cover

[CSR Hub] Dự án “Thiên thần” của TokyoLife - Cánh cửa nghề nghiệp bền vững cho người khuyết tật

22 Thg 07

Các chiến dịch CSR trong những năm gần đây đã có bước tiến rõ rệt. Các chiến dịch trở nên thiết thực hơn, giá trị hơn và bền vững hơn. Có những chiến dịch đã được thực hiện bền bỉ xuyên suốt nhiều năm và tạo ra giá trị rất ấn tượng cho cộng đồng xã hội. Một trong số đó phải kể đến Dự án “Thiên thần” thương hiệu TokyoLife đến từ Công ty cổ phần IntelLife. So với các doanh nghiệp khác tại Việt Nam, TokyoLife không phải là một tên tuổi quá lớn mạnh tuy nhiên cách làm CSR trong Dự án “Thiên thần” của thương hiệu này lại có rất nhiều những ưu điểm đáng học hỏi. Trong bài viết này, cùng nhìn lại hành trình nghiên cứu, thực hiện và phát triển dự án “Thiên thần” - Một dự án có khá nhiều điểm sáng từ sự thiết thực, tính bền vững cho tới khả năng lan tỏa những giá trị tích cực đến với cộng đồng.

Vấn đề xã hội trong Dự án "Thiên thần": Sức lao động của người khuyết tật

Dự án thiên thần bắt nguồn từ một vấn đề rất nan giải của Việt Nam trong hàng chục năm qua đó là sức lao động của người khuyết tật. Theo thống kê, Việt Nam có khoảng 7% dân số - 6,2 triệu người, là người khuyết tật. Phần lớn trong số đó, khoảng 2,5 triệu người vẫn có khả năng và mong muốn được lao động.

Tuy nhiên khi nhắc tới người lao động khuyết tật thì nhiều doanh nghiệp thường khá e ngại về khả năng lao động cũng như hiệu suất của họ. Bản thân người khuyết tật cũng dần hình thành sự tự ti, nghi ngờ về năng lực làm việc của chính mình.

Tổ chức Lao động quốc tế (ILO) nhấn mạnh, Việt Nam mất khoảng 3% GDP do không tối ưu hóa vai trò của người khuyết tật trong lực lượng lao động, điều này dẫn đến sự thiếu hụt không hề nhỏ về mặt kinh tế. Do đó, bài toán về lao động của người khuyết tật đang là một vấn đề ảnh hưởng kép tới cả Thị trường lao động, sự tăng trưởng kinh tế cũng như chất lượng cuộc sống của những người khuyết tật và gia đình. Đây cũng là 2 mục tiêu quan trọng trong số 17 mục tiêu phát triển bền vững tại Việt Nam.

Ý tưởng dự án: Mang lại công ăn việc làm ổn định cho người khuyết tật

Trên thực tế, phần lớn người khuyết tật vẫn còn khả năng lao động. Khi được làm trong những môi trường phù hợp, họ vẫn có thể tạo nên giá trị lớn cho doanh nghiệp. Nếu chúng ta tạo cơ hội và trao quyền cho người khuyết tật được hòa nhập, được lao động và cống hiến một cách bình đẳng thì sẽ mang lại sự cải thiện rất lớn cho bản thân người lao động, cũng như toàn xã hội.

Tuy nhiên, để có thể giải quyết được vấn đề lao động của người khuyết tật cần phải xử lý được hai yếu tố:

  • Đầu tiên về phía người khuyết tật, họ thường mặc cảm bởi những định kiến xã hội và tự ti về khả năng của bản thân. Chính điều này đã làm tạo nên một rào cản tâm lý khiến người khuyết tật ngại tham gia vào môi trường lao động Vì vậy, điều đầu tiên là phải giải quyết được vấn đề tâm lý tự ti của người lao động, tạo cho họ sự tự tin về năng lực và sức lao động của bản thân.
  • Yếu tố thứ hai là về môi trường lao động, các doanh nghiệp phải làm sao để tối ưu được quy trình làm việc phù hợp và giúp người lao động khuyết tật phát huy hết khả năng.

Từ đó, TokyoLife đã xây dựng một ý tưởng giúp đưa những người khuyết tật đến những vị trí công việc phù hợp, chung tay giúp đỡ để họ được lao động, hoà nhập và có cuộc sống bình thường.

[CSR Hub] Dự án “Thiên thần” của TokyoLife - Cánh cửa nghề nghiệp bền vững cho người khuyết tật- Ảnh 1.

Người lao động khuyết tật được tuyển dụng tại xưởng may của Tokyo Life

Mục tiêu của "Dự án Thiên thần"

Dự án thiên thần được thực hiện với mục tiêu mang lại những giá trị bền vững, ý nghĩa cho cả 3 đối tượng: Người khuyết tật, bản thân doanh nghiệp cũng như toàn xã hội:

  • Đối với người khuyết tật: "Dự án Thiên Thần" mở ra một cơ hội cho họ có thể làm chủ cuộc sống, vượt qua mặc cảm để được lao động và cống hiến, từ đó tạo nên những giá trị cho chính bản thân và xã hội. Đồng thời, giúp cải thiện đời sống kinh tế của bản thân người khuyết tật và gia đình.
  • Đối với bản thân doanh nghiệp: "Dự án Thiên Thần" hướng tới mục tiêu tối ưu quy trình tuyển dụng và đào tạo cũng như môi trường làm việc để mang lại cơ hội nghề nghiệp cho người khuyết tật. Qua đó, người lao động khuyết tật trở thành một bộ phận quan trọng cho sự phát triển và tạo ra những giá trị tích cực cho TokyoLife.
  • Đối với cộng đồng và xã hội: "Dự án Thiên Thần" được thể hiện nhằm mục tiêu thay đổi những nhận thức của cộng đồng dành cho người khuyết tật cũng như khả năng lao động của họ. Ngoài ra, TokyoLife cũng đặt mục tiêu nhân rộng dự án, truyền cảm hứng cho nhiều doanh nghiệp và giúp cho cơ hội việc làm của người khuyết tật cảng rộng một hơn nữa. Từ đó góp phần làm tăng lực lượng lao động cho nền kinh tế quốc gia và cải thiện đời sống của người dân.

Triển khai dự án: Sáng kiến "bền vững" từ môi trường làm việc tới truyền thông

"Dự án Thiên Thần" được triển khai từ năm 2018 với sự kết hợp của TokyoLife, Bộ Lao động và Hội người khuyết tật TP. Hà Nội. Trong năm đầu, dự án bắt đầu tuyển dụng 50 người khuyết tật đầu tiên và làm việc tại các xưởng may của công ty tại Hà Nội. Qua những hoạt động thử nghiệm ban đầu "Dự án Thiên Thần" đã chính thức được đưa triển khai và phát triển trong suốt 5 năm vừa qua với nhiều sáng kiến thú vị:

#1. Phối hợp cùng Hội người khuyết tật TP.Hà Nội: Vận động tinh thần người khuyết tật

Như phân tích một trong những khó khăn lớn nhất mà "Dự án Thiên Thần" và đối mặt đó là sự mặc cảm tự ti của chính người khuyết tật và gia đình, khiến cho họ không cởi mở với các cơ hội việc làm. Để giải quyết vấn đề này đội ngũ của TokyoLife đã phối hợp với hội người khuyết tật thành phố Hà Nội đến từng địa phương để gặp gỡ và trao đổi trực tiếp vận động tinh thần đối với người khuyết tật và gia đình. TokyoLife đã đưa ra những cam kết minh bạch nhất đảm bảo người khuyết tật được làm việc trong một môi trường an toàn thuận tiện, đồng thời hỗ trợ về cơ sở vật chất, nhà ở và điều chỉnh quy chế làm việc phù hợp với thể trạng của họ.

#2. TokyoLife gọi họ với cái tên rất đặc biệt “Thiên thần”

Tên gọi của dự án cũng là một trong những điểm rất đặc biệt, khiến cho dự án này trở nên ý nghĩa và có sức lan tỏa mạnh mẽ hơn tới toàn cộng đồng. Tại TokyoLife những người lao động khuyết tật có một tên gọi rất đặc biệt đó là Thiên thần. Bởi lẽ theo TokyoLife các lao động khuyết tật đang làm việc tại công ty không chỉ có khả năng tạo ra những sản phẩm tuyệt vời mà còn mang lại những giá trị tinh thần rất lớn. Chính họ là những chất keo kết dính để gắn kết mọi người trong tổ chức lại với nhau, góp phần xây dựng nền văn hóa giàu tình thương và tinh thần trách nhiệm tại TokyoLife.

Mặc khác, ở khía cạnh truyền thông, tên gọi Thiên Thần đặc biệt này không chỉ giúp truyền tải những thông điệp của dự án mà còn góp phần gây ấn tượng với công chúng, lan tỏa dự án mạnh mẽ hơn tới đông đảo cộng đồng.

[CSR Hub] Dự án “Thiên thần” của TokyoLife - Cánh cửa nghề nghiệp bền vững cho người khuyết tật- Ảnh 2.

Người khuyết tật được gọi là những "Thiên thần" khi làm việc tại TokyoLife

#3. Thử nghiệm đưa người khuyết tật đến các vị trí khác nhau để tìm ra công việc phù hợp

Một trong những sáng kiến tác động nhiều nhất tới sự bền vững của dự án này đó là quá trình thử nghiệm và lựa chọn những vị trí phù hợp đối với người lao động khuyết tật. Việc lựa chọn vị trí sẽ dựa trên những mong muốn của người lao động cũng như khả năng của họ. TokyoLife sẽ đưa người lao động đến những vị trí phù hợp với năng lực và đảm bảo an toàn cho những người lao động này. Qua đó giúp cho người lao động có một môi trường làm việc phù hợp, có thể gắn bó lâu dài bền bỉ với doanh nghiệp.

Ví dụ như đối với những nhân sự điếc, thấu hiểu được tâm tư nguyện vọng được giao tiếp của họ, Tokyo like đã đưa họ đến những vị trí có khả năng giao tiếp nhiều với khách hàng như chăm sóc hàng hóa hay thu ngân,...

#4. Tối ưu quy trình tuyển dụng, đào tạo và hội nhập dành riêng cho người khuyết tật:

Để đảm bảo người khuyết tật được hòa nhập với môi trường một cách thuận tiện nhất, TokyoLife cũng xây dựng những quy trình đào tạo riêng dành cho nhóm nhân sự đặc biệt này, Các quy trình này được thiết kế dựa trên những kinh nghiệm thực tế của đội ngũ TokyoLife khi tiếp xúc với người khuyết tật, đồng thời được điều chỉnh dựa trên nhu cầu, mong muốn từ chính bản thân họ

Đặc biệt TokyoLife cũng xây dựng riêng một bộ phận có tên là “Chăm sóc và Đào tạo thiên thần”. Đây là một bộ phận chuyên biệt chịu trách nhiệm để chăm sóc cho những người khuyết tật trong công ty bộ phận này. Bộ phận bao gồm cả những nhân sự khuyết tật và những người không khuyết tật với mục tiêu là hỗ trợ quá trình tuyển dụng, thiết kế tài liệu đào tạo hội nhập và tiếp thu nguyện vọng từ người lao động khuyết tật trong doanh nghiệp

#4 “Ngôi nhà Thiên Thần” - Mở ra điểm chạm cho phép công chúng có thể tiếp cận và ủng hộ dự án

Khác với những chiến dịch CSR về an sinh xã hội khác "Dự án Thiên Thần" cho phép công chúng trực tiếp tiếp cận với dự án thông qua mô hình “Ngôi nhà Thiên Thần”. Đây là những cửa hàng đặc biệt trong hệ thống của TokyoLife với lượng lớn nhân viên là những người điếc, đảm nhận những công việc đơn giản như đón khách chăm sóc hàng hóa, tư vấn bán hàng, thu ngân,.. “Ngôi nhà Thiên Thần” được thiết kế với các công cụ giao tiếp công nghệ số, trang thiết bị, ấn phẩm hướng dẫn nhằm tạo điều kiện tối ưu cho khách hàng và nhân viên. Ngoài ra, các Ngôi nhà này vẫn có một số nhân viên bình thường để đảm bảo có thể hỗ trợ đồng nghiệp khuyết tật và giúp khách hàng mua sắm một cách thuận tiện nhất.

Người tiêu dùng có thể trực tiếp tới những cửa hàng này để góp phần ủng hộ cho người khuyết tật cũng như “Dự án Thiên Thần”. Hoạt động này giúp lan tỏa tinh thần của dự án một cách mạnh mẽ hơn đến với người tiêu dùng, cho phép họ gián tiếp trở thành một phần của dự án, mang lại những giá trị cho cộng đồng. Qua đó, tạo nên tiếng vang cho dự án thông qua việc truyền việc của khách hàng.

Hiện tại, TokyoLife đang có 4 “Ngôi nhà Thiên Thần” gồm 3 cửa hàng tại Hà Nội và 1 cửa hàng tại Đà Nẵng. Trong tương lai, kỳ vọng 10% cửa hàng trong toàn hệ thống TokyoLife sẽ được chuyển đổi thành không gian do người khuyết tật vận hành, hướng tới mục tiêu nâng tổng số người khuyết tật trong công ty lên khoảng 300 người.

[CSR Hub] Dự án “Thiên thần” của TokyoLife - Cánh cửa nghề nghiệp bền vững cho người khuyết tật- Ảnh 3.

Ngôi nhà Thiên thần - Nơi người tiêu dùng có thể tiếp cận trực tiếp với dự án

#5. Tạo nền móng vững chắc cho dự án từ chính nội bộ doanh nghiệp

Để tạo ra một môi trường làm việc thực sự hòa nhập cho người khuyết tật thì bản thân đội ngũ nhân sự trong doanh nghiệp cũng cần phải thấu hiểu về dự án. Vì vậy nhân sự của TokyoLife cũng thường xuyên được tham gia các chương trình đào tạo để cung cấp kiến thức về người khuyết tật, từ đó giúp họ hiểu được tâm tư nguyện vọng của những người đồng nghiệp đặc biệt này. Tiêu biểu như việc, TokyoLife đã tổ chức cho đội ngũ nhân sự từ cấp quản lý đến nhân viên tham gia các khóa học "Ngôn ngữ ký hiệu" để có thể giao tiếp với nhóm người điếc trong công ty.

[CSR Hub] Dự án “Thiên thần” của TokyoLife - Cánh cửa nghề nghiệp bền vững cho người khuyết tật- Ảnh 4.

Đào tạo toàn thể nhân viên về dự án và nhứng kiến thức về người khuyết tật

Vì sao dự án “Thiên thần” của TokyoLife được đánh giá là một dự án triển vọng?

Có rất nhiều các chiến dịch CSR về an sinh xã hội đã được thực hiện trong nhiều năm qua tuy nhiên "Dự án Thiên Thần" của TokyoLife trở nên đặc biệt hơn cả nhờ sự cân bằng giữa các yếu tố:

Tính thiết thực

Dự án thiên thần của TokyoLife đã góp phần giải quyết một trong những vấn đề rất nổi cộm của xã hội Việt Nam đó là người lao động khuyết tật. Nó mang lại những tác động rất thực tế và giá trị đến với cộng đồng từ việc cải thiện đời sống thu nhập của một khuyết tật, cho đến nâng cao chất lượng lao động và bổ sung thêm nhân lực lao động cho nền kinh tế.

Tính hiệu quả của dự án cũng đã được thể hiện qua những kết quả rất minh bạch rõ ràng. Hiện nay TokyoLife đã có tới hơn 142 người khuyết tật đang làm việc bên trong doanh nghiệp. Trong đó có 57 cửa hàng của thương hiệu này đã có sự góp mặt của các “Thiên thần”.

Tính bền vững

Các chiến dịch hỗ trợ người khuyết tật từ trước tới nay thường gặp phải một hạn chế đó khó đảm bảo tính bền vững trong dài hạn nếu nguồn ngân sách của doanh nghiệp không lớn và vững chắc. Nhưng đối với cách làm của TokyoLife thì tính bền vững được đề cao hơn, vì dự án mang lại cả những giá trị cân bằng cho cả 3 bên: Doanh nghiệp, bản thân người khuyết tật và cộng đồng. Bản thân người khuyết tật không chỉ nhận lại những giá trị một chiều, mà họ cũng cung cấp sức lao động và tạo ra những giá trị thặng dư cho doanh nghiệp.

Tính đến nay thì dự án này đã được triển khai xuyên suốt 5 năm. Trong đó, phần lớn những người khuyết tật làm việc ở TokyoLife đều gắn bó lâu dài với doanh nghiệp. Có hơn 103 Thiên Thần đã làm việc tại đây trên 3 năm. Số lượng người khuyết tật làm việc không quá lớn nhưng không ngừng được mở rộng một cách rất bền bỉ, chậm mà chắc. Điều này cho thấy mô hình vận hành của "Dự án Thiên Thần" đang rất tiềm năng.

Tiềm năng nhân rộng

Mô hình của "Dự án Thiên Thần" không chỉ giới hạn trong phạm vi của TokyoLife mà còn có tiềm năng mở rộng cho rất nhiều doanh nghiệp và ngành nghề khác trên cả nước cũng như quốc tế. Theo chia sẻ của TokyoLife thì doanh nghiệp này cũng đang hỗ trợ một số đơn vị khác tại Hà Nội và Đà Nẵng để triển khai mô hình "Dự án Thiên Thần", tuyển dụng thành công những người lao động khuyết tật. Bằng việc mở rộng mô hình này, tốc độ phát triển cũng như tầm ảnh hưởng của dự án sẽ mạnh mẽ và rộng lớn hơn, hướng tới mục tiêu tạo công ăn việc làm cho 2,5 triệu người khuyết tật ở Việt Nam

Lan tỏa tới cộng đồng

Dự án thiên thần đã làm thay đổi đáng kể quan điểm của cộng đồng về khả năng lao động của người khuyết tật. Dự án cho thấy việc đưa người khuyết tật và bộ máy lịch sử của các doanh nghiệp là một điều hoàn toàn khả thi, qua đó truyền cảm hứng cho cộng đồng và các doanh nghiệp khác.

Xét về khía cạnh truyền thông "Dự án Thiên Thần" có một điểm rất đặc biệt đó là các "Ngôi nhà Thiên Thần" nơi cho phép công chúng được tiếp cận và gián tiếp đóng góp một phần sức lực của mình vào dự án. Điều này không chỉ thu hút sự chú ý tới dự án mà còn góp phần lan tỏa mạnh mẽ thông điệp tới toàn cộng đồng thông qua chính kênh truyền thông đặc biệt đó là khách hàng của TokyoLife.

Lời kết: 

Có lẽ vẫn cần thêm thời gian để thấy rõ được những hiệu quả, sự bền vững của "Dự án Thiên thần". Tuy nhiên, đây vẫn là một dự án CSR rất đáng học hỏi khi cân bằng được nhiều yếu tố như: Tính thiết thực, sự minh bạch, bền vững và có khả năng lan tỏa mạnh mẽ tới cộng đồng. Đây cũng là một trong những dự án đã gây ấn tượng rất lớn tại giải thưởng Humant Act Prize 2023 và được vinh danh tại Hạng mục dự án triển vọng. Hi vọng rằng mô hình CSR này của TokyoLife sẽ tiếp tục được tối ưu và phát triển hơn nữa trong thời gian tới. 

Khánh Huyền | Case Study | Marketing AI

TAGS:

Bình luận của bạn

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bình luận không đăng nhập

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.