cover

Chiến lược marketing của The Coffee House: Tập trung vào trải nghiệm khách hàng

29 Thg 08

Giữa vô vàn những cái tên, bao gồm cả những thương hiệu danh tiếng, The Coffee House vẫn giành giật được cho riêng mình miếng bánh thị trường béo bở. Và để làm được điều này, chiến lược marketing của The Coffee House đóng một vai trò rất quan trọng. Cụ thể, thương hiệu này đã có những hướng hành động như thế nào? Cùng Marketing AI đi phân tích ngay dưới đây!

Tổng quan về thương hiệu The Coffee House

Thuộc sở hữu Công ty Cổ phần Seedcom, chuỗi cà phê The Coffee House chính thức được thành lập vào năm 2014 với cửa hàng đầu tiên đặt tại số 86 - 88 Cao Thắng, TP. HCM. Trải qua 10 năm hình thành và phát triển, The Coffee House đã cho thấy sức mạnh và sự “nhanh nhạy” của mình khi trở thành một trong những thương hiệu cà phê nổi tiếng nhất Việt Nam.

Thành công của thương hiệu này không chỉ được kiến tạo nên bởi kế hoạch kinh doanh xuất sắc, mà còn nằm ở chiến lược marketing của The Coffee House - một điểm sáng đáng để các đối thủ khác phải học hỏi.

Tổng quan về thương hiệu The Coffee House

The Coffee House là chuỗi cà phê nổi tiếng tại Việt Nam

Thị trường mục tiêu của The Coffee House

The Coffee House tập trung vào thị trường Việt Nam, đặc biệt là tại các khu vực đô thị và thành phố lớn như Hà Nội, Đà Nẵng, Hồ Chí Minh... Hướng đến phân khúc thị trường cà phê tầm trung và cao cấp, những người sẵn sàng chi trả cho không gian đẹp, dịch vụ tốt và đồ uống chất lượng.

Khách hàng mục tiêu của The Coffee House

Đối tượng khách hàng của The Coffee House là sinh viên và người đi làm, độ tuổi từ 18-35. Họ tìm kiếm không gian thoải mái không chỉ để học tập và làm việc mà còn để gặp gỡ và trò chuyện với bạn bè. Lấy khách hàng làm cốt lõi, định vị thương hiệu của The Coffee House là đem tới những trải nghiệm tốt nhất về sản phẩm và dịch vụ cho khách hàng của mình.

Đối thủ cạnh tranh của The Coffee House 

The Coffee House phải đối mặt với sự cạnh tranh gay gắt từ các đối thủ trong và ngoài nước như: Highlands Coffee, Starbucks, Trung Nguyên Legend Phúc Long, Cộng Cà phê...

Chiến lược marketing mix của The Coffee House

Dựa trên các khía cạnh của mô hình 4P trong Marketing, MarketingAI sẽ phân tích và đưa ra đánh giá tổng thể chiến lược marketing của The Coffee House:

Chiến lược sản phẩm của The Coffee House

Theo đuổi lĩnh vực mang tính đặc thù như ngành đồ uống, thương hiệu chú trọng nhiều vào việc phát triển sản phẩm. Sản phẩm của The Coffee House này không chỉ đáp ứng yếu tố về mặt hương vị, mà còn phải đẹp về mặt hình thức. Hơn hết, phải có sự đa dạng để đáp ứng được những nhu cầu từng nhóm khách hàng đưa ra.

Cụ thể, chiến lược sản phẩm của The Coffee House được triển khai theo các cách sau:

Đa dạng hóa sản phẩm

The Coffee House tập trung vào 3 phần chính là đồ ăn, đồ uống và sản phẩm quà tặng. Trong đó, đồ uống lại được chia làm 3 nhóm chính, bao gồm:

  • Nhóm 1 - Cà phê: Bao gồm: cà phê đen, bạc xỉu, latte,....
  • Nhóm 2 - Trái cây, trà sữa: Trà đào, trà sữa oolong, hồng trà sữa,...
  • Nhóm 3 - Đá xay: Chocolate đá xay, cookie đá xay,....

Dù sở hữu menu đa dạng nhiều loại đồ uống, nhưng sản phẩm chủ lực của The Coffee House luôn là Trà đào cam sả - một loại đồ uống có vị ngọt thanh, chua nhẹ, hợp khẩu vị của người Việt Nam. Bằng chứng là thương hiệu đã đầu tư nhiều chiến dịch quảng bá cho sản phẩm này như hình ảnh quảng cáo bắt mắt trong menu, tạo cảm giác giải khát; xây dựng những câu chuyện thú vị xung quanh ly trà đào cam sả, liên kết với những trải nghiệm cuộc sống hằng ngày, tổ chức cuộc thi hoặc minigame trên mạng xã hội liên quan đến sản phẩm Trà đào cam sả để tăng tương tác với khách hàng,...

Chiến lược sản phẩm của The Coffee House

Trà đào cam sả - sản phẩm chủ lực của The Coffee House mang đến nguồn doanh thu lớn cho thương hiệu

Với đồ ăn, The Coffee House triển khai 2 dòng chính là: Bánh và Snack.

Không chỉ đẩy mạnh doanh thu, 2 dòng sản phẩm bánh và Snack giúp The Coffee House đa dạng hóa Menu, thu hút thêm khách hàng với nhiều nhu cầu khác nhau, đặc biệt là nhóm khách hàng có sở thích ăn vặt. Thương hiệu hướng đến một địa điểm vừa để thưởng thức cà phê, vừa để gặp gỡ giao lưu cùng bạn bè, nên sản phẩm bánh và snack sẽ góp phần nâng cao trải nghiệm, thu hút khách hàng quay trở lại quán. Đồng thời, The Coffee House thường kết hợp combo đồ uống và bánh/snack với mức giá ưu đãi, là một cách hiệu quả để tăng giá trị của mỗi hóa đơn tại cửa hàng.

Ngoài ra, The Coffee House cũng triển khai thêm các dòng quà tặng theo mùa như bộ quà Tết, quà Trung Thu. Trong đó, có các sản phẩm mang tính biểu tượng như trà oolong kim quý, cà phê phin truyền thống,...

Liên tục đổi mới sản phẩm

Song song với việc gìn giữ và phát triển các dòng sản phẩm đồ uống truyền thống, phục vụ tại quán, The Coffee House còn mở rộng danh mục sản phẩm của mình thông qua việc cung cấp cà phê hòa tan, trà túi lọc, .... Điều này giúp doanh nghiệp gia tăng nguồn doanh thu mạnh mẽ, đáp ứng nhu cầu sử dụng đồ uống của khách hàng trong mọi thời điểm, không gian khác nhau.

Tập trung nhiều hơn vào giá trị “trải nghiệm” thay vì chỉ dừng lại ở sản phẩm

Đúng như chiến lược định vị của mình, chiến lược marketing của The Coffee House tập trung nhiều hơn vào việc nâng cao giá trị trải nghiệm khách hàng. Không chỉ đơn thuần tạo ra những sản phẩm chất lượng, The Coffee House mong muốn đem đến cho khách hàng dịch vụ hoàn hảo, lối phục vụ chuyên nghiệp, không gian thoáng đãng, giàu cảm hứng,...

Chiến lược marketing của The Coffee House tập trung vào trải nghiệm khách hàng

The Coffee House liên tục đổi mới sản phẩm thu hút khách hàng, đặc biệt là thế hệ trẻ

Chiến lược giá của The Coffee House

The Coffee House đã sử dụng chiến lược giá thâm nhập thị trường với việc áp dụng những khung giá chung, hợp lý và “vừa phải” với sức chi tài chính của người Việt. Và chỉ khi đã có lượng khách hàng trung thành và dần có tên tuổi, thương hiệu này mới chính thức tiến hành các bước điều chỉnh giá dựa trên những biến động mới từ thị trường.

Trung bình giá đồ uống tại The Coffee House dao động trong khoảng từ 29.000 - 65.000 đồng. So sánh với nhiều tên tuổi lớn trong ngành như Starbucks hay Highlands, giá đồ uống của The Coffee House có thể được coi là tương đối hợp lý. Điều này đáp ứng được nhu cầu của hầu hết người dùng muốn thưởng thức cà phê và đồ uống chất lượng cao, đó là không cần trả quá nhiều nhưng vẫn được thưởng thức đồ uống ngon cùng chất lượng phục vụ tốt.

Ngoài ra, The Coffee House cũng thực hiện chiến lược phân cấp giá dựa trên các size đồ uống khác nhau như nhỏ, vừa và lớn. Đồng thời áp dụng thêm chiến lược giá tâm lý - giá gói với các combo 1 bánh và 1 nước để kích thích nhu cầu tiêu dùng của khách hàng. Đây thực sự là nước đi thông minh với 1 thương hiệu hoạt động trong lĩnh vực F&B, có sự đa dạng về nhóm khách hàng và hành vi tiêu dùng.

Chiến lược phân phối của The Coffee House

Chiến lược phân phối của The Coffee House

The Coffee House tọa lạc tại các trung tâm thương mại lớn, tòa nhà văn phòng hay các khu phố sầm uất

The Coffee House khai thác triệt để các hệ thống phân phối khác nhau nhằm đạt được doanh số ở mức tốt nhất. Chiến lược kinh doanh của The Coffee House tập trung với 2 kênh bán hàng chính:

  • Bán hàng trực tiếp tại cửa hàng: Để đạt được sự tiếp cận trực tiếp với nhóm khách hàng mục tiêu, The Coffee House bố trí các cửa hàng của mình tại những vị trí đắc địa như gần các trung tâm thương mại, các tòa nhà văn phòng, các khu phố sầm uất,.... Đây là những nơi tập trung nhiều khách hàng nhất, khách hàng có nhu cầu tiêu dùng cao.
  • Bán hàng trực tuyến: The Coffee House triển khai các kênh bán hàng trực tuyến trên nhiều giao thức khác nhau, bao gồm app và website. Khách hàng có thể dễ dàng đặt đồ ăn - đồ uống tại The Coffee House thông qua website chính thức của hãng, mặt khác cũng có thể đặt mua thông qua các ứng dụng giao đồ ăn liên kết với The Coffee House như Grab, Gojek, Shopee Food,...

Chiến lược xúc tiến của The Coffee House

Chiến lược quảng bá của The Coffee House được triển khai đa kênh, xây dựng hình ảnh nhận diện rộng rãi và hướng tới phong cách hiện đại, trẻ trung.

Tận dụng kênh mạng xã hội

The Coffee House khai thác tối đa các nền tảng mạng xã hội phổ biến nhất như Facebook, Instagram để tiếp cận và tương tác với nhiều đối tượng khách hàng khác nhau, đặc biệt là nhóm người trẻ tuổi, bằng cách tạo ra các chiến dịch viral để tăng cường độ nhận diện thương hiệu.

Xây dựng dự án cộng đồng lớn

Những dự án như The Coffee House X The Library, The Coffee House X Vulcan,... đều mang đến những giá trị tích cực, thể hiện trách nhiệm xã hội đối với cộng đồng. Cụ thể, The Coffee House X The Library là dự án xây dựng tủ sách cho trẻ em ở những vùng khó khăn, nhằm góp phần nâng cao chất lượng giáo dục, tạo ra môi trường học tập tốt hơn và tăng sự tương tác giữa khách hàng và dự án thông qua hoạt động đặt thùng quyên góp tại cửa hàng của The Coffee House. 

Bên cạnh đó, việc hợp tác với The Library Project còn giúp The Coffee House tận dụng được nguồn lực của một tổ chức chuyên nghiệp trong lĩnh vực giáo dục, mang sách tiếp cận với trẻ em còn gặp nhiều khó khăn. Năm 2019, dự án sản xuất và lắp tay điện miễn phí của The Coffee House kết hợp với Vulcan đã hỗ trợ nhóm người khuyết tật hòa nhập cộng đồng. Sau khi được đào tạo những kỹ năng cơ bản, những “chiến binh tay sắt” sẽ có cơ hội làm việc tại các cửa hàng của The Coffee House trên toàn quốc. Dự án này đã được lan tỏa và truyền cảm hứng đến hàng ngàn người khuyết tật tại Việt Nam.

Quảng cáo TVC kèm thông điệp sáng tạo

The Coffee House luôn được biết đến với những chiến dịch marketing sáng tạo và độc đáo, đặc biệt là trong các dịp lễ Tết. Lấy cảm hứng từ câu chuyện cổ tích quen thuộc, The Coffee House đã tạo ra một câu chuyện mới mẻ, hài hước và gần gũi với giới trẻ thông qua chiến dịch Tết Trung Thu "The Tale of Cuội". 

Vào năm 2020, The Coffee House triển khai chiến dịch nhấn mạnh vào chất lượng nguyên liệu và quy trình sản xuất cà phê, với thông điệp “Tạo khác biệt từ chất nguyên bản". Trong đó, nội dung TVC xoay quanh quá trình sản xuất cà phê, bắt đầu từ khâu chọn nguyên liệu đến khi pha chế. 

Kết hợp với đó, các trang mạng xã hội của thương hiệu sẽ chia sẻ những kiến thức về cà phê, công thức pha chế mới, các buổi workshop về cà phê,... Thông qua các chiến dịch này, The Coffee House đã xây dựng hình ảnh một thương hiệu cà phê chất lượng, cao cấp, tăng độ nhận diện thương hiệu và sự khác biệt so với đối thủ cạnh tranh, đồng thời đẩy mạnh doanh số vào các dịp lễ Tết.

Chương trình khách hàng thân thiết

Khách hàng quen thuộc của The Coffee House sẽ có thẻ thành viên và được nhận các chương trình ưu đãi đi kèm vào mỗi dịp lễ, Tết. Thương hiệu này cũng xây dựng một cộng đồng khách hàng trung thành trên nền tảng mạng xã hội. Nhằm thúc đẩy doanh số bán hàng, The Coffee House luôn xây dựng các chính sách ưu đãi hấp dẫn như giảm giá từ 20% - 30% trên tổng hóa đơn dành cho những khách hàng thân thiết, mua 1 tặng 1 áp dụng trong những dịp lễ Tết, kết hợp combo bánh và nước với mức giá 99K đánh trúng tâm lý người tiêu dùng,... 

Đặc biệt, khách hàng của The Coffee House sẽ được tặng một phần đồ uống hoặc bánh ngọt miễn phí vào ngày sinh nhật và có thể kèm thêm ưu đãi giảm giá đặc biệt trong suốt tháng sinh nhật, từ đó cá nhân hóa trải nghiệm tùy theo nhu cầu, sở thích và đặc điểm của mỗi khách hàng.

Tổ chức sự kiện

Các hoạt động như workshop, triển lãm nghệ thuật được tạo ra để gia tăng trải nghiệm mới mẻ cho khách hàng, thúc đẩy khách hàng thường xuyên tương tác và mua sắm tại sự kiện. Ngoài ra, The Coffee House thường xây dựng một số Minigame trên mạng xã hội nhằm tạo ra các trò chơi tương tác để trao thưởng và tăng khả năng tiếp cận với nhiều nhóm khách hàng.

Chiến lược xúc tiến của The Coffee House

The Coffee House tích cực tổ chức các workshop, sự kiện để tăng trải nghiệm khách hàng

Điểm khác biệt trong chiến lược marketing của The Coffee House so với Highlands 

Cùng hoạt động trong lĩnh vực kinh doanh đồ uống, cafe, chiến lược marketing của The Coffee House luôn được đặt lên bàn cân so sánh cùng với đối thủ lớn khác trong ngành là Highlands Coffee.

- Định vị thương hiệu

So với Highlands Coffee, The Coffee House có khá nhiều điểm tương đồng, cả về mặt định vị và cách thiết lập quán. Tuy nhiên, nhìn nhận chi tiết hơn, ở cả hai lại có những nét rất riêng, thể hiện rõ “cá tính” về mặt định hướng xây dựng - phát triển.

Với Highlands, thương hiệu này luôn hướng tới việc lan tỏa văn hóa cà phê, đồng thời xây dựng sợi dây liên kết với mọi người, trở thành điểm đến của cộng đồng. Bám sát định hướng này, Highlands Coffee định nghĩa mình bằng sự tinh giản, hiện đại nhưng giữ gìn bản sắc Việt, vươn tầm quốc tế nhưng hướng đến cộng đồng.

So sánh Highlands Coffee và The Coffee House

Highlands Coffee - Đối thủ nặng kí của The Coffee House

Điều này có nhiều điểm tương đồng với chiến lược marketing của The Coffee House. The Coffee House định hướng mình như một “công xưởng” sản xuất và phân phối cà phê chất lượng, có dịch vụ vụ tuyệt vời và mức giá thành hợp lý. The Coffee House được ví như “ngôi nhà”, là điểm đến thư thái nơi mọi người có thể thư giãn, thoải mái trò chuyện, làm việc. Thương hiệu cũng có tham vọng vươn xa ra thị trường châu Á, rộng hơn nữa là toàn cầu. Giống như bất cứ thương hiệu cà phê Việt nào, The Coffee House muốn giới thiệu và khẳng định giá trị cà phê Việt Nam trên phạm vi lớn hơn nữa.

>>> Xem thêm: Chiến lược marketing của Highlands Coffee

- Sản phẩm

Về sản phẩm, cả Highlands và The Coffee House đều đi theo hướng phát triển đa chiều, bao gồm cả chiều dọc và chiều ngang. Vẫn chú trọng nhiều vào cà phê, song hai thương hiệu này cũng không quên việc mở rộng menu đồ uống của mình với nhiều sản phẩm hơn nữa. Trong đó, các công thức pha chế dần được hoàn thiện để phù hợp hơn với khẩu vị người tiêu dùng Việt.

Ngoài ra, hai đơn vị cũng mở rộng danh mục đồ uống - đồ ăn phục vụ của mình rộng hơn với các món bánh, đồ ăn vặt,... Đồng thời phát triển thêm các dòng sản phẩm đặc thù khác như cà phê hòa tan, cà phê rang xay, cà phê lon,... Điều này giúp tạo ra những lợi thế cạnh tranh rất lớn cho cả 2 thương hiệu, đáp ứng những thay đổi trong nếp sống và hành vi của người tiêu dùng hiện đại.

- Không gian cửa hàng

Đúng như định vị của mình, không gian quán của Highlands Coffee có sự hòa trộn giữa cũ và mới, vừa hiện đại vừa mang nét truyền thống. Thiết kế cửa hàng của Highland mang đậm dấu ấn xưa với tông màu nóng đỏ kết hợp nâu gỗ, đèn vàng đặc trưng. Trong khi đó, The Coffee House lại mang hơi hướng trẻ trung hơn hẳn. Không gian cửa hàng của The Coffee House được thiết kế với tông màu sáng hơn, có nhiều điểm tương đồng với các không gian làm việc chung - coworking space, chuyên nghiệp và ngăn nắp.

Tuy vậy, cả Highlands và The Coffee House lại đầu tư khá lớn vào mặt bằng quán. Hầu hết các cửa hàng của hai thương hiệu đều tọa lạc tại các vị trí đắc địa, thường là các trung tâm thương mại và các tuyến phố lớn, có mặt tiền rộng, nhiều xe cộ qua lại,...

Tiểu luận về chiến lược marketing của The Coffee House

Tiểu luận về The Coffee House
https://drive.google.com/file/d/1p34...

Kết luận

Những phân tích trên đây của Marketing AI đã phần nào giúp bạn thêm hiểu hơn về chiến lược marketing của The Coffee House, từ đó lý giải vì sao thương hiệu này lại lớn mạnh nhanh như vậy mặc dù mới chỉ gia nhập thị trường không lâu. Có thể thấy, The Coffee House đã vận dụng hầu hết các thế mạnh sẵn có của mình, liên tục đào sâu và phát triển các giá trị mới nhằm đáp ứng những yêu cầu đến từ phía khách hàng. Chính điều này đã giúp thương hiệu khẳng định vị thế mạnh mẽ trên thị trường đồ uống vốn có nhiều cạnh tranh, thậm chí vượt mặt nhiều đối thủ lớn để chiến thắng trên chính sân nhà.

TAGS:

Bình luận của bạn

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bình luận không đăng nhập

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.