Một sự thật không thể chối cãi rằng con người có thể nhịn trang sức, mỹ phẩm, điện thoại, mua sắm...nhưng không thể nhịn sử dụng nhu cầu thiết yếu hàng ngày. Nhìn thấy được điều đó, Sài Gòn và Hà Nội đang chứng kiến sự phát triển mạnh mẽ sự lên ngôi của kinh doanh cửa hàng tiện lợi. Một nhóm ngành có mức lợi nhuận khá ổn, tuy nhiên để tồn tại trong môi trường này thì quả thực là một bài toán khó.
Thực trạng về kinh doanh của hàng tiện lợi tại Việt Nam
Vinmart+ đang phủ sóng thị trường Hà Nội, có thể nói vui rằng đi vài bước chân là thấy 1 cửa hàng tiện lợi của VinGroup. Ngược lại, Thành phố Hồ Chí Minh đang phủ sóng bởi tập đoàn AEON, Ministop là cửa hàng tiện lợi có thể nhìn thấy ở mọi góc phố tại trung tâm, bao quanh nó là các hệ thống siêu thị Fivimart và Citimart, còn ngoại ô thành phố bị chế ngự bởi bộ đôi Aeon Mall Bình Tân và Aeon Mall Tân Phú.
Vinmart+ và CircleK đang len lỏi đến từng khu phố, ngóc ngách cạnh tranh giành thị phần với các cửa hàng bán lẻ truyền thông khác. Độ phủ của hai thương hiệu đang là khá đáng gờm, dường như về độ nhận diện thương hiệu, Vinmart đang chơi trên "sân nhà" nên có lợi thế hơn rất nhiều. Family mart là hệ thống siêu thị tiện lợi lớn thứ hai thế giới bị đánh bật khỏi rìa thành phố (quận 12, Gò Vấp) đủ thấy thị trường Việt Nam cạnh tranh đến nhường nào. Nhìn thấy thị trường "béo bở" ở Việt Nam, hai chuỗi cửa hàng lớn 7eleven (Nhật Bản) và Gs25 ( Hàn Quốc) đã bắt đầu "đánh chiếm" thị trường 90 triệu dân.
Kinh doanh cửa hàng tiện lợi: "thương trường là chiến trường"
Cạnh tranh về địa điểm
Các cửa hàng tiện lợi đang muốn tranh suất tại những điểm phù hợp và có lợi nhất cho mình. Những con phố có đông dân cư, những địa điểm gần chợ, gần cồng trường, chỗ trung tâm phố du lịch là những địa điểm hợp lý có thể nhân rộng địa bàn kinh doanh. Trong cùng 1 khu phố 500m lại có thể bắt gặp 1 cửa hàng tiện lợi. 7-Eleven dù mới vào thị trường cũng lên kế hoạch sẽ mở 300 cửa hàng tại Việt Nam trong vòng 3 năm và sẽ phát triển lên 1.000 cửa hàng sau 10 năm. Mới đây, tập đoàn bán lẻ Hàn Quốc GS Retail đã hợp tác với Công ty Sơn Kim lên kế hoạch phát triển chuỗi cửa hàng tiện ích GS25 tại Việt Nam.
Nghiên cứu mới nhất của Savills cho thấy giá thuê mặt bằng bán lẻ không ngừng tăng, trung bình khoảng 98-99 USD/m2 (hơn 2,2 triệu đồng) ở các vị trí tốt. Giá thuê cao nhất ở các quận trung tâm thành phố lớn có điểm lên tới 250 USD/m2/tháng (khoảng 5,7 triệu đồng). Chi phí mặt bằng gấp 5-6 lần số tiền để đưa được thương hiệu về Việt Nam.
Chiến dịch Marketing của các thương hiệu
Thời đại mà Internet trở thành một thứ phương tiện không thể thiếu đối với mỗi người, mỗi nhà thì các dịch vụ được phát triển trên nền Internet cũng sẽ được khai thác tối đa nhằm đáp ứng nhu cầu của người dùng. Marketing online là một kênh tiếp thị hiệu quả của bán lẻ, dễ dàng tiếp cận được với hàng triệu người dùng Internet bằng những cách thức khác nhau.
Các phương thức thực hiện Marketing Online được nhiều cửa hàng bán lẻ ứng dụng và thu được kết quả khả quan như tiếp thị bán hàng qua facebook, qua các diễn đàn có lượng truy cập lớn, thông qua việc gửi Email Marketing,… Các kênh tiếp thị này giúp các cửa hàng giải quyết những vấn đề khó khăn liên quan đến địa điểm mở cửa hàng.
>>> Xem thêm: Top 5 phần mềm email marketing miễn phí mới nhất
>>> Xem thêm: Các kênh bán hàng online hiệu quả đem về lợi nhuận nhanh nhất
Mặt hàng đáp ứng người tiêu dùng
Nếu như Vinmart+ nhắm vào nhóm đối tượng trên 27 tuổi, thì CircleK, B's mart, Ministop...lại nhắm vào các khách hàng dưới 25, đặc biệt là các đối tượng học sinh sinh viên. "Mặt hàng tươi cho người nội trợ" là mục tiêu của Vinmart+,còn các thương hiệu kinh doanh cửa hàng tiện lợi còn lại cung ứng những dịch vụ, mặt hàng giành cho giới trẻ. Mặc dù hai mục tiêu khác nhau nhưng về cơ bản những mặt hàng đa dạng và cung ứng sản phẩm tương đương. Nó dẫn tới sự cạnh tranh khốc liệt không chỉ đối thủ cùng ngành mà còn từ những cửa hàng bán lẻ truyền thống.
Dịch vụ tiện ích của kinh doanh cửa hàng tiện lợi
Có thể thấy rõ những dịch vụ mà các chuỗi cửa hàng tiện ích này đem lại
- Chuyển tiền
- Đóng tiền điện, nước
- Nạp tiền điện thoại
- Sử dụng ATM
- Thanh toán hóa đơn
Những tiện ích này là sự liên kết với các doanh nghiệp để mang đến trải nghiệm tốt nhất cho người tiêu dùng. Định nghĩa cửa hàng tiện lợi "cái gì cũng có" đang dần đi vào lòng người tiêu dùng, và mong muốn nhiều hơn những tiện ích nó đem lại. Vì vậy, ở đâu có dịch vụ tốt hơn ở đó sẽ chiếm được lợi thế trên thị trường.
Khó khăn chung của các chuỗi cửa hàng tiện lợi
Rõ ràng, các cửa hàng tạp hóa truyền thống hiện nay đang phải chịu sự kìm kẹp rất lớn của những Circle K, VinMart+, Family Mart, Ministop, hay B’s Mart,… còn Shop & Go thì đang dần thâu tóm các cửa hàng tạp hóa truyền thống. Thế nên trong nay mai, sau khi ngành bán lẻ truyền thống bị xóa sổ thì kinh doanh cửa hàng tiện lợi sẽ bước vào giai đoạn màu hồng rực rỡ như cách mà các hệ thống tiện lợi tại Thái Lan đang được thừa hưởng và gặt trái ngọt. Minh chứng đã cho thấy từ việc Family Mart nhất quyết không từ bỏ thị trường Việt Nam dù bị mất trắng gần như toàn bộ cửa hàng sau cú “phốt” mang tên Phú Thái. Với kinh nghiệm đầu tư dày dặn trong ngành, hệ thống Family thừa biết rằng đâu là thời điểm chịu lỗ, đâu là thời điểm hái quả.
Tờ Diễn đàn doanh nghiệp ví von thị trường kinh doanh cửa hàng tiện lợi Việt là "cục nam châm" hấp lực nhà đầu tư ngoại, khi theo dự báo tới 2020, tốc độ tăng trưởng thương mại bán lẻ của Việt Nam sẽ đều đặn trung bình gần 12%/năm, quy mô lên tới gần 180 tỷ USD. Và theo nghiên cứu của hãng tư vấn A.T.Kearney tại Mỹ, Việt Nam hiện đứng thứ 6 trên toàn thế giới về chỉ số phát triển thị trường bán lẻ. Báo cáo này khẳng định, của hàng tiện lợi và siêu thị mini tại Việt Nam đang rất hot.
Kết luận
Rõ ràng tiềm năng luôn đi cùng với thách thức, thị trường hấp dẫn sẽ lôi kéo đến nhiều đối thủ cạnh tranh. Đặc biệt, trong lĩnh vực kinh doanh cửa hàng tiện lợi, nếu không có chiến lược cụ thể và vốn điều lệ đủ thì thất bại là điều dễ hiểu. Khi các cửa hàng truyền thống mất lòng tin bởi bê bối trong khâu đảm bảo chất lượng sản phẩm, thì đây là thời cơ tốt để các cửa hàng tiện lợi lôi kéo người tiêu dùng. Thị trường này đang là "miếng bánh ngon" cho nhiều thương hiệu xâu xé, nhưng sự cạnh tranh thì thực sự khốc liệt và các thương hiệu phải có chiến lược lâu dài mới sống sót trong ngành này.
Thắng Nguyễn - Marketing AI
Bình luận của bạn