cover

Cách Canva mê hoặc 170 triệu user: Trao quyền cho người dùng - ai cũng có thể làm thiết kế

27 Thg 12

Từ một Startup bị 100 đối tác từ chối, tới một đế chế sáng tạo trị giá 40 tỷ USD, Canva lật ngược thế cờ với những chiến lược sản phẩm và marketing khéo léo. Bên cạnh trải nghiệm người dùng ấn tượng, Canva còn được người dùng yêu thích bởi cách thức trao quyền và truyền cảm hứng thiết kế cho user qua các chiến lược tiếp thị đặc biệt.

Hành trình “dân chủ hóa” quyền thiết kế từ Canva

Vào những năm 2000, nhu cầu thiết kế đồ họa trong cộng đồng bắt đầu nở rộ với sự bùng nổ các kênh truyền thông, mạng xã hội. Tuy nhiên, ở thời điểm này thiết kế được xem là một lĩnh vực đặc thù mà chỉ có designer chuyên nghiệp mới có thể thực hiện. Những công cụ thiết kế phổ biến trên thị trường như Adobe rất khó sử dụng với người không chuyên, không thể đáp ứng nhu cầu đại chúng. Nhận thấy tiềm năng đó, các nhà sáng lập Canva - Melanie Perkins đã bắt đầu nhen nhóm suy nghĩ về một nền tảng thiết kế trực tuyến đơn giản hơn cho sinh viên. Tuy nhiên, ý tưởng này liên tục bị từ chối hợp tác, bởi các nhà đầu tư cho rằng nó quá nhạt nhẽo và nhà sáng lập còn quá non trẻ. Cho đến tận năm 2010, cuộc gặp gỡ định mệnh của Melanie và nhà đầu tư Bill Tai đã thay đổi hoàn toàn số phận của Canva, mang về khoản đầu tư trị giá 25 nghìn USD. Từ đó, Canva đã chính thức được ra mắt vào năm 2013 và bắt đầu thay đổi hoàn toàn cuộc chơi thiết kế cho các thương hiệu và cá nhân không chuyên.

Cách Canva mê hoặc 170 triệu user: Trao quyền cho người dùng - ai cũng có thể làm thiết kế - Ảnh 2.

Với một kho tàng thiết kế All-in-one từ các mẫu thiết kế, tài nguyên sẵn có, kết hợp cùng các tính năng đơn giản, dễ sử dụng,... Canva như đang “trao quyền” thiết kế tới tất cả mọi người. Bất cứ ai cũng có thể tự thiết kế các ấn phẩm của riêng mình mà không phải chi hàng chục triệu cho các chương trình học thiết kế, hay tốn hàng giờ để xem hướng dẫn sử dụng Adobe.

Ngay khi ra mắt, Canva đã nhận được sự chú ý của đông đảo công chúng với hơn 750.000 người dùng trong năm đầu tiên. Trải qua 10 năm phát triển, Canva hiện nay đã cán mốc kỷ lục 170 triệu người dùng trải dài khắp 190 quốc gia và chiếm 9,72% thị trường Đồ Họa. Ước tính lượng người dùng hàng tháng lên tới 130 triệu và đã có 15 tỷ thiết kế được tạo ra từ Canva, cho thấy năng suất khổng lồ mà nền tảng này mang lại.

Những chiến lược Marketing giúp Canva truyền động lực thiết kế tới 170 triệu User

Điểm đặc biệt trong chiến lược Marketing của Canva đó là không đầu tư quá nhiều ngân sách cho chiến dịch quảng cáo rầm rộ. Mãi đến năm 2022, thương hiệu này mới công bố một chiến dịch quảng cáo quy mô toàn cầu đầu tiên mang tên “What Will You Design Today?” với các hoạt động khá cơ bản như Quảng cáo truyền hình, TVC, Mạng xã hội.

Thay vào đó, Canva lại lựa chọn một nước đi dài hạn hơn đó là các chiến lược Inbound Marketing để dần thay đổi những suy nghĩ của khách hàng về thiết kế.

1. Nỗ lực Educate người dùng: Đơn giản hóa khái niệm thiết kế để tạo động lực cho người dùng

Sau nhiều tháng liên tục cải thiện, thử nghiệm các công cụ, Canva nhận ra rằng rào cản lớn nhất trong việc thiết kế của người dùng không chỉ nằm ở sự phức tạp của các công cụ hay độ khó của việc thiết kế. Mấu chốt quan trọng nhất nằm ở niềm tin của người dùng rằng họ không thể thiết kế bởi đây là công việc chỉ dành cho dân chuyên.

Nắm bắt insight này, Canva đã nỗ lực rất nhiều để tạo động lực thiết kế cho người dùng, giúp họ hiểu được rằng thiết kế là một công việc rất đơn giản mà họ có thể làm mỗi ngày. Từ những thông điệp quảng cáo đơn giản, gần gũi như: “Hôm nay bạn muốn thiết kế gì?” cho tới biểu tượng chúc mừng trên nền tảng mỗi khi những thiết kế được tải xuống. Canva chú trọng tới từng trải nghiệm nhỏ nhất của người dùng trên ứng dụng.

Cách Canva mê hoặc 170 triệu user: Trao quyền cho người dùng - ai cũng có thể làm thiết kế - Ảnh 3.

Bên cạnh đó, Canva cũng cung cấp rất nhiều kiến thức hữu ích, phù hợp với người mới thiết kế, nhằm giúp người dùng sử dụng nền tảng một cách dễ dàng nhất có thể. Canva có chuyên mục riêng “Learn” bao gồm các nội dung như Canva Blog, Design School - Nơi bạn có thể tìm thấy các bài viết, khóa học hữu ích về thiết kế đồ họa, cách sử dụng canva,... Vì vậy, bản thân Canva giống như một trường học về thiết kế thu nhỏ, nơi người dùng có thể tìm đọc kiến thức và ứng dụng ngay lập tức. Các trang Social Media của thương hiệu (Youtube, Instagram, Facebook) cũng chủ yếu chia sẻ các hướng dẫn sử dụng, kiến thức thiết kế cơ bản.

Cách Canva mê hoặc 170 triệu user: Trao quyền cho người dùng - ai cũng có thể làm thiết kế - Ảnh 4.

2.  Kiên trì với chiến lược SEO và Evergreen Content

Đối với những người không chuyên, khi có nhu cầu thiết kế, phần lớn họ sẽ bắt đầu việc tìm kiếm giải pháp trên mạng Internet. Những organic search này chính là nhóm khách hàng có nhu cầu cao và tiềm năng nhất của Canva. Vì vậy, ngay từ những ngày đầu tiên hoạt động, Canva đã đầu tư rất nhiều nguồn lực cho hoạt động SEO và đây cũng chính là công cụ Marketing mang lại nguồn thu lớn nhất cho Canva (Theo chia sẻ của Jerry Liu - Head of Affiliate Partnerships).

Trong đó, Canva chú trọng khai thác Evergreen Content với những nhóm từ khóa, nội dung cơ bản nhất trong thiết kế và không triển khai quá nhiều bài viết chuyên sâu, phức tạp. Chiến lược Evergreen Content này rất phù hợp với đối tượng mục tiêu của doanh nghiệp là những người không chuyên, họ sẽ luôn đặt ra những câu hỏi cơ bản nhất khi thiết kế.

Cụ thể, Canva tập trung vào các từ khóa liên quan tới giải pháp cụ thể mà người tiêu dùng đang tìm kiếm như: “Thiết kế logo online”, “Chỉnh sửa ảnh trực tuyến”, “Thiết kế online miễn phí”,... hoặc đi thẳng vào từng loại hình ấn phẩm như “Brochure Template”, “Facebook post template”,.... Khi tìm kiếm những từ khóa này trên Google, bạn sẽ thấy Canva luôn hiển thị trong Top đầu công cụ tìm kiếm, đủ để thấy được mức độ đầu tư cho SEO của thương hiệu này lớn đến mức nào. Bền bỉ với SEO suốt 10 năm, hiện tại Canva gần như chiếm Top đầu các tìm kiếm về thiết kế, hình ảnh trực tuyến, đón đầu nhu cầu thiết kế online của khách hàng.

Cách Canva mê hoặc 170 triệu user: Trao quyền cho người dùng - ai cũng có thể làm thiết kế - Ảnh 5.

3. Thuyết phục người dùng bằng chiến lược Social Proof

Không giống như nhiều công ty khởi nghiệp khác, những chiến dịch quảng cáo trả phí Canva không được đầu tư quá nhiều. Thay vào đó, thương hiệu tập trung rất nhiều nỗ lực vào Social Proof (Hiệu ứng lan truyền thông tin) để có thể thuyết phục đông đảo người dùng như hiện nay. Trong đó có chiến lược chính để Canva thúc đẩy người dùng lan truyền thông tin về thương hiệu đó là khai thác User Generated Content và kết hợp một phần với Affiliate Marketing.

Để khai thác UGC (User Generated Content), Canva tập trung vào hai nền tảng: Mạng xã hội và Website thương hiệu. Đối với mạng xã hội, Canva không triển khai ồ ạt trên nhiều nền tảng mà tập trung vào Instagram - Trang mạng xã hội về hình ảnh nổi bật nhất hiện nay. Canva tạo nên một sân chơi sáng tạo riêng cho cộng đồng người dùng của mình với Hashtag #Canvalove, khuyến khích mọi người chia sẻ và trao đổi về những thiết kế với nhau. Đặc biệt, Canva thường xuyên tổ chức nhiều #CanvaDesignChallenge và Minicontest cho người dùng liên tiếp trong năm, với những chủ đề đa dạng như: Minigame “12 Days of Magic Studio”, Apple Music Design Challenge, Canva Community Awards,...

Cách Canva mê hoặc 170 triệu user: Trao quyền cho người dùng - ai cũng có thể làm thiết kế - Ảnh 6.

Trên website, Canva biến mỗi người dùng trở thành một nhà sáng tạo của thương hiệu bằng cách khuyến khích họ tạo Template và kiếm thu nhập từ các Template này. Hoạt động này không chỉ đa dạng các mẫu thiết kế trên nền tảng, mà còn khuyến khích các nhà sáng tạo chia sẻ sản phẩm Canva của mình.

4. Tiếp tục “Trao quyền” quảng cáo cho chính người dùng với Affiliate Marketing

Melanie Perkins chia sẻ từng chia sẻ rằng: “Tìm được những người yêu thích sản phẩm chính là chiến lược marketing tốt nhất chúng tôi từng có. Một vài người dùng Canva còn tạo những video hướng dẫn, các bài viết chia sẻ, và thậm chí nhiều người còn dạy sinh viên cách để có thể sử dụng Canva”. Đó là lý do vì sao Canva lại đẩy mạnh hợp tác với các Influencer “ngách” như các bloggers, creators, các trang web trong ngành thiết kế, sáng tạo, tiếp thị,... và đặc biệt là chính người dùng nổi bật của Canva, thay vì những người nổi tiếng khác.

Cách Canva mê hoặc 170 triệu user: Trao quyền cho người dùng - ai cũng có thể làm thiết kế - Ảnh 7.

Đến năm 2019, chiến lược hợp tác đặc biệt này của Canva được đa dạng hóa trên toàn cầu dưới hình thức Affiliate Marketing - Một trong những công cụ Marketing rất hữu ích với các doanh nghiệp SaaS. Canva đã xây dựng những chính sách Partnership với hoa hồng hấp dẫn và cho phép mọi đối tác trên toàn cầu có thể đăng ký, trao quyền “quảng cáo” thương hiệu tới đông đảo người dùng toàn cầu. Theo chia sẻ của Jerry Liu - Head of Affiliate Partnerships Canva: “Tại Canva, sứ mệnh của chúng tôi là luôn trao quyền thiết kế cho thế giới và đưa sản phẩm đến tay những người cần nó”. “Vì vậy, với chiến lược hợp tác này chúng tôi muốn có thể trao quyền cho nhiều người quảng cáo Canva hơn nữa, để họ có thể làm được nhiều điều hơn thế.”

Cách Canva mê hoặc 170 triệu user: Trao quyền cho người dùng - ai cũng có thể làm thiết kế - Ảnh 8.

Hơn hết, Affiliate Marketing là một hình thức tiếp thị thông qua các bên thứ 3, có sức thuyết phục lớn đối với người dùng. Với hình thức này, mỗi đối tác cũng sẽ trở thành một phần trong mạng lưới truyền thông của Canva, giúp thương hiệu phủ sóng nhanh chóng trên toàn cầu. Đặc biệt, Canva có tới 190 thị trường, tương ứng với 190 tập khách hàng mục tiêu có đặc điểm khác nhau, vì vậy Affiliate Marketing sẽ là một công cụ hữu ích giúp Canva đáp ứng từng thị trường tốt hơn.

Kết quả chỉ sau một thời gian ngắn xây dựng chính sách Affiliate, tới năm 2020 Canva đã nhanh chóng có được 11000 đối tác là những Youtubers, Blogger, Publisher, người dùng nổi bật,... trên toàn cầu. Doanh số được tạo ra từ các kênh đối tác đã tăng trưởng gấp đôi so với việc hợp tác nhỏ lẻ trước đó.

5. Vận dụng Freemium thông minh

Freemium là một chiến lược rất phù hợp với các doanh nghiệp SaaS như Canva. Freemium lấy dịch vụ miễn phí làm mồi thử để thu hút khách hàng và sau đó thuyết phục họ trải nghiệm các tính năng của phiên bản Premium. Mặc dù không mang lại doanh thu lớn, nhưng các dịch vụ miễn phí của Canva vẫn được chăm chút kỹ lưỡng, đảm bảo chất lượng hình ảnh, trải nghiệm người dùng.

Điều đặc biệt trong chiến lược Premium của Canva là sự kết hợp khéo léo giữa các tính năng miễn phí và trả phí, giúp người dùng nhìn thấy lợi ích của bản trả phí ngay khi đang sử dụng phiên bản miễn phí. Ví dụ trong một mẫu thiết kế miễn phí, Canva sẽ lồng ghép cả những hình ảnh cao cấp có trả phí chứa hình mờ logo Canva và chỉ có thể xóa hình mờ khi người dùng nâng cấp lên Pro. Bằng cách này, người dùng có thể thấy rõ sự khác biệt của hai phiên bản ngay trên thiết kế của chính mình.

Lời kết

Điểm sáng nổi bật trong chiến lược Marketing của Canva đó là thương hiệu đã rất kiên trì theo đuổi các chiến lược Inbound Marketing dài hạn để dần thay đổi những định kiến của người dùng về việc thiết kế. Từ đó, Canva đã khiến cho việc thiết kế trở nên đơn giản, phổ biến hơn thay vì chỉ là một công việc môn phức tạp. Các chiến lược của Canva cũng là những bài học rất hữu ích mà thương hiệu Saas có thể tham khảo và áp dụng.

TAGS:

Bình luận của bạn

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bình luận không đăng nhập

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.