quan đến “màu xanh”, thì vô tình bạn sẽ khiến khách hàng hiểu nhầm.
  4. Thông tin không liên quan: Đôi khi các thương hiệu chỉ nhấn mạnh một thuộc tính nào đó của sản phẩm/dịch vụ rằng nó thân thiện với môi trường, nhưng thực chất mọi thông tin, phát biểu khác của công ty lại không có một chút liên quan đến vấn đề này.
  5. Tự tạo hoặc bịa đặt thông tin: Nhiều doanh nghiệp sử dụng những lời nói dối hoặc bịa đặt nhằm mục đích chứng minh các hoạt động kinh doanh của mình là bền vững, là thân thiện với môi trường để đánh lừa người tiêu dùng. Tuyệt đối không nên làm điều này!
  6. Sản phẩm xanh nhưng công ty “bẩn”: Đây có lẽ là cách Green Marketing tệ nhất mà một công ty có thể làm. Ví dụ, khi công ty tung ra ngoài thị trường những chiến dịch xanh, nhưng thực chất các nhà máy sản xuất và chất thải lại gây ô nhiễm không khí và sông ngòi…

Kết

Tạo ra các chiến dịch Green Marketing là rất tốt, tuy nhiên các marketers cũng không nên chạy theo xu hướng hay lợi nhuận mà đánh mất sứ mệnh thực sự của doanh nghiệp và ảnh hưởng nghiêm trọng đến hình ảnh lâu dài của thương hiệu. Một chiến dịch Green Marketing tốt trước hết cần đủ tâm!

Elite Vu - MarketingAi Nguồn tham khảo: protectusa.net

>> Xem thêm: Giải mã bí mật giúp TikTok trở thành mạng xã hội đình đám nhất dành cho giới trẻ

Đánh giá của bạn

TAGS:

Bình luận của bạn

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bình luận không đăng nhập

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.