Sự gia tăng các hãng hàng không giá rẻ, internet, và điện thoại thông minh đã dẫn đến sự tăng trưởng nhanh chóng của ngành du lịch trực tuyến, trong đó, phần lớn được chi phối bởi các tổ chức du lịch trực tuyến nước ngoài (OTA - Online Travel Agents). Khi so sánh với các công ty nước ngoài, các công ty lữ hành nội địa tiếp tục đối mặt với một số vấn đề như yếu giải pháp công nghệ, hạn chế về quy mô quan hệ đối tác với khách sạn, và thiếu kinh phí. Trong khi đó các OTA nước ngoài giảm giá cao hơn và mời chào nhiều chương trình khuyến mãi lớn hơn để thu hút khách du lịch.
Toàn cảnh ngành công nghiệp du lịch Việt Nam hiện nay
Năm ngoái, chính phủ Việt Nam đã thông qua Luật Du lịch, tập trung vào sự phát triển của ngành. Du lịch đã được xác định là một ngành công nghiệp trọng điểm cho Việt Nam, nhờ sự tăng trưởng nhanh chóng và đóng góp ngày càng tăng vào GDP của đất nước. Theo một báo cáo của Tổ chức Du lịch Thế giới Liên Hợp Quốc vào tháng 6 năm 2017, tăng trưởng du lịch của Việt Nam đứng thứ bảy toàn cầu và là quốc gia duy nhất ở Đông Nam Á nằm trong top 10.
Đến năm 2020, doanh thu của ngành du lịch ở Việt Nam được dự đoán sẽ đạt 35 tỷ USD, trong khi số lượng khách du lịch nước ngoài sẽ tăng lên 20 triệu. Ngoài ra, đóng góp của ngành vào GDP sẽ tăng từ 7% trong năm 2017 lên 10% vào năm 2020.
2017
Trong năm 2017, lượng khách du lịch nước ngoài của Việt Nam tăng 29,1% lên 12,9 triệu lượt người. Sự tăng trưởng này đã đẩy doanh thu của ngành này lên 23 tỷ USD (515 nghìn tỷ đồng), tăng 25,1%. Ngành công nghiệp chiếm 7% tổng GDP.
Lượng khách đến từ châu Á và châu Âu tăng lần lượt ở mức 34,4% và 16,6%.
2018
Trong bốn tháng đầu năm 2018, đã có 5,5 triệu lượt khách quốc tế, tăng 29,5% so với cùng kỳ năm ngoái. Chính phủ đang nhắm mục tiêu 15 đến 17 triệu du khách nước ngoài vào năm 2018.
Số lượt khách từ Trung Quốc tăng 39,7% so với cùng kỳ năm ngoái, đạt 1,77 triệu, trong khi khách đến từ Hàn Quốc đứng ở mức 1,17 triệu, tăng 67% so với cùng kỳ năm trước. Bên ngoài châu Á, các nguồn chính cho khách du lịch là Mỹ, Nga và Úc với tăng trưởng từ 10 đến 15%.
Sự xâm nhập mạnh mẽ của các dịch vụ trực tuyến (OTA – Online Travel Agent)
Theo Chỉ số doanh nghiệp điện tử Việt Nam của Hiệp hội Thương mại điện tử Việt Nam (VECOM) 2018, tỷ lệ đặt phòng qua OTA tăng 30% trong năm 2017, trong khi doanh thu du lịch trực tuyến tăng 50% so với năm 2016.
Các công ty lữ hành nội địa chỉ chiếm 20% thị phần, trong khi phần còn lại bị thống trị bởi các công ty nước ngoài như Trivago, Booking và Agoda. Động lực tạo tăng trưởng chính cho các công ty nước ngoài bao gồm tiếp cận vốn, quan hệ đối tác với khách sạn và các chương trình khuyến mại như giảm giá / chào hàng.
Với sự phát triển của Internet và gia tăng sử dụng điện thoại thông minh, khách du lịch sẽ tiếp tục ưa thích OTA hơn các đại lý du lịch truyền thống do tính tiện lợi, đa dạng trong lựa chọn, khuyến mại và phương thức thanh toán dễ dàng hơn. Vào năm 2018, 71% khách du lịch nước ngoài đến Việt Nam tìm kiếm thông tin trực tuyến, trong đó 64% đặt tour du lịch Việt Nam trực tuyến.
Thị trường du lịch trực tuyến được dự đoán sẽ tăng từ 2,2 tỷ USD trong năm 2015 lên khoảng 9 tỷ USD vào năm 2025.
Cạnh tranh với các OTA nước ngoài trong các lĩnh vực như vốn, khuyến mại và tiếp thị sẽ khó khăn cho các doanh nghiệp trong nước. Tuy nhiên, họ có thể tập trung vào các vấn đề như cải thiện dịch vụ khách hàng, tối ưu hóa công nghệ và đa dạng hóa các dịch vụ như cung cấp hướng dẫn vận chuyển và hướng dẫn viên để duy trì tính cạnh tranh.
Lối đi nào cho các công ty lữ hành nội địa?
Thực tế, các doanh nghiệp nội địa cung cấp sản phẩm/ dịch vụ du lịch không nhất thiết phải cạnh tranh trực tiếp với các trang web trực tuyến nước ngoài (OTA). Rõ ràng, doanh nghiệp trong nước đang sở hữu những lợi thế riêng như:
Cơ sở dữ liệu khách hàng lớn hơn. Hầu như tất cả các công ty du lịch lữ hành nội địa đều có khách hàng trung thành mà họ đã xây dựng trong nhiều năm qua. Không chỉ vậy, ưu thế về thực địa có thể giúp các doanh nghiệp dễ dàng tiếp cận khách hàng, thu thập thông tin và cập nhật tin tức về điểm du lịch tốt hơn.
Nhu cầu du lịch theo tính chất cụ thể từng địa phương. Mỗi địa phương không chỉ có các địa điểm du lịch nổi tiếng mà còn ẩn chứa nhiều hoạt động mang tính bản địa thú vị. Với xu thế xu lịch văn hóa và trải nghiệm cuộc sống địa phương đang phát triển mạnh mẽ, các doanh nghiệp, đại lý du lịch nội địa hoàn toàn có lợi thế cạnh tranh rất lớn với các trang web trực tuyến khi liên kết cùng nhau tập trung vào tính chất độc đáo của từng điểm du lịch.
Dịch vụ cá nhân tốt hơn. Nếu bạn cố gắng liên hệ, yêu cầu trợ giúp từ các trang web lớn như Agoda.com hoặc Booking.com, họ cung cấp cho bạn một tổng đài viên tiếp nhận trong mọi vấn đề. Tuy nhiên, người này thường chỉ có khả năng hỗ trợ các vấn đề kỹ thuật cơ bản, và chuyển tiếp yêu cầu của bạn tới các bộ phận khác.
Xem thêm:Marketing ngành du lịch hiện đại – Đâu là cơ hội cho doanh nghiệp Việt? Xu hướng digital marketing du lịch – dịch vụ năm 2018
Hơn nữa, mạng lưới nhà cung cấp lớn nhưng không thân thiết của OTA sẽ rất khó khăn để xử lý vấn đề từng cá nhân, do vậy có thể làm ảnh hưởng tới chuyến đi của khách hàng. Còn các đại lý du lịch địa phương luôn có một nhân viên phụ trách hỗ trợ, giải quyết mọi vấn đề phát sinh ngay lập tức và đảm bảo chuyến đi của khách hàng tốt đẹp đến phút cuối cùng.
Thao Nguyen - MarketingAI
Theo Vietnam-Briefing
Bình luận của bạn