Cách các thương hiệu tạo lập xu hướng cá nhân: khi sự khác biệt tạo nên đẳng cấp

16 Thg 11

Sự phát triển của công nghệ kỹ thuật số đã mở ra kỷ nguyên mới cho marketing. Trong bối cảnh tin tức tràn ngập khắp mọi nơi, người tiêu dùng ngày càng "kén cá chọn canh" các nội dung mà họ tiêu thụ. Trong cuộc đua ấy, xây dựng branding trend bỗng trở thành một công cụ hữu ích, thu hút khách hàng một cách tự nhiên, hiệu quả. 

Các thương hiệu đã tạo lập xu hướng của riêng mình như thế nào? 

Câu chuyện xây dựng thương hiệu vốn dĩ không hề đơn giản và luôn được các doanh nghiệp, đặc biệt start-up quan tâm. Digital marketing phát triển mạnh mẽ khiến chủ doanh nghiệp và brand manager phải đối mặt với vô vàn thách thức lớn nhỏ khi làm thương hiệu. Một thương hiệu vững mạnh sẽ là bàn đạp giúp doanh nghiệp tăng lợi thế cạnh tranh và nổi bật hơn trong cuộc đua giành thị phần gắt gao. Đó cũng chính là lý do khiến nhiều doanh nghiệp hiện nay đầu tư mạnh tay vào việc xây dựng branding trend. 

Xây dựng xu hướng cho thương hiệu (branding trend) không chỉ đơn giản là bắt kịp các trend đang hot, viral của thị trường mà còn tạo ra một cá tính, bản sắc, dấu ấn riêng cho thương hiệu. Bởi lẽ, khi các sản phẩm gắn liền với các thói quen, nghi thức hoặc niềm tin cá nhân thì thường sẽ "gắn chặt" vào bộ nhớ người tiêu dùng hơn các sản phẩm khác. Theo nghiên cứu của các chuyên gia, khi con người sống trong tốc độ phát triển chóng mặt của công nghệ, khoa học thì họ thường tìm kiếm sự ổn định và quen thuộc, thoải mái. Một xu hướng đồng điệu với thương hiệu, phù hợp với đối tượng mục tiêu sẽ là giúp người dùng nhớ về sản phẩm của bạn đầu tiên. 

Ví dụ như Oreo, thương hiệu bánh quy nổi tiếng thế giới này đã cực kỳ thành công trong việc xây dựng branding trend. Nhắc đến Oreo, người ta nhớ ngay đến nghi thức "xoay bánh, liếm kem, chấm sữa". Bộ 3 hành động "Xoay - liếm - chấm" được Oreo truyền tải qua hàng trăm chiến dịch quảng cáo, PR trên thị trường trong suốt hàng chục năm qua và trở thành một biểu tượng không thể thay thế.

Ảnh: cdn.tgdd

Thậm chí, khi mang về Việt Nam, nghi thức này đã được Việt hóa để phù hợp với thị trường hơn. Người Việt vốn coi trọng truyền thống gia đình, nắm bắt đầu mối này, Oreo đã gắn liền nghi thức trứ danh của mình với các khoảnh khắc sẻ chia, sum vầy giữa các thành viên gia đình trong cuộc sống hàng ngày, đưa nhãn hàng đến gần với đối tượng mục tiêu là gia đình, trẻ nhỏ. Chiến dịch #OreoPeople cũng được "kích hoạt", tạo thành hot trend đình đám trên mạng xã hội. Video của chàng ca sĩ Sơn Tùng M-TP chỉ vỏn vẹn 6s nhắc lại cho người xem về nghi thức Xoay - liếm chấm của Oreo đã đạt gần 6 triệu views trên Facebook và Youtube, 5.057 lượt chia sẻ. 

Không chỉ có nghi thức của Oreo, nhiều thương hiệu hàng đầu trên thế giới như Coca, P&G... cũng đang cố làm điều tương tự cho khách hàng của mình. Khi thương hiệu tạo lập được xu hướng của riêng mình, nó sẽ nghiễm nhiên trở thành thói quen của người tiêu dùng, rồi cuối cùng trở thành những “tín đồ” của thương hiệu: tự động xoay bánh, liếm kem khi dùng Oreo, tự động bật ipod lên khi tập thể dục buổi sáng...

Hay hoặc nếu là fan của bia hơi, chắc chắn không ai không biết đến chiêu "vắt chanh vào bia" để tạo vị tươi ngon, đậm đà hơn. Đây không phải là truyền thống khi uống bia mà là cách người ta uống những chai bia của hãng Corona. Nghi thức đơn giản này được phát minh tình cờ vào năm 1981. Một anh chàng pha chế ở một quán bar trong một lần cá cược vui vẻ với bạn thân của mình bằng cách nhét miếng chanh tươi vào một chai bia corona để thử xem khách hàng khác có bước chước gọi một chai bia như vậy hay không. Và nghi thức này đã giúp người ta nhớ đến Corona nhiều hơn là thương hiệu bia nổi tiếng của nó. Doanh số tăng vụt giúp Corona vượt qua và chiếm được thị phần của Heineken trên đất Mỹ. 

Ảnh: blogthuongthuc

>> Xem thêm: 7 thương hiệu lớn “thay tên đổi họ” tại thị trường nước ngoài

Thương hiệu cần lưu ý điều gì khi tạo lập xu hướng?

Nhiều người thường nghĩ trong cuộc đua bắt trend, ai nhanh hơn người đó thắng. Tuy nhiên điều này chỉ đúng một phần. Liệu xu hướng mà thương hiệu tạo lập có phù hợp với đối tượng mục tiêu? Liệu sản phẩm sáng tạo có đồng điệu với thương hiêu? 

  • Xác định tần số chung giữa xu hướng và thương hiệu 

Xu hướng dù lan tỏa mạnh mẽ tới đâu nhưng nếu mang tính phàn cảm, ảnh hưởng đến hình ảnh thương hiệu trong mắt người tiêu dùng thì nhất định phải tránh. Hãy chủ động chọn lựa sáng tạo những xu hướng, phong cách phù hợp với mục đích truyền thông, thể hiện được vai trò thương hiệu và sản phẩm, chứng tỏ khả năng mang dịch vụ tốt nhất cho khách hàng. 

  • Cá nhân hóa nội dung, chất lượng đỉnh 

Một sản phẩm hời hợt, mờ nhạt, ăn theo hiệu ứng đám đông chắc chắn sẽ sớm trôi nhanh vào quên lãng. Vì thế, ngoài độ “hợp rơ” với thương hiệu thì chất lượng cũng là yếu tố quyết định thành bại của trend. Từ những thương hiệu đã tạo trend thành công, chúng ta có thể thấy “simple is the best”. Không cần quá cầu kỳ, chỉ cần bắt đúng sự đồng điệu giữa trend và thương hiệu và đừng quên thể hiện nó bằng một thông điệp đắt giá, visual ấn tượng.  

Ví dụ như thương hiệu Kitkat đã tạo nên xu hướng bằng cách tận dụng luôn cái tên của của chính nó. Kitkat trong tiếng Nhật có phát âm giống từ Kitto-Katsu, nghĩa là "chắc chắn chiến thắng". Hãng cho ra mắt Kitkat màu xanh da trời, màu của sự hy vọng với dòng chữ "Cầu nguyện với chúa". Từ đó các sinh viên, học sinh ở Nhật theo thói quen sẽ ăn một thanh Kitkat để mang sự may mắn trước khi vào phòng thi.

Ảnh: hoahoctro
  • Trend hay thương hiệu? 

Hãy luôn nhớ rằng, sau tất cả, trend cũng chỉ là công cụ đưa thương hiệu của bạn tới tiếp cận gần hơn với đối tượng mục tiêu. Bởi vậy marketer cần làm chủ cuộc chơi, hiểu rõ mục đích, kết quả khi tạo lập xu hướng. Tính chất của trend thường “sớm nở chóng tàn”, do đó, hãy cân nhắc xem trend này đã đủ lớn, tạo đủ độ vang để thương hiệu đầu tư vào quảng cáo hay chưa. 

Kết 

Theo BuzzMetrics, trung bình mỗi trend ở Việt Nam kéo dài trung bình khoảng 1 tuần và thu hút 90% sự quan tâm của công chúng vào 2-3 ngày đầu. Mỗi xu hướng chỉ 1-2 nhãn hàng sáng tạo nhất, nhanh nhất được công chúng biết tới. Tốc độ và sáng tạo là chìa khóa để thương hiệu tạo lập xu hướng thành công. Tuy nhiên, nhanh không đồng nghĩa với cẩu thả. Thương hiệu có “làm nên chuyện” hay không phụ thuộc vào việc bắt sóng xu hướng đúng cách, đúng thông điệp, đúng đối tượng. Luôn cập nhật và áp dụng những xu hướng xây dựng thương hiệu là cách nhanh nhất để không bị tụt lại trong thời đại số biến chuyển không ngừng. 

Hải Yến - MarketingAI

>> Có thể bạn chưa biết: Xây dựng thương hiệu: Tại sao các công ty F&B cần tạo dựng tên tuổi tốt hơn để thúc đẩy tăng trưởng bền vững

Đánh giá của bạn

Bình luận của bạn

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bình luận không đăng nhập

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.