Chẳng đâu xây dựng thương hiệu tốt bằng trường Ngoại thương với 5 bài học cho các Marketers

02 Thg 08

Trường Đại học Ngoại thương (FTU) hay còn mọi người gọi là "Havard Chùa Láng" - niềm mơ ước của hàng ngàn sĩ tử mỗi năm và là đích đến của rất đông đảo các doanh nghiệp, tổ chức tài trợ. Thương hiệu Ngoại thương nổi tiếng có lẽ không chỉ bởi trường có điểm đầu vào cao hay chất lượng giáo dục tốt, mà còn là công sức của nhà trường cũng như chính các bạn sinh viên hàng ngày "Branding" cho trường mình. Đặc biệt, việc xây dựng thương hiệu Ngoại thương được thể hiện rất rõ trên trang mạng xã hội Facebook. Cùng MarketingAI phân tích 5 bài học từ công cuộc quảng bá hình ảnh của trường Ngoại thương nhé!

Bài học 1: Xây dựng tệp "khách hàng trung thành"

Việc xây dựng và thu hút khách hàng của trường Ngoại thương được thể hiện ở công tác tuyển sinh của nhà trường. Cũng giống như một doanh nghiệp đang trong quá trình tìm khách hàng, điều cơ bản nhất là FTU luôn cố gắng đưa đến những thông tin mà các bạn học sinh cần. Hiểu theo một cách mang tính Marketing, thì nhà trường đã thấu hiểu Insight của học sinh lớp 12 chuẩn bị bước vào kỳ thi Đại học. Các em là những người còn quá trẻ, chưa thực sự biết điểm dừng chân của mình ở đâu, các em tò mò về ngôi trường danh giá này nhưng chưa thực sự biết quá nhiều về trường.

truong-ngoai-thuong-01
Những bài đăng tạo niềm tin cho các sĩ tử về trường Ngoại thương. 

Thông qua các hoạt động về "Ngày hội tuyển sinh" cũng như cộng đồng group các khóa trên Facebook, phải nói trường Ngoại thương đã hoàn thành nhiệm vụ này rất tốt. Cũng vì thế mà số lượng hồ sơ nộp vào trường là rất đông đảo và điểm đầu vào năm nào cũng "cao vút". Trong các group về tuyển sinh như thế, nhà trường thực hiện các hình thức bài đăng dạng Infographic, hỏi đáp, Livestream nhằm giải đáp tất tần tật các thắc mắc của học sinh. Bên cạnh những thông tin về kỳ thi cũng như phương thức tuyển sinh, các bạn sinh viên phối hợp cùng thầy cô dường như để "vẽ" lên một tương lai tốt đẹp khi các em vào trường, đặc biệt đánh mạnh vào các Pain Point của học sinh như: Các em muốn học trường có nhiều người giỏi, muốn học môi trường năng động, muốn cải thiện khả năng tiếng Anh, các em muốn học ngôi trường để ra đời dễ xin việc...

truong-ngoai-thuong-05
Nguồn: Diễn đàn SV Đại học Ngoại thương.

Có lẽ chỉ với bấy nhiêu đó thôi, trường FTU đã khiến các sĩ tử "chết đứ đừ đừ" rồi. Như vậy, điểm mấu chốt mà các Marketers nên nắm bắt qua bài học này là hãy luôn cung cấp những thông tin chính xác, hợp thời và hấp dẫn thu hút khách hàng. Hãy cho họ biết những điều mà họ muốn và quan trọng là hiểu Insight, Pain Point của họ.

Bài học 2: Bắt trend trúng, Content hay, ai mà chả "say"!

Nói đến FTU là chúng ta phải nói đến ngay hệ thống gần 40 Câu lạc bộ hoạt động trong trường. Đây cũng được xem như điểm mạnh của Ngoại thương và là sự đón đợi của biết bao nhiêu người. Để thi vào các CLB đều khá khó khăn và trải qua đến 3, 4 vòng. Điều quan trọng hơn là sau khi vào CLB, các thành viên sẽ cố gắng để chạy đua trên các nền tảng mạng xã hội. Xem trong trận chiến cam go của 40 CLB thì đâu sẽ là những nơi bắt trend nhanh để thu hút lượt tương tác.

truong-ngoai-thuong-02
Content bắt trend "100 điều cần làm" đã thu hút 1k reaction và hàng trăm lượt chia sẻ.

Phải thực sự đánh giá mà nói, các bài đăng trên mạng xã hội của các tổ chức sinh viên luôn giàu tính mới lạ, khác biệt, độc đáo, thú vị và cập nhật liên tục. Bất kỳ 1 trend nào cũng thường xuyên được các bạn "bắt" và tạo ra nội dung Viral. Nội dung ấy được thể hiện qua Content ngắn gọn, xúc tích cũng như hình ảnh/video được chỉnh sửa chuyên nghiệp và đẹp mắt. Các bạn sinh viên còn tích cực sử dụng phương pháp Seeding để các nội dung được lan tỏa mạnh mẽ hơn. Có lẽ cuộc đấu giữa 40 CLB sẽ không còn mang ý nghĩa tìm ra người chiến thắng, mà dường như tất cả đều đang cố gắng để cho mọi người biết rằng: Sinh viên FTU làm Social thực sự tốt.

truong-ngoai-thuong-03
Những nội dung update liên tục để "nuôi page".

Các Marketers, đặc biệt là người làm Content hãy nhìn vào bài học này để thấy rằng việc bắt trend, hay "nuôi page" rất quan trọng. Đó không chỉ là cách làm cho giao diện của chúng ta thêm phần chuyên nghiệp, đó còn là cách giúp "giữ chân khách hàng", để nội dung, thông điệp được lan tỏa. Hãy luôn cập nhật và sáng tạo để đem những nội dung thú vị, giải trí tới khách hàng của mình.

Bài học 3: Xây dựng các cộng đồng "rất FTU"

Trước khi có những kế hoạch trên Social Media, việc của mỗi Marketer chính là xây dựng chân dung khách hàng. Sau đó, trong quá trình làm các chiến dịch, chúng ta còn cần gộp các khách hàng lại thành một cộng đồng. Như thế thì việc trao đổi, chia sẻ thông tin cũng như thay đổi tâm lý bộ phận khách hàng cũng sẽ đơn giản và dễ dàng hơn.

Việc xây dựng cộng đồng khách hàng là rất quan trọng, cũng giống như việc trường Ngoại thương đang sở hữu những group nhận được sự tham gia, tương tác của đông đảo các bạn sinh viên. Ví dụ như group FTU Market - chuyên bán hàng giá rẻ, secondhand. Group này là nơi cực kỳ dễ dàng để bán hàng, vì nó đã xây dựng được một cộng đồng các bạn sinh viên chưa có nhiều thu nhập muốn mua quần áo, đồ ăn, sách vở... Đó còn là group FTU Share hay FTU Jobs, FTU Jobs and Internship Share... để xây dựng một cộng đồng các bạn sinh viên tìm việc làm. Từ những group này, các doanh nghiệp sẽ biết đến nhiều bạn trẻ hơn. Và đó là lý do vì sao rất khó để tìm thấy ai "thất nghiệp" ở FTU.

truong-ngoai-thuong-04
FTU có rất nhiều các cộng đồng về tìm kiếm việc làm. (Nguồn: FTU Share)

Một ví dụ khác của việc xây dựng cộng đồng trường Ngoại thương không nằm ở việc tạo ra group. Trong các cuộc thi liên quan đến bình chọn, không quá bất ngờ khi Ngoại thương thường nắm giữ những giải thưởng cao. Đó là bởi nhà trường, các thầy cô luôn đứng ra kêu gọi và gây dựng sự đoàn kết trong sinh viên. Các thầy cô cũng có thể được coi như là Influencers, KOLs. Tiếng nói của họ rất có trọng lực và thường được các bạn sinh viên tin tưởng. Do đó việc kêu gọi bình chọn cũng trở nên thu hút hơn.

Sẽ thật là tốt nếu như các doanh nghiệp, nhãn hàng xây dựng được một cộng đồng và xây dựng nội dung hấp dẫn khách hàng qua chính cộng đồng đó. Chúng ta có thể triển khai theo hình thức chia sẻ kiến thức, hỏi đáp giao lưu, tuyển dụng, tư vấn review... Khách hàng sau khi trải qua hành trình "Awareness" thì có thể tiến tới "Consideration" và cuối cùng là quyết định mua hàng vào các group này. Việc xây dựng hệ thống nhân sự Seeding trong các group cũng quan trọng, vừa là để lan tỏa thương hiệu, vừa là để gây lòng tin hơn đối với khách hàng.

Bài học 4: Storytelling chẳng-giống-ai

Thông thường khi nhìn nhận sâu vào bề chìm của một trường Đại học, chúng ta sẽ thường xem trong các fanpage về Confession. Mặc dù Confession là ẩn danh, ai cũng có thể viết, và chúng ta sẽ khó mà biết được ai là admin, nhưng theo khảo sát, có đến 70% sinh viên từng gửi ít nhất 1 Confession vào trang của trường mình. Hình thức tâm tư qua Confession cũng có thể được coi như là một dạng Storytelling. Những câu chuyện dù ngắn, dù dài thì đều có khả năng khiến người ngoài có những đánh giá về sinh viên của trường đó.

truong-ngoai-thuong-06
FTU Confessions chẳng-giống-ai. (Nguồn: FTU Confessions)

Chúng ta đã biết tới nhiều trang Confession nổi tiếng của các trường Đại học tại Việt Nam. Đó là NEU Confession với hàng loạt câu chuyện "cẩu huyết" và đậm ngôn tình cũng không kém phần bi thảm trong đời sống sinh viên. Đó là Bách Kinh Xây Confession với những câu chuyện đời sống sinh viên chân thực, là RMIT Confession của hội sinh viên được coi là "hội con nhà giàu Việt Nam". Nhưng khi đến với FTU Confession, những thứ màu hồng, ngôn tình của sinh viên chẳng còn nữa. Người ta sẽ chỉ thấy những dòng tâm sự của các bạn trẻ đang trải qua khủng hoảng tuổi 20, tuổi 25 thậm chí là tuổi 30. Các bạn đang gặp nỗi sợ về công việc áp lực không đúng chuyên môn sở thích, đang đứng trước những ngã rẽ thay đổi sự nghiệp cuộc đời. Các bạn còn chia sẻ cả về những áp lực thường ngày cuộc sống đang đè nén mình. Có thể thấy, với hình thức Storytelling gián tiếp này, những tâm sự sẽ cho người đọc một suy nghĩ về sinh viên trường Ngoại thương. Rằng FTUers luôn là những người cố gắng vươn lên không ngừng trong sự nghiệp, cũng đang phải cố gắng để đương đầu với nhiều áp lực trong cuộc sống.

truong-ngoai-thuong-07
Những câu chuyện nói lên được cá tính sinh viên trường Ngoại thương. 

Storytelling đối với các nhãn hàng cũng giống như vậy. Câu chuyện hay sẽ là tiền đề để khách hàng khơi gợi cảm xúc chính bản thân mình, từ đó thay đổi hành vi mua hàng. Bởi theo khảo sát, khách hàng mua hàng dựa vào 20% lý trí và tới 80% cảm xúc. Đây cũng là cơ sở để níu chân khách hàng và gây dựng lòng tin cho khách hàng. Các Marketers nên học hỏi việc xây dựng Storytelling trong một quá trình dài hơi giống như cách trường Ngoại thương đã làm.

Bài học 5: Xử lý khủng hoảng truyền thông khôn khéo và tinh tế

Bên cạnh những lời khen tích cực xung quanh trường Ngoại thương thì cũng có không ít những "lời đồn". Người ta nghĩ sinh viên Ngoại thương chảnh, hay nhảy việc và rất thực dụng. Người ta còn đặt Ngoại thương lên bàn cân so với nhiều trường Đại học khác, đặc biệt là với Đại học Kinh tế quốc dân. Họ nói FTU chỉ được cái "làm màu" chứ không có thực chất như NEU. Tất nhiên, những lời đồn này là muôn thưở, là những điều bàn tán từ năm này qua năm khác. Như năm ngoái, trên diễn đàn của NEU, một bài post gây tranh cãi nảy ra, lại là so sánh FTU và NEU. Trong khi bên NEU có những bình luận tiêu cực tỏ ý phản bác, chê bai FTU. Thì đối với các bạn sinh viên Ngoại thương, các bạn đã rất khôn khéo để đối đáp. Các bạn không dùng những từ ngữ nặng nề như vậy để khích bác đối thủ. Các bạn sử dụng các lập luận, dẫn chứng logic khiến cho ai cũng phải "tâm phục khẩu phục".

truong-ngoai-thuong-08
FTU thường hay bị đặt lên so sánh với NEU trên mạng xã hội.

Hay như trong các cuộc đấu về bình chọn, nhất là bình chọn hoa hậu, các bạn Ngoại thương (và có cả cá thầy cô) đã khá là bình tĩnh trong các cuộc tranh cãi để không làm xấu hình ảnh của trường. Nói tóm lại, FTUers không cố gắng dẹp hết những lời đồn đó đi, bởi đấy là điều vô ích. Điều mà Ngoại thương làm đó là tiếp tục chứng tỏ cho mọi người thấy sinh viên ở đây rất hiểu chuyện, biết điều, và không có những hành vi "nổi loạn" trên mạng xã hội.

truong-ngoai-thuong-09
Lời đáp trả nhẹ nhàng, logic và tinh tế.

Với các Marketers, mỗi khi doanh nghiệp, nhãn hàng gặp khủng hoảng truyền thông, đây sẽ là bài toán đau đầu để các doanh nghiệp tìm được cách giải và hơn cả là lấy lại niềm tin cho khách hàng. Điều quan trọng không phải là chúng ta cố gắng bảo vệ cứng nhắc quan điểm của mình. Hãy hành xử trên mạng xã hội một cách hợp lý, khôn ngoan, tránh tạo ra các chủ đề gây kích động, bàn tán. Có như vậy thì thương hiệu mới từ từ lấy lại được hình ảnh trong mắt khách hàng.

>> Xem thêm: Học được gì từ những vụ xử lý khủng hoảng truyền thông hiệu quả nhất năm?

Kết

Có một "Fun Fact" về trường Ngoại thương, đó là trường không hề có khoa hay chuyên ngành đào tạo Marketing, nhưng sinh viên thì đi làm Marketer rất nhiều. Điều này cũng lý giải một phần về khả năng xây dựng thương hiệu của trường FTU. Với các Marketers, 5 bài học trên đúc kết từ trường Ngoại thương cũng sẽ chính là 5 bài học đi theo chúng ta trên suốt hành trình làm tiếp thị. Hãy luôn cố gắng mỗi ngày để trau đồi, đổi mới và sáng tạo để đem những giá trị tích cực đến với khách hàng. Có như thế thì doanh thu của chúng ta mới có đà để phát triển.

Quang Minh - MarketingAI

Bình luận của bạn

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bình luận không đăng nhập

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.