Marketing - một trong những nghề áp lực và căng thẳng nhất hiện nay khi đòi hỏi công việc luôn phải không ngừng sáng tạo và đổi mới bắt kịp xu hướng. Ai làm trong nghề này, chắc chắn cũng đã đôi ba lần rơi vào trạng thái khủng hoảng và căng thẳng khi rơi vào tình trạng "bí idea" hay chán ngán công việc. Phải làm sao đây khi bạn đang mắc kẹt trong công việc hoặc sự nghiệp mà mình từng yêu thích, nhưng giờ đây dường như lại hờ hững với việc này? Bài viết dưới đây sẽ mách bạn 4 tips lấy lại nguồn cảm hứng chốn công sở khi bạn đang rơi vào tình cảnh "mất lửa" với công việc nhé!
Nghiêm túc nhìn nhận lại hướng phát triển nghề nghiệp bản thân
Không phải ai cũng muốn có một sự nghiệp đỉnh cao. Phần đa giới công sở chọn giải pháp an toàn, đi làm "sương sương" tránh áp lực nặng nề, đặc biệt là với nữ giới. Họ luôn chọn những công việc ở ngưỡng "an toàn, không mang việc về nhà" để còn lo hậu phương cho gia đình. Còn trong một nghiên cứu của Amy Wrzesniewski - giáo sư trường Yale đã chỉ ra rằng, con người có xu hướng rơi vào một trong ba loại sau:
- (1) Một số người xem công việc của họ như là sự nghiệp
- (2) một số người xem nó đơn thuần là một công việc
- (3) và số còn lại thì xem nó như là một sứ mệnh
Không có gì bất ngờ khi những người thuộc loại 3 là những người có sự thể hiện xuất sắc và mức độ hài lòng cao nhất trong công việc của họ!
Điều quan trọng nhất ở đây là bạn phải xác định được những gì bạn thực sự quan tâm - những điều gì thật sự thúc đẩy bạn làm việc ở vị trí này, những gì khiến bạn đam mê và biến nó thành động lực - hãy bắt đầu xây dựng từ đó. Hoàn toàn có thể xảy ra trường hợp động lực của bạn những năm 20 tuổi sẽ dần thay đổi và không còn lôi cuốn bạn nữa. Đừng cố gắng gượng ép bản thân ở độ tuổi 40, 50 hoặc 60 phải đuổi theo những tham vọng lúc đang tuổi 20. Thậm chí nếu bạn không thể tìm thấy niềm đam mê thực sự của mình thì ít nhất cũng đã tăng tỉ lệ tìm được một nghề nghiệp có ý nghĩa.
Khơi dậy những niềm đam mê yêu thích của bạn
Đó có thể là một sở thích tiềm ẩn mà bạn từng nghĩ là mình không có thời gian, ví dụ như một dự án cá nhân không liên quan đến công việc hoặc nghề nghiệp hiện tại hay đơn giản là những thói quen yêu thích trước đây của bạn nhưng do công việc cuốn bạn bận rộn khiến bạn bỏ quên đi những đam mê xưa cũ ấy.
Hoặc kiếm thêm thu nhập từ một nghề tay trái - nơi bạn có thể thử nghiệm những ý tưởng sáng tạo hoặc kinh doanh quy mô nhỏ. Luôn có một lối thoát cho niềm đam mê của bạn ngoài công việc, để đối trọng với sự đơn điệu trong công việc văn phòng hàng ngày. Những nỗ lực đầy cảm hứng đó có thể vô tình ảnh hưởng tích cực đến cả công việc đang làm. Chúng đem lại cho bạn năng lượng và cảm hứng để tiếp tục công việc hoặc giúp bạn sống lại tình yêu với phần việc bạn thực sự yêu thích. Những nguồn cảm hứng chốn công sở không phải là những điều to tát xa vời, mà chúng là những điều thiết thực luôn quanh bạn đó thôi.
Thay đổi môi trường sáng tạo, tại sao không ?
Đôi khi việc bó buộc bản thân với không gian chốn công sở sẽ làm cơ thể thấy nhàm chán và mệt mỏi, điều đó rất dễ đẩy bản thân rơi vào thế “bí idea” không nghĩ ra được ý tưởng hay giải pháp khi làm việc ở văn phòng. Những lúc như vậy, đừng bắt ép bản thân phải hài lòng với không gian thân thuộc này nữa, hãy mang lap ra ngoài thay đổi môi trường làm việc xem sao. Một quán cafe ưa thích hay một không gian riêng tư sang trọng.... những nơi đẹp đẽ và yên bình nhất sẽ dành cho bạn lúc này để những ý tưởng có thể chắp cánh trở thành hiện thực trong công việc. Chỉ cần bạn đảm bảo hoàn thành tiến độ công việc và năng suất lao động thì chắc chắn việc bạn không có mặt ở văn phòng cũng là điều sếp chấp thuận mà thôi.
Chia sẻ với cấp trên của mình
Nhiều nhân viên cảm thấy rất khó khăn trong việc bày tỏ quan điểm của mình với lãnh đạo, dù đó là những câu chuyện mong muốn ngoài lề không liên quan tới công việc. Chính vì những lo ngại và và e dè ấy khiến khoảng cách giữa bạn và sếp càng lớn. Nếu công việc của bạn đang làm hao tốn năng lượng mà hiệu quả không cao như bạn mong đợi hãy mạnh dạn nói chuyện với sếp. Một cuộc nói chuyện thân mật bày tỏ nguyện vọng hay những bế tắc của bản thân trong công việc khi được chia sẻ với sếp thì ít nhiều cũng được tháo gỡ. Không có sếp nào không lắng nghe bạn cả, chỉ là bạn có mạnh dạn chia sẻ hay không thôi.
Nếu những điều trên vẫn thất bại, hãy thay đổi
Lúc này, hãy suy nghĩ về việc thay đổi sự nghiệp như cách bạn nghĩ về việc thay đổi ngôi nhà. Khi bạn mua một ngôi nhà, bạn chắc chắc sẽ có một số yêu cầu nhất định. Và theo thời gian những ưu tiên của bạn có thể thay đổi hoặc đơn giản là bạn đã trưởng thành hơn. Khi đó, bạn sẽ chuyển đi, tìm cách cải tạo, hay vẫn ở lại? Chính xác thì bạn có thể nghĩ về công việc và sự nghiệp của mình theo cách đó.
Có phải những ưu tiên và nhu cầu của bạn đã thay đổi? Bạn có thể tinh chỉnh hoặc "cải tạo" công việc hay không? Hay thật sự bạn cần phải rời đi? Hãy tham khảo những người làm nghề mà bạn đang quan tâm, kiểm tra cẩn thận công việc mới trước khi quyết định thay đổi. Bạn có thể cảm thấy khó khăn khi đột ngột thay đổi mọi thứ, nhưng điều đó rất quan trọng để cân nhắc các lựa chọn nếu bạn thật sự cảm thấy sự khó chịu sâu sắc tại nơi làm việc.
Điều quan trọng nhất là, dù bạn đang cảm thấy phai nhạt tâm huyết và không còn hứng thú trong công việc hiện tại nữa thì cũng đừng vội mất hy vọng. Bạn luôn có thể tìm cách để thắp lên niềm đam mê của mình một lần nữa - hoặc ít nhất là thay đổi nó chút ít. Bạn sẽ ngạc nhiên khi thấy mình thật kiên cường khi đi trên con đường đổi mới sự nghiệp.
Tạm kếtLàm việc lâu năm trong một lĩnh vực chắc chắn sẽ có đôi lúc khiến bạn phải nản lòng và chùn bước, đặc biệt là với những ngành nghề đòi hỏi sự đổi mới và sáng tạo liên tục. Hy vọng với những tips hữu ích trên sẽ giúp bạn lấy lại được nguồn cảm hứng chốn công sở để tiếp tục "cháy hết mình" với ngọn lửa công việc như bạn đã lựa chọn. Đừng nản lòng, hãy vươn vai mà sống, bùn dưới chân nhưng nắng ở trên đầu.
Phương Thảo - MarketingAI
Bình luận của bạn