Chat GPT chính thức cán mốc 100 triệu người dùng chỉ sau gần 2 tháng. Điều này có nghĩa là ứng dụng đã vượt xa những tên tuổi lớn như TikTok, Instagram.
Vào tháng 1, ChatGPT đã trở thành ứng dụng đạt tốc độ tăng trưởng cao nhất, chính thức cán mốc 100 triệu người sử dụng hàng tháng chỉ sau 2 tháng ra mắt, theo thống kê của ngân hàng đầu tư UBS. Business Insider đánh giá tốc độ tăng trưởng của ChatGPT còn vượt xa những tên tuổi lớn trong lĩnh vực mạng xã hội như TikTok, Instagram.
Tính toán của công ty phân tích Similar Web chỉ ra TikTok phải mất 9 tháng để đạt lượng người dùng tương đương ChatGPT, trong khi con số này lên đến 30 tháng tương đương với 2,5 năm đối với Instagram. Bên cạnh đó, Spotify, dịch vụ phát nhạc nổi tiếng, cũng chỉ đạt 100 triệu người dùng hàng tháng mới đây, sau 4,5 năm thành lập, còn ứng dụng dịch Google Translate là 6,5 năm.
Lượng người sử dụng ChatGPT đã tăng đột biến, gấp đôi so với trước đó từ tháng 12/2022. Vào thời điểm đó, chatbot AI có khoảng 57 triệu người sử dụng. Tính đến cuối tháng 1/2023, số lượt truy cập mỗi ngày trên ChatGPT đã cán mốc 13 triệu, gấp đôi so với con số 6 triệu người dùng/ngày vào tháng 12 trước đó.
“Chúng tôi chưa từng thấy ứng dụng nào có tốc độ tăng trưởng thần kỳ như ChatGPT. Trong suốt 20 năm làm việc trên lĩnh vực Internet, đây là ứng dụng dành cho người dùng đạt tốc độ tăng trưởng cao nhất chúng tôi ghi nhận được”, các nhà phân tích của UBS nhấn mạnh.
Ra mắt từ tháng 11, ChatGPT nhanh chóng thu hút sự chú ý của người dùng với khả năng trả lời mọi câu hỏi và yêu cầu của người dùng như viết luận, lập trình, làm bài tập hộ… Ví dụ điển hình như một sinh viên Đại học New South Wales, Australia, đã trở thành người Australia đầu tiên trượt kỳ thi viết vì sử dụng chatbot trí tuệ nhân tạo để gian lận. Sinh viên này thú nhận đã sử dụng ChatGPT của OpenAI để viết bài luận sau khi một giảng viên nghi ngờ bài thi của sinh viên là sản phẩm do AI tạo ra.
Chatbot của OpenAI đã thu về 1 triệu người sử dụng chỉ trong vòng 5 ngày. Không chỉ sở hữu lượng người dùng lớn, ChatGPT còn thu hút thành công hàng tỷ USD từ Microsoft. Mới đây, tập đoàn công nghệ đã công bố khoản đầu tư nhiều năm vào OpenAI.
Theo một người giấu tên trong cuộc, giá trị của khoản đầu tư này được ước tính vào khoảng 10 tỷ USD. Tuy nhiên, chatbot thông minh vẫn tồn tại nhiều mặt trái gây tranh cãi như khả năng lan truyền thông tin sai sự thật, bị lợi dụng để đạo văn và những hành vi trái quy định khác.
ChatGPT hiện được phát hành miễn phí, nhưng mới chỉ cho đăng ký tài khoản tại Mỹ, Canada và một số thị trường khác. Dữ liệu mà AI này sử dụng cũng chỉ được cập nhật tới năm 2021. Tuy nhiên, giới phân tích nhận định sự lan truyền của ChatGPT sẽ giúp OpenAI có lợi thế tiên phong so với các công ty AI khác. Việc tương tác với người dùng là nguồn dữ liệu giá trị để giúp huấn luyện chatbot.
Ngày 2/2, OpenAI tung ra gói đăng ký 20 USD/tháng cho phiên bản ChatGPT Plus, cung cấp cho người dùng dịch vụ ổn định hơn, nhanh hơn cùng các tính năng tiên tiến so với bản miễn phí. Hiện ChatGPT Plus chỉ dành cho người dùng tại Mỹ và phải đăng ký trong danh sách chờ. Tháng trước, nhà phát triển cũng hé lộ về ChatGPT Professional, phiên bản cao cấp dành cho doanh nghiệp.
ChatGPT là ứng dụng AI được phát triển từ mô hình GPT-3.5, được đào tạo để đưa ra câu trả lời giống một cuộc trò chuyện với người thật. Dù hoạt động miễn phí, người sử dụng cần có tài khoản trên nền tảng của OpenAI. Dịch vụ chưa hỗ trợ mở tài khoản ở Việt Nam nhưng đã gây sốt thời gian qua. Người dùng trong nước muốn trải nghiệm phải sử dụng mạng riêng ảo (VPN), thuê số điện thoại nước ngoài với giá khoảng một USD, dùng thẻ thanh toán quốc tế để đăng ký, hoặc mua tài khoản từ người khác.
Thảo Triệu - MarketingAI
Theo Zingnews
Bình luận của bạn