Có thể nói chiến tranh thương mại Mỹ - Trung đang ảnh hưởng rất lớn đến không chỉ nền kinh tế của 2 quốc gia "siêu cường", mà nó còn ảnh hưởng tới cả những quốc gia lân cận. Hiện nay, tâm điểm không chỉ nằm vào cuộc chiến đó, mà sự kiện người Hàn tẩy chay đồ Nhật đã gây không ít giấy mực của truyền thông nhiều nước tại Châu Á. Đây được xem là sự kiện chính trị, thương mại ảnh hưởng nghiêm trọng nhất quan hệ 2 nước kể từ khi bình thường hóa quan hệ. Nhìn từ vụ việc này, chúng ta cũng có thể ngẫm lại Việt Nam một thời cũng tẩy chay đồ Trung Quốc vào năm 2014 khi giàn khoan 981 xâm chiếm lãnh thổ nước ta.
Vậy 2 sự kiện này có những điểm gì trùng hợp, cùng phân tích xem, cuộc tẩy chay đồ Nhật tại đất nước Kim Chi đang ảnh hưởng đến những mặt nào trong nền kinh tế 2 nước? Cùng MarketingAI tìm hiểu qua bài viết dưới đây!
Sự kiện người Hàn tẩy chay đồ Nhật: Các thương hiệu Nhật lao đao vì doanh số
Theo Nikkei Asian Review, làn sóng tẩy chay đồ Nhật tại Hàn đang ở giai đoạn đỉnh điểm, khi nó ảnh hưởng nghiêm trọng đến hoạt động kinh doanh của nhiều thương hiệu tại Hàn Quốc. Làn sóng tẩy chay bắt nguồn từ sự việc Ngày 4-7, phía Nhật Bản hạn chế xuất khẩu sang Hàn Quốc 3 loại vật liệu công nghệ cao quan trọng trong sản xuất các linh kiện bán dẫn và màn hình, gồm Fluorinated polyimide (nhựa nhiệt dẻo), Hydrogen fluoride và Resist (chất cản màu).
Thêm vào đó, những vấn đề lịch sử được khơi lại khi mà Hàn Quốc - Nhật Bản có quá khứ không tốt đẹp về nhau. Nhật Bản dưới thời phát xít đã xâm chiếm Hàn Quốc và áp dụng chế độ nô lệ tình dục đối với phụ nữ châu Á, bao gồm cả người Hàn Quốc, bởi binh lính Nhật Bản trong Thế chiến II. Đây được cho là những lý do tiềm ẩn để hình thành nên cuộc tẩy chay trên phạm vi diện rộng tại Hàn. Và nó đã và đảnh ảnh hưởng đến những vấn đề sau:
Vấn đề kinh doanh thương mại
Đầu tiên, chắc chắn rồi, vấn đề kinh doanh của các doanh nghiệp Nhật trên đất Hàn sẽ ảnh hưởng cực kỳ nghiêm trọng. Sự việc người Hàn tẩy chay đồ Nhật cho thấy làn sóng mạnh mẽ trên phạm vi toàn quốc, khi 48% người Hàn được hỏi họ đang tẩy chay sản phẩm đến từ đất nước mặt trời mọc vào tuần trước, sang đến tuần này con số đã tăng lên tận 54,6%.
Nikkei Asian Review dẫn lời đại diện Công ty thời trang Uniqlo và Tập đoàn bia Nhật Kirin cho biết làn sóng tẩy chay đã ảnh hưởng tới doanh số của họ ở thị trường Hàn Quốc. Rất nhiều nhà bán lẻ tại Hàn Quốc đã ra đường đi biểu tình phản đối những sản phẩm từ Nhật Bản, và chắc chắn rồi, những sản phẩm của họ cũng sẽ chẳng có cơ hội được xuất hiện trên các gian hàng tại đây đâu! Đây là tình trạng đang thấy được khá phổ biến tại nhiều nơi trên phạm vi toàn đất nước Hàn Quốc.
Ông Takeshi Okazaki, Giám đốc Fast Retailing (công ty mẹ của Uniqlo), thừa nhận không xác định được rõ tình trạng này sẽ kéo dài bao lâu. "Chắc chắn làn sóng tẩy chay sẽ ảnh hưởng đến kết quả kinh doanh trước mắt. Chúng tôi đang tính toán mọi khả năng", ông cho biết.
Một loạt các thương hiệu Nhật đang phải chịu những số phận hẩm hiu, khi mà Kirin dừng kế hoạch quảng bá sản phẩm bia mới ra mắt tại Hàn, vì khủng hoảng truyền thông trên phạm vi toàn quốc đang diễn ra, và đây là thời gian khá nhạy cảm để Kirin có thể truyền thông về thương hiệu của mình. Thêm vào đó, những sản phẩm ô tô của Honda, Toyota, Suzuki... cũng có lượng giảm mạnh về doanh số kể từ sự việc tẩy chay nổ ra hồi đầu tháng 7. Đáng thương hơn, Japan Tobacco thông báo sẽ tung sản phẩm mới ở Hàn Quốc trong tháng 7 này, nhưng cũng phải dừng tất cả hoạt động truyền thông Marketing lại bởi chiến tranh thương mại.
Nhà phân tích Michinori Naruse thuộc Viện Nghiên cứu Nhật Bản cho rằng các công ty Nhật "cần đối mặt với khả năng tình trạng này sẽ tiếp tục kéo dài và trở nên tồi tệ hơn".
Ngành du lịch Nhật khốn đốn
Có thể thấy, các quốc gia gần nhau có xu hướng du lịch trao đổi khá đông và Nhật - Hàn cũng không phải ngoại lệ. Khi mà nhiều nhà phân tích cho thấy ngoại tệ từ khách du lịch Hàn đến Nhật chiếm phần lớn trong tổng thể của ngành. Chính vì vậy, với làn sóng tẩy chay mạnh mẽ này thì du lịch Nhật Bản đón nhận sự giảm sút về khách du lịch, cũng như lượng ngoại tệ đổ vào.
Chuyên gia Naruse nhận định doanh thu ngành du lịch Nhật Bản sụt giảm sẽ có sức tàn phá nền kinh tế mạnh hơn là làn sóng tẩy chay hàng hóa Nhật, bởi doanh số của các thương hiệu tiêu dùng Nhật Bản tại thị trường Hàn Quốc là không quá lớn. Cũng theo KB Securities, trong năm ngoái, du khách từ Hàn Quốc chiếm 24% tổng số du khách nước ngoài đến Nhật Bản. Năm 2017, số du khách Hàn đến Nhật tăng lên 2,05 triệu.
Du lịch đang là ngành dịch vụ mũi nhọn tại Nhật Bản, một quốc gia nghèo nàn tài nguyên thì bên cạnh công nghệ, dịch vụ cũng đang là ngành kinh tế mũi nhọn của quốc gia này. Với cuộc chiến tranh thương mại này, thì những Agency về du lịch - khách sạn tại Nhật đang gặp những bất lợi hơn cả, cụ thể từ đầu tháng 7 các công ty du lịch Nhật thường xuyên gặp trường hợp khách hủy kế hoạch du lịch tới quốc gia này đột ngột. Một quan chức Cơ quan Quản lý Du lịch Nhật Bản cũng xác nhận có một số công ty Hàn Quốc hủy tour du lịch cho nhân viên vì căng thẳng chính trị hai nước.
Có thể thấy trước mắt, không chỉ ngành kinh doanh, du lịch của Nhật Bản bị ảnh hưởng, mà nhiều ngành nghề khác cũng bị liên lụy theo một cách gián tiếp. Lịch sử ghi nhận những sự kiện tẩy chay tương tự vào các năm 1995 và 2001, và nó sẽ hạ nhiệt trong khoảng 1 năm tiếp theo.
Việt Nam cũng từng tẩy chay hàng Trung Quốc nhưng bất thành!
Nhìn vào sự kiện này có thể thấy Việt Nam cũng một thời rơi vào tình trạng này với sự kiện giàn khoan Hải Dương 981 vào năm 2014. Khi đó, đỉnh điểm chính trị căng thẳng leo thang khi xuất hiện những cuộc biểu tình trên đường phố Hà Nội và Tp. Hồ Chí Minh tẩy chay Trung Quốc, theo đó là những làn sóng cổ động không sử dụng đồ Trung Quốc trên toàn lãnh thổ Việt Nam. Thế nhưng, với nền kinh tế mà bị chi phối quá lớn bởi đồ "Made in China" thì liệu người Việt Nam có thành công hay không?
Câu trả lời là Không! Vấn đề nằm ở chỗ, trên thị trường tiêu dùng nội địa, bao gồm tất cả các ngành nghề từ FMCG tới F&B hay là đồ gia dụng.... lượng sản phẩm hàng hóa Trung Quốc chiếm tỷ lệ quá lớn, khiến đây biến thành trở ngại đầu tiên với xu thế tẩy chay đồ "Tàu" của người Việt. Hơn nữa các doanh nghiệp Việt nam cũng không có nhiều sự lựa chọn cho việc nhập các loại vật tư, nguyên liệu... để sản xuất ra thành phẩm bán ra thị trường. Sự cạnh tranh về giá cũng làm cho nhiều doanh nghiệp trong nước khó có sự lựa chọn khi đưa ra quyết định chọn mua nguyên vật liệu từ các quốc gia khác ngoài Trung Quốc - thị trường có giá thành vật tư rất rẻ.
Lấy minh chứng như ngành thời trang Việt Nam, thử hỏi xem các shop thời trang nội địa có thoát khỏi hàng hóa Trung Quốc không, hay là chiếm phần lớn trong số đó là những mặt hàng nguồn gốc từ quốc gia láng giềng. Ngoài những shop tự thiết kế ra thì hầu hết các cửa hàng còn nhỏ khác đều dựa rất lớn nguồn cùng từ Trung Quốc, các Local Brand cũng phải đặt gia công từ quốc gia này, khi mà trong nước chưa có cơ sở đủ chất lượng để làm, mà các quốc gia khác lại quá đặt. Đây là một trở ngại lớn trong việc tẩy chay đồ đến từ Trung Quốc với người dân Việt Nam.
Thế nhưng, không phải là không có những động thái nhất định. Trên các trang mạng xã hội, cộng đồng mạng cũng đồng loạt kêu gọi tẩy chay không dùng hàng Trung Quốc hoặc “đóng cửa”, không tiếp khách Tàu. Bên cạnh việc lập các fanpage kêu gọi, các thành viên trên những trang này còn bàn biện pháp phát hiện hàng có xuất xứ từ Trung Quốc như những "thủ thuật" nhận biết hàng Trung Quốc thông qua mã vạch. Theo đó, nếu ba chữ số đầu tiên trên mã vạch là 690, 691, 692, 693, 694, 695 thì "100% là hàng Trung Quốc".
Theo tìm hiểu của phóng viên, nhiều đoàn khách Việt Nam cũng hủy tour đi Trung Quốc bất chấp các công ty lữ hành liên tục đưa ra nhiều gói khuyến mãi hấp dẫn để lôi kéo khách hàng. Một đại diện công ty lữ hành ở Hà Nội cho biết: Trong khoảng một tuần trở lại đây, số khách đăng ký đi tour Trung Quốc có dấu hiệu giảm mạnh. Nhiều du khách đã hủy tour trong tháng 5, chấp nhận mất tiền đặt cọc. Chỉ trong vài ngày, công ty này đã tiếp nhận hàng trăm cuộc gọi điện yêu cầu hủy tour hoặc chuyển sang du lịch các nước khác như Campuchia, Nhật Bản, Hàn Quốc… Mặc dù chưa đến mức như người Hàn tẩy chay đồ Nhật, nhưng với động thái vừa rồi đủ để thấy nền Kinh tế Việt Nam vẫn chưa đủ vững để có thể đi trên đôi chân của mình. Mặc dù có cố gắng, nhưng các doanh nghiệp Việt phải chấp nhận sự thật rằng Trung Quốc đang ảnh hưởng rất lớn đến tình hình sản xuất kinh doanh tại Việt Nam.
Tạm kết
Người Hàn tẩy chay đồ Nhật đang trở thành sự kiện nóng nhất trong tháng vừa qua, khi nó ảnh hưởng tới rất nhiều nền kinh tế của 2 quốc gia. Hiện nay, thế giới đang chứng kiến 2 cuộc chiến tranh thương mại mà chủ yếu từ các quốc gia châu Á. Nếu thực sự không có phương án giải quyết ổn thỏa thì nó sẽ ảnh hưởng rất nhiều đến tình hinh của nhiều ngành tại những quốc gia đó.
Thắng Nguyễn - MarketingAI
Bình luận của bạn