Hiện nay, các phương tiện truyền thông xã hội ngày càng đóng vai trò quan trọng trong đời sống mỗi người Việt Nam. Không chỉ có chức năng giải trí, liên lạc, phương tiện truyền thông xã hội còn là trung tâm thông tin của người Việt Nam. Hiểu một cách đơn giản, bất cứ khi nào người Việt Nam muốn tìm kiếm một thông tin gì, họ sẽ ngay lập tức “cậy nhờ” đến các phương tiện truyền thông xã hội. Hiểu được điều đó, rất nhiều các thương hiệu đã sử dụng các phương tiện truyền thông xã hội để quảng bá sản phẩm của họ. Dịch vụ nghiên cứu thị trường Q&Me đã thực hành một khảo sát để làm rõ được hành vi của người tiêu dùng hiện tại đối với các phương tiện truyền thông xã hội cũng như phản ứng của người tiêu dùng đối với đối với hoạt động tiếp thị của các nhãn hàng. Khảo sát được thực hiện với 860 mẫu trong độ tuổi từ 18-47 vào tháng 5/2019.
Xu hướng và lý do tiêu thụ phương tiện truyền thông
Theo khảo sát, thời lượng truy cập Internet qua điện thoại di động đã tăng từ 27% vào năm 2016 lên đến 42% vào năm 2019. Đây chính là hình thức tiêu thụ phương tiện truyền thông phổ biến nhất, theo sau là truy cập Internet qua PC (30%), TV (20%), và các loại khác (8%).
Vào năm 2016, chỉ có 77% người được hỏi sử dụng điện thoại di động thông minh để truy cập Internet nhưng đến năm 2019 con số này đã tăng lên 92%. Có thể thấy, điện thoại di động đang ngày càng là phương tiện phổ biến để người dân Việt Nam truy cập internet nói chung và các phương tiện truyền thông xã hội nói riêng.
Ngoài ra theo khảo sát, lý do như liên lạc với gia đình, bạn bè và đọc tin tức, sự kiện mới đang là hai lý do chính để người dùng Việt Nam sử dụng các dịch vụ mạng xã hội. Bên cạnh đó, còn một số lý do phổ biến khác như tìm kiếm những tin giải trí, làm quen bạn bè mới, chia sẻ hình ảnh video, chơi game, theo dõi các thương hiệu, theo dõi những người nổi tiếng,....
Mức độ phổ biến của các phương tiện truyền thông xã hội
Zalo và Messenger là hai dịch vụ truyền thông xã hội và trò chuyện phổ biến nhất tại Việt Nam suốt từ năm 2016 cho đến nay. Thậm chí, Zalo đang rút ngắn khoảng cách rất sát với Messenger bằng việc tăng mạnh số lượng người dùng chỉ trong vòng 3 năm. Nhìn vào biểu đồ có thể thấy, từ con số 72% số lượng người dùng vào năm 2016 thì đến tháng 5/2019, số lượng người dùng Zalo đến lên tới 90%, áp sát ứng dụng Messenger. Ngoài ra, trong top 3 xuất hiện một cái tên khá quen thuộc với người dùng trẻ hiện nay, đó là Instagram.
Đối với người dùng Việt Nam thì gia đình và bạn bè vẫn luôn là hai nguồn thông tin đáng tin cậy nhất, được tìm đến nhiều nhất khi thấy một quảng cáo xuất hiện. Theo sau là quảng cáo trên TV (40%), chương trình TV (39%), Youtube (25%) và quảng cáo trên Internet (21%).
Nội dung phổ biến nhất tại Việt Nam hiện nay là những nội dung đi kèm với video. Nội dung có kèm theo những người nổi tiếng và nội dung kèm theo những trò chơi điện tử cũng là những nội dung rất hay được bắt gặp trên các trang mạng xã hội tại Việt Nam.
Khảo sát còn tiếp tục chỉ ra rằng người Việt Nam theo dõi trung bình 35 trang thương hiệu nhưng 65% đã ấn bỏ like bởi những có nội dung không phù hợp. Lý do họ nhấn theo dõi các trang thương hiệu là: nhận những thông tin sản phẩm mới nhất (56%), nhận các thông tin sự kiện (40%), cơ hội nhận được các phiếu mua hàng, phiếu giảm giá (38%), yêu thích thương hiệu (35%), nhận được những thông tin hữu ích (28%), cơ hội chơi trò chơi, rút thăm may mắn (26%), nhận các thông tin từ công ty (23%).
Độ phổ biến của các quảng cáo trực tuyến
Theo thống kê tử biểu đồ có thể thấy, tỷ lệ người ấn vào quảng cáo và mua hàng sau khi xem quảng cáo đều đã tăng nhẹ hơn so với năm 2016. Cụ thể, năm 2016 chỉ có 57% số người ấn vào quảng cáo Facebook thì đến năm 2019, tỷ lệ này đã tăng lên thành 64%. Không những vậy, tỷ lệ người mua hàng sau khi thấy quảng cáo cũng đã tăng lên. từ 41% lên 49% vào năm 2019.
Các kênh trực tuyến phổ biến để xem quảng cáo tại Việt Nam gồm có Facebook và Youtube. Tỷ lệ ấn vào quảng cáo của Youtube và Facebook vào năm 2019 cũng cao hơn năm 2016.
Các loại quảng cáo dễ thu hút sự chú ý nhất là những quảng cáo về sản phẩm dịch vụ phù hợp với sự quan tâm của người dùng và những quảng cáo có nội dung về sự ưu đãi hoặc sự giảm giá. Ngoài ra, một số nội dung quảng cáo cũng khiến khách hàng thích thú có thể kể đến như quảng cáo có nội dung ấn tượng hoặc nội dung hài hước hoặc quảng cáo từ các thương hiệu nổi tiếng. Ngoài việc họ cảm thấy hữu ích, thú vị với những đoạn quảng cáo thì một số người buộc phải xem quảng cáo thì mới có thể xem được nội dung sau đó mà họ muốn.
Những mặt hàng mà người dùng sau khi xem quảng cáo mua nhiều nhất đó là đồ thời trang (53%), mỹ phẩm (36%), đồ ăn và đồ uống (32%), điện thoại và những đồ liên quan đến công nghệ thông tin (31%), sách (29%), đồ gia dụng (22%) và dụng cụ thể dục thể thao (17%).
Phản ứng của người dùng với quảng cáo trực tuyến
Đa số những người dùng các phương tiện truyền thông xã hội cho rằng đang có quá nhiều quảng cáo. Họ cảm thấy khó chịu với điều đó và sẽ gần như ngay lập tức tắt những quảng cáo đó đi. Các quảng cáo Pop-up là những quảng cáo gây khó chịu nhất (những quảng cáo bỗng dưng hiện lên khi họ đang xem các nội dung) (55%), các quảng cáo lặp đi lặp lại (12%), những quảng cáo về các sản phẩm khuyến mãi không nằm trong nhu cầu của họ (6%), quảng cáo với nội dung nhàm chán (4%)
Hơn một nửa người dùng tại Việt Nam khi nhìn thấy những video quảng cáo sẽ nhấn bỏ qua ngay lập tức, trừ khi những video quảng cáo đó có nội dung thú vị. Một số hành động thông thường của người dùng khi nhìn thấy quảng cáo video đó là: họ sẽ xem thời lượng tối thiểu rồi nhấn bỏ qua (40%), họ sẽ xem thời lượng tối thiểu nhưng nếu thấy nội dung hay thì sẽ xem tiếp (29%), họ tắt ngay trình duyệt (14%), có xu hướng xem toàn bộ quảng cáo trừ khi nó quá chán (12%), xem toàn bộ quảng cáo (5%).
Theo thống kê thì có khoảng 63% người sử dụng sẽ nhấn bỏ thích fanpage của những thương hiệu. Lý do được đưa ra nhiều nhất là cảm thấy không còn phù hợp về nội dung nữa (49%). Ngoài ra, một số lý do phổ biến nữa là trang mang quá nhiều yếu tố thương mại (48%), những bài viết có chất lượng thấp (45%), tần suất đăng bài quá thấp (30%).
Nam Trương - MarketingAI
(Theo Q&Me)
Bình luận của bạn