Các phương pháp đăng bài tối ưu trên Facebook, Twitter và LinkedIn năm 2021

18 Thg 01

Dù đã xuất hiện từ lâu và cho thấy được tầm ảnh hưởng quan trọng trong ngành công nghiệp marketing suốt hơn một thập kỷ qua, nhưng nhiều doanh nghiệp vẫn đang phải vật lộn để tìm ra phương pháp hay nhất và cách tiếp cận hiệu quả đối với từng nền tảng mạng xã hội. 

(Ảnh: Pinkcney Marketing)

Không khó để hiểu điều đó khi mà các nền tảng và thuật toán của chúng luôn cập nhật và thay đổi mỗi ngày, đặt các thương hiệu vào tình thế phải tái thiết lập liên tục. Tuy nhiên, dù có những thứ phải thay đổi mỗi ngày, thì vẫn có một thứ không thay đổi chính là các nguyên tắc cơ bản của mỗi nền tảng. Đó sẽ là điểm khởi đầu vững chắc cho chiến lược tiếp cận của mỗi doanh nghiệp.

Xuất phát từ suy nghĩ đó, bài viết dưới đây của MarketingAI sẽ đem đến cho các bạn cái nhìn tổng quan về một số lưu ý thực tiễn nhất trong thời điểm hiện tại của 3 nền tảng xã hội chính là Facebook, Twitter và LinkedIn. Từ đó, giúp cung cấp thông tin tốt hơn về phương pháp tiếp cận và tối đa hóa hiệu suất vào năm 2021.

Facebook

Đầu tiên phải kể đến “gã khổng lồ” màu xanh của Mark Zuckerberg, mạng xã hội với lượng người sử dụng nhiều nhất trên thế giới, mang đến cho doanh nghiệp khả năng tiếp cận và phân phối nội dung tiềm năng trên phạm vi rộng nhất, tất nhiên trong trường hợp bạn có thể làm đúng. 

Đây được xem là mạng xã hội khó làm chủ nhất vì không có một quy định nhất quán nào về những lời khuyên dành cho việc đăng bài trên Facebook. Rất nhiều bài đăng hoạt động hiệu quả là nhờ vào kiến thức và trực giác của người làm marketing về khán giả của họ, như thể họ đã sử dụng nghệ thuật “reading the room” (sử dụng trực giác của một người để phân tích tâm trạng chung của mọi người trong một bối cảnh cụ thể, từ đó đưa ra hành động phù hợp)  để xác định điều gì sẽ tạo ra phản hồi tốt nhất.

Bảng tin Facebook là nơi bạn có thể xác định mức độ tiếp cận bài đăng đang đạt ở ngưỡng nào, xa và rộng bao nhiêu. Cơ sở của các thuật toán trên đây được củng cố bởi các yếu tố chính sau:

  • Người đăng - Tần suất tương tác của người dùng đối với một fanpage hoặc cá nhân sẽ xác định được phạm vi tiếp cận của tài khoản đó. Vì vậy, nếu bạn thường xuyên tương tác (like, share, comment) với các bài đăng từ một Fanpage, bạn sẽ liên tục được thấy nhiều bài đăng từ trang đó hơn. Điều này cũng được áp dụng với các nick facebook cá nhân. 
  • Thời gian đăng - Tính kịp thời vẫn là một trong những yếu tố quan trọng trong việc đảm bảo hiệu suất trên Bảng tin Facebook, vì vậy, những phản hồi, tương tác đầu tiên dành cho bài đăng cũng sẽ đóng một vai trò lớn trong việc xác định phạm vi tiếp cận. Điều đó có nghĩa là bạn cần thu hút sự chú ý của những người đầu tiên nhìn thấy nó, đó là lý do tại sao bạn cần hiểu khi nào khán giả của mình online (thông qua số liệu phân tích trên trang) và những gì họ có khả năng tương tác.
  • Khả năng tương tác của mỗi người dùng đối với các bài đăng - Facebook cũng hoạt động để xác định thói quen tương tác của từng người dùng và sẽ tối ưu hóa thuật toán của mình để tối đa hóa các hành vi cụ thể của họ. Theo lời Facebook nói thì: "Chúng tôi đều có thể dự đoán được khả năng bạn sẽ bình luận hay chia sẻ gì về bất cứ bài đăng nào.” Facebook cũng sẽ ước tính khoảng thời gian mà họ nghĩ rằng người dùng có thể xem video hoặc đọc một bài báo, cũng như các chỉ báo khác về khả năng tương tác

Tỷ lệ bình luận và like bài viết tính theo định dạng nội dung

Về cơ bản, Facebook muốn giữ chân người dùng trên nền tảng càng lâu càng tốt, vì vậy bạn càng bình luận và tương tác nhiều, thì Facebook càng có thể sử dụng những tín hiệu đó để hiển thị cho bạn những dạng nội dung tương tự cùng một lúc. 

Đó là những điều mà bạn cần lưu ý về mặt kỹ thuật, nhưng điều gì mới thực sự khiến mọi người bị thu hút và tương tác nhiều trên Facebook?

Những tin tức xu hướng (có phần liên quan đến mối quan tâm của người dùng hiện tại) là loại nội dung được chia sẻ nhiều nhất trên Facebook, nhưng bên cạnh đó, nhiều nghiên cứu khác nhau đã chỉ ra rằng các bài đăng hoạt động tốt nhất trên Mạng xã hội là những bài viết có khả năng kích thích phản ứng cảm xúc của người dùng, khiến họ thích, bình luận hoặc chia sẻ với bạn bè của họ.

Quay trở lại năm 2019, Buffer đã phân tích hơn 777 triệu bài đăng trên Facebook từ các Fanpage và nhận thấy rằng các bài đăng có mức độ tương tác và khả năng tiếp cận cao nhất là các bài viết truyền cảm hứng, có giọng điệu hài hước hoặc mang tính thiết thực.

Tất nhiên, việc nhắm vào những yếu tố này là một chuyện, còn việc sáng tạo ra một bài đăng về thương hiệu, có giọng điệu hài hước và khả năng viral cao là một câu chuyện khác. Quan trọng là bạn phải kích thích được phản ứng và cảm xúc từ người dùng. Vậy, điều gì sẽ khiến người dùng tương tác với một bài đăng? 

Câu hỏi này đặt ra một vấn đề về tính xác thực của các nội dung thông tin trên Facebook. Việc chăm chăm đạt được nhiều tương tác trên Facebook khiến cho vấn nạn tin giả, tin sai lệch ngày càng tăng lên trên mạng xã hội này. Các trang tin tức cập nhật hằng ngày sẽ là nơi nhận được nhiều lượt click chuột nhất. Bằng cách đăng các bài đăng gây chia rẽ cộng đồng và thúc đẩy các cuộc tranh luận, thay vì tập trung vào các thông báo mang tính khách quan, các trang tin tức đã đạt được mục đích tương tác cần có. 

Đây cũng là cách mà cựu Tổng thống Mỹ Donald Trump đã thực hiện để thống trị Facebook. Cách tiếp cận của Trump được cho là hoàn toàn có ý gây chia rẽ cộng đồng, tập trung vào mục tiêu kích thích phản ứng và cảm xúc của người dùng và lôi kéo thật nhiều người xem phải theo dõi các cập nhật mới nhất của ông. Hậu quả là sự thật sẽ trở thành một điều tương đối trong các chiến dịch như vậy, đó là lý do tại sao Facebook cũng có thể bị coi là một nền tảng nguy hiểm với người dùng thế giới. Nhưng thật không may, điểm mấu chốt vẫn là những tin tức có khả năng kích thích phản ứng cảm xúc.

BuzzSumo đã xác định những loại bài đăng dưới đây là động lực tương tác chính trong nghiên cứu năm 2017 của họ với hai tỷ bài đăng trên Facebook:

  • Các mẹo thực hành
  • Nội dung truyền cảm hứng
  • Thực phẩm và công thức nấu ăn
  • Các con vật dễ thương
  • Video âm nhạc
  • Câu đố
  • Du lịch và Phiêu lưu

Không phải tất cả những loại nội dung đó sẽ phù hợp với cách tiếp cận của mọi người, nhưng đó cũng sẽ là những gợi ý tham khảo không tồi giúp bạn có thêm ý tưởng về bài đăng của mình. 

Về hướng dẫn đăng bài cụ thể, những bài đăng có caption ngắn hơn thường hoạt động tốt hơn. Nghiên cứu cho thấy, độ dài tối ưu cho một bài đăng trên Facebook là 25 đến 55 ký tự. Tất nhiên, điều này không chính xác 100%, nhưng có một sự thật đó là các bài đăng có hơn 80 ký tự sẽ tự động bị cắt ngắt khi hiển thị trên các thiết bị di động, buộc người xem phải nhấn Xem thêm để đọc tiếp. Thao tác này có thể sẽ khiến bài đăng bị giảm mức độ tương tác.

Video là loại bài đăng hoạt động tốt nhất, và livestream video là dạng nội dung thu hút nhiều sự tương tác nhất, trong khi đó, các bài đăng có hình ảnh cho thấy hiệu suất tốt hơn so với các bài đăng chỉ có chữ không. 

Các doanh nghiệp cũng cần lưu ý khi đăng bài kèm liên kết trên Facebook. Khi chèn liên kết, hệ thống sẽ tự động tạo bản xem trước của liên kết, kèm hình ảnh thumbnail sử dụng trong bài đăng trên website. Vì vậy, để phần caption trở nên đẹp mắt hơn, bạn có thể xóa liên kết đó khỏi phần caption và yên tâm rằng bản xem trước sẽ vẫn còn, và người dùng hoàn toàn có thể click vào xem được. Việc làm như thế sẽ góp phần thúc đẩy lượng truy cập tốt hơn. 

Bên cạnh đó, với các bài đăng có gắn thẻ hashtag, nhiều thông tin cho rằng Facebook gần đây đã tăng cường nhấn mạnh vào các thẻ hashtag, tuy nhiên, các chuyên gia vẫn chưa đánh giá cao hiệu quả của chúng. Các doanh nghiệp có thể thử nghiệm để xem hiệu quả đem lại thế nào, tuy nhiên, tính đến thời điểm hiện tại, vẫn chưa có phương pháp nào rõ ràng nhất về cách tiếp cận và hiệu quả mà thẻ hashtag trên Facebook đem lại. 

Tần suất đăng sẽ tùy thuộc vào khán giả mục tiêu của mỗi thương hiệu, nhưng trước đây Facebook đã khuyên rằng các Fanpage không nên quá lo lắng về việc đăng quá nhiều, vì thuật toán Bảng tin sẽ hạn chế hiển thị từ các Trang riêng lẻ. Tuy nhiên, điều này không được Facebook đảm bảo 100% và người dùng vẫn có thể bị làm phiền bởi những bài đăng liên tục từ các Trang họ theo dõi. Như vậy, có thể hiểu đơn giản là không có tác động rõ ràng nào đến các thương hiệu và yêu cầu họ đăng bài thường xuyên hơn cả. 

Twitter

Có phải tất cả các bài đăng viral trên Twitter giờ đây đều ngắn gọn và kèm theo rất nhiều hashtag không? 

Câu trả lời là không. Trên thực tế,  gần đây, Twitter đã khuyên các thương hiệu không nên sử dụng hashtag vì nó có thể khiến khán giả mất tập trung vào mục tiêu cuối cùng mà bạn hướng đến - ví dụ như nhấp vào liên kết chẳng hạn. Tất nhiên, nếu thêm nhiều hashtag hơn vào bài viết, khán giả sẽ có nhiều thứ hơn để khám phá và nhấp vào, nhưng nên nhớ là bạn sẽ chỉ muốn họ tập trung vào 1 CTA thôi. Chính vì vậy, dù mục tiêu cuối cùng là gì, không đính kèm hashtag vẫn là tốt nhất. 

Nhưng nếu bạn đang muốn tìm cách khai thác các chủ đề hot, các cuộc thảo luận gây sốt trên Twitter thông qua các hashtag, thì việc thêm hashtag vào bài viết là điều không thể tránh khỏi. Trong trường hợp này, phải nghiên cứu thật kỹ các hashtag có liên quan đến chủ đề hoặc cuộc thảo luận ấy (có thể sử dụng các ứng dụng như Hashtagify) và đừng quên viết in hoa chữ cái đầu trong các hashtag của mình, ví dụ: #WednesdayWisdom. 

Thuật toán của Twitter được đánh giá là ít phức tạp và có ảnh hưởng lớn hơn Facebook, đó là lý do tại sao các tổ chức thường dựa vào các hashtag để tăng phạm vi tiếp cận của họ, đặc biệt là trong giai đoạn đầu đăng bài trên nền tảng. Việc có được nhiều người theo dõi và retweet trong giai đoạn đầu lập tài khoản có thể sẽ khó khăn, nhưng bạn có thể cải thiện điều đó bằng cách liên tục tương tác với các tài khoản khác trong thị trường của mình, theo dõi và phản hồi với các bài viết của họ. Làm như vậy ngay từ đầu sẽ hữu ích cho quá trình xây dựng tài khoản sau này. Bạn cũng có thể tham gia các cuộc thảo luận có liên quan và đang hot trên Twitter và hợp tác với các nhà lãnh đạo trong ngành để nâng cao độ nhận diện trong thời điểm đầu gây dựng. 

Về nội dung tweet, Twitter tuân thủ cách tiếp cận ''ba chữ C'' để có tweet tối ưu:

  • Ngắn gọn
  • Rõ ràng
  • Có tính đàm thoại

Các bài đăng trên Twitter chỉ giới hạn trong 280 ký tự, vì vậy bạn cần phải chắt chiu câu chữ nhất có thể, nhưng điều quan trọng là phải đảm bảo truyền tải thông điệp rõ ràng và khả năng tạo thảo luận cao cho khán giả mục tiêu. 

Về định dạng nội dung, các tweet có video nhận được tương tác nhiều nhất , theo sau lần lượt là các tweet có GIF, ảnh và văn bản thuần túy.

Ngoài ra, khi thêm liên kết vào một tweet, nếu bạn đặt liên kết của mình ngay cuối caption và trang web của bạn đã bật thẻ Twitter, nó sẽ tự động tạo bản xem trước liên kết và xóa văn bản liên kết khỏi tweet giúp bạn, tiện hơn nhiều so với Facebook. 

Các video stream trên Twitter thường trôi qua rất nhanh, vì vậy đây không phải là dạng nội dung được quan tâm nhiều trên nền tảng. Tuy nhiên, bạn cũng có thể theo dõi phản hồi của khán giả để xem rằng mình nên chia sẻ các nội dung này ở mức độ và tần suất như thế nào là phù hợp. Sử dụng các ứng dụng như Tweriod hoặc Followerwonk để biết rằng đâu là thời điểm mà người dùng mục tiêu online nhiều nhất, sử dụng nó như một hướng dẫn về thời điểm đăng bài, từ đó quyết định tần suất đăng bài trong một ngày hoặc một tuần. 

LinkedIn

LinkedIn là mạng xã hội thiên về công việc, nơi các doanh nhân tìm hiểu về những diễn biến mới nhất trong ngành và sự thăng tiến trong công việc của các đồng nghiệp hiện tại hoặc trước đây. Nghiên cứu cho thấy, ngày càng có nhiều bài đăng giống như trên Facebook xuất hiện trên LinkedIn và một số trong đó nhận được sự tương tác lớn. Nhưng kể cả vậy thì đó có lẽ cũng không phải là cách tiếp cận bài đăng thích hợp cho các tài khoản doanh nghiệp và tổ chức trên LinkedIn.

Về bản chất, các bài đăng trên LinkedIn có thể dài hơn một chút so với Facebook và Twitter, nhưng bạn vẫn phải lưu ý rằng, bài đăng trên đây sẽ bị cắt ở 140 ký tự khi hiển thị trên ứng dụng di động. Như vậy, viết ngắn gọn một chút có thể sẽ tốt hơn. Nhưng cũng đừng quá gượng ép, vì khán giả của LinkedIn đa phần sẽ sẵn sàng đọc dài hơn một chút so với các nền tảng khác, miễn là các bài đăng của bạn đáp ứng được nhu cầu của họ. 

Hashtags bây giờ cũng là một vấn đề lớn hơn trên LinkedIn. Trong vài năm qua, LinkedIn đã nỗ lực tăng cường việc sử dụng hashtag trên các bài đăng như một cách để phân loại nội dung tốt hơn và đánh dấu các bài đăng có liên quan đến từng người dùng. Không có số lượng thẻ tối ưu nhất định cho mỗi bài đăng, nhưng nghiên cứu cho thấy, việc đính kèm các hashtag liên quan nhất có thể giúp phân phối nội dung tối ưu mà không ảnh hưởng đến khả năng đọc.

Nhìn chung, các thương hiệu, doanh nghiệp vẫn nên tập trung vào phát triển các nội dung chuyên môn và nội dung liên quan đến ngành hoạt động của thương hiệu mình để nhận được phản ứng tốt hơn từ người dùng, dù các bài đăng kiểu hài hước, nhẹ nhàng cũng đã cho thấy được hiệu suất tốt. Cách tiếp cận này phải phụ thuộc rất nhiều vào mong muốn của từng thương hiệu (bạn muốn tiếp cận như thế nào, hình ảnh thương hiệu trên LinkedIn ra sao,...) và rồi đối tượng mục tiêu bạn hướng đến là gì. 

Tất nhiên, việc tiếp cận đến nhiều người hơn luôn là tốt, ai mà chẳng muốn thông điệp mình đưa ra được nhiều người dùng tiềm năng quan tâm, nhưng bạn cần phải vạch rõ ranh giới của việc đó với việc đảm bảo các nguyên tắc của riêng thương hiệu. Một bài đăng hài hước hay đầy cảm hứng có thể thu về lượng tương tác tốt, nhưng rút cuộc thì điều đó sẽ có lợi gì cho cách tiếp cận và xây dựng thương hiệu tổng thể chung của doanh nghiệp?

Về phần định dạng nội dung, nghiên cứu cho thấy, video là dạng nội dung hoạt động hiệu quả nhất, với khả năng chia sẻ cao hơn gấp 20 lần so với bất kỳ loại bài đăng nào khác. Các bài đăng kèm hình ảnh đứng thứ 2 và cuối cùng và các bài đăng văn bản thuần túy. Giống như Facebook, LinkedIn cũng sẽ tự động tạo ra các bản xem trước khi chèn liên kết vào trong bài đăng, và vẫn sẽ duy trì bản xem trước đó khi bạn đã xóa liên kết đó đi, giúp cho bài đăng trở nên gọn gàng hơn. 

Thuật toán của LinkedIn khó đoán hơn một chút so với các thuật toán khác, khi một số bài đăng cũ vẫn sẽ hiển thị lại sau hàng tuần đăng tải, điều này có thể liên quan đến tần suất đăng. Một ngày đăng nhiều hơn 2 bài có thể sẽ là hơi nhiều, nhưng nếu nội dung liên quan đến nhu cầu người đọc thì nó vẫn sẽ hoạt động tốt, tất nhiên trong trường hợp bạn có thể duy trì một tần suất đăng ổn định. 

Những bổ sung gần đây như Stories trên LinkedIn và các cuộc thăm dò cũng có thể giúp thúc đẩy sự tương tác, mặc dù trong thời điểm đầu triển khai, tính năng Stories có vẻ ít được chú trọng hơn. Ngoài ra, giờ đây bạn có thể đính kèm tài liệu vào các bài đăng trên LinkedIn của mình và chúng sẽ tạo ra dưới dạng hình ảnh xem trước, có nghĩa là bạn cũng có thể tạo dạng nội dung carousel tự nhiên trong các bài đăng trên LinkedIn bằng cách thêm tài liệu PDF tập trung vào hình ảnh trực quan. 

Tương tác với các bình luận trong bài viết cũng là một chìa khóa quan trọng - nếu mọi người phản hồi bài đăng của bạn, hãy trả lời họ để thúc đẩy sự tương tác của cả cộng đồng.

Kết

Trên đây thường là những nền tảng chính mà các tổ chức bắt đầu trên mạng xã hội, trước khi xem xét Instagram, Snapchat, TikTok,... Instagram cũng rất phổ biến, nhưng ở mức cơ bản, chung, đây là những nền tảng chính mà bạn có thể đang xem xét và tìm cách xây dựng chủ đề để lan tỏa hình ảnh thương hiệu tốt hơn trên mạng xã hội.

Tô Linh - MarketingAI

Theo SocialmediaToday

>> Có thể bạn quan tâm: Nhận định 5 chiến lược marketing trên mạng xã hội dành cho các đại lý bất động sản năm 2021
Đánh giá của bạn

TAGS:

Bình luận của bạn

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bình luận không đăng nhập

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.