Bước sang năm 2022, ngành bất động sản sẽ có những thay đổi như thế nào khi những rủi ro từ dịch bệnh vẫn luôn thường trực. Thị trường bất động sản đã có những thay đổi gì và những xu hướng mới nào sẽ xuất hiện trong năm tới? Hãy cùng MarketingAI tìm hiểu rõ hơn trong bài viết này.
Lĩnh vực bất động sản sôi động trở lại
Sự xuất hiện của Covid-19 đã phá vỡ mọi dự đoán kinh tế. Vào đầu năm 2020, hàng loạt cửa hiệu, nhà hàng và văn phòng buộc phải đóng cửa; thị trường chứng khoán ngưng trệ và việc làm bị cắt giảm. Nhưng điều mà nhiều người lo sợ về một cuộc suy thoái kinh tế trầm trọng và kéo dài đã không xảy ra. Nền kinh tế nói chung cùng lĩnh vực bất động sản nói riêng nhanh chóng tăng trưởng trở lại sau một thời gian gần như đóng băng. Đầu ra bất động sản đã đạt trên mức trước Covid và sẽ phục hồi mạnh mẽ hơn vào đầu năm 2022.
Tuy nhiên, những rủi ro đến từ môi trường bên ngoài vẫn luôn hiện hữu. Một số tòa nhà và tài sản đã xuống cấp và những người quản lý tài sản này phải tìm ra cách thức mới để có thể tái sử dụng lại chúng. Các rào cản kinh tế khác như tắc nghẽn chuỗi cung ứng đã làm chậm hoặc ngừng sản xuất. Tình trạng thiếu hụt lao động và sản xuất cũng gây ra lo ngại về lạm phát - một rủi ro kinh tế lớn.
Cho đến hiện tại, Covid-19 sẽ tiếp tục là một trong những vấn đề tác động mạnh mẽ đến đời sống xã hội cũng như nền kinh tế thế giới khi nhiều biến thể nguy hiểm mới xuất hiện và chưa có phương pháp ngăn chặn hiệu quả. Vì Covid, nhiều người đã bỏ dở kế hoạch du lịch, thay đổi thói quen cũng như hành vi tiêu dùng của mình. Và các doanh nghiệp bất động sản nói riêng cần phải xây dựng tính linh hoạt và khả năng thích ứng nhanh chóng với những thay đổi của thị trường.
>>> Có thể bạn quan tâm: 13 Ý tưởng Content Marketing “thực chiến” cho các đại lý bất động sảnBiến đổi khí hậu ảnh hưởng đến lĩnh vực bất động sản
Nhận thức của mọi người về biến đổi khí hậu ngày càng tăng và bắt đầu được coi trọng khi các hiện tượng thời tiết cực đoan đang xảy ra với mức độ và tần suất dày đặc hơn như: cháy rừng, nắng nóng kỷ lục, hạn hán, lũ lụt,...
Vậy điều này có ý nghĩa gì đối với bất động sản? Rất nhiều. Bất động sản được coi là ngành “đóng góp” nhiều nhất vào việc phát thải khí nhà kính và sự nóng lên toàn cầu. Các tòa nhà chiếm tới hơn 40% lượng sử dụng năng lượng và lượng khí thải carbon toàn cầu. Do đó, những doanh nghiệp và nhà đầu tư hàng đầu trong bất động sản được định vị để đóng vai trò dẫn đầu trong việc ngăn chặn tác động của biến đổi khí hậu. Tuy nhiên, nhiều người không bị thuyết phục mặc dù họ thường nói về giá trị của ESG (tiêu chuẩn môi trường, xã hội và quản trị) nhưng vẫn nghi ngờ về lợi nhuận mà tiêu chuẩn này mang lại.
Biến đổi khí hậu là một vấn đề nan giải, phạm vị ảnh hưởng rộng và quá lớn để giải quyết. Nhưng lĩnh vực bất động sản được kỳ vọng sẽ trở thành “đầu tàu” trong việc giảm tác động và tăng khả năng chống chịu với các rủi ro môi trường.
Đã đến lúc chuyển từ lý thuyết sang hành động với một kế hoạch thực tế để chống lại biến đổi khí hậu. Mục tiêu không nên chỉ đơn thuần hướng tới doanh thu mà cần tạo ra lợi thế và giá trị bền vững. Và một trong những cách hiệu quả để đạt được kết quả đó là thiết lập các tiêu chuẩn dựa trên hiệu suất trong ESG. ESG đại diện cho những rủi ro và cơ hội sẽ tác động đến khả năng tạo ra giá trị lâu dài của một công ty, bao gồm cả biến đổi khí hậu và khan hiếm tài nguyên; các vấn đề an toàn và bảo mật dữ liệu; sự đa dạng của hội đồng quản trị, trả lương cho CEO và minh bạch về thuế.
Người tiêu dùng ngày nay mong muốn được sống tại một nơi có không gian để đi bộ, được vui chơi, được hòa mình vào thiên nhiên, một nơi thực sự cho phép họ sống một cuộc sống trọn vẹn hơn mà không cần phải di chuyển sang nhiều nơi khác để trải nghiệm.
Tác động trái chiều của đại dịch đối với bất động sản
Sau mỗi đợt dịch, thị trường bất động sản lại có sự phân hóa theo những cách khác nhau. Chẳng hạn, tại Mỹ, một số lĩnh vực như bất động sản công nghiệp hầu như không bị tạm dừng bởi sự gia tăng chi tiêu trực tuyến đã thúc đẩy nhu cầu của người thuê. Điều này cũng đúng đối với bất động sản chung cư và căn hộ khi nhu cầu của người thuê vẫn tăng và giá thuê trở lại mức kỷ lúc trên khắp cả nước.
Tuy nhiên, đại dịch cũng đã tạo nên một vết trượt dài cho thị trường bất động sản bán lẻ khi số lượng cửa hàng đóng cửa và mặt bằng trống tăng lên. Ngoài ra, thị trường bất động sản văn phòng đang trong quá trình tái thiết lập và còn nhiều biến động, khi kết quả rất khác nhau tùy thuộc vào vị trí, cơ sở hạ tầng của tòa nhà đó.
Bất động sản nghỉ dưỡng cũng đang trên đà phục hồi với sự phát triển mạnh mẽ của các biệt thự, khu nghỉ dưỡng gần trung tâm thành phố, thời gian di chuyển nhanh. Nhưng hoạt động du lịch quốc tế có thể phải mất nhiều năm nữa mới có thể trở về mức trước Covid. Điều này sẽ gây thiệt hại khá lớn cho các khách sạn, cửa hàng sang trọng và nhà hàng cao cấp - những nơi vốn thường được duy trì và thúc đẩy bởi nguồn khách hàng này.
Đại dịch cũng làm gia tăng sự chuyển dịch thói quen tiêu dùng từ các trung tâm thương mại sang khu chợ nhỏ hơn, giá cả phải chăng hơn. Những điều này có nghĩa là các doanh nghiệp bất động sản cần phải nhanh nhẹn và linh hoạt hơn nữa. Đây sẽ vừa là cơ hội vừa là thách thức đối với các doanh nghiệp.
Lương Hạnh - MarketingAI
Theo PWC
>> Có thể bạn quan tâm: Làm bất động sản trên TikTok – Tại sao không?
Bình luận của bạn