Trong thời đại mà công nghệ và Internet đang phát triển mạnh mẽ, con người càng có thêm những hình thức giải trí mới. Điển hình nhất chính là sự bùng nổ của trò chơi trực tuyến nói chung và trên nền tảng di động nói riêng. Cùng với xu hướng người dùng Internet chuyển hướng sang nền tảng điện thoại di động, nhiều chuyên gia dự đoán rằng trò chơi trên di động sẽ chiếm đa số thị phần trong thị trường trò chơi. Trong đó, Đông Nam Á hiện là khu vực có mức tăng trưởng mạnh mẽ nhất trong thị trường trò chơi trên di động. Bài viết dưới đây sẽ khái quát toàn bộ thị trường trò chơi trên di động tại khu vực Đông Nam Á, cũng như những số liệu nghiên cứu về hành vi người dùng tại thị trường này, từ đó cung cấp những Insight, thông tin hữu ích cho Marketer nói riêng và bạn đọc nói chung về lĩnh vực trò chơi trên di động.
“Bộ tứ siêu đẳng” của thị trường trò chơi di động Đông Nam Á
1. Những thống kê sơ bộ về thị trường Đông Nam Á
Nhắc đến thị trường di động tại khu vực Đông Nam Á, người ta sẽ nhớ ngay tới những quốc gia như: Indonesia, Philippines, Thái Lan và Việt Nam. Hiện Đông Nam Á đang là khu vực sở hữu mức tăng trưởng trò chơi di động cực kỳ ấn tượng.
Indonesia là quốc gia mức tăng trưởng lớn nhất với 60,7% và đã vượt qua Singapore để trở thành thị trường lớn nhất về trò chơi trên di động tại khu vực Đông Nam Á. Theo sau là những quốc gia như: Philippines (59,7%), Vietnam (55,3%), Thái Lan (46,6%).
Dù sở hữu mức tăng trưởng lớn như vậy, tuy nhiên mức độ thâm nhập thị trường tại Indonesia lại không phải lớn nhất. Con số này đã thuộc về Philippines và Thái Lan (67%).
Việt Nam và Indonesia là hai quốc gia có mức độ thâm nhập thị trường ngang nhau là 56%. Tuy vậy, vẫn phải nhận định rằng cả 4 quốc gia đều có mức độ thâm nhập thị trường vượt trên 50%. Điều đó có nghĩa rằng có HƠN MỘT NỬA người dùng Internet tại những quốc gia này chơi các trò chơi trên thiết bị di động. Con số này một lần nữa cho thấy tiềm năng của khu vực Đông Nam Á trong lĩnh vực trò chơi trên thiết bị di động.
2. Nghiên cứu về nhân khẩu học về lượng người chơi trò chơi trên thiết bị di động
Sau khi có cái nhìn tổng quát về tiềm năng của thị trường Đông Nam Á, chúng ta sẽ đi sâu hơn về nghiên cứu nhân khẩu học của người chơi tại đây. Từ đó sẽ có cái nhìn chính xác về hành vi người chơi tại khu vực này.
Nhóm tuổi
Nhìn vào biểu đồ có thể thấy, tại Việt Nam, mức độ thâm nhập của nhóm tuổi trên 35 thấp hơn những nhóm tuổi trẻ hơn (16-34). Tại Philippines, nhóm tuổi 45-54 vẫn ưa chuộng các trò chơi trên di động với tỷ lệ khá cao, 62%. 2 quốc gia Indonesia và Thái Lan, trò chơi trên di động có sức hấp dẫn với những người trong nhóm tuổi từ 16 - 44.
Giới tính
Nhắc đến trò chơi điện tử, mọi người sẽ nghĩ nó chỉ dành cho phái nam là chủ yếu. Tuy nhiên biểu đồ ở trên đã chứng minh điều hoàn toàn ngược lại. Cả 4 quốc gia đều sở hữu tỷ lệ nữ giới chơi trò chơi trên di động cao hơn so với nam giới. Trong đó, Philippines và Thái Lan là hai quốc gia có mức chênh lệch cao hơn cả.
3. Thời lượng dành ra cho một lần chơi
Từ những nghiên cứu trên, có thể thấy lượng người chơi tại khu vực Đông Nam Á nói chung và tại 4 quốc gia nói riêng là cực kỳ đông đảo. Vậy mỗi ngày họ dành ra trung bình bao nhiêu thời gian để chơi game?
Nhìn vào thống kê có thể thấy, tại 4 quốc gia thì mỗi lần chơi họ sẽ cần khoảng 1 tiếng. Đây là con số không phải ít, bởi lẽ đây chỉ thống kê trên mỗi lần chơi, có nghĩa một cá nhân có thể có nhiều hơn một lần chơi trong ngày. Trong đó, Philippines là quốc gia có thời gian cho một lần chơi cao nhất (58 phút), theo sau là Thái Lan (56 phút), Indonesia (53 phút) và Việt Nam (51 phút).
Nghiên cứu về hành vi chơi game di động tại 4 quốc gia khu vực Đông Nam Á
Trong phần này, chúng ta sẽ đi sâu vào phân tích từng quốc gia của khu vực Đông Nam Á. Cụ thể, những dữ liệu và thông tin từ phần này sẽ có ích với những nhà phát hành game, họ sẽ biết được hành vi người chơi tại từng quốc gia, từ đó có những thay đổi về nội dung và hình thức quảng cáo để thu hút người chơi. Toàn bộ dữ liệu, thống kê trong phần này được sử dụng để trả lời 5 câu hỏi sau:
- Nếu đưa quảng cáo vào trong ứng dụng trò chơi, các nhà quảng cáo sẽ tiếp cận được đối tượng nào?
- Người chơi sẽ dành ra bao nhiêu thời gian cho mỗi lần chơi của mình?
- Người chơi thường chơi vào khoảng thời gian nào và họ thường chơi thể loại game gì?
- Định dạng, nội dung quảng cáo nào phù hợp với người chơi?
- Làm thế nào để tương tác với người chơi thông qua những quảng cáo đó?
Vì phần số liệu, biểu đồ rất dài nên để tiết kiệm thời gian, MarketingAI sẽ chỉ tổng hợp những kết luận, phân tích rút ra từ những số liệu đó tương ứng với 5 câu hỏi trên. Chi tiết biểu đồ và số liệu sẽ được MarketingAI gửi xuống phía dưới cùng của bài viết.
1. Việt Nam
Sau khi khảo sát và phân tích số liệu, có thể rút ra được những kết luận về hành vi của người chơi tại Việt Nam như sau:
- Người dùng Internet từ độ tuổi 34 trở xuống là nhóm người chơi đông đảo nhất tại quốc gia này, tỷ lệ nam nữ cân bằng. Trong đó, riêng nhóm người trẻ (16 - 24) cực kỳ yêu thích trò chơi trên thiết bị di động.
- Nam giới (56 phút) dành thời gian để chơi game trên di động nhiều hơn nữ giới (45 phút) trong một lần chơi. Thế hệ Millennials dành trung bình 48 phút chơi game trong một lần chơi.
- Tần suất chơi game của nam giới chủ yếu là vài lần một ngày, còn nữ giới là vài lần một tuần.
- Người Việt Nam chủ yếu sử dụng thiết bị di động để chơi game (23%), sau đó là sử dụng mạng xã hội (18%).
- 72% người Việt Nam chơi game trên thiết bị di động, 4% chơi trên máy tính bảng, 23% chơi trên cả 2 thiết bị.
- Người Việt Nam thường chơi game tại nhà vào buổi tối (19h - 22h) với nam giới và khoảng thời gian ăn trưa (12h - 14h) với nữ giới. Trong đó, những thể loại game phổ biến nhất là: Chiến Thuật, Giải đố, Hành Động và Giải trí.
- Dạng quảng cáo mà người chơi Việt Nam đón nhận nhiều nhất là quảng cáo khuyến mãi về một sản phẩm/dịch v mới.
- Nhà phát hành game có thể tương tác với người chơi thông qua việc tặng thưởng khi họ xem quảng cáo của mình, đặc biệt là những quảng cáo dạng Video.
2. Indonesia
Sau khi khảo sát và phân tích số liệu, có thể rút ra được những kết luận về hành vi của người chơi tại Indonesia như sau:
- Tại Indonesia, những người từ 44 tuổi trở xuống đều hứng thú với những trò chơi trên di động (cả nam giới lẫn nữ giới), mức độ thích thú tăng mạnh hơn với nam giới trẻ tuổi.
- Trung bình, nam giới dành 56 phút và nữ giới là 50 phút cho một lần chơi. Và họ đều chơi vài lần trong một ngày.
- Cũng giống như các quốc gia khác, người Indonesia chủ yếu sử dụng thiết bị di động để chơi game (25%) và sử dụng mạng xã hội (17%).
- 71% người Indonesia chơi game trên thiết bị di động, 5% chơi trên máy tính bảng, 24% chơi trên cả 2 thiết bị.
- Họ thường chơi game ở nhà và vào buổi tối (19h - 22h). Những thể loại game phổ biến là: Giải đố, Chiến thuật, Phiêu lưu và Hành động.
- Dạng quảng cáo mà người chơi Indonesia đón nhận nhiều nhất là quảng cáo branding về một sản phẩm/dịch vụ mới cũng như sản phẩm/dịch vụ cũ.
- Nhà phát hành game có thể tương tác với người chơi thông qua việc tặng thưởng khi họ xem quảng cáo của mình, đặc biệt là những quảng cáo dạng Video.
3. Philippines
Sau khi khảo sát và phân tích số liệu, có thể rút ra được những kết luận về hành vi của người chơi tại Philippines như sau:
- Cả nam giới và nữ giới trong độ tuổi từ 54 trở xuống đều thích chơi game trên di động, trong đó nữ giới (đặc biệt là các bà mẹ) và các bạn trẻ là nam giới là những người thích chơi game hơn hẳn.
- Trung bình, nam giới chơi 57 phút chơi game mỗi lần, nữ giới 60 phút. Và tần suất chơi game là vài lần trong một ngày.
- Người Philippines chủ yếu sử dụng thiết bị di động để chơi game (29%), sau đó là sử dụng mạng xã hội (21%).
- 64% người Philippines chơi game trên thiết bị di động, 5% chơi trên máy tính bảng, 31% chơi trên cả 2 thiết bị.
- Họ thường chơi tại nhà và vào buổi tối (19h - 22h), với cả nam giới và nữ giới. Thể loại game phổ biến nhất tại đây là: Giải đố, Chiến thuật, Phiêu lưu và Giải trí.
- Dạng quảng cáo mà người chơi Philippines đón nhận nhiều nhất là quảng cáo Branding về một sản phẩm/dịch vụ mới.
- Nhà phát hành game có thể tương tác với người chơi thông qua việc tặng thưởng khi họ xem quảng cáo của mình, đặc biệt là những quảng cáo dạng Video.
4. Thái Lan
Sau khi khảo sát và phân tích số liệu, có thể rút ra được những kết luận về hành vi của người chơi tại Thái Lan như sau:
- Nam giới và nữ giới từ 44 tuổi trở xuống là nhóm người chơi phổ biến tại Thái Lan, đặc biệt là các bà mẹ có con nhỏ.
- Nữ giới (60 phút) tại đây dành nhiều thời gian cho mỗi lần chơi game hơn nam giới (52 phút). Họ đều chơi vài lần trong một ngày.
- Người Thái Lan chủ yếu sử dụng thiết bị di động để chơi game (30%), sau đó là sử dụng mạng xã hội (20%).
- 58% người Thái Lan chơi game trên thiết bị di động, 2% chơi trên máy tính bảng, 40% chơi trên cả 2 thiết bị.
- Người Thái Lan thường chơi game tại nhà và vào buổi tối (19h - 22h). Tuy nhiên, với đối tượng là các bà mẹ thì họ sẽ thường chơi vào sáng sớm hoặc tối muộn. Thể loại game phổ biến tại quốc gia này là: Giải đố, Hành động, Phiêu lưu và Chiến thuật
- 2 dạng quảng cáo được người chơi tại đây đón nhận là: quảng cáo branding về một sản phẩm/dịch vụ mới cũng như sản phẩm/dịch vụ cũ.
- Nhà phát hành game có thể tương tác với người chơi thông qua việc tặng thưởng khi họ xem quảng cáo của mình. Tuy nhiên, họ chỉ quan tâm đến nội dung của quảng cáo chứ không phải thời lượng tối đa cho phép.
Tuấn Anh - MarketingAI
Theo Decision Lab
Bình luận của bạn