- Campaign là gì?
- Các loại campaign phổ biến nhất hiện nay
- Marketing campaign (Chiến dịch marketing)
- Creative campaign (Chiến dịch sáng tạo)
- Advertising campaign (Chiến dịch quảng cáo)
- Viral campaign (Chiến dịch lan truyền)
- SEM campaign (Search Engine Marketing)
- IMC campaign (Integrated Marketing Communications)
- Cách lập kế hoạch và thực hiện campaign chất lượng
- Bước 1. Xác định đối tượng mục tiêu
- Bước 2. Quyết định nền tảng sử dụng để tiếp cận đối tượng mục tiêu
- Bước 3. Đặt mục tiêu và KPI cho chiến dịch
- Bước 4. Xác định cách đo lường thành công của chiến dịch
- Bước 5. Quyết định ngân sách
- Bước 6. Xây dựng timeline cho chiến dịch
- Bước 7. Bắt đầu triển khai chiến dịch
- Bước 8. Đo lường kết quả
- Bước 9. Tùy chỉnh và lặp lại khi cần thiết
- Ví dụ về các campaign thành công
- British Airways: “Out of Office”
- Dove: “Turn your back”
- Heinz và Absolut Vodka: #AbsolutelyHeinz
- Bài học kinh nghiệm
Campaign là gì?
Campaign dịch sang tiếng Việt nghĩa là “chiến dịch”. Nói cách khác, Campaign là một chương trình truyền thông ngắn hạn, có trọng tâm, sử dụng nhiều phương tiện thông tin đại chúng khác nhau nhắm đến đối tượng mục tiêu xác định.
Vậy campaign marketing là gì? Đây là thuật ngữ sử dụng để chỉ tập hợp các hoạt động chiến lược nhằm thúc đẩy mục tiêu doanh nghiệp và quảng bá toàn bộ sản phẩm, dịch vụ hoặc thương hiệu.
Để đạt được hiệu quả cao nhất, các campaign được lên kế hoạch cẩn thận với nhiều hoạt động đa dạng. Các chiến dịch này sẽ sử dụng các kênh, nền tảng và phương tiện khác nhau để tối đa hóa tác động. Ví dụ, doanh nghiệp có thể sử dụng phương tiện in ấn, truyền thông xã hội, quảng cáo trực tuyến, email, bản demo trực tiếp. Mỗi campaign sẽ khác nhau tùy vào mục đích mà công ty hướng đến.
Khi xây dựng một campaign truyền thông, điều quan trọng nhất là phải xem xét các yếu tố sau:
- Đối tượng: Đối tượng mục tiêu của chiến dịch là ai?
- Thông điệp: Thông điệp nào cần được truyền tải tới đối tượng mục tiêu?
- Thời điểm: Khi nào chiến dịch nên được triển khai?
- Nền tảng: Nên sử dụng nền tảng nào để tiếp cận đối tượng mục tiêu?
- Ngân sách: Nên phân bổ bao nhiêu cho chiến dịch
- Đo lường: Sự thành công của chiến dịch sẽ được đo lường như thế nào?
Bằng cách xem xét các yếu tố trên, người quản lý có thể đảm bảo rằng các campaign của họ có hiệu quả và thành công. Ngoài ra, điều quan trọng cần lưu ý là các chiến dịch phải được theo dõi và điều chỉnh thường xuyên khi cần thiết để đảm bảo chúng luôn đi đúng hướng.
Các loại campaign phổ biến nhất hiện nay
Các loại hình chiến dịch khác nhau được sử dụng cho các mục đích và hướng đến các đối tượng mục tiêu khác nhau. Dưới đây là 6 loại campaign phổ biến nhất được sử dụng rộng rãi:
Marketing campaign (Chiến dịch marketing)
Marketing campaign là một cách tiếp cận lâu dài mà các doanh nghiệp sử dụng để quảng bá sản phẩm hoặc dịch vụ thông qua nhiều phương tiện. Loại hình chiến dịch này cũng giúp cải thiện hình ảnh của công ty và giữ chân khách hàng. Ngày nay, các doanh nghiệp thường sử dụng các phương tiện truyền thông làm con đường chính để thực hiện các chiến dịch marketing, thông qua mạng xã hội, quảng cáo trên truyền hình hoặc quảng cáo trực tuyến. Tuy nhiên, các phương tiện truyền thống hơn vẫn được sử dụng, bao gồm báo, tạp chí, thư trực tiếp hay đài phát thanh.
Một campaign marketing sẽ bao gồm 4 hoạt động chính: product marketing (tiếp thị thị sản phẩm), price marketing (tiếp thị giá), place marketing (tiếp thị về kênh phân phối sản phẩm), promotion marketing (tiếp thị xúc tiến bán hàng).
Creative campaign (Chiến dịch sáng tạo)
Creative campaign là chiến dịch tập trung vào việc sử dụng các ý tưởng sáng tạo và độc đáo để thu hút sự chú ý của khách hàng và tạo ấn tượng sâu sắc. Nó bao gồm thiết kế hình ảnh, thông điệp cho sản phẩm trên nhiều kênh tiếp thị khác nhau. Loại hình chiến dịch này giúp tăng doanh số bán hàng, nhận thức thương hiệu và tạo được sự tương tác giữa khách hàng và sản phẩm.
Creative campaign thường được sử dụng nhiều trong các công ty Agency - những công ty chuyên làm dịch vụ marketing cho cá nhân và doanh nghiệp. Ngoài ra, nó cũng được sử dụng trong nhiều campaign marketing bởi việc trau chuốt hình ảnh, nội dung, slogan đóng vai trò vô cùng quan trọng trong việc thu hút khách hàng và gây ấn tượng trên thị trường.
Advertising campaign (Chiến dịch quảng cáo)
Advertising campaign là một tập hợp các quảng cáo được phối hợp với nhau để quảng bá sản phẩm hoặc dịch vụ. Nó được thiết kế xoay quanh một chủ đề cụ thể để tạo ra nhận thức về thương hiệu sản phẩm hoặc dịch vụ của công ty. Chiến dịch này có thể là một loạt các quảng cáo riêng lẻ khác nhau hoặc cùng một quảng cáo trên các phương tiện truyền thông như đài phát thanh, truyền hình, hay Internet.
Ví dụ, Old Spice, một thương hiệu khử mùi cơ thể dành cho nam bán chạy số 1 tại Mỹ, đã đạt được nhiều thành công nhờ chiến dịch quảng cáo độc lạ. Quảng cáo “The Man Your Man Could Smell Like” được ra mắt vào năm 2010 và gây sốt vì sự hài hước, hấp dẫn và sáng tạo. Quảng cáo này chỉ có một thông điệp duy nhất: Old Spice không chỉ dành cho những ông già mà nó cũng dành cho người trẻ thích phiêu lưu. Thông điệp hài hước ngớ ngẩn này khiến nó ngay lập tức gây ấn tượng với khán giả. Quảng cáo này được phát sóng và gặt hái một số giải thưởng về hiệu quả tiếp thị, doanh số bán hàng tăng tới 107% sau khi phát sóng.
Viral campaign (Chiến dịch lan truyền)
Viral campaign dựa trên ý tưởng tạo ra nội dung thú vị mà người xem sẽ có xu hướng chia sẻ và chuyển tiếp cho người khác. Chiến dịch này thường diễn ra trên Internet, thông qua các trang mạng xã hội như Facebook, TikTok, Instagram hoặc Twitter. Mục tiêu của loại campaign này là tạo ra một hiệu ứng lan truyền tự nhiên, người dùng sẽ chủ động chia sẻ về chiến dịch trên các nền tảng truyền thông xã hội, trang web, email, và các kênh truyền thông khác.
Một viral campaign thành công có thể tạo ra lượng lớn lượt xem, chia sẻ và tương tác từ cộng đồng mạng, từ đó giúp tăng nhận thức thương hiệu và tạo ra tiềm năng bán hàng lớn. Tuy nhiên, việc làm cho một campaign trở nên viral phụ thuộc vào nhiều yếu tố khác nhau như thời điểm, bối cảnh thị trường, độ sáng tạo của thông điệp, hay nội dung hấp dẫn.
SEM campaign (Search Engine Marketing)
SEM campaign là chiến dịch tiếp thị nhằm tăng khả năng hiển thị và lưu lượng truy cập trang web. Loại hình chiến dịch này bao gồm việc lựa chọn các từ khóa và bản sao từ khóa có liên quan, tối ưu hóa quảng cáo để đạt được mức độ tương tác và chuyển đổi tối đa. Mục tiêu của SEM campaign là hướng lưu lượng truy cập được nhắm mục tiêu đến trang web, tạo khách hàng tiềm năng và tăng doanh số bán hàng hoặc tỉ lệ chuyển đổi.
IMC campaign (Integrated Marketing Communications)
IMC campaign là một chiến dịch tiếp thị tích hợp, tức là một campaign quảng cáo kết hợp các phương tiện truyền thông và công cụ tiếp thị khác nhau để truyền đạt thông điệp thương hiệu đồng nhất và hiệu quả tới khách hàng mục tiêu.
Mục tiêu của IMC campaign là tạo ra một trải nghiệm liên kết và nhất quán cho khách hàng qua nhiều kênh truyền thông khác nhau như quảng cáo, PR, sự kiện, hay mạng xã hội. Bằng cách này, IMC giúp tăng cường nhận thức thương hiệu, tạo ra một hình ảnh thương hiệu mạnh mẽ và tăng cường mối quan hệ với khách hàng, từ đó tăng doanh số bán hàng và sự trung thành của khách hàng.
Cách lập kế hoạch và thực hiện campaign chất lượng
Việc lập kế hoạch sẽ giúp bạn tối đa hóa tác động và thành công của campaign. Nó sẽ cung cấp cho bạn lộ trình cho toàn bộ chiến dịch, đảm bảo rằng các nỗ lực phù hợp với mục tiêu tổng thể và các nguồn lực được sử dụng hiệu quả. Dưới đây là những bước giúp bạn lập kế hoạch và xây dựng campaign thật chất lượng:
Bước 1. Xác định đối tượng mục tiêu
Đối với mọi chiến dịch, bạn phải xác định kỹ đối tượng mục tiêu của mình, tức là nhóm cá nhân hoặc nhân khẩu học cụ thể mà bạn muốn tiếp cận và gây ảnh hưởng. Bạn có thể phân tích đối tượng mục tiêu để tìm hiểu các chi tiết như tuổi tác, giới tính, vị trí địa lý, sở thích và hành vi mua hàng. Hiểu đối tượng mục tiêu sẽ cho phép bạn điều chỉnh thông điệp, nội dung và quảng cáo của mình để phù hợp với nhu cầu và sở thích của nhóm cụ thể này.
Bước 2. Quyết định nền tảng sử dụng để tiếp cận đối tượng mục tiêu
Sau khi xác định đối tượng mục tiêu, bước tiếp theo là điều chỉnh thông tin cho phù hợp với mục tiêu chiến dịch và khám phá các nền tảng khác nhau. Bạn có thể lựa chọn kênh truyền thông phù hợp dựa trên các yếu tố như chi phí, phạm vi tiếp cận và tiềm năng tương tác của campaign. Ngày nay, các campaign phần lớn đều được thực hiện trên đa kênh để tối đa hóa khả năng hiển thị và mức độ tương tác.
Các nền tảng khác nhau có điểm mạnh và điểm yếu khác nhau, vì vậy điều quan trọng là phải chọn đúng nền tảng và phù hợp với đối tượng mà chiến dịch hướng đến.
Ví dụ, nếu đối tượng mục tiêu là người trẻ, các kênh truyền thông xã hội như Instagram và Facebook có thể là lựa chọn tốt nhất. Mặt khác, nếu đối tượng mục tiêu là người lớn tuổi, bạn nên sử dụng các phương tiện truyền hình, đài phát thanh hay báo chí; với khách hàng doanh nghiệp (B2B) là email marketing; với khách hàng địa phương thì nên sử dụng quảng cáo ngoài trời (OOH); còn với các tệp khách hàng lớn, phổ thông, quảng cáo truyền hình sẽ có hiệu quả hơn.
Bước 3. Đặt mục tiêu và KPI cho chiến dịch
Chiến dịch nào cũng cần có mục tiêu và các chỉ số hiệu suất KPI để đo lường sự thành công của nó. Các tham số có thể bao gồm: doanh thu bán hàng, khả năng tương tác trên mạng xã hội, mức độ tiếp cận khách hàng mới,... Theo một nghiên cứu, việc đặt mục tiêu có thể tăng nhận thức về thương hiệu lên đến 15% trong 6 tháng.
Bạn có thể đặt mục tiêu của campaign theo khung SMART, viết tắt của những yếu tố sau:
- Cụ thể (Specific): Bạn dự định đạt được mục tiêu gì cho chiến dịch của mình?
- Có thể đo lường được (Measurable): Bạn sẽ đo lường sự thành công của chiến dịch bằng cách nào?
- Có thể đạt được (Achievable): Những mục tiêu của chiến dịch có thực tế không?
- Có liên quan (Relevant): Chiến dịch có phù hợp với bối cảnh hiện tại không?
- Cụ thể về thời gian (Time-bound): Khi nào bạn muốn xem kết quả từ chiến dịch của mình?
Các yếu tố trong khuôn khổ này sẽ phối hợp với nhau để tạo ra một mục tiêu được lên kế hoạch cẩn thận và chu đáo, có thể thực hiện và theo dõi được. Bất kỳ mục tiêu nào bạn đặt ra bằng chiến thuật này đều có cơ hội thành công cao hơn.
Bước 4. Xác định cách đo lường thành công của chiến dịch
Điều quan trọng là phải xác định xem mức độ thành công của campaign sẽ được đo lường như thế nào. Thông thường, các chỉ số đo lường sẽ được xác định dựa trên mục tiêu của campaign. Ví dụ, nếu mục tiêu bạn hướng đến là Brand Awareness (Độ nhận diện thương hiệu) thì các chỉ số như Share of Voice, Engagement, Buzz Volume rất quan trọng. Mặt khác, nếu mục tiêu là lợi nhuận, bạn cần chú ý đến các chỉ số ROI, Conversion Rate, CPL, CPW. Bằng cách theo dõi các số liệu này, marketers có thể hiểu về tính hiệu quả của chiến dịch và thực hiện các điều chỉnh khác nếu cần.
Bước 5. Quyết định ngân sách
Dự trù ngân sách là một phần quan trọng và đòi hỏi sự cân nhắc kỹ lưỡng để đảm bảo rằng chiến dịch có thể được thực hiện một cách hiệu quả và thành công. Dựa trên mục tiêu và phân tích khách hàng, bạn có thể xác định ngân sách tổng thể cho marketing campaign và phân bổ ngân sách cho các phần khác nhau của chiến dịch như tiếp thị truyền thông, quảng cáo, PR, sự kiện. Ngoài ra, bạn cũng cần chủ động theo dõi, phân tích dữ liệu hiệu suất và điều chỉnh ngân sách phù hợp để chi tiêu hợp lý.
Bước 6. Xây dựng timeline cho chiến dịch
Xây dựng timeline giúp người quản lý vạch ra các hoạt động ứng với các mốc thời gian cụ thể. Từ đó, bạn cũng có thể dễ dàng theo dõi, quản lý, cũng như giám sát quy trình thực hiện campaign. Một timeline chi tiết và cẩn thận giúp đảm bảo rằng mọi phần của chiến dịch marketing được triển khai một cách hợp lý và có hiệu quả.
Bước 7. Bắt đầu triển khai chiến dịch
Sau khi đã hoàn thành kế hoạch và xây dựng timeline campaign, bạn có thể bắt đầu triển khai nó. Trong bước này, hãy chú ý đặt ra những deadline, phân bổ hợp lý nguồn nhân lực, ngân sách, công nghệ để chiến dịch diễn ra suôn sẻ và hiệu quả hơn.
Bước 8. Đo lường kết quả
Khi chiến dịch đã được lên kế hoạch và triển khai, bạn cần phải theo dõi kết quả và đo lường sự thành công của nó. Điều này có thể được thực hiện bằng cách theo dõi chỉ số hiệu suất chính (KPI) như lượt truy cập trang web, khách hàng tiềm năng được tạo, doanh số và các số liệu khác có liên quan đến mục tiêu của chiến dịch.
Bước 9. Tùy chỉnh và lặp lại khi cần thiết
Dựa trên kết quả đo lường, bạn có thể so sánh nó với mục tiêu đề ra ban đầu để xem campaign có hiệu quả không, xác định điểm mạnh, điểm yếu để cải thiện các dự án khác trong tương lai.
Những chia sẻ này cũng giúp giải thích cho chạy campaign là gì. Bằng cách thử xây dựng và lập kế hoạch, campaign của bạn sẽ tránh được những rủi ro và đạt được tỷ lệ thành công cao hơn.
Ví dụ về các campaign thành công
Thực tế, có rất nhiều các campaign được thực hiện và mang lại nhiều tác động tích cực đến doanh nghiệp và xã hội. Mặc dù tính độc đáo là điều bắt buộc nhưng hầu hết các chiến dịch thành công đều dựa trên các yếu tố: đối tượng rõ ràng, nhận thức về thương hiệu, lời kêu gọi hành động thiết thực, thông điệp ý nghĩa. Dưới đây là những ví dụ về campaign thành công và gây được hiệu ứng truyền thông lớn:
British Airways: “Out of Office”
Vào thời điểm mà hầu hết mọi người đang suy nghĩ hoặc lên kế hoạch cho kỳ nghỉ tiếp theo, British Airways đang khuyến khích mọi người thực hiện kỳ nghỉ một cách nghiêm túc trong chiến dịch này.
Ý tưởng:
Theo một cuộc khảo sát do British Airways Holidays thực hiện, 48% người đi làm ở Vương quốc Anh thường kiểm tra email công việc của họ trong kì nghỉ, và hơn 50% trong số họ không được hưởng đầy đủ thời gian nghỉ phép hàng năm. Do vậy, British Airways đã phát động campaign với mục đích khuyến khích khách hàng thực sự nghỉ ngơi trong kì nghỉ và không làm việc trong thời gian này.
Phương thức triển khai:
Ý tưởng cho campaign quảng cáo ngoài trời mới của British Airways do Uncommon Creative Studio phát triển, tập trung vào các email thông báo vắng mặt - điều mà nhiều người đã thiết lập trước khi nghỉ phép hàng năm tại nơi làm việc. Hầu hết các email thông thường đều kèm theo một ghi chú “Nếu khẩn cấp, vui lòng liên hệ với tôi qua điện thoại di động”.
Khác với các email đó, các email OOO (Out of office) bao gồm những nội dung vui tươi, chẳng hạn như “No” (Không), “0% chance of work” (0% công việc) hay những đoạn tin nhắn từ chối làm việc trong kỳ nghỉ. Đằng sau sự hài hước là một thông điệp quan trọng rằng những ngày nghỉ lễ không chỉ là sự xa xỉ phù phiếm và tất cả chúng ta nên ưu tiên dành thời gian đi xa để chăm sóc sức khỏe của mình.
Kết quả:
Thu hút một lượng lớn người truy cập trang web của British Airways để tạo ra các thông báo "Out of Office" cá nhân hóa
Tăng cường sự nhận thức về thương hiệu
Tạo ra một nền tảng nơi mọi người có thể chia sẻ thông điệp và trải nghiệm của họ về việc "đi xa hơn.
Campaign "Out of Office" của British Airways không chỉ giúp tăng cường sự nhận thức về thương hiệu mà còn khích lệ và thúc đẩy ý tưởng về việc khám phá thế giới, đồng thời cung cấp một trải nghiệm tương tác độc đáo cho khách hàng.
Dove: “Turn your back”
Dove đã triển khai campaign có tên là #TurnYourBack như một phản ứng đối với bộ lọc Bold Glamour của TikTok. Bộ lọc này đã được tải xuống hơn 16 triệu lần kể từ khi phát hành và bị chỉ trích vì đề cao những tiêu chuẩn sắc đẹp không thể đạt được, đồng thời làm sai lệch hình ảnh bản thân của giới trẻ.
Ý tưởng:
Theo Dove, 80% bé gái sử dụng bộ lọc Bold Glamour ở độ tuổi 13 và hơn một nửa thích giao diện đã được chỉnh sửa của mình. Thống kê này nêu bật nhu cầu cấp thiết về các campaign như #TurnYourBack nhằm quảng bá hình ảnh cơ thể tích cực và khuyến khích giới trẻ suy nghĩ chín chắn về những thông điệp họ nhìn thấy trên mạng.
Phương thức triển khai:
Một phần trong campaign được khởi động trên TikTok, trong đó có cảnh những người phụ nữ quay lưng lại với máy ảnh và bước ra khỏi màn hình để chứng minh rằng không có bộ lọc nào phản ánh đúng con người của bạn.
Chiến dịch này có các bài đăng trả phí từ những người có ảnh hưởng như Hira Mustafa và Nadya Okamoto, những người đang khuyến khích tránh tác động của thế giới ảo và trân trọng vẻ đẹp tự nhiên. Chiến dịch sẽ tiếp tục với nội dung kỹ thuật số và kích hoạt OOH, nêu bật cam kết của thương hiệu trong việc thúc đẩy hình ảnh cơ thể tích cực và lòng tự trọng cho giới trẻ.
Kết quả:
- Thu hút được hơn 365 triệu lượt xem hashtag trong 7 ngày kể từ khi ra mắt
- Nhận được 250 phản hồi từ các thành viên trong vòng chưa đầy 24 giờ phát động
- Thu hút sự tham gia của nhiều người nổi tiếng
Chiến dịch #TurnYourBack của Dove là một bước quan trọng hướng tới việc chống lại những hình ảnh bị biến dạng kỹ thuật số và các tiêu chuẩn sắc đẹp phi thực tế. Thông qua nỗ lực xây dựng thương hiệu của mình, Dove khuyến khích giới trẻ đón nhận vẻ đẹp thực sự và từ chối những bộ lọc như Bold Glamour, thúc đẩy hình ảnh cơ thể tích cực và vẻ đẹp tự nhiên.
Heinz và Absolut Vodka: #AbsolutelyHeinz
Heinz và Absolut Vodka, hai thương hiệu dẫn đầu về mặt hàng nước sốt cà chua và vodka cao cấp, đã hợp tác để tạo ra trải nghiệm nước sốt mì ống tuyệt đỉnh, tạo nên tiếng vang trên khắp các nền tảng truyền thông xã hội.
Ý tưởng
Câu chuyện bắt đầu với công thức TikTok lan truyền của người mẫu Mỹ Gigi Hadid, người đã chia sẻ nước sốt mì ống vodka “Penne alla” độc đáo của mình vào năm 2020. Món ăn này đã thu hút khán giả, khiến người dùng mạng xã hội quan tâm và mong muốn tự mình sáng tạo lại nó. Nhận thấy cơ hội, Heinz và Absolut Vodka đã cùng nhau đưa ra một giải pháp tiện lợi: nước sốt mì ống vodka phiên bản giới hạn đựng trong lọ, kết hợp chuyên môn của Heinz về nước sốt mì ống với rượu vodka nổi tiếng của Absolut.
Phương thức triển khai:
Campaign được triển khai với hàng loạt quảng cáo ngoài trời trên khắp London, tạo tiền đề cho một đợt bùng nổ trên mạng xã hội, với hashtag #AbsolutelyHeinz. Để nâng cao thông điệp của mình, Heinz và Absolut đã tranh thủ sự trợ giúp của những người sáng tạo trên các nền tảng truyền thông xã hội.
Từ những người có ảnh hưởng vĩ mô đến những người có ảnh hưởng vi mô, chiến dịch đã tận dụng tầm ảnh hưởng và độ tin cậy của họ để tạo ra tiếng vang và sự phấn khích cho khách hàng. Bằng cách tặng Pasta alla Vodka cho 150 người có ảnh hưởng vĩ mô và vi mô về thực phẩm, campaign này đã khai thác được sức mạnh của tiếp thị thị trường ngách, đồng thời tiếp cận đối tượng rộng hơn thông qua các nỗ lực tiếp thị đại chúng.
Kết quả:
- Vượt qua sốt cà chua trở thành sản phẩm bán chạy nhất của Heinz, với doanh số tăng 52%, bán hết cả trực tuyến và tại cửa hàng.
- Thu hút sự chú ý trên mạng xã hội, trong đó hashtag #AbsolutelyHeinz đã thu hút được 6,6 triệu lượt xem TikTok và hơn 200 người có ảnh hưởng yêu cầu tham gia.
- Chiếm được 24% thị phần trong thời gian ra mắt, trở thành thương hiệu nước sốt mì ống siêu thị hàng đầu.
- Giành được Giải thưởng Tuần tiếp thị năm 2023 về Tài trợ và Tiếp thị đối tác
Chiến dịch #AbsolutelyHeinz thể hiện sức mạnh của sự cộng tác và sáng tạo trong hoạt động tiếp thị hiện đại. Bằng cách kết hợp hai thương hiệu nổi tiếng để tạo ra một sản phẩm độc quyền, Heinz và Absolut đã chiếm được trái tim và vị giác của người tiêu dùng trên toàn thế giới.
Bài học kinh nghiệm
Dựa vào thành công của các campaign lớn trên toàn cầu, bạn hoàn toàn có thể học hỏi được nhiều kinh nghiệm và áp dụng cho các chiến dịch của mình. Sau đây là một vài tip nhỏ mà marketers có thể xem xét trước khi phát động một campaign:
- Hiểu rõ đối tượng và mục tiêu: Trước khi bắt đầu, hãy tìm hiểu rõ về đối tượng mà bạn muốn tiếp cận và mục tiêu mà bạn muốn đạt được sau chiến dịch. Điều này sẽ giúp bạn xác định thông điệp và phương tiện phù hợp nhất để gây ấn tượng và tương tác với đối tượng mục tiêu.
- Tạo ra nội dung độc đáo và hấp dẫn: Hãy đảm bảo rằng nội dung của campaign là độc đáo, hấp dẫn và phản ánh giá trị cốt lõi của thương hiệu. Bạn cũng có thể sử dụng hình ảnh, video và các câu chuyện để thu hút sự chú ý và tạo ra ấn tượng sâu sắc với khán giả.
- Kích thích tương tác: Tạo ra cơ hội tương tác giữa thương hiệu và khách hàng. Điều này có thể thực hiện thông qua việc sử dụng các công cụ tương tác trực tuyến, cuộc thi hoặc sự kiện trực tiếp để khuyến khích người tiêu dùng tham gia và chia sẻ trải nghiệm của họ. Ngoài ra, hãy tiếp tục tương tác với khách hàng sau khi campaign kết thúc. Nó sẽ góp phần xây dựng lòng trung thành của khách hàng và tạo ra một cộng đồng mạnh mẽ hơn xung quanh thương hiệu.
>>> Xem thêm: 18 Chiến dịch quảng cáo hay nhất mọi thời đại
Tạm kết
Như vậy, bài viết trên đây đã cung cấp đầy đủ những thông tin về Campaign là gì. Các chiến dịch này có thể là một cách tuyệt vời để cải thiện doanh thu và hình ảnh của thương hiệu trong mắt khách hàng. Tuy nhiên, điều quan trọng cần nhớ là không phải tất cả các campaign đều được tạo ra như nhau. Trên thực tế, chúng hoàn toàn có thể thất bại và gây tổn thất nặng nề đến thương hiệu và hình ảnh của công ty. Do vậy, để xây dựng một campaign ấn tượng, hãy luôn lấy khách hàng làm trọng tâm và tạo sự tương tác toàn diện giữa họ và thương hiệu.
Bình luận của bạn