cover

Chiến dịch kỷ niệm 10 năm của Grab: Gây ấn tượng với Interactive Billboard độc đáo & thông điệp về sự tri ân

26 Thg 08

Kỷ niệm 10 năm gia nhập và thống trị trên thị trường gọi xe công nghệ Việt Nam, Grab chính thức tung ra chiến dịch đặc biệt “Grab 10 năm - Nhịp thở Việt Nam”. Chiến dịch bao gồm nhiều hoạt động đa dạng từ Social Media, OOH, PR Báo chí,... với thông điệp chính về sự tri ân gửi tới các đối tác, đặc biệt là các tài xế đã đồng hành cùng thương hiệu trong suốt nhiều năm qua. Chiến dịch bước đầu thành công thu hút sự chú ý và cảm tình của đông đảo người dùng mạng nhờ vào hoạt động OOH đầy thú vị đang gây sốt trên Mạng xã hội những ngày qua.

Cột mốc 10 năm của Grab và tình thế hiện tại

Bước chân vào thị trường Việt Nam từ năm 2014, Grab nhanh chóng đánh bại hàng loạt đối thủ lớn như Uber để trở thành thương hiệu dẫn đầu trên thị trường gọi xe công nghệ tại Việt Nam. Trong suốt 10 năm qua, từ một ứng dụng gọi xe công nghệ đơn thuần, đến nay Grab đã trở thành một hệ sinh thái bao gồm hàng loạt dịch vụ đa dạng, phong phú như: Grabbike, Grab Mart, Grabfood,... mang tên tuổi của thương hiệu trở nên quen thuộc đối với hàng triệu người tiêu dùng tại Việt Nam.

Trong một báo cáo mới đây được thực hiện bởi Q&Me về “Mức độ phổ biến của ứng dụng gọi xe máy năm 2024” cho thấy: 42% người Việt Nam sẽ lựa chọn Grab khi muốn sử dụng dịch vụ vận chuyển bằng xe máy. Những con số này một lần nữa khẳng định vị thế đáng gờm của ông lớn này tại thị trường Việt Nam.

Tuy nhiên đi cùng với những thành công đó, Grab hiện nay cũng phải đối mặt với không ít thách thức từ thị trường. Trong thời gian gần đây những đối thủ mới như Be và Xanh SM ngày càng cho thấy tốc độ phát triển vượt bậc, bám sát Grab với mức độ phổ biến trong bảng xếp hạng trên lần lượt là 32%19%. Chiến thần marketing Be đang trở thành đối thủ rất đáng gờm Grab với các chiến lược truyền thông rất thú vị với người tiêu dùng. Trong khi Xanh SM lại có bệ phóng từ ông lớn Vinfast mang tên tuổi thương hiệu Việt. Mặt khác, về phía đội ngũ tài xế, không ít lần Grab vướng phải những tranh cãi về việc tăng giá cước khiến cho thu nhập của họ bị ảnh hưởng.

Sau hàng loạt những cơ hội và thách thức đó, Grab đã trở lại với một chiến dịch mới tại Việt Nam nhân dịp kỷ niệm 10 năm ra nhập thị trường. Hãy cùng MarketingAI phân tích case study marketing của Grab về chiến dịch kỉ niệm lần này.

Toàn cảnh chiến dịch 10 năm của Grab: “Grab 10 năm - Thở nhịp Việt Nam”

Theo như thông tin được Grab đăng tải trên các kênh Social Media và báo chí có thể thấy chiến dịch mới của Grab hướng đến bốn nhóm đối tượng chính, xoay quanh hoạt động của doanh nghiệp này tại Việt Nam bao gồm: Khách hàng, Tài xế, Đối tác cửa hàngĐối tác nhà hàng.

Trong đó thương hiệu tiếp tục sử dụng thông điệp quen thuộc - “Thở nhịp Việt Nam” - Thông điệp này đã được Grab sử dụng trong khá nhiều chiến dịch trước đó, tiêu biểu như chiến dịch “Grab 7 năm” và mới đây nhất là quảng cáo Tết 2024 Giáp Thìn. Có lẽ với thông điệp này Grab đang mong muốn thể hiện những nỗ lực để hòa mình vào đời sống của người tiêu dùng Việt Nam, kéo gần khoảng cách giữa một thương hiệu ngoại với người dân bản địa.

Chiến dịch Grab 10 năm

Chiến dịch "Grab 10 năm - Thở nhịp Việt Nam"

#1. Phim ngắn “Grab 10 năm - Thở nhịp Việt Nam”

Chiến dịch của Grab được khởi động từ đầu tháng 8 với một thước phim ngắn kéo dài hơn 6 phút “Grab 10 năm - Thở nhịp Việt Nam”. Phim ngắn bao gồm 10 mẩu chuyện nhỏ đến từ những hoàn cảnh nhân vật khác nhau, cho thấy sự phát triển và thay đổi của họ trong suốt 10 năm từ 2014 đến 2024 - Cũng tương ứng với chặng đường Grab đặt chân và bắt đầu phát triển tại thị trường Việt Nam. Xen kẽ trong câu chuyện của các nhân vật là những hình ảnh quen thuộc của tài xế Grab, khách hàng, cửa hàng đối tác,... được diễn tả dưới một góc nhìn rất bình dị, nhẹ nhàng. Qua những hình ảnh của bộ phim có thể thấy rõ Grab đang nỗ lực thể hiện rằng thương hiệu đã đồng hành cùng người tiêu dùng Việt từ 10 năm về trước, trong mọi hoàn cảnh, mọi câu chuyện và đến nay vẫn luôn tiếp tục sứ mệnh đó. Và kết thúc trước phim là một lời cảm ơn của Grab gửi đến người tiêu dùng.

Nhìn chung bộ phim mang một màu sắc khá gần gũi, bình dị, sử dụng những hình ảnh rất thân thuộc trong đời sống hàng ngày của người tiêu dùng Việt Nam. Dưới phần bình luận trên kênh YouTube cũng có khá nhiều người dùng đã dành lời khen có cánh cho sự cảm động của TVC này.

#2. OOH - Interactive Billboard

Chiếm Spotlight nhiều nhất trong chiến dịch lần này của Grab có lẽ chính là hệ thống Interactive Billboard đang gây sốt trong những ngày vừa qua. Thương hiệu này đã cho lắp đặt một tấm biển quảng cáo tại ngã 6 Phù Đổng - một trong những tuyến đường rất lớn tại thành phố Hồ Chí Minh. Điểm đặc biệt của biển quảng cáo này là khả năng ghi lại những hình ảnh trong thời gian thực và phát trực tiếp ngay trên màn hình cỡ lớn. Vì vậy khi có tài xế của Grab chạy ngang qua cung đường này camera tại đó sẽ nhanh chóng ghi lại những hình ảnh của tài xế và chiếu trực tiếp lên tấm Billboard. Đi cùng với đó là những lời cảm ơn và tri ân mà Grab dành tặng cho đội ngũ tài xế của mình.

Quảng cáo OOH thú vị này không chỉ làm tăng tương tác giữa Grab và người tiêu dùng mà còn đang góp phần thúc đẩy lượng thảo luận đầy ấn tượng cho thương hiệu. Ngay sau khi được lắp đặt, tấm Billboard đặc biệt của Grab đã nhanh chóng thu hút sự chú ý của đông đảo người tiêu dùng cũng như các tài xế. Nhiều người dân đã ghi lại những hình ảnh dễ thương khi các bác tài xế vẫy tay chào trên tấm Billboard và đăng tải trên các trang mạng xã hội. Các clip này nhanh chóng trở nên viral và thu về cho Grab rất nhiều lượt thảo luận tự nhiên, trong đó đa phần người dùng đều dành lời khen tích cực cho hành động đầy ý nghĩa của thương hiệu này.

Chiến dịch kỷ niệm 10 năm của Grab: Gây ấn tượng với Interactive Billboard độc đáo & thông điệp về sự tri ân- Ảnh 2.
Chiến dịch kỷ niệm 10 năm của Grab: Gây ấn tượng với Interactive Billboard độc đáo & thông điệp về sự tri ân- Ảnh 3.

Interactive Billboard trong chiến dịch kỷ niệm 10 năm của Grab (Nguồn ảnh: Tổng hợp)

#3. Chuỗi sự kiện tri ân dành riêng cho Tài xế

Đặc biệt, trong chiến dịch lần này Grab triển khai rất nhiều những hoạt động dành riêng cho đội ngũ tài xế - lực lượng cốt lõi tạo nên sức mạnh của thương hiệu này tại thị trường. Chuỗi hoạt động dành cho tài xế bao gồm rất nhiều chương trình đa dạng như: mini game, quà tặng, sự kiện,... Đây là một trong những hoạt động quan trọng để Grab có thể lấy lại niềm tin và cảm tình của đội ngũ tài xế, giữ chân họ ở lại với thương hiệu:

  • Event “Chuyến xe bất ngờ”: Sự kiện bao gồm những chuyến xe bất ngờ đi tặng quà ngẫu nhiên đến các đối tác của Grab đang hoạt động trên đường phố tại các khu vực Bình Thuận, Huế, Đồng Nai, Cần Thơ. Đồng thời tổ chức các địa điểm tập trung để các tài xế có thể cùng tham gia các hoạt động gắn kết chia sẻ khoảnh khắc cũng như mini game nhận thưởng.
  • Sự kiện “Cảm ơn Bác tài - Người bạn đồng hành”: Tại ba thành phố lớn Hà Nội Đà Nẵng và TP Hồ Chí Minh, Grab sẽ tiếp tục tổ chức chuỗi sự kiện thường niên “Ngày hội Tài xế công nghệ 2024”. Đây là nơi mà các tài xế được chăm sóc và thư giãn, thông qua các hoạt động trải nghiệm như: chăm sóc tóc, tư vấn sức khỏe, tham gia các trò chơi, vòng quay may mắn,.... đồng thời chia sẻ về kinh nghiệm vận hành trong suốt 10 năm đồng hành cùng Grab.
  • Chương trình trò chuyện trực tuyến GrabTalks số đặc biệt - “Hành trình thập kỷ, vững bước đồng hành”: Khép lại chuyện động tri ân các đối tác tài xế sẽ là một chương trình trò chuyện trực tuyến cho phép các tài xế chia sẻ những câu chuyện, ôn lại những kỉ niệm đáng nhớ cùng Grab.
Chiến dịch kỷ niệm 10 năm của Grab: Gây ấn tượng với Interactive Billboard độc đáo & thông điệp về sự tri ân- Ảnh 4.
Chiến dịch kỷ niệm 10 năm của Grab: Gây ấn tượng với Interactive Billboard độc đáo & thông điệp về sự tri ân- Ảnh 5.
Chiến dịch kỷ niệm 10 năm của Grab: Gây ấn tượng với Interactive Billboard độc đáo & thông điệp về sự tri ân- Ảnh 6.

Chiến dịch lần này Grab triển khai rất nhiều những hoạt động dành riêng cho đội ngũ tài xế

Nhìn chung, xoay quanh những hoạt động trên đội ngũ tài xế của Grab sẽ nhận được nhiều phần quà hấp dẫn, cơ hội tham gia hoạt động giải trí, cũng như lời tri ân đến từ phía thương hiệu.

#4. PR Báo chí

Có thể thấy thông tin về chiến dịch kỷ niệm 10 năm của Grab hiện nay đã phủ sóng trên rất nhiều trang báo lớn như: Báo Thanh Niên, Báo Tin Tức, Báo Lao Động. Các hoạt động báo chí trong chiến lược marketing của Grab lần này chưa có quá nhiều điểm khác biệt. Nội dung phần lớn tập trung vào việc Grab đang thực hiện chiến dịch kỷ niệm 10 năm với các hoạt động xoay quanh sự tri ân đối với đội ngũ đối tác và khách hàng.

#5. Không thể thiếu loạt Hot Deal cho người dùng ứng dụng

Trong một chiến dịch đặc biệt như vậy chắc chắn không thể thiếu những hoạt động dành tặng đến người tiêu dùng Việt Nam. Các hoạt động tri ân dành cho người tiêu dùng chủ yếu xoay quanh các chương trình khuyến mãi, hấp dẫn quen thuộc của Grab trên Grabfood cũng như Grabbike.

Bên cạnh những hoạt động chính đã được triển khai Grab cũng duy trì các chuỗi bài tương tác trên các kênh Social Media như Facebook và TikTok với nội dung chủ yếu tập trung vào lời cảm ơn dành cho các đối tác, khách hàng của thương hiệu. Hiện tại, chiến dịch vẫn đang trong quá trình được triển khai, nhưng nhìn chung có thể thấy những phản hồi ban đầu từ phía người tiêu dùng và đội ngũ tài xế đối với Grab đang tương đối tích cực.

>>> Đọc thêm: Mô hình 5 áp lực cạnh tranh của Grab - Niềm tự hào của start up Đông Nam Á

Lời kết

Nhìn chung, chiến dịch kỷ niệm 10 năm của Grab tập trung chủ yếu vào thông điệp của sự tri ân. Thương hiệu khéo léo khơi gợi lại những khoảnh khắc đã đồng hành cùng người tiêu dùng trong suốt 10 năm qua, kết hợp sử dụng phong cách truyền tải bình dị, gần gũi để dễ dàng tiếp cận và lấy lòng người tiêu dùng Việt. Đặc biệt chiến dịch cũng rất chú trọng vào đội ngũ tài xế - lực lượng nòng cốt của Grab. Việc giữ chân một lực lượng tài xế ổn định trong bối cảnh thị trường gọi xe ngày càng đông đúc như hiện nay là nhiệm vụ không thể thiếu để có thể đảm bảo cho hoạt động của thương hiệu tại Việt Nam.

TAGS:

Bình luận của bạn

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bình luận không đăng nhập

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.