cover

[Kỹ thuật viết] Chọn đúng góc nhìn sẽ không còn lúng túng khi viết nội dung truyền thông

10 Thg 07

Lựa chọn góc nhìn phù hợp giúp ích đáng kể đến sự hấp dẫn và thuyết phục của nội dung thương hiệu lên đối tượng mục tiêu.

    1. Những người làm trong ngành công nghệ thông tin thường xuyên được cập nhập kiến thức mới.

    2. Bạn sẽ thường xuyên được cập nhập kiến thức mới khi làm việc trong ngành công nghệ thông tin.

Bạn thấy ấn tượng với câu nào trong hai câu trên hơn?.

Câu thứ hai cụ thể hơn, đặt người nghe là nhân vật chính và tạo cảm giác gần gũi, gia tăng sự quan tâm, trong khi câu đầu nói đến “những người làm trong ngành” một cách chung chung. Chỉ có một sự khác biệt duy nhất giữa hai câu chính là danh xưng (Góc nhìn từ người viết), nhưng ảnh hưởng lớn đến bạn đọc. Tất nhiên, còn phụ thuộc vào context (bối cảnh) khác nhau khi đặt hai câu trên vào. 

Đó chính là tác dụng của việc viết với đúng góc nhìn (point of view). Lựa chọn góc nhìn phù hợp giúp ích đáng kể đến sự hấp dẫn và thuyết phục của nội dung lên đối tượng mục tiêu.

Chọn đúng góc nhìn khi viết nội dung truyền thông

Giống như chụp ảnh, chọn đúng góc nhìn sẽ mang đến cho bạn bức ảnh đẹp nhất. Viết nội dung truyền thông cũng vậy (Nguồn AI)

HIỂU VỀ GÓC NHÌN NGÔI THỨ NHẤT, NGÔI THỨ HAI VÀ NGÔI THỨ BA

Mỗi bài viết (như bài báo cáo phân tích, post social, cuốn truyện…) đều có “point of view” (POV) nhất định của tác giả. Trả lời cho câu hỏi “Người kể chuyện, người viết có góc nhìn đang ở đâu trong bài? Người viết sẽ xác định ai là người kể chuyện, và viết cho ai đọc. Người viết có kể lại câu chuyện của mình không, hay viết lại câu chuyện của ai khác.

Xây dựng góc nhìn quan điểm rõ ràng vô cùng quan trọng để người đọc hình dung ra câu chuyện, thông điệp truyền tải, tính cách của thương hiệu. Hai lựa chọn POV phổ biến nhất khi viết nội dung là POV ngôi thứ hai và POV ngôi thứ ba. Tuy nhiên bạn có thể sử dụng POV ngôi thứ nhất để nói trực tiếp về thương hiệu, doanh nghiệp của mình.

POV Ngôi thứ nhất

Với cách thức viết này, người viết là nhân vật trung tâm của câu chuyện. Họ có thể kể lại câu chuyện, hành động của mình (hoặc của công ty, thương hiệu), đưa ra quan điểm dựa trên trải nghiệm, kinh nghiệm, quan điểm, lý luận…

Bạn có thể dùng ngôi thứ nhất (Tôi, chúng ta…) khi nhắc đến cá nhân hoặc doanh nghiệp. Cách xưng hô này mang lại cảm giác gần gũi, dễ tiếp cận hơn. Nó dễ dàng xây dựng lòng tin với các tệp khách hàng, đối tượng mục tiêu, đặc biệt hiệu quả khi viết các nội dung về câu chuyện thương hiệu, hay giới thiệu dịch vụ khách hàng.

Ví dụ như: “Chúng tôi đang thực hiện sứ mệnh chuyển đổi ngành thương mại điện tử bằng các giải pháp đóng gói thân thiện với môi trường

POV Ngôi thứ hai

Cách viết dùng ngôi thứ hai xây dựng người đọc là nhân vật chính trong cuộc trò chuyện, đoạn hội thoại hoặc nội dung. Người viết muốn người đọc tham gia trực tiếp vào mạch viết thông qua dùng đại từ danh xưng “bạn”.

Danh xưng này tạo cảm giác như bạn đang ngồi đối diện, trò chuyện với khách hàng thân mật. Cách dùng này được sử dụng nhiều khi truyền tải thông điệp, tư vấn hoặc “educate” khách hàng của mình. Điều này khá hữu ích để tạo nên sự tự chiêm nghiệm và đánh giá từ phía bạn đọc. Các cuốn sách self-help thường xuyên lựa chọn ngôi thứ hai làm góc nhìn để viết.

Ví dụ như: “Đây không chỉ là nơi chia sẻ kiến thức về Marketing, Truyền Thông, Quảng Cáo và Sáng Tạo, mà còn là nơi để bạn tha hồ "khám" và "phá" tất tần tật những gì liên quan đến ngành.

Nguồn: Group Cộng đồng Ở đây có Mar https://www.facebook.com/groups/odaycomar

POV Ngôi thứ ba

Với cách viết dựa trên ngôi thứ ba, người kể là người kể là người biết tất cả mọi thứ. Ngôi thứ ba (chúng, họ, công ty…) được dùng trong văn phong, môi trường trang trọng, tạo sự chuyên nghiệp, khách quan và lịch thiệp. Danh xưng này thường được dùng trong các báo cáo phân tích, bài nghiên cứu và chia sẻ góc nhìn vĩ mô, rộng lớn.

Ví dụ như: “Các doanh nghiệp thương mại điện tử hiện có thể tiếp cận các giải pháp đóng gói thân thiện với môi trường đáp ứng mọi yêu cầu vận chuyển của họ”.

Góc nhìn khi viết nội dung

Các bạn trẻ cần chú ý về sự nhất quán Point of view trong danh xưng khi viết bài (Nguồn AI)

SỰ NHẤT QUÁN VỀ POINT OF VIEW LÀ CHÌA KHÓA QUAN TRỌNG TRONG BÀI VIẾT

Trong bất cứ đoạn văn hoặc định dạng nội dung nào, bạn hãy chú ý viết theo danh xưng nhất quán và đồng bộ.

  • Khi nói về thương hiệu của mình, hãy dùng ngôi thứ nhất hoặc ngôi thứ ba
  • Khi viết cho bạn đọc, hãy theo ngôi thứ hai hoặc thứ ba

Bạn hãy thử tham khảo hai đoạn nội dung dưới đây để thấy việc kết hợp giữa các danh xưng sẽ tạo ra tone & mood và phong cách cho bài viết như thế nào nhé.

Đoạn văn 1 sử dụng ngôi thứ nhất (in đậm) khi nói về thương hiệu và ngôi thứ hai (gạch chân) khi nhắc đến đối tượng bạn đọc:

Chúng tôi đang thực hiện sứ mệnh chuyển đổi ngành thương mại điện tử bằng các giải pháp đóng gói thân thiện với môi trường của mình. Bằng cách tái thiết kế cách đóng gói và vận chuyển sản phẩm, chúng tôi hướng đến mục tiêu giảm đáng kể chất thải và lượng khí thải carbon, biến mua sắm trực tuyến thành lựa chọn bền vững hơn cho bạn và khách hàng của bạn. Cách tiếp cận của chúng tôi không chỉ giải quyết tác động môi trường của bao bì mà còn cung cấp một cách xanh hơn, sạch hơn để bạn kết nối với khách hàng của mình

Đây là một đoạn nội dung 2 tương tự bên trên, được viết lại theo ngôi thứ ba (in đậm) khi đề cập đến thương hiệu và ngôi thứ ba (gạch chân) khi nhắc đến đối tượng bạn đọc:

EcoshipCo đang thực hiện sứ mệnh chuyển đổi ngành thương mại điện tử bằng các giải pháp đóng gói thân thiện với môi trường. Bằng cách tái thiết kế cách đóng gói và vận chuyển sản phẩm, công ty hướng đến mục tiêu giảm đáng kể chất thải và lượng khí thải carbon, biến mua sắm trực tuyến thành lựa chọn bền vững hơn người bán lẻngười mua sắm. Cách tiếp cận của thương hiệu không chỉ giải quyết tác động môi trường của bao bì mà còn cung cấp một cách xanh hơn, sạch hơn để các thương hiệu kết nối với khách hàng của họ

Bạn có nhận ra sự khác biệt:

  • Đoạn 1 tạo rõ mối quan hệ giữa thương hiệu và người đọc, giống như chia sẻ, trích dẫn của thương hiệu khi đang trò chuyện, đối thoại với khách hàng.
  • Đoạn 2 dưới dạng tin tức, hoặc nội dung trong một phần báo cáo do người viết (người ngoài) viết khách quan.

Đoạn 1 phù hợp trong nội dung trang “Giới thiệu về chúng tôi” của thương hiệu/ brands. Đoạn 2 là một phần trong các thông cáo báo chí thường gặp. Việc sử dụng ngôi xưng tuỳ thuộc vào ngữ cảnh và mục đích sử dụng bài viết.

Khi bắt đầu viết nội dung, tác giả chính là người quyết định phong cách nào phù hợp. Danh xưng trong bài cho phép bạn nói với tông giọng phù hợp và tạo nên sức ảnh hưởng. Nội dung và thông tin đưa ra không chỉ ảnh hưởng đến bạn đọc tiếp nhận mà còn mang đến cảm nhận, thúc đẩy hành động phía sau.

Tuy nhiên việc dùng thống nhất một ngôi xưng mà không có sự biến chuyển phù hợp có thể gây ra lỗi diễn đạt trong bài viết như trong đoạn văn dưới đây:

Bảng màu thương hiệu là một lựa chọn các màu sắc đại diện trực quan cho doanh nghiệp. Những màu sắc này xuất hiện trên tất cả các tài liệu quảng cáo của bạn - từ thiết kế logo của công ty, trang web, mạng xã hội đến bao bì sản phẩm của bạn”.

Đoạn văn trên đơn thuần đưa ra định nghĩa cho một khái niệm, nhưng gặp lỗi lặp từ. Đây là một lỗi nhỏ trong quá trình viết, bạn có thể sửa lại bằng cách chỉnh ngôi thứ hai như sau sẽ mang đến một khái niệm rõ ràng, logic hơn:

“Bảng màu thương hiệu là một lựa chọn các màu sắc đại diện trực quan cho doanh nghiệp. Những màu sắc này xuất hiện trên tất cả các tài liệu quảng cáo của công ty - từ thiết kế logo của công ty, trang web, mạng xã hội đến bao bì sản phẩm”.

>>>Đọc thêm: Cách viết Content Facebook hiệu quả 2024 thu hút triệu khách hàng

TẠM KẾT

Khi lựa chọn POV phù hợp và tuân thủ xuyên suốt trong bài viết, bạn sẽ xây dựng được một cấu trúc vững chắc cho nội dung của mình, giúp độc giả theo dõi và thấu hiểu ý đồ của bạn.  Lựa chọn quan điểm, góc nhìn đều có sức mạnh riêng trong việc chạm đến cảm xúc, tư duy người đọc. Đây không chỉ là kỹ thuật viết mà còn là nghệ thuật tạo sự ảnh hưởng, thuyết phục và kết nối.

Minh Tân | Marketing AI

TAGS:

Bình luận của bạn

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bình luận không đăng nhập

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.