Trong cuộc sống hiện đại với sự phát triển của công nghệ, những sáng kiến xử lý ngôn ngữ, chữ viết và tiếng nói ngày một hiện đại.
Tuy nhiên, một công việc đòi hỏi sự tỉ mỉ, cần mẫn vẫn thu hút được nhiều bạn trẻ và cũng khó cho máy móc có thể thay thế con người. Đó chính là nghề nghiệp của một biên tập viên.
Sau đây, hãy cùng MarketingAI đi tìm hiểu về công việc rất thú vị này nhé!
Biên tập viên là gì?
Theo định nghĩa từ Từ điển Tiếng Việt (NXB TP. HCM): “Biên tập là biên soạn, góp ý kiến với tác giả, kiểm tra những sai sót của bản thảo tài liệu, đưa đi xuất bản”.
Do đó nếu xét theo nghĩa rộng, biên tập viên không phải là một nghề mà là một vị trí công việc, xuất hiện trong nhiều lĩnh vực khác nhau như Báo chí, Truyền hình, Xuất bản…
Nếu người viết là người đưa ra ý tưởng, lập luận, tư duy, dẫn chứng cho bài viết, nhưng biên tập viên sẽ là người đảm bảo sự chỉn chu sau cùng về hình thức. Không chỉ vậy, họ còn phải chịu trách nhiệm về cả nội dung, là người giúp sắp xếp, tùy chỉnh các ý của văn bản sao cho mạch lạch, khúc chiết nhất trước khi công bố, xuất bản.
Bởi tính chất công việc yêu cầu cao như vậy nên để ứng tuyển vào vị trí này, ứng viên không những cần có kiến thức, am hiểu về lĩnh vực mà còn cần được trang bị các kỹ năng chuyên sâu. Điều này nhằm đảm bảo cho chất lượng của các bản thảo
Bởi vậy, vị trí này yêu cầu kiến thức, kỹ năng chuyên sâu nhằm đảm bảo chất lượng của các bản thảo văn học, bài viết của phóng viên hoặc kịch bản của các chương trình truyền hình.
Biên tập viên là người đảm nhiệm nhiệm vụ duyệt lại bài viết của những người khác để đảm bảo các bài viết đó có cấu trúc ngữ pháp đúng cũng như có nội dung phù hợp với các tiêu chí được đề ra.
Đây thường là vị trí yêu cầu nhiều năm kinh nghiệm, đòi hỏi kiến thức, kỹ năng chuyên sâu của người phụ trách. Bởi họ chính là những người sẽ giúp cải thiện chất lượng, đảm bảo sự chính xác của các bản thảo văn học hay các bài viết, tin tức của phóng viên, hoặc đôi khi cả những kịch bản dẫn trong các bản tin, chương trình truyền hình.
Chỉ mới điểm qua nhưng ta cũng có thể thấy rằng công việc của một người biên tập viên rất quan trọng, giúp cho những tác phẩm báo chí, văn học được hoàn chỉnh, chỉn chu nhất trước công chúng.
Công việc của biên tập viên là gì?
Có nhiều suy nghĩ cho rằng Biên tập viên chỉ đơn giản là người soi lỗi. Tuy nhiên thực tế thì công việc của các Biên tập viên còn đa dạng và phức tạp hơn vậy nhiều. Họ phải phụ trách cả những công việc như theo dõi, nắm bắt tin tức, lựa chọn đề tài, giao đề bài cho phóng viên, cho đến những công việc hậu kỳ như sửa bài, soát lỗi, kiểm đính thông tin…
Sau đây là một số công việc của biên tập viên thường thấy trong các ngành nghề khác nhau:
Lĩnh vực báo chí
Trong lĩnh vực này, công việc của các biên tập viên tại tòa soạn thường là sàng lọc, chỉnh sửa chính từ, diễn đạt câu từ cho các bài viết của các phóng viên được mượt mà, gãy gọn.
Bên cạnh đó, họ còn phải đích thân rà soát, kiểm định nguồn thông tin của các bài viết, nhằm tránh các trường hợp thông tin bị xuyên tạc, bịa đặt, không đúng sự thật. Họ chính là những giúp giúp gìn giữ, bảo vệ uy tín của tòa soạn và các phóng viên cũng như giúp cho độc giả tiếp cận được nguồn thông tin chính xác nhất.
>>> Có thể bạn quan tâm: Ngành Báo chí học trường nào ra trường không lo “thất nghiệp”?
Lĩnh vực truyền hình
Tại các đài truyền hình, biên tập viên cũng là các phóng viên, MC truyền hình. Những người dẫn chương trình truyền hình trên TV mà chúng ta thường thấy, công việc của họ không chỉ đơn thuần là cầm kịch bản có sẵn và đọc cho khán giả nghe. Trước đó, họ cũng chính là người lên ý tưởng, tìm kiếm thông tin, biên tập từ những bản tin, bài báo dạng chữ thành bản tin phù hợp với hình thức báo truyền hình.
Lĩnh vực xuất bản
Đây là những người chịu trách nhiệm cho tính chỉn chu, chuẩn xác cho bản thảo của những cuốn sách trước khi nó được đưa tới các nhà xuất bản và nhà in. Đôi khi, biên tập viên sẽ phải sát cánh cùng tác giả để tạo nên một quyển sách hoàn chỉnh. Những người này đôi khi cũng là những người gợi mở các hướng đề tài, liên hệ với các tác giả trẻ có triển vọng.
Những vấn đề liên quan đến độ hoàn thiện của một cuốn sách như tên sách, hình ảnh minh họa, cách diễn đạt, các tình huống, nút thắt trong truyện… đều có thể thuộc phạm vi công việc cần giải quyết của các biên tập viên tại các nhà xuất bản.
Mức lương của biên tập viên là bao nhiêu?
Câu hỏi về mức lương luôn thu hút được nhiều sự quan tâm của các bạn trẻ trong thời điểm “gạo châu, củi quế” như hiện nay.
Theo khảo sát chung, số tiền mà mỗi biên tập viên có thể nhận được từ công việc của mình khoảng 8-12 triệu đồng/tháng. Mức lương này có thể cao hơn hay thấp hơn tùy theo khối lượng công việc, địa điểm làm việc cũng như trình độ, số năm kinh nghiệm của ứng viên.
Tuy nhiên nhìn chung thì đây không phải một mức lương thấp khi đem so sánh với các ngành nghề khác.
Còn với những biên tập viên có thâm niên, mức lương được trả có thể lên tới 25 triệu/tháng.
Cũng phải nói rằng, biên tập viên là một nghề cần trau dồi rất nhiều kinh nghiệm, và thường những cây bút thật sự cứng tay, có tuổi nghề một vài năm nhất định mới có thể tự tin để ứng tuyển vào vị trí biên tập viên. Do đó, những gì họ nhận được là hoàn toàn phù hợp với những gì họ đã dành thời gian và công sức để tích lũy.
Học ngành gì để trở thành Biên tập viên? Điểm chuẩn là bao nhiêu?
Bởi kiến thức trong cuộc sống này đến từ nhiều lĩnh vực khác nhau và một người bình thường khó lòng có thể tự tin rằng mình am hiểu hết tất cả mọi thử, vậy nên cũng không có một mẫu số chung cho việc học ngành nào để trở thành một biên tập viên.
Thậm chí dù không qua các trường lớp chính quy, bạn vẫn có thể rèn luyện một số kỹ năng cần thiết để từng bước theo đuổi nghề nghiệp này.
Tuy nhiên sẽ có một số ngành học dưới đây có những kiến thức liên quan, gần gũi đến vị trí biên tập viên mà bạn có thể tham khảo:
Báo chí
Không còn nghi ngờ gì nữa, đây chính là ngành học phù hợp nhất cho những biên tập viên tương lai.
Học ngành này sẽ giúp bạn rèn luyện sự năng động, học được tìm kiếm đề tài và triển khai các đề tài, cũng như làm quen với nhiều loại hình báo chí khác nhau.
Một số trường đào tạo tốt ngành này có thể kể tới như Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn, Học viện Báo chí và Tuyên truyền, Đại học Văn hóa Hà Nội… Đây là một ngành học hot nên điểm chuẩn cũng thường rất cao, ví dụ năm 2021, Đại học KHXH và NV Hà Nội lấy 28.8 (khối C00), trong khi trường Đại học KHXH và NV TP. Hồ Chí Minh lấy 27.8 (khối C00). Đối với Học viện Báo chí và Tuyên truyền, các thí sinh cũng phải làm thêm bài thi Năng khiếu báo chí khi thi tuyển vào ngành này.
Ngữ văn
Ngành Ngữ hoặc ngành Ngữ văn ứng dụng tùy theo một số trường đại học, cũng là một sự lựa chọn tốt cho những ai muốn theo đuổi nghề Biên tập viên, đặc biệt đây là ngành học thường lấy điểm chuẩn không quá cao, phù hợp với những bạn học lực khá.
Xã hội học
Đây là ngành học giúp người học nghiên cứu về các mối quan hệ xã hội và các thể chế xã hội của con người.
Khi học ngành này, sinh viên sẽ được làm quen với các phương pháp điều tra thực nghiệm, hay phân tích, phê bình để tìm hiểu về trật tự xã hội, các vấn đề cũng như những thay đổi trong xã hội.
Đây được đánh giá là một ngành học có điểm chuẩn ở mức tương đối nhẹ nhàng trong các ngành học có thể làm báo sau khi tốt nghiệp.
Các ngành ngôn ngữ
Ở đây bao gồm các ngành như Ngôn ngữ học hay các ngôn ngữ nước ngoài (ngoại ngữ) như ngành Ngôn ngữ Anh, Ngôn ngữ Pháp, Ngôn ngữ Trung…
Đây chính là ngành học giúp các bạn có thể tìm hiểu, nghiên cứu sâu hơn những vấn đề liên quan đến các thành phần cấu tạo nên ngôn ngữ cũng như những biến đổi, ứng dụng của chúng theo thời gian.
Bởi vậy, các ngành học kể trên cũng là một phương án lựa chọn thích hợp cho những ai có mong muốn làm biên tập viên.
Tố chất để trở thành một Biên tập viên là gì?
Mỗi công việc trong xã hội đều cần những tính cách, kỹ năng phù hợp để có thể theo đuổi và phát triển. Đối với những người làm Biên tập cũng không phải ngoại lệ.
Cẩn thận, tỉ mỉ
Đây chắc chắn là những phẩm chất luôn đứng đầu bảng trong danh sách những tố chất cần có để trở thành một Biên tập viên giỏi.
Bởi để có thể cho ra đời một văn bản hoàn chỉnh, một tác phẩm chỉn chu, người biên tập sẽ phải đọc, sửa chữa từng câu văn, từng từ ngữ nhỏ, chữa lỗi chính tả, lỗi dùng từ, lỗi logic câu, cách ngắt câu, cách sử dụng sao cho đúng các dấu câu.
Không chỉ là 1-2 trang bản thảo thông thường mà số lượng phải được tính tới hàng trăm trang. Do đó nếu không thật sự cẩn thận, nhẫn nại cũng như tỉ mỉ đến từng chi tiết thì bạn sẽ không thể hoàn thành tốt công việc của mình.
Tâm lý, khéo léo
Ngoài công việc soát lỗi văn bản thông thường, người biên tập viên còn là người kết nối, là nhân vật trung gian giữa các bên như tòa soạn, công ty phát hành sách, tác giả và cả độc giả.
Do đó, người biên tập cần thấu hiểu, nắm bắt nhanh tâm lý của những đối tượng kể trên. Đặc biệt đối với những người viết văn, viết báo là những người thường có cá tính riêng rất cao và coi trọng các sáng tạo của họ nên thường sẽ không thích nếu tác phẩm của họ bị chỉnh sửa, gọt bớt quá nhiều.
Người biên tập cũng phải là người giúp tác giả diễn đạt thông điệp gửi đến công chúng vừa là người định hướng công chúng hiểu được trọn vẹn thông điệp của tác giả muốn hướng tới.
Vì thế, người biên tập khi biên tập tin bài cần cân nhắc mức độ ảnh hưởng, độ khách quan của thông tin cũng như thị hiếu của bạn đọc. Bởi suy cho cùng, sự đón nhận đông đảo, sâu rộng của công chúng chính là điều mà các tác giả cũng như nhà phát hành mong muốn.
Kết luận
Biên tập viên là một công việc đòi hỏi nhiều kỹ năng, kinh nghiệm cũng như các tố chất. Theo đuổi công việc này cũng cần sự kiên trì nhất định và một nền tảng hiểu biết phong phú.
Hy vọng với bài viết trên của MarketingAI, bạn đã đã hiểu được Biên tập viên là gì? Nếu bất kỳ đóng góp nào, hãy trao đổi cùng chúng tôi nhé!
>>> Có thể bạn quan tâm: Cơ bản về ban biên tập và lịch biên tập nội dung trong content marketing
Bình luận của bạn