Cách đây không lâu, ngành bán lẻ thời trang thế giới chưa khỏi bàng hoàng trước vụ việc ông lớn Forever 21 đệ đơn xin phá sản thì mới đây một thương hiệu đình đám khám của đã đi theo vết xe đổ của F21. Không ai khác đó chính là Barneys New York - chuỗi trung tâm mua sắm thời trang, được xem như biểu tượng xa xỉ của New York. Theo thông tin được công bố thì Barnes New York đã bán mình cho Authentic Brand Group với giá 270 triệu USD, chấm dứt kỷ nguyên của một tên tuổi lớn trong ngành bán lẻ thời trang.
>>> Xem thêm: Forever 21 phá sản: Dấu chấm hết của đế chế thời trang giá rẻ một thời!
Một biểu tượng thời trang xa xỉ như Barneys New York cũng có ngày phải đệ đơn phá sản
Barneys được sáng lập bởi Barney Pressman tại thành phố New York năm 1923. Nằm trên Seventh Avenue và Đường 17, ban đầu đây là một cửa hàng bán quần áo giảm giá dành cho nam giới. Suốt 30 năm sau đó, Barneys vẫn duy trì là một điểm mua sắm thời trang giá rẻ chỉ dành cho đấng mày râu. Mãi đến những năm 1970s, khi con trai của Pressman, Fred thừa hưởng công việc kinh doanh thì Barneys mới chính thức trở thành một nhà bán lẻ cao cấp.
Thương hiệu với tuổi đời gần 100 năm này từ lâu đã được xem là biểu tượng của phong cách sống xa xỉ, cao cấp cho giới thượng lưu tại New York cũng như là địa điểm yêu thích của người nổi tiếng và các tín đồ thời trang. Barneys New York hoạt động theo mô hình chuỗi bách hóa trong ngành thời trang, dẫu cho thương hiệu này từng gặp không ít khó khăn trước đó và thậm chí từng phải phá sản do khủng hoảng tài chính những năm 1990.
Sau biến cố, Barneys liên tục đổi chủ và gặp thêm rắc rối về nhân sự cấp cao. Trong lúc đó, thương mại điện tử nổi lên, đẩy thương hiệu đến gần với bờ vực phá sản lần nữa. Barneys New York phá sản là do không thể chống chọi nổi với chi phí thuê địa điểm quá cao, đồng thời thói quen mua sắm của người tiêu dùng Mỹ thay đổi, chuyển sang mua hàng trực tuyến hơn là tới cửa hàng.
Bất chấp những chiến dịch hào nhoáng, những màn hợp tác với các thương hiệu, người nổi tiếng, Barneys New York vẫn gặp khó khi người tiêu dùng bắt đầu quay lưng và ưa thích mua sắm trực tuyến. Thương hiệu này cũng từng từng thúc đẩy hoạt động thương mại điện tử và chứng kiến doanh thu cải thiện đáng kể. Tuy nhiên, điều này không thể cứu vớt tình hình ảm đạm của những trung tâm mua sắm vật lý khi lượng khách hàng giảm, chi phí thuê mặt bằng ngày càng đắt đỏ. Hệ quả là vào ngày 31/10 vừa qua, công ty tuyên bố sẽ đóng cửa 15 trong số 22 địa điểm trong một nỗ lực tái cấu trúc. Đồng thời, Authentic Brand Group sẽ mua lại Barneys và dự kiến sẽ đóng cửa tất cả các trung tâm còn lại.
Theo đó, dự kiến tất cả các cửa hàng Barneys New York sẽ được chuyển sang cho thương hiệu Saks Fifth Avenue tiếp quản. Hoạt động bán hàng đã chính thức kết thúc vào cuối tuần qua. Điều này đồng nghĩa với việc có khoảng 2.000 nhân viên bị sa thải.
Tạm kếtBarneys sau khi được bán cho Authentic Brand Group sẽ chính thức chấm dứt cho kỷ nguyên một thương hiệu biểu tượng của thành phố New York xa hoa tráng lệ. Sự sụp đổ của Barneys New York hay trước đó là Forever 21 chắc chắn đã gây không ít hoang mang trên thị trường khi đây là dấu hiệu cho thấy các nhà bán lẻ thời trang Mỹ đang gặp rất nhiều khó khăn. Đây giống như một hồi chuông cảnh báo cho những thương hiệu bán lẻ truyền thống khác trước sự bùng nổ không thể ngăn cản thương mại điện tử. Nếu không có biện pháp thay đổi thích hợp thì không sớm hay muộn thì chắc chắn sẽ còn nhiều thương hiệu đi vào vết xe đổ của Barneys New York và Forever 21.
Tuấn Anh - MarketingAI
Theo NY Times
Bình luận của bạn