img

"Làm Copywriter là chơi với con chữ mỗi ngày, thậm chí trên cả… status Facebook”, “Người làm sáng tạo phải ‘đầu đội trời, chân đạp đất”. Đó là những gì mà Nguyễn Hiền Trang – Bebe Chan – một người sáng tạo đa năng đã chia sẻ với MarketingAI về nghề nghiệp của mình. 

Sáng tạo là một con đường dài bất tận, dẫn bạn đi từ tưởng tượng phong phú đến cảm xúc chân thật. Đó cũng là một hành trình nhiều bất ngờ, “gớt nước mắt” khi chứng kiến từ những ý tưởng rời rạc, nét vẽ nguệch ngoạc trên giấy đến câu big idea, dòng tagline nổi bật trên khắp nẻo từ banner, eMagazine, social cho tới viral dance, comic hay ảnh gif.

Vậy phải làm sao để luôn tìm được những ý tưởng mới, độc đáo, nhưng đồng thời cũng bền bỉ giữ vững tinh thần sáng tạo ấy theo suốt chặng đường dài?

Trong bài viết này, hãy cùng MarketingAI trò chuyện với Nguyễn Hiền Trang, hay nickname quen thuộc là Bebe Chan.

Tại Admicro, cô từng là một Copywriter kỳ cựu, chuyên nhận những “ca khó” và là một Creative đứng sau nhiều chiến dịch truyền thông - marketing thương hiệu có tiếng vang. Ngoài ra, Hiền Trang cũng là một người sáng tạo nội dung với kinh nghiệm làm báo, viết sách và triển khai nhiều dự án nghệ thuật.

Bebe Chan: “Để sáng tạo, hãy NHANH NHẠY - TRAU DỒI - ĐIÊN RỒ và có một LÝ DO ĐỂ SỐNG! - Ảnh 1.

Đúc rút “bài học xương máu” từ 6 năm kinh nghiệm, theo bạn, thách thức lớn nhất của một copywriter trong mảng PR là gì?

Cái khó đầu tiên của các bài viết PR là phải cân bằng, dung hòa giữa khách hàng và Ban biên tập. Đối với khách hàng, ta không chỉ cần nắm rõ brief để hiểu điều họ mong muốn và còn phải hiểu được “style” của người duyệt bài. Sau khi qua 7749 vòng duyệt với khách hàng, bạn tiếp tục phải đến với Ban biên tập (BBT).

Thách thức thứ hai là vấn đề thời gian. PR thường là khâu cuối cùng nên các đơn đặt hàng bài viết luôn trong trạng thái gấp. Để đối mặt với thách thức này, tôi nghĩ việc trau dồi kiến thức rất quan trọng. Không phải đến khi nhận brief chúng ta mới cắm đầu vào đọc và học hỏi.

Ngoài khách hàng và BBT, một số ngành như Dược, Bia rượu… còn cần duyệt qua Pháp chế. Trải nghiệm của bạn với những ngành hàng này có gì khác biệt?

Việc đầu tiên của một copywriter kinh nghiệm là phải tư vấn cho khách hàng về quy định đó. Thậm chí đối với social media chúng ta cũng phải check kỹ những ngôn từ nào được hoặc không được nhắc.

Với những ngành hàng như Bia, rượu, chúng ta không thể nào khuyến khích người tiêu dùng mua sản phẩm được. Khi đó, tôi thường khuyên các nhãn hàng triển khai các chiến dịch mang tính cảm xúc nhiều hơn.

Tôi đã từng triển khai cho một thương hiệu rượu và cách làm của họ vô cùng thú vị: Họ khuyến khích mọi người uống vừa phải, uống đến độ, uống đủ vui và uống có trách nhiệm. Đây là chiến dịch mà tôi cực kỳ ấn tượng với những người làm marketing của nhãn hãng.

img

Vậy theo bạn, yếu tố tạo và bắt trend ảnh hưởng như thế nào đến một copywriter?

Việc tạo trend và bắt trend vô cùng quan trọng với mỗi người viết. Với những chủ đề theo sự kiện mà năm nào cũng diễn ra (như Tết, Trung thu…), khả năng bắt trend giúp bạn triển khai bài viết theo một cách khác. Vẫn là cùng nội dung đó, sâu thẳm trong chúng ta luôn có một vài insight nhất định, và hiếm khi tìm được insight mới hơn. Cái mới hơn thường là trend, chỉ cần một “điểm sáng” bài viết của bạn hoàn toàn có thể lên được vị trí cao hơn trên báo chí.

Hãy luyện tập bắt trend mỗi ngày! Chẳng hạn, tôi rất thích chụp ảnh, nhưng nếu chưa nghĩ được một caption đủ hay, đủ bắt trend cho bức ảnh, có thể tôi sẽ ém lại, chưa up vội. Hoặc có những ảnh đáng lẽ chưa cần up ngay, nhưng do nghĩ ra một caption tâm đắc quá, buộc phải đăng tải luôn để đúng “điểm rơi”. Tương tự, điều này cũng rất quan trọng khi triển khai content cho nhãn hàng.

Yếu tố bắt trend mà bạn nói cũng thường xuyên xuất hiện trong những bài Longform. Là một copywriter thường xuyên được nhãn hàng “chọn mặt gửi vàng” cho những bài định dạng đó, bạn làm thế nào để vừa đảm bảo chất lượng của bài viết mà vẫn đúng deadline?

Insight của bài bình thường đã khó tìm rồi nhưng một bài long form còn khó hơn. Ban Biên tập duyệt bài PR bình thường khó 1 thì với bài eMagazine khó gấp 10 lần.

Ví dụ mỗi mùa Tết, tôi nhận được vô vàn yêu cầu viết bài eMagazine của nhãn hàng nhưng quanh đi quẩn lại vẫn là “Tết sum vầy, đoàn viên”, hoặc Tết 2022 vừa rồi là câu chuyện khởi đầu tươi sáng sau một năm mất mát.

Tuy nhiên trong số đó, cũng có vài bài eMagazine cho tôi cảm xúc đặc biệt. Đầu tiên là phải cảm ơn nhãn hàng bởi quả thật, tôi may mắn được tiếp xúc với một số chiến dịch có sẵn big idea rất tốt. Đây chính là nền tảng để cho copywriter có thể bay cao hơn.

Đối với eMagazine, tôi phải nhắc lại một lần nữa tầm quan trọng của việc đọc brief. Tết vừa qua, tôi có cơ hội viết bài cho một thương hiệu hạt nêm nổi tiếng mà gần như Tết năm nào cũng có những chiến dịch để lại nhiều dấu ấn. Năm nay, yêu cầu của họ đưa ra nghe qua khá cũ: “Tôn vinh ẩm thực Việt”.

Làm thế nào để bài viết của tôi có thể vượt lên trên vô vàn bài viết khác cùng về chủ đề Tết? Việc đầu tiên là tôi đọc thật kỹ brief. Và tôi nhận ra rằng, ẩn sâu trong những câu chữ trên brief không chỉ đơn thuần là tôn vinh ẩm thực Việt mà chính là tôn vinh “nguyên liệu an lành, khỏe lành”. Đấy mới chính là điều mà khách hàng muốn nhắn nhủ.

img

Ngoài việc đọc kỹ brief và sử dụng từ đúng, chúng ta cũng cần chú tâm đến việc người duyệt bài của mình là ai? Một bài eMagazine khác mà tôi thấy hay là của một thương hiệu thương mại điện tử quen thuộc. Thương hiệu đó mong muốn đưa ra một concept tươi sáng. Nhưng những câu chuyện họ chia sẻ có vẻ chưa thật sự tươi sáng đến thế. Khi tìm hiểu kỹ hơn một chút, tôi phát hiện ra rằng người duyệt bài là người mà tôi quen. Tôi cũng biết cá tính của bạn ấy, là thích những thứ lãng đãng, mơ màng. Vậy là, câu chuyện bên trong phải thể hiện được chất hơi thơ mộng đấy, để rồi dần dần gợi mở đến một cái gì đó tươi sáng hơn như họ muốn.

Một “ca khó” nữa là bài viết cho thương hiệu bánh kẹo. Khó bởi mỗi dịp Tết, tất cả các thương hiệu bánh kẹo sẽ ồ ạt quảng bá. Tôi đã dựa trên insight về những gian hàng Tết, cũng là nơi mà chúng ta thường xuyên thấy những hộp bánh mứt kẹo xuất hiện để xây dựng bài viết.

Tìm hiểu thêm, tôi thấy nhãn hàng này cũng đang triển khai hoạt động giúp đỡ các tiểu thương trong các mặt hàng kinh doanh bánh mứt kẹo. Do đó, tôi đưa ra ý tưởng: “Thấy gian hàng Tết là thấy hy vọng”. Thấy gian hàng Tết, thấy nhộn nhịp, thấy người ta vẫn đi giao thương, mua sắm chính là thấy Tết. Nhãn hàng rất thích ý tưởng này và BBT cũng đã duyệt ngay trong “một nốt nhạc”.

img

Vậy làm thế nào để có thể cân trọn được tất cả các bài viết trên trong cùng một thời điểm?

Uhm… Đánh máy nhanh (cười)! Ngày xưa khi còn làm phóng viên, tòa soạn nơi tôi làm việc đã tổ chức riêng một cuộc thi đánh máy và đưa tin nhanh để chúng tôi thi đua với nhau. Tuy nhiên đấy mới chỉ là bề nổi của vấn đề, tức là bạn phải có các kỹ năng và độ nhạy cần thiết.

Nhưng điều quan trọng hơn chính là kiến thức. Theo tôi, kiến thức phải được trau dồi, tích lũy thường xuyên, để khi cần ta chỉ việc lôi nó ra như một ngăn kéo tủ. Khi đó, kiến thức được đưa vào bài viết sẽ tự nhiên như hơi thở chứ không hề gồng cứng. Khi bắt đầu viết bài mới lên Google tìm kiếm thì đó không phải ngôn từ của bạn và khi bạn viết ra nó sẽ rất gượng gạo.

Điều quan trọng không kém chính là ý thức trách nhiệm của người làm sản xuất khi luôn đặt deadline lên đầu tiên. Sự cầu thị ấy đủ khiến BBT và khách hàng muốn làm việc cùng mình rồi.

img

Sau nhiều năm làm việc ở Admicro, chiến dịch nào khiến bạn tâm đắc nhất hoặc để lại cho bạn nhiều kỷ niệm nhất? 

Khoảng thời gian 6 năm ở Admicro, tôi tâm đắc với rất nhiều chiến dịch. Ví dụ Lễ hội Ẩm thực Coca-Cola, tôi thích vì thương hiệu luôn luôn đưa ra những idea độc đáo, khác biệt. Hoặc chiến dịch Kem Tràng Tiền, một chiến dịch truyền cảm hứng và mang lại nhiều cảm xúc với một người gắn bó với Hà Nội như tôi.

Nhưng có lẽ tâm đắc nhất là chiến dịch “Freeze Troubles Free Yourself” năm 2020 của Diana SENSI Cool Fresh. Trong đó, tôi không chỉ thể hiện vai trò là một người xây dựng nội dung PR mà còn tư vấn big idea, triển khai ý tưởng và quản trị nội dung tổng thể đa kênh.

Ngoài ra, Diana là một thương hiệu lớn và thông điệp của họ đưa ra luôn hướng về nữ quyền theo một cách rất tự nhiên, không hô khẩu hiệu, rất gần với những gì mà tôi cũng tâm niệm. Vì Diana là một thương hiệu thuộc tập đoàn Nhật Bản (Unicharm), chiến dịch này đã khai mở rất nhiều cơ hội cho một agency.

Trước đây, mọi người có thể nghĩ Admicro chỉ lên tuyến bài PR, nhưng thực tế là Admicro có thể làm được nhiều hơn như vậy. Chúng tôi có thể tư vấn từ ý tưởng lớn, triển khai hoạt động trên rất nhiều nền tảng khác nhau. Chiến dịch này cũng đã vượt qua rất nhiều vòng pitching, thậm chí là chiến thắng cả những agency quốc tế.

Năm 2020, “Freeze Troubles, Free Yourself" đã được vinh danh tại Admicro Awards với Giải thưởng Vàng Chiến dịch của năm - hạng mục Dấu ấn năm 2020.

Vậy theo bạn, “Ý tưởng đến từ đâu?”. Làm sao để những ý tưởng vừa bay bổng, giữ được sự mới mẻ, không lặp lại lối mòn, vừa đáp ứng được yêu cầu khách hàng?

Tôi cho rằng, thường sẽ có hai kiểu sáng tạo ý tưởng chính. Kiểu thứ nhất là dựa trên việc bạn phải nghiên cứu rất nhiều: đi học, đọc sách, xem phim... Khi đó, ý tưởng có thể được lấy từ những chính những kiến thức mà mình đã có trước đó. Kiểu thứ hai là những người có khả năng nảy ra ý tưởng bất cứ lúc nào. Tôi cố gắng trau dồi mình theo cả hai hướng.

img

Khi đầu óc tôi rỗng, ý tưởng thường chèn vào đó, ví dụ như lúc mình đang chill, hoặc là lúc đang… tắm, vì thế tôi thường tắm rất lâu (cười). Đôi khi đang đi uống cafe với bạn bè, và chợt có một khoảng lặng ở trong đấy, tôi cũng chợt nảy ra một ý tưởng gì đó. Cũng có lúc, ý tưởng nảy ra khi đang đi dạo, nhìn thấy một cái gì đó. Đôi khi, mọi người hay bảo là “Tay nhặt lá, chân đá ống bơ”, nhưng thật ra có thể là tôi đang đi tìm ý tưởng đấy! Đối với tôi, nghĩ ra ý tưởng mới trong lúc đang đi chơi là một điều vô cùng sung sướng!

Tuy nhiên, chúng ta không thể tùy hứng mà vẫn phải có kỷ luật trong việc nghĩ ra những ý tưởng sáng tạo. Người làm sáng tạo phải “đầu đội trời, chân đạp đất”. Bạn có thể nghĩ ra những ý tưởng mà các thương hiệu khác hay các marketer khác chưa từng nghĩ tới. Nhưng hãy nhớ chân luôn phải ở dưới mặt đất, bởi nếu không ý tưởng đó sẽ không trúng insight, không giải được brief hay chạm được những vấn đề mà khách hàng đang muốn tìm câu trả lời.

Được biết trong dịp Tết vừa qua, bạn cũng chính là người nghĩ ra ý tưởng chính cho trò chơi boardgame “Sạp hàng bạc tỷ" của Admicro. Bạn có thể chia sẻ thêm về quá trình hình thành ý tưởng này?

Boardgame của Admicro có điểm khác biệt là sự kết hợp giữa trò chơi mang tính vật lý và cả digital marketing.

Kỳ vọng đầu tiên của team là tạo ra một sản phẩm mang tới những kiến thức về marketing dựa trên một trò chơi. Ngoài ra, chúng tôi cũng ứng dụng công nghệ AR để tạo ra tính tương tác và độc đáo của sản phẩm.

Công nghệ này đã được triển khai trên bìa hộp, bạn có thể quét AR dựa trên bộ lọc story của Facebook, các nhân vật và câu chuyện sẽ hiện ra vô cùng sống động. Các câu chuyện về làng nghề Việt Nam hiển thị một cách độc đáo. Tôi tin là cách làm này có lẽ chưa có đơn vị nào triển khai được như Admicro.

Còn bao lì xì Tết vừa qua của Admicro với ý tưởng “Như hổ thêm cánh" tuy là một sản phẩm nhỏ thôi nhưng tôi cũng khá tâm đắc vì nó đáp ứng được nhiều yếu tố.

Thứ nhất là hiểu người duyệt mình, dù ngay trong nội bộ công ty. Insight nội bộ tại Admicro là hướng đến những điều tích cực, tươi sáng. Tôi tin là hầu hết các leader đều mong muốn thương hiệu của mình như một mãnh hổ: mạnh mẽ, xông pha và bây giờ còn thêm cánh nữa thì cực kỳ thăng hoa. Chúng tôi cũng ứng dụng công nghệ AR để tạo ra tính tương tác và độc đáo của sản phẩm. Creative không chỉ dựa trên câu từ, ý tứ mà còn cần cả hiểu biết về công nghệ nữa!

img

Khi nhắc về những chiến dịch đã từng thực hiện qua tại Admicro, tôi muốn gửi lời cảm ơn tới những bạn account, sales, những người làm sản xuất, những bạn thiết kế, những người đã cùng tôi hiện thực hóa các ý tưởng. Các bạn đã giúp tôi biến ý tưởng từ những câu chữ trên giấy, những ý tứ nhỏ, những gạch đầu dòng trở thành các chiến dịch lớn và mang lại thành tựu về cho Admicro.

“Cô Mèo” không ngại là chính mình và có nhiều lý do để sống

Cuộc sống ở agency luôn  khiến chúng ta phải sáng tạo dựa theo theo đề bài, đôi khi phải lựa theo ý muốn chủ quan của nhiều bên… Vậy dấu ấn, yếu tố cá nhân của một người sẽ được thể hiện ở đâu và như thế nào? 

Trong cuốn sách “Đi tìm lẽ sống” của Viktor Frankl, tác giả có trích dẫn một câu của triết gia người Đức Nietzsche “Người nào có lý do để sống sẽ tồn tại mạnh mẽ nhất trong mọi nghịch cảnh". Và agency chính là một loại… nghịch cảnh như thế, và chúng ta cần một lý do để sống và tồn tại mạnh mẽ!

Chúng ta sống ở trên đời đều vì một mục đích nào đó. Và tôi nghĩ rằng, khi mục đích đấy được thỏa mãn, được làm đầy bởi những thú vui, sở thích, những dấu ấn cá nhân, thành tựu của riêng mình, lúc đó, chúng ta sẽ vui vẻ với công việc mà mình nhận được ở agency và làm cho mọi người.

Với bản thân tôi, dấu ấn cá nhân đầu tiên là công việc của một người viết văn. Tôi đã tham gia một vài dự án sách với các tác giả khác, ví dụ như cuốn 1987 hay “Hà Nội phố ngàn phố”, hầu hết là những tác phẩm có thiên hướng tản văn.

Khi viết văn, tôi dùng bút danh Tô Lệ Trân, một cô gái lãng mạn hơn, bay bổng hơn và có thể hơi khác một xíu so với “Bebe máu lửa” khi làm việc ở agency. Đó cũng là một phần làm nên con người mà nhiều người nhận xét là khá đa dạng với nhiều “màu sắc” khác nhau.

img

Dự án cá nhân tiếp theo mà tôi muốn kể đến là dự án hỗ trợ nghệ thuật. Vì bản thân sinh ra trong một gia đình có truyền thống nghệ thuật, tôi nghĩ mình luôn luôn có trách nhiệm với việc đó. Năm 2019 và 2020, tôi đã hỗ trợ những dự án phát triển kịch nghệ truyền thống của Sân khấu Lệ Ngọc. Bên cạnh đó, tôi cũng từng kết hợp với một số đơn vị trong lĩnh vực mỹ thuật như The Painter's Studio và group Mê Tranh để tổ chức những lớp học online về nghệ thuật, từ đó phổ cập kiến thức tới những bạn trẻ.

Bản thân tôi cũng đã phát triển một group và fanpage về tâm lý học. Tâm lý học là một chủ đề cực kỳ quan trọng trong cuộc sống, nó không chỉ giúp bạn hiểu mọi người xung quanh để sống một cách hài hoà hơn, mà còn giúp bạn hiểu được khách hàng hay Ban biên tập để biết là mình phải đưa ra những idea gì phù hợp với điều mà họ đang mong muốn. Thậm chí trong trong một buổi đàm phán với khách hàng, cách ngồi, tư thế của đối tác có thể là gợi ý để mình biết nên nói gì sau đó. Tôi tin rằng, Tâm lý học sẽ còn có nhiều “đất” phát triển hơn và giúp ích cho các bạn rất nhiều.

img

Bebe vừa mới đề cập tới yếu tố truyền thống gia đình. Bạn có ông nội là nhà văn Kim Lân, và ông ngoại là nhà văn Hoàng Công Khanh. Sinh trưởng trong một gia đình có truyền thống về tri thức và văn chương như vậy, nên yếu tố khiến cho mọi người hình dùng đầu tiên về bạn chính là “con nhà nòi” và sẽ phải hiểu hết các tác phẩm của ông cha mình. 

Tuy nhiên, trong quyển sách 1987, Bebe đã kể lại một câu chuyện với đề văn thi thử vào năm lớp 9, có một câu hỏi vào trúng truyện ngắn Làng, tuy nhiên “cả bài văn tôi viết không tệ, chỉ riêng đoạn viết về chính tác phẩm của ông nội mình lại… sai be bét”

Đây cũng là một trong những vấp váp đầu đời rất thú vị, không biết Bebe có sẵn sàng chia sẻ câu chuyện này hay không?

Khi đã viết thành sách, tôi đã sẵn sàng đối mặt với nó rồi. Tuy nhiên với tôi ở thời điểm đó, việc được sinh ra trong một gia đình nghệ thuật là một áp lực hơn là một món quà.

img

Gia đình tôi có hai ông là nhà văn và rất nhiều người nữa cũng theo ngành hội họa. Vì vậy mặc dù có thể không nói ra đâu nhưng tôi tin là mọi người kỳ vọng con cháu tiếp tục theo đuổi con đường nghệ thuật.

Về câu chuyện nguồn gốc của gia đình, thậm chí lúc còn nhỏ đôi khi, tôi còn né tránh. Thời điểm tôi gặp trúng đề thi ấy, mọi người sẽ nghĩ là: “Trúng tủ rồi!”, nhưng tôi lại thầm nhủ: “Ôi chết rồi, mình phải làm thế nào đây, phải đối mặt như thế nào đây?”, và tôi đã phạm sai lầm với bài viết đấy. May mắn là gia đình tuy có thắc mắc, nhưng luôn bao dung với tôi.

Cả gia đình tôi đều rất cởi mở và đón nhận cái mới. Ông tôi, các bác và bố mẹ tôi đều tôn vinh nghệ thuật kinh điển nhưng không có nghĩa là phủ nhận những cái mới.

Ông tôi tới năm hơn 80 tuổi vẫn còn ngồi xem MTV cùng tôi. Mặc dù không biết một tí tiếng Anh nào, ông vẫn rất thích Nirvana, một ban nhạc chơi dòng punk rock cũng không hề dễ nghe.

Ông tôi cũng thường xuyên tổ chức tiệc tùng, mời nghệ sĩ trẻ tới nhà chơi. Họ chia sẻ những điều vô cùng mới mẻ mà có thể không cùng quan điểm với cả ông và những người còn lại, nhưng sẽ không bị phủ nhận sạch trơn.

Đó là những điều mà tôi được kế thừa: Tinh thần tôn trọng truyền thống, kiến thức về nghệ thuật kinh điển, nhưng cũng không ngại ngần đón nhận cái mới. Khi sang Ý du học, tôi đã nghĩ đây là môi trường tuyệt vời cho những người yêu văn hóa, say mê nghệ thuật và ham học hỏi như mình.

Ở Ý, chỉ cần đi từ con phố này sang con phố khác, chúng ta đã có thể thấy được nhiều công trình nghệ thuật. Người Ý tôn vinh nghệ thuật ở mức cao nhất trong từng hơi thở, câu chuyện và cũng rất sẵn sàng đón nhận điều mới mẻ.

Tôi nghĩ tinh thần này cũng quan trọng trong marketing. Bạn đừng quên những kiến thức trong trường lớp, những điều mà mình đã được dạy nhưng cũng đừng ngại ngần thể hiện điều mới và khác biệt. Biết đâu chính những ý tưởng điên rồ nhất lại tạo nên được những thành tựu đáng tự hào nhất của bạn và của cả nhãn hàng trong tương lai?

img

Tình yêu với nước Ý vẫn đang trôi chảy trong tim, là tình yêu cả cuộc đời của Bebe. Cũng bởi vậy mà vừa qua, khi nhãn hàng Vespa - một thương hiệu nổi tiếng trên toàn thế giới với hình của nước Ý tổ chức cuộc thi chia sẻ cảm xúc về nước Ý và chiếc xe Vespa, người được xướng danh giải Nhất chính là Bebe. 

Bạn có thể chia sẻ một chút về việc sáng tạo nội dung cho mình và cho đam mê của mình trong cuộc thi vừa qua? 

Tình yêu nước Ý đối với tôi là mãi mãi. Bởi đó là một đất nước quá đẹp, đẹp từ phong cảnh đến công trình kiến trúc, nghệ thuật và con người.

img

Về cơ bản, tôi thấy mình khá hợp với một quan điểm nổi bật ở đây: Tinh thần tự do. Người Ý thường không bị giới hạn hoặc bị ràng buộc bởi một ranh giới nào cả. Đấy cũng chính là chủ đề mà tôi đã lựa chọn để viết trong cuộc thi của Vespa và đạt giải thưởng.

Ngay từ những dòng đầu tiên, tôi đã đưa tinh thần tự do của chú ong Vespa vào bài và tôi tin rằng, đó chính là yếu tố đánh trúng những thành viên Ban giám khảo - những người đã thấm nhuần tinh thần Ý.

Tôi hy vọng tinh thần Ý sẽ cùng tôi lan tỏa tới mọi người: sự tự do, bay bổng, óc sáng tạo và dám thử thách bản thân. Người Ý rất thích tự do, tôi chưa bao giờ quên điều đó cả. Tôi đã đưa ý tưởng đấy vào bài dự thi và thành công.

img

Trong quyển sách thứ hai của bạn - “Hà Nội phố ngàn phố”, bạn từng nhấn mạnh: “Chúng ta không ngại khi được là chính mình”. Vậy bạn có thể chia sẻ một chút về việc “là chính mình” trong cuộc sống cũng như trong khi làm việc tại một agency?

Tôi tin rằng, ai cũng mong muốn “là chính mình" nhưng không phải ai cũng thật sự làm được.

Tôi đã nghĩ đến ba yếu tố để được “là chính mình”: là chính mình khi thể hiện bản thân, trong yếu tố ngoại hình, là chính mình trong những tư duy, trong dự án cá nhân và là chính mình khi mà làm một công việc cho khách hàng.

Đầu tiên là tinh thần “là chính mình” khi thể hiện bản thân với những người xung quanh. Trong cuốn 1987, tôi từng viết rằng, ngày xưa tôi nhuộm một màu tóc hồng rực gây chấn động. Với cá nhân tôi, mái tóc màu hồng gây xôn xao ấy lại là điềm báo cho những biến chuyển. Sau khi nhuộm hồng, tôi có một công việc mới với rất nhiều cơ hội rộng mở. Cũng trong quyển sách đó, tôi đã nhắc tới nó như một tín hiệu của hồng hạc - một biểu tượng của sự may mắn.

img

Tôi là con nhà nghệ thuật, với tôi, mặc không đẹp mới là đáng buồn, chứ việc mọi người xì xào thì không đâu. Miễn là không phạm thuần phong mỹ tục, tôn trọng người khác, hợp hoàn cảnh, và đẹp, còn đâu, cứ mạnh dạn là chính mình!

Thứ hai: “là chính mình” trong các dự án cá nhân, đây là một điều cực kỳ quan trọng.

Khi viết sách, điều đầu tiên tôi nghĩ đến là: “Liệu nó có được tiếp nhận hay không?”. Đây là một cái bẫy kinh điển của những người đã từng làm quá nhiều cho khách hàng. Sau này, một người bạn hoạ sĩ, cũng đã từng làm sách, nói với tôi một câu vô cùng thú vị: “Thế chị có thấy những điều chị đang viết xứng đáng được viết hay không? Khi nào chị trả lời được là nó xứng đáng được viết, bằng mọi cách nó phải được viết ra, không cần quan trọng là người ta nghĩ gì về nó! Thậm chí, chị còn lăn tăn về việc liệu Nhà xuất bản có đồng ý không. Nếu chị tin là những dòng viết này của chị chắc chắn để lại giá trị, chị có thể tự bỏ tiền ra in nó cũng đâu có sao đâu?” Đấy là một ý tưởng đã phá vỡ rất nhiều định kiến với tôi.

img

Bởi với tôi, một người nghệ sĩ là phải được công nhận, NXB phải chọn in như những tác phẩm tôi đã từng viết trước đây, tôi chưa bao giờ bỏ tiền ra in sách! Niềm tin rằng: “Tôi phải làm việc này, đây là một việc đúng và tác phẩm này phải được cho ra đời vì nó thể hiện chính tôi” sẽ dẫn dắt người ta đến thành quả cuối cùng chứ không phải là: ”Nhà xuất bản nghĩ gì? Mọi người nghĩ gì? Độc giả nghĩ gì?”, Bạn nghĩ gì, đó là điều đầu tiên và quan trọng nhất!

Cuối cùng, trong một agency và trong ngành marketing, chúng ta không thể là chính mình 100%. Bởi vì bạn sẽ phải cân bằng, phải dung hòa giữa nhiều yếu tố. Vậy thì cái “mình” sẽ được thể hiện ở đâu?

Yếu tố “là chính mình” trong agency và marketing được thể hiện qua chính những thông điệp, ý tưởng bạn mang tới cho khách hàng, trong đó, có chứa kiến thức, dấu ấn riêng của bạn. Và hãy cứ tin rằng - kể cả một thông điệp từng được nhãn hàng chỉnh sửa đôi chút - đâu đó vẫn có “mình” đấy nhé! Ví dụ đối với tôi, chiến dịch của Diana là một “đứa con tinh thần”. Và mặc dù nó đã được duyệt qua rất nhiều cấp, đi qua rất nhiều vòng, và chỉnh sửa rất nhiều lần, tôi vẫn tự hào đấy là một ý tưởng của mình.

img

Bạn luôn muốn được là mình, trong khi bạn lại được người khác trao cho quá nhiều cái mác: “con nhà nòi”, copywriter, nhà văn, một người tương đối nổi tiếng, người theo đuổi những dự án sáng tạo, và tính cách còn có đôi phần nghệ sĩ nữa. Vậy cuối cùng bạn muốn được gọi bản thân là gì?

Những cái mác mà mọi người gán hoặc bản thân mình đang khoác lên đều có một điểm chung: Người sáng tạo.

Sáng tạo trên mọi lĩnh vực: câu từ, nội dung, ý tưởng, công nghệ... Tôi rất mong muốn mọi người hiện tại nghĩ về mình như vậy, còn trong tương lai, tôi sẽ không giới hạn bản thân trước bất cứ cơ hội nào. Ngay trong tháng 3 này, tôi sẽ hợp tác cùng họa sĩ Vu Do (The Painter's Studio), group Mê Tranh (Cộng đồng dành cho những người yêu nghệ thuật với hơn 100 ngàn thành viên) để hỗ trợ truyền thông cho triển lãm Phan Kế An - Kho Tàng Ẩn Giấu, hé lộ rất nhiều di sản đáng được trân quý của hội họa Việt Nam.

Trong tương lai, có thể mọi người sẽ nhìn thấy Bebe khác biệt hơn. Và tôi hy vọng mọi người sẽ đón nhận nó!

img >>> Bạn có thể nghe toàn bộ cuộc nói chuyện này trên Spotify hoặc Google Podcasts!