Ngày phụ nữ Việt Nam 20/10 là một dịp để bày tỏ sự quan tâm và yêu thương của xã hội tới những người phụ nữ đã tận tâm cống hiến cho cuộc đời. Nhằm tôn vinh ngày phụ nữ Việt Nam, Advertising Vietnam đã ra mắt series phỏng vấn những nữ lãnh đạo tiêu biểu đang điều hành các agency nổi bật tại nước nhà. Cùng lắng nghe những chia sẻ và nhận định từ chị Thiên Thanh – CEO Edelman Việt Nam trong vai trò của người phụ nữ trong ngành quảng cáo truyền thông khắc nghiệt này.
Những cơ hội và thách thức của ngành đối với phái nữ
Theo quan sát của chị Thiên Thanh, người phụ nữ đóng vai trò rất quan trọng trong ngành quảng cáo truyền thông. Vốn có sẵn rất nhiều thuận lợi như mạnh mẽ, thông minh, giỏi giang và can trường, người phụ nữ đang ngày càng chứng tỏ vị thế lãnh đạo của mình trong ngành quảng cáo đầy những chông gai.
Theo chị Thiên Thanh chia sẻ, riêng tại Edelman, cách đây 10 năm thì việc người phụ nữ đứng lên lãnh đạo đã trở thành mục tiêu toàn cầu của công ty. Đến 2020, thì từ ban điều hành cấp cao trở lên phải đạt được con số 50 – 50, có nghĩa là tỉ lệ nam và nữ cần đạt cân bằng. Mục tiêu Edelman đặt ra cũng giống như KPI khi chúng ta làm kinh doanh, để hướng tới một cộng đồng sáng tạo nơi người phụ nữ được trao quyền. Riêng tại Việt Nam thì có một điều thú vị rằng là các quản trị cấp cao của Edelman hoàn toàn là nữ giới.
Buổi phỏng vấn với chị Thiên Thanh (Video: Advertising Vietnam)
Edelman có một ủy ban riêng để đưa mục tiêu này toàn cầu hóa. Chị Thanh cảm thấy khá may mắn vì được trở thành một thành viên của ủy ban đó. Chị thực hiện khá nhiều nghiên cứu tại các thị trường khác nhau. Tuy nhiên báo cáo chỉ ra rằng hiện tại những lãnh đạo tại các công ty chỉ có 4% là nữ giới và con số này là cực kì thấp. Theo chị giải thích, không phải phụ nữ Việt Nam không có bằng cấp, không có khả năng mà đơn giản là bởi yếu tố tâm lí.
Theo nghiên cứu tại thị trường Việt Nam, không phải là phụ nữ Việt Nam không có tài lãnh đạo cũng như không phải họ muốn trở thành lãnh đạo. Tuy nhiên, văn hóa và truyền thống khiến người phụ nữ Việt cảm thấy ổn thỏa với việc đứng sau lưng một người đàn ông. Chính vì vậy, tỉ lệ cấp bậc là nữ giới đóng vai trò lãnh đạo tại Việt Nam vẫn còn rất thấp so với các nước lân cận.
>>> Đọc thêm: Những kinh nghiệm thuyết phục CEO trong thời đại mới
Người phụ nữ đồng hành cùng những chiến dịch đáng nhớ
Hơn 20 năm trong ngành, chị Thiên Thanh đã thực hiện rất nhiều chiến dịch. Tuy nhiên, chị đặc biệt cảm thấy gắn bó và yêu mến Nestle. Chị đồng hành cùng Nestle một khoảng thời gian rất dài. Chị đặc biệt thích văn hóa công ty cũng như cách mà công ty họ làm sản phẩm.
Nhưng nếu nói về niềm tự hào thì chị sẽ nhắc đến những hành trình xây dựng các nhãn hiệu Việt Nam. Chị là thế hệ đầu tiên của ngành quảng cáo tại Việt Nam và đồng hành cùng ngành từ lúc marketing còn chưa được định nghĩa tại đất nước Việt. Khi đó, chị đã nghĩ rằng các nhãn hiệu Việt Nam không bao giờ có thể cạnh tranh được với các nhãn quốc tế. Tuy nhiên, thời gian trôi qua thì chúng ta có thể thấy các nhãn hiệu Việt đã rất thành công bởi sự kết hợp của sản phẩm tốt với những con người lãnh đạo cấp tiến.
Những sự bứt phá và làm nên những tên tuổi các thương hiệu Việt thì đó là một trong những điều chị tự hào nhất trong con đường sự nghiệp của chị.
Chị Thanh chia sẻ người truyền cảm hứng nhiều nhất cho chị trong suốt con đường phấn đấu với ngành quảng cáo này chính là công việc. Công việc đã dạy chị nhiều điều từ những nghiên cứu, những tư duy tích cực đến những creative campaign, dù có khó khăn hay thất bại thì chị cũng đã được truyền cảm hứng rất nhiều.
Người phụ nữ đầy quyền lực - chị Thiên Thanh CEO Edelman Việt Nam (Ảnh: en World Vietnam)
Nhận định của chị về quá trình khẳng định mình của các thương hiệu Việt và lời khuyên dành cho các bạn trẻ
Một thương hiệu muốn có chỗ đứng trên thị trường trước tiên phải đưa ra những sản phẩm chất lượng. Cá nhân chị thấy hiện nay có rất nhiều sản phẩm Việt có chất lượng tốt. Nếu sản phẩm không tốt mà chúng ta dùng marketing để nói chất lượng sản phẩm tốt thì nhãn sẽ “chết” rất nhanh.
Thêm vào đó, những những quyết định đường đi của doanh nghiệp, của marketing phải sáng tạo và có tư duy mở mang. Đầu óc của dân chuyên ngành truyền thông phải luôn sẵn sàng tiếp thu cái mới và hơn thế, họ phải biết lắng nghe. Khi kết hợp cùng agency, việc lựa chọn agency giỏi là yếu tố hàng đầu. Tuy nhiên, phía doanh nghiệp phải tìm cách lắng nghe agency kĩ lưỡng để đem lại hiệu quả tốt nhất.
Những yếu tố trên được kết hợp cùng một lúc thì sẽ tạo ra thành công của nhãn. Những thương hiệu Việt thành công như Diana, Kinh Đô là niềm tự hào của agency. Khi tất cả mọi người tìm được tiếng nói chung, hợp tác vì một mục tiêu chung và để khẳng định thương hiệu trên thị trường. Thì đó không chỉ là bước tiến của doanh nghiệp, của agency mà còn là bước tiến của toàn ngành.
Cuối cùng là lời khuyên của chị dành cho các bạn trẻ mới bước chân vào nghề truyền thông đầy những khó khăn này:
Hãy luôn tò mò. Tò mò không phải là tọc mạch, cũng không phải là lắng nghe những chuyện phiếm mà tò mò ở đây là những thắc mắc khiến mình luôn luôn học hỏi. Chị luôn khuyến khích những bạn trẻ mới vào ngành phải tò mò, tìm kiếm thông tin và đặt câu hỏi. Từ khối lượng thông tin tìm kiếm được, mình sẽ rút ra được gì? Mọi kết luận của mình phải luôn dựa trên nền tảng của sự nghiên cứu tìm tòi. Hãy luôn đặt câu hỏi, vì sao mà vấn đề lại như vậy? Nếu như vậy thì chúng ta phải làm thế nào để khác đi? Riêng với ngành quảng cáo truyền thông, đây sẽ là một yếu tố giúp các bạn trẻ yêu nghề hơn, tự tin hơn và phát triển hơn với nghề.
>>> Đọc thêm: CEO là gì?
Kết
Trên đây là những lời chia sẻ hết sức trân thành từ người chị đã đi trước trong ngành marketing. Chúc những bạn trẻ mới vào ngành thành công và vững bước trên con đường đã chọn.
Nguồn: Advertising Vietnam
Bình luận của bạn