Trong ngành công nghiệp ô tô, tháng 3 thường được xem là thời gian bận rộn nhất trong năm bởi lẽ đây là thời điểm phát hành biển số mới, từ đó kích cầu việc mua sắm của khách hàng. Tuy nhiên, mọi chuyện đã thay đổi trong năm nay với sự bùng phát của đại dịch Covid-19, gây ảnh hưởng lên toàn bộ nền kinh tế và ngành công nghiệp ô tô cũng không phải ngoại lệ. Trong suốt gần một thập kỷ, chưa có tháng 3 năm nào lại tệ như năm nay khi hàng loạt doanh nghiệp phải đương đầu với những ảnh hưởng nghiệm trọng mà đại dịch đang gây ra. Vậy động thái phản hồi của các thương hiệu ô tô trong tình cảnh này như nào?
> Xem thêm: Hướng dẫn các nhà quảng cáo ứng phó với các tác động của Covid-19
Doanh thu giảm sút, các showroom đồng loạt đóng cửa
Tại Anh, lượng đăng ký xe mới đã giảm 44% chỉ trong tháng 3 - đây là một sự sụt giảm mạnh hơn so với thời kỳ suy thoái năm 2008, và tồi tệ nhất kể từ năm 1999. Tình trạng này cũng diễn ra tương tự với khu vực Châu Âu trong tháng 3 này. Cụ thể, doanh thu bán xe mới tại Ý đã giảm 85%, con số này tại Pháp là 72% và 69% tại Tây Ban Nha.
Trong khi đó, tại Mỹ ghi nhận mức giảm của doanh thu bán xe mới là khoảng 35%. Theo dữ liệu ghi nhận từ Cox Automotive, chỉ tính riêng ngày 27 tháng 3 thì doanh thu bán xe mới đã giảm 55% so với cùng thời điểm năm 2019. Lý giải cho mức giảm sút đồng loạt như này đến từ việc người tiêu dùng không thể ghé thăm các showroom bán xe nữa. Đây là hệ quả của việc cách ly xã hội (social distancing) cũng như chính phủ các nước yêu cầu đóng cửa các showroom. Ngoài ra, trong thời điểm nền kinh tế khó khăn như này thì đa số người tiêu dùng đều không muốn chi tiêu một khoản tiền lớn.
Sau khi chứng kiến sự giảm sút trong nhu cầu của người tiêu dùng trở nên rõ ràng hơn, hàng loạt các thương hiệu ô tô đều đã ra lệnh đình chỉ hoặc ngừng việc sản xuất xe. Jaguar Land Rover là nhà sản xuất ô tô lớn cuối cùng của Anh ngừng sản xuất vào tháng 3, theo sau là sự đóng cửa nhà máy của Honda, Nissan, Vauxhall và các nhà sản xuất ô tô lớn khác. Tại Mỹ, Liên minh Đổi mới Ô tô đã ghi nhận vào ngày 26 tháng 3, 93% dây chuyền sản xuất ô tô của Mỹ đều đã ngừng hoạt động.
Ảnh hưởng của đại dịch Covid-19 còn tác động lên nhiều thị trường khác, cụ thể là tại Trung Quốc và điều này đã dẫn đến sự gián đoạn trong chuỗi cung ứng, bởi ngành công nghiệp ô tô toàn cầu đã nhập khẩu hơn 34 tỷ đô la các bộ phận từ Trung Quốc. Như một hệ quả, mức độ căng thẳng trong ngành đang ở tình trạng báo động. Trong một khảo sát gần đây, 83% doanh nghiệp có trụ sở tại châu Âu trong chuỗi cung ứng ô tô đã chọn 'quan tâm' hoặc 'rất quan tâm' về tác động đối với hoạt động của nhà cung cấp và triển vọng kinh doanh, với mối quan tâm lớn nhất là về lượng cung giảm sút trầm trọng và tình trạng thiếu hụt nguyên liệu thô.
Nhiều thương hiệu ô tô vẫn mở cửa hoạt động
Đứng trước tình trạng đóng cửa đồng loạt như hiện nay, nhiều hãng sản xuất ô tô đã đưa ra cảnh báo về khả năng chậm trễ của những chiếc xe được đặt hàng trước, đặc biệt là các công ty thuộc phụ thuộc vào nhà cung cấp ở nước ngoài. Dù vậy, trong nhiều trường hợp thì khách hàng vẫn có thể mua xe từ các nhà sản xuất với lượng hàng còn sẵn, thông qua các nền tảng thương mại điện tử. Nhiều đại lý xe hơi cũng đang cung cấp các dịch vụ từ xa. Trang web so sánh xe Car Wow vừa cho ra mắt sáng kiến mang tên “Delivery and Disinfections” (Giao hàng và khử trùng), cho phép các đại lý quảng bá dịch vụ từ xa của mình trên đây, bao gồm dịch vụ chạy thử xe tại nhà, tour thực tế ảo và mua hàng không tiếp xúc.
Car Wow đã đưa ra sáng kiến sau một cuộc khảo sát 1.000 người lái xe (được thực hiện vào ngày 17 tháng 3), cho thấy 54% số người được hỏi vẫn có ý định đổi xe trong tương lai không xa, với tỷ lệ này tăng vọt lên 70% tại Luân Đôn. Tất nhiên, khảo sát này được hoàn thành trước khi tình hình trở nên tồi tệ như bây giờ, và chính phủ đã đưa ra các quy định phong tỏa ở Anh.
Đồng thời, nhiều thương hiệu xe hơi khác cũng đang cung cấp các giải pháp giúp người tiêu dùng giải quyết được vấn đề tài chính khi mua xe trong thời điểm khó khăn này. Điển hình như Ford mới đây vừa giới thiệu chương trình có tên “Peace of Mind”, cho phép mọi người mua xe ngay bây giờ với tùy chọn hoãn thanh toán trong tối đa sáu tháng. Chương trình sẽ được áp dụng cho các đơn hàng mua xe mới trong tháng 4 và tháng 5, về cơ bản nó sẽ đóng vai trò trở thành nguồn động lực để kích thích người tiêu dùng mua ô tô, bất chấp những tác động của dịch bệnh lên tình hình tài chính.
Hãng Hyundai cũng mới đây vừa tung ra chương trình “Assurance Job Loss Protection”, hỗ trợ các khách hàng bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh Covid-19 về mặt tài chính. Với chương trình này, Hyundai sẽ cho phép khách hàng mới bị mất việc làm mua một chiếc xe trong khoảng thời gian từ ngày 14 tháng 3 đến ngày 30 tháng 4 sẽ được thanh toán trong vòng tối đa 6 tháng. Đối với các giao dịch mua mới được tài trợ thông qua Hyundai Capital, thương hiệu ô tô cũng đang hoãn thanh toán trong 90 ngày nếu cần thiết.
Các nỗ lực quảng cáo vẫn được tiếp tục
Nhiều ngnàh nghề khác đã cắt giảm hoặc tạm dừng hoạt động hoạt động tuy nhiên ngành công nghiệp ô tô vẫn duy trì ở mức ổn định. Báo cáo từ Digiday đã chỉ ra rằng, dù mức chi tiêu cho quảng cáo có giảm sút, tuy nhiên hoạt động quảng cáo vẫn được duy trì ở mức cao. Đây là những dữ liệu được thu thập từ iSpotTV, và đã được chỉ ra rằng các hãng sản xuất xe tại Mỹ đã chi khoảng 184 triệu đô cho 54,000 lượt phát sóng và đạt 19,6 tỷ lượt hiển thị trên TV từ ngày 1 tháng 3 đến 18 tháng 3. Tương tự, dữ liệu từ Kantar cũng chỉ ra rằng quảng cáo ô tô đã tăng 13% trong định dạng quảng cáo 30 giây từ 23 tháng 3 đến 29 tháng 3.
Một số hãng sản xuất xe khác, điển hình là Ford đang liên tục tạo ra các quảng cáo để làm nổi bật động thái của thương hiệu trước tình hình dịch bệnh hiện tại. Quảng cáo gần nhất có tên “Built to Lend a Hand”, dựa vào lịch sử 100 năm của công ty để trấn an người tiêu dùng rằng họ đang làm hết sức có thể để giúp đỡ cộng đồng, xã hội vào lúc này.
Mặt khác, Toyota lại lựa chọn hướng tiếp cận thực tế hơn là trấn an về tinh thần, thông qua quảng cáo “Here to Help” thì hãng đang muốn quảng bá việc các bộ phận dịch vụ của họ vẫn luôn hoạt động, cũng như những tiện ích mà hãng cung cấp trong thời điểm này (sửa chữa xe không tiếp xúc). Các hãng sản xuất xe khác như Nissan cũng tích cực quảng bá các hoạt động hỗ trợ người tiêu dùng về việc trì hoãn thanh toán hay các ưu đãi đặc biệt.
Có thể nói, đối với các thương hiệu ô tô thì họ đang tập trung rất nhiều vào việc xây dựng mối quan hệ lâu dài, với cả những khách hàng hiện tại cũng như khách hàng tiềm năng mới. Sở dĩ một quá trình mua ô tô thường mất một khoảng thời gian dài, vậy nên việc đưa ra các hỗ trợ thanh toán trả chậm trong thời hạn ngắn sẽ giúp các thương hiệu tạo được thiện cảm với khách hàng, từ đó họ vẫn sẽ là thương hiệu đứng đầu trong tâm trí người tiêu dùng (top of mind) khi mọi chuyện dần trở về bình thường.
Ngành công nghiệp sẽ phục hồi nhanh chóng?
Tại Trung Quốc, đăng ký xe mới trong nửa đầu tháng 2 đã giảm 92% so với năm trước. Còn trong nửa đầu tháng 3, đăng ký xe mới đã giảm 47% so với năm trước. Rõ ràng vẫn còn một con đường dài phía trước, nhưng điều này có thể được coi là một dấu hiệu cho thấy ngành công nghiệp ô tô có khả năng phục hồi trở lại.
Jim Holder, đã chia sẻ trên Auto Car rằng thương mại điện tử - hoạt động bán hàng không tiếp xúc mới - cũng như việc tái tương tác nhanh chóng với khách hàng - là tất cả các yếu tố hỗ trợ Trung Quốc và giúp các thị trường khác phục hồi trong thời gian tới.
Tất nhiên, không có gì là đơn giản, đặc biệt là do tính chất khó lường của đại dịch và tác động của dịch bệnh Covid-19 đối với các doanh nghiệp (và chuỗi cung ứng). Tuy nhiên, khả năng thích ứng nhanh chóng chắc chắn là điều mà các thương hiệu cần trong ngành công nghiệp ô tô, cùng với cam kết kiên định để trấn an và đáp ứng nhu cầu của khách hàng.
Tuấn Anh - MarketingAI
Theo Econsultancy
Bình luận của bạn