Do ảnh hưởng của Covid-19, chính phủ Việt Nam đã ban hành lệnh cách ly xã hội toàn nước, yêu cầu toàn bộ người dân phải ở nhà. Chính vì lý do này, dịch vụ giao nhận đồ ăn đã chứng kiến mức tăng trưởng đáng kinh ngạc. Mới đây, Q&Me vừa thực hiện một khảo sát để tìm hiểu những xu hướng mới nhất về dịch vụ giao nhận đồ ăn, cũng như tìm hiểu thêm về nhu cầu của người dùng Việt Nam đối với loại hình dịch vụ này trong mùa dịch Covid-19. Khảo sát được thực hiện trên quy mô hai thành phố lớn của Việt Nam là TP. Hồ Chí Minh và Hà Nội, với 840 ứng viên tham gia khảo sát trong thời điểm tháng 4/2020.
Xu hướng sử dụng dịch vụ giao nhận đồ ăn
Trong số 840 ứng viên tham gia khảo sát, có tới 75% sử dụng dịch vụ giao nhận đồ ăn, trong đó có 24% là những người dùng mới, lần đầu sử dụng dịch vụ này do ảnh hưởng từ đại dịch Covid-19. Vẫn còn 25% còn lại trong số họ không sử dụng dịch vụ giao nhận đồ ăn, và dưới đây là các lý do chính của họ:
Nhìn vào thống kê, có thể thấy đa số những người không sử dụng dịch vụ giao nhận đồ ăn là vì họ có khả năng tự nấu ăn cho bản thân (66%). Một số lý do đáng chú ý khác là họ quan ngại về chất lượng đồ ăn (28%) và chi phí vận chuyển cao (17%).
Ngược lại, trong số 75% người lựa chọn sử dụng dịch vụ này thì họ lựa chọn hình thức đặt hàng nào?
Hiện nay có 4 hình thức giao hàng chính là: Dịch vụ mạng xã hội (SNS), Điện thoại, Ứng dụng của nhà hàng và Ứng dụng giao đồ ăn (Now, GrabFood,...). Nhìn vào thống kê có thể thấy ứng dụng giao đồ ăn là hình thức giao hàng phổ biến nhất, vượt xa 3 hình thức còn lại. Thế nhưng, khi thống kê theo hai thành phố là Hà Nội và TP. Hồ Chí Minh thì số liệu đã có sự thay đổi nhất định. Có thể thấy, người dùng tại TP. Hồ Chí Minh đều có xu hướng sử dụng các ứng dụng giao đồ ăn nhiều nhất, tuy nhiên người dùng tại Hà Nội lại có tỷ lệ sử dụng dịch vụ giao hàng thông qua mạng xã hội hoặc đặt qua điện thoại nhiều hơn.
Vậy tại sao hình thức đặt đồ ăn ứng dụng lại phổ biến hơn cả?
Nhìn vào thống kê, có thể thấy phần lớn người dùng lựa chọn hình thức giao nhận đồ ăn qua ứng dụng là vì nó giúp họ tiết kiệm được thời gian di chuyển (61%), ngoài ra nó còn là hình thức an toàn với người dùng trong mùa dịch Covid-19 (58%). Trong thời điểm này, mọi người đều không thể ra ngoài đường, vậy nên giao nhận đồ ăn tới tận nhà sẽ là hình thức phù hợp nhất. Ngoài ra các bên đối tác giao nhận cũng nỗ lực thực hiện các biện pháp nhằm đảm bảo an toàn cho khách hàng lẫn shipper như luôn sát khuẩn thùng giao đồ, nhân viên luôn đeo khẩu trang và găng tay, khuyến khích thanh toán qua thẻ và hạn chế tiền mặt,...Các lý do tiếp theo là: sự đa dạng đồ ăn (51%), khuyến mãi (50%), thời gian giao hàng nhanh (46%)...
Với mức độ phổ biến của mình như vậy, sự hài lòng của khách hàng với các ứng dụng giao nhận đồ ăn như nào?
Thống kê trên là bảng so sánh mức độ hài lòng của người dùng với ba hình thức giao nhận đồ ăn với 6 tiêu chí so sánh. Trong đó, ứng dụng giao đồ ăn vượt trội về yếu tố đơn giản hóa quy trình đặt đơn hàng, thái độ phục vụ của ngiời giao hàng, ngoài ra giá thành vận chuyện cũng rất phải chăng khi nhiều ứng dụng liên tục tung ra các mã giảm giá, freeship để kích cầu người dùng. Đối với các ứng dụng giao nhận chuyên biệt của nhà hàng, yếu tố được người dùng hài lòng nhất chính là chất lượng đồ ăn và tốc độ giao hàng. Tuy nhiên, hình thức này thường sẽ có mức phí vận chuyển cao hơn so với các ứng dụng giao nhận đồ ăn.
Xu hướng về các ứng dụng giao nhận đồ ăn
Mức độ phổ biến
Hiện nay trên thị trường Việt Nam có 5 thương hiệu chuyên về giao nhận đồ ăn, trong đó Grab Food là ứng dụng phổ biến nhất với 79% người sử dụng, theo sau là Now và Go Food với 56% và 41%. Ngoài ra, Baemin là cái tên mới gia nhập vào thị trường này cho nên tỷ lệ người dùng vẫn còn thấp, ứng dụng này cũng mới chỉ có mặt tại TP. Hồ Chí Minh tuy nhiên cũng đang dần dần tạo được mức ảnh hưởng nhất định.
Tần suất đặt đồ ăn
Do ảnh hưởng của dịch Covid-19, tần suất đặt đồ ăn của người Việt Nam đã tăng lên đáng kể. Cụ thể có tới 79% ứng viên trả lời rằng họ đặt đồ ăn trực tuyến ít nhất 1 lần mỗi tuần. Trong đó, tần suất phổ biến nhất 1-2 hoặc 3-4 lần mỗi tuần (mỗi bên chiếm 26%).
Mức độ hài lòng với ứng dụng giao nhận đồ ăn
Có tới 80% người dùng hài lòng với các ứng dụng giao nhận đồ ăn, hầu hết là vì chất lượng dịch vụ tốt cùng thời gian vận chuyển nhanh. Dù vậy, vẫn có một bộ phận nhỏ người dùng chưa thực sự hài lòng với tốc độ giao nhận hiện tại, chất lượng đồ ăn, ngoài ra họ còn chưa hài lòng với chi phí giao nhận.
Xu hướng hành vi người dùng với các ưu đãi và chi phí vận chuyển
Khi lựa chọn ứng dụng hoặc nhà hàng để đặt đồ ăn, yếu tố ưu đãi và chi phí vận chuyển được người dùng rất quan tâm đến. Cụ thể là
Có tới 67% người dùng lựa chọn những nhà hàng có mã ưu đãi, 30% người dùng lựa chọn nhà hàng theo sở thích và sẽ sử dụng ưu đãi khi có. Duy nhất chỉ có 3% người dùng lựa chọn nhà hàng vì sở thích và không quan tâm tới ưu đãi.
Không chỉ vậy, việc miễn phí vận chuyển cũng được rất nhiều người cân nhắc để lựa chọn nhà hàng. Có tới 84% người dùng tìm đến những nhà hàng có miễn phí vận chuyển và chỉ 15% người dùng lựa chọn vì sở thích, chấp nhận phải trả phí vận chuyển.
Tuấn Anh - MarketingAI
Theo Q&Me
Bình luận của bạn