Moment Marketing (hay còn được biết đến là Real-time Marketing) – một chiêu marketing được tận dụng bởi nhiều thương hiệu để tăng tương tác với khách hàng bằng cách đề cập đến một sự kiện thực tế vừa diễn ra (moment / real-time). Và hôm nay chúng tôi mang đến cho các bạn câu chuyện của Oreo, một thương hiệu đã sử dụng Moment Marketing một cách vô cùng thông minh và hiệu quả.
Thời buổi bây giờ, chẳng mấy ai chỉ nhìn vào mỗi màn hình tivi. Nói ví dụ, bạn có vừa xem World Cup vừa cầm điện thoại lướt Facebook bao giờ chưa?
Đó là lý do vì sao, để tăng khả năng khách hàng chú ý đến mình, các công ty phải vươn xa hơn vài chục giây quảng cáo trên tivi. Họ phải cùng lúc tập trung vào các mạng xã hội lớn – Facebook. Twitter, Instagram… – để luôn luôn được ghi nhớ trong tâm trí khách hàng. Nói đến đây, chúng ta không thể không đề cập đến một đòn marketing đẹp tuyệt vời bởi Oreo trong đêm Super Bowl* tháng 2 năm 2013.
Quá nửa trận đấu, một phần sân vận động bất thình lình cúp điện trong vòng 34 phút. Oreo đã nắm đúng thời cơ và tạo ra dòng tweet “Power Out? No problem.” (“Cúp điện à? Không sao hết.”) đi kèm với hình ảnh chiếc bánh quy Oreo sáng lên trong bóng tối và lời tựa “You can still dunk in the dark.” (“Bạn vẫn có thể nhúng bánh Oreo vào sữa khi cúp điện cơ mà.”)
Dòng tweet đơn giản đã ngay lập tức tạo nên một hiện tượng trên Twitter, với hơn 15,000 retweets chỉ trong vòng vài tiếng đồng hồ. Câu đùa ‘bất chợt’ bởi một cái bánh quy mà được như thế thì quả rất ấn tượng.
- Vinacafé với chiến dịch “Yêu thương thành lời” thống lĩnh Youtube Tết 2015
- Case Study: Độc Chiêu Bỏ 1 Nhưng Nhận Lại 10 Của Du Lịch Philippines
Bằng cách nào mà Oreo đã tạo nên được hiện tượng marketing chỉ từ việc cúp điện? Thật ra chẳng có ‘bất chợt’ nào ở đây cả: Một nhóm phụ trách mạng xã hội gồm 15 người của Oreo đã phải ngồi trầu chực suốt trận Super Bowl để theo dõi hành vi và phản ứng của khách hàng trong khi trận đấu diễn ra. Điều này có nghĩa là, không chỉ đăng quảng cáo trên tivi vào lúc nghỉ giữa trận, Oreo còn bài trí luôn nhân viên viết content, nhân viên lên kế hoạch, và nhân viên thiết kế – sẵn sàng đưa ra một đòn marketing chỉ trong vòng chưa đầy 10 phút. Và đấy chính là Moment Marketing (Real-time Marketing).
Trò chuyện với khách hàng mọi lúc mọi nơi trên mạng xã hội là một đường lối khôn ngoan – bởi nó thông qua màn hình điện thoại, máy tính hoặc tablet thay vì chỉ mỗi màn hình tivi. Điều này đáng được chú ý bởi vì trước khi Super Bowl diễn ra, một khảo sát hành vi cho biết 36% người xem chương trình sẽ nhìn vào một màn hình thứ hai.
Điều quan trọng là Moment Marketing rất dễ gây chú ý với khách hàng, vì chúng ta đang bàn đến một việc vừa xảy ra chỉ cách đây dăm phút (ở đây là việc cúp điện). Bên cạnh đó, đã có quá nhiều thương hiệu chen lấn nhau quảng cáo trên chương trình Super Bowl. Johan Berger, giáo sư và tác giả sách chuyên về marketing đã ý kiến: “Tôi cho rằng retweet có giá trị hơn hẳn so với việc xem quảng cáo, vì nó cho thấy rằng khách hàng không những chỉ đọc hiểu dòng tweet mà còn chọn lọc và chia sẻ những lời tweet họ thích với bạn bè. Liệu việc đó có giúp Oreo tăng doanh thu không? Khó nói đấy. Nhưng nó chắc chắn giúp Oreo trở nên khôn ngoan hơn, thú vị hơn và sắc sảo hơn trong mắt khách hàng. Nếu đem ra so sánh với quảng cáo trên tivi, một dòng tweet lúc cúp điện có khi còn làm tăng giá trị thương hiệu nhiều hơn.”
Thế nên giới marketer vẫn thích ví von: “Người chiến thắng trong giải Super Bowl năm ấy chính là Oreo chứ không ai khác.”
*Super Bowl: Giải bóng bầu dục chuyên nghiệp hàng năm ở Mỹ, là chương trình được xem nhiều nhất trong lịch sử truyền hình của đất nước. Super Bowl 2016 được theo dõi bởi hơn 111 triệu công dân Mỹ, và một suất quảng cáo 30 giây trên chương trình trị giá khoảng 5 triệu đô la.
Nguồn: Ký sự quảng cáo
MarketingAI - Admicro
Bình luận của bạn