9 chiến lược Promotion giúp các thương hiệu "push-sale" thành công mùa mua sắm cuối năm

26 Thg 11

Cuối năm là khoảng thời gian mà các thương hiệu thi nhau tung ra các chiến lược Promotion siêu hấp dẫn, nhằm khẳng định vị thế thương hiệu trên thị trường, tăng độ nhận diện cho sản phẩm và dịch vụ và gợi ý cách để khách hàng có thể hưởng lợi từ doanh nghiệp.  

Chiến lược Promotion là một phần của bức tranh lớn hơn là chiến lược marketing tổng thể và thường được tận dụng nhiều nhất trong giai đoạn push sale cuối năm khi mức độ cạnh tranh trên thị trường được đẩy lên mức cao nhất. Khi đó, để khiến khách hàng chú ý giữa một rừng các thương hiệu tương tự nhau, các doanh nghiệp cần phải chú trọng vào kỹ thuật quảng bá sản phẩm/ chiến dịch. Trong bài viết này, hãy cùng MarketingAI đi sâu vào tìm hiểu việc xây dựng nên một chiến lược Promotion thích hợp cho mùa push sale cuối năm này cũng như tạo ra khách hàng tiềm năng liên tục trong thời gian dài!

Chiến lược Promotion là gì?

Chiến lược Promotion đề cập đến việc lập kế hoạch chiến lược và các hành động dài hạn cho bất kỳ tổ chức nào với mục đích đạt được các mục tiêu đã xác định.

Các chiến lược này có thể là inbound (tiếp thị kéo) và outbound (tiếp thị đẩy).

Một chiến lược Promotion được xác định bởi kế hoạch và chiến thuật mà doanh nghiệp thực hiện trong kế hoạch marketing tổng, nhằm tăng nhu cầu về sản phẩm và dịch vụ trong những giai đoạn quan trọng, đặc biệt là cuối năm. Các chiến lược Promotion đóng một vai trò quan trọng trong Marketing Mix (Product, Price, Place và Promotion) và chúng xoay quanh 3 điều:

  • Đối tượng mục tiêu: Bạn đang bán hàng cho ai, và sở thích của họ là gì;
  • Ngân sách: Bạn sẵn sàng đầu tư bao nhiêu cho việc quảng bá;
  • Kế hoạch hành động: Bạn đang áp dụng chiến lược nào để đạt được mục tiêu và tạo ra doanh số bán hàng.

Vai trò của chiến lược Promotion trong Marketing?

Các chiến lược Promotion đóng 4 vai trò khác nhau, tựa như một cái phễu dẫn khách hàng đến việc mua hàng:

  • Xây dựng nhận diện thương hiệu

Chính là việc khiến cho đối tượng mục tiêu biết về thương hiệu. Nhưng để xây dựng nó, trước tiên, bạn cần phải xác định chân dung khách hàng mục tiêu, những người mà bạn muốn tiếp cận.

  • Khiến cho mọi người quan tâm

Một khi tung ra một sản phẩm/dịch vụ hay bất kỳ chiến dịch nào ra thị trường, hãy tạo ra sự thảo luận và quan tâm cao xung quanh nó và khiến mọi người bị hấp dẫn và thu hút vào thứ bạn muốn nhấn mạnh. Tất nhiên là phải làm thật khác so với thương hiệu đối thủ cạnh tranh chứ đừng sao chép, đạo nhái, hay làm cho có, làm chung chung. Khán giả sẽ lướt qua ngay từ giây đầu tiên mà thôi!

  • Tạo nhu cầu về sản phẩm/dịch vụ

Trong giai đoạn này, cảm xúc của người dùng đối với sản phẩm/dịch vụ sẽ được nâng lên tầm cao mới. Không chỉ là thích, quan tâm nữa mà sẽ là cần và muốn. Bạn cần phải đẩy mạnh cảm xúc đó lên mức cao nhất (khao khát) bằng cách để họ nhìn thấy điều gì đó có thể mang lại lợi ích cho họ.

  • Khiến họ hành động

Nghĩ ra thật nhiều cách để khán giả mục tiêu chủ động tương tác với sản phẩm/dịch vụ. Đặt nút CTA trên website, email, quảng cáo, các tài khoản chính trên mạng xã hội hoặc lôi kéo họ bằng một lời đề nghị không thể cưỡng lại.

9 giải pháp thúc đẩy chiến lược Promotion cuối năm cho các doanh nghiệp

Hãy cùng xem chiến lược Promotion nào là tốt nhất và hiệu quả nhất trong giai đoạn cuối năm 2020 hiện nay, giúp mang lại khách hàng tiềm năng và biến khán giả thành những khách hàng trung thành.

1. Thúc đẩy lượng truy cập hơn với Content Marketing

Content Marketing là một trong những chiến lược marketing quan trọng đưa thương hiệu đến gần hơn với khán giả. Đó là một hình thức “educate” khách hàng, định nghĩa cho một tình huống mà đôi bên cùng có lợi: Đối tượng mục tiêu học được cách giải quyết vấn đề cụ thể trong khi doanh nghiệp tạo ra được khách hàng tiềm năng và tăng doanh số bán hàng.

Content Marketing không chỉ dừng ở việc viết blog. Nó có mặt ở mọi nơi, từ quảng cáo trả tiền trên nền tảng online (online paid advertising), đến quảng cáo được tài trợ (sponsored ads), website, digital flipbooks, social media,... Tất nhiên, Content Marketing không chỉ là việc làm nội dung. Quá trình đó bắt đầu từ việc lên chiến lược Digital Content vững chắc, tiếp theo là quảng bá, đo lường và tối ưu hóa liên tục. Điều này đòi hỏi sự kiên nhẫn rất cao từ phía các doanh nghiệp.

Một số hình thức digital của content marketing hiện nay mà các doanh nghiệp có thể tham khảo:

  • Blog post: là hình thức khá phổ biến và hiệu quả. Blog post là phương pháp hoàn hảo giúp tăng thứ hạng website và quảng cáo landing page miễn phí.
  • Infographic: một dạng visual content tuyệt vời kết hợp giữa hình ảnh và dữ liệu. Infographic hấp dẫn người dùng bởi những văn bản ngắn, số, dữ liệu và đồ họa trực quan dễ tưởng tượng.
  • Podcast: Con người thật sự rất giỏi làm nhiều việc cùng một lúc. Họ có thể vừa tập thể dục vừa lao động trí óc. Chính vì thế, tạo một kênh podcast cho doanh nghiệp là phương pháp thích hợp để khai thác tối đa lĩnh vực này. Theo Statistics, vào tháng 5/2020, 37% người trưởng thành ở Mỹ đã nghe podcast, con số này đã tăng hơn gấp ba lần trong thập kỷ qua. Mức tiêu thụ podcast hàng tuần cũng tăng mạnh và một số nhà xuất bản podcast hàng đầu thế giới đạt được hàng triệu lượt truyền phát và lượt tải xuống duy nhất mỗi tháng. Đây có thể là một dấu hiệu mà thương hiệu nên đầu tư vào podcast, đẩy mạnh sáng tạo và mở rộng phạm vi các lựa chọn hơn.
  • Video: Ngày nay, online video marketing đang thúc đẩy không ít sự tham gia của người dùng. Nó là phương tiện giúp họ học một cái gì đó nhanh chóng hơn. Thống kê cho thấy, 96% người dùng đã xem các video tutorials để hiểu thêm về sản phẩm/dịch vụ. Bên cạnh đó, video marketing cũng là một phương pháp hiệu quả để thúc đẩy chuyển đổi và cải thiện ROI. Bằng chứng là 87% marketer nói rằng video đã làm tăng lượng traffic vào website của họ. Vì vậy, hãy biến văn bản thành video để truyền đạt nội dung tốt hơn.
  • Quảng cáo trả tiền (Paid ads): Như đã nói ở trên, content marketing ở khắp mọi nơi, ngay cả dưới hình thức quảng cáo trả phí. Nó xuất hiện trên nhiều website, social media, landing page và banner. Quảng cáo trả phí giúp thương hiệu tiếp cận nhiều đối tượng hơn và “set” sản phẩm/dịch vụ ở bất cứ đâu bạn muốn.

Một trong những ví dụ quảng bá tốt nhất về chiến lược content marketing tuyệt vời là chiến lược xúc tiến bán hàng - “promotion-sales” của H&M. Inside H&M là cách họ cung cấp cho khách hàng những thông tin có giá trị về các bộ sưu tập và xu hướng thời trang tập trung vào văn hóa địa phương.

2. Khai thác sức mạnh của mạng xã hội 

Mặc dù đây cũng là một chiến lược nội dung, nhưng vì mạng xã hội là một thị trường quá lớn, nên các doanh nghiệp cần phải có chiến lược riêng trong phần này. Với hơn 3,6 tỷ người sử dụng mạng xã hội trên toàn thế giới hiện nay, social media marketing là một cách chia sẻ nội dung quảng cáo tuyệt vời không thể bỏ qua.

Tất nhiên, không phải doanh nghiệp nào cũng phải tận dụng hết các nền tảng mạng xã hội. Tùy thuộc vào đối tượng muốn nhắm mục tiêu mà các doanh nghiệp có thể lựa chọn một hoặc một vài trong số các mạng xã hội này: Facebook, Instagram, Pinterest, LinkedIn, Snapchat, Youtube hay thậm chí là TikTok.

Trước khi bắt đầu, hãy xem bạn nên đầu tư ngân sách này vào đâu và nên chạy loại quảng cáo nào. Ví dụ, Snapchat hay Facebook, Instagram thì thường hướng tới tệp người dùng trẻ tuổi, mới lạ, trong khi LinkedIn là một nền tảng dành cho các chuyên gia và người đi làm. Ngoài ra, đừng quên rằng YouTube là công cụ tìm kiếm phổ biến thứ hai sau Google, vì vậy không thể bỏ qua nó được.

Điều quan trọng là cách tiếp cận trên các nền tảng khác nhau phải khác nhau. Trên Facebook phải khác trên Instagram và trên Instagram phải khác với TikTok. Sử dụng các bài đăng được nhắm mục tiêu và thực hiện display ads để tối đa hóa chuyển đổi trực tuyến sau khi phân tích chân dung khách hàng.

Hãy xem chiến lược social media marketing của Audi trên mạng xã hội dưới đây. Thoạt nhìn, bạn có thể thấy trang Instagram của họ thật nhàm chán. Nhưng nếu nhìn kỹ hơn, thay vì nói là nhàm chán thì đó chính là sự kiên trì. Audi áp dụng tiêu chíif it’s not broken, don’t fix it.” (nếu nó không sai, thì đừng sửa nó) khi làm marketing trên mạng xã hội. Họ chỉ đơn giản là làm theo những gì họ cho là phù hợp với khán giả. “Đơn giản” nhưng không hề  kém phần hấp dẫn. Những hình ảnh sang trọng được hiện lên qua những chiếc xe hơi đắt tiền dưới ánh sáng chói lòa và đẹp mắt — đã đảm bảo thành công cho tài khoản Instagram với 15,7 triệu người theo dõi.

3. Sử dụng Email Marketing để Thúc đẩy Tương tác và Bán hàng

Có tới 3,9 tỷ người dùng email hàng ngày, con số dự đoán sẽ tăng lên 4,3 tỷ vào năm 2023. Thống kê cũng cho thấy, các chiến dịch email được cá nhân hóa tới từng phân khúc khách hàng đã chứng kiến ​​doanh thu tăng 760%. Đó là những lý do tại sao email marketing vẫn luôn là chiến dịch được ưu tiên trong mọi thời điểm của doanh nghiệp, và tất nhiên không thể thiếu mùa push sale cuối năm.

Một chiến dịch email marketing nên tập trung vào việc xây dựng mối quan hệ với độc giả thay vì gửi thư rác cho họ bằng những email quảng cáo quá mức. Ngoài ra, cần lưu ý một số điều, chẳng hạn như giá trị và thời gian của thông điệp.

Từ danh sách gửi email, đến chất lượng nội dung và việc nhắm mục tiêu theo phân khúc khách hàng, tất cả đều phải được chú trọng. Có nhiều hình thức khác nhau được áp dụng khi gửi email marketing, có thể là gửi newsletter, thông báo ra mắt tính năng, sản phẩm mới, thư mời tham gia sự kiện hoặc tin tức trong ngành. Hãy quan sát ví dụ dưới đây từ Course Hero.

4. Chạy Referral Marketing để thúc đẩy khách hàng hiện tại

Khi nói đến Referral Marketing, các con số sẽ nói cho bạn biết hiệu quả mà nó mang là lớn như thế nào. 92% người dùng sẽ tin tưởng vào lời giới thiệu sản phẩm hoặc dịch vụ từ một người bạn hơn bất kỳ hình thức tiếp thị nào khác.

Quảng cáo truyền miệng, hay còn được gọi là WOM, là một trong những ví dụ có giá trị nhất về chiến lược quảng cáo promotion. Và thật đáng tiếc, khi các chuyên gia cho rằng đây là một trong những phương pháp mạnh nhất hiện có, thì nó cũng là phương pháp khó kiếm nhất.

Có hai loại quảng cáo WOM, hay còn được gọi là marketing truyền miệng (WOMM):

  • Quảng cáo không phải trả tiền: đó là khi khách hàng chủ động giới thiệu sản phẩm/dịch vụ mà không có sự can thiệp của thương hiệu, chỉ đơn giản là họ hài lòng sản phẩm/ dịch vụ đó mà thôi.
  • Thông qua các chương trình giới thiệu và các chiến dịch quảng cáo được thiết kế để khuyến khích hoặc đẩy mạnh WOM trong các cộng đồng khách hàng hiện tại hoặc nhóm khách hàng mới.

Các thương hiệu nên áp dụng song song cả 2 chiến lược này. Khi đã có thể tổ chức nên các chương trình giới thiệu và chiến dịch quảng cáo tuyệt vời thì khán giả cũng sẽ chủ động và tự nhiên hơn trong việc chia sẻ sản phẩm của thương hiệu.

Sức mạnh của Internet hiện nay là không hề coi thường. Tốc độ lan truyền nhanh chóng mặt của tin tức khiến 77% người tiêu dùng tin tưởng các bài đánh giá, review chân thực hơn là các bài quảng cáo. Và khi có tới 4,66 tỷ người dùng hiện nay có khả năng truy cập vào Internet thì việc có thể lan truyền các đánh giá tích cực sẽ vô cùng có lợi với các thương hiệu.

Tất nhiên, đây là một quá trình đòi hỏi rất nhiều thời gian, công sức và sự kiên trì, đặc biệt nếu thương hiệu của bạn mới xuất hiện trên thị trường. Tuy nhiên, có một vài gợi ý mà bạn có thể tham khảo:

  1. Xây dựng chương trình giới thiệu (referral programs) để khách hàng chia sẻ trải nghiệm họ có với thương hiệu và nhận được phần quà xứng đáng. Có thể là voucher giảm giá cho lần mua tiếp theo, thẻ quà tặng hoặc bất cứ thứ gì khiến họ cảm thấy được trân trọng. Xét cho cùng, các kế hoạch promotion sẽ luôn tập trung vào việc cải thiện trải nghiệm của khách hàng.
  2. Xây dựng các group trên mạng xã hội và bắt đầu phát triển một cộng đồng xoay quanh thương hiệu. Sức mạnh của cộng đồng trong thời đại ngày nay là điều không thể bàn cãi. Một cộng đồng khách hàng khi đã hài lòng thì sẽ chủ động quảng cáo về sản phẩm mà thương hiệu không cần phải bỏ ra bất kỳ nỗ lực nào. Để mọi người thoải mái vô tư dành những lời khen có cánh cho doanh nghiệp và trở thành đại sứ thương hiệu trên mạng xã hội là hình thức quảng cáo tự nhiên nhất rồi.
>> Xem thêm: Facebook công bố insights mới về việc sử dụng các cộng đồng online thời COVID-19

Nhưng tất nhiên, trước khi đòi hỏi khách hàng quảng cáo miễn phí cho thương hiệu thì bạn phải đảm bảo rằng mình có thể cung cấp một trải nghiệm khách hàng tuyệt vời từ lúc “bước chân” vào website cho đến khi thanh toán.

Hãy tham khảo cách mà Adidas đã làm trong ví dụ dưới đây. Chiến lược Promotion của thương hiệu này không chỉ đơn giản là phương pháp Referral Marketing thông thường mà còn sử dụng dark social media (các tương tác xã hội không thể đo lường và theo dõi bằng các cách phân tích thông thường, đáng chú ý trong đó là các app tin nhắn và các tin nhắn được tích hợp cùng các mạng xã hội). 

“70% chiến lược Referral Marketing toàn cầu đến từ dark social media, chứ không phải Twitter hay Facebook”,  Florian Alt - Giám đốc cấp cao về Truyền thông thương hiệu toàn cầu của Adidas cho biết. Chính vì thế, năm 2016, Adidas đã khởi động chiến dịch Tango Squads của họ bằng cách như thế. Họ mở ra các nhóm trên các ứng dụng nhắn tin, như WhatsApp và Facebook Messenger và chia sẻ các nội dung độc quyền, các thông báo trước khi ra mắt sản phẩm,... Nguyên tắc của chiến lược này rất đơn giản: kết nối những người ủng hộ thương hiệu lại với nhau, cung cấp cho họ thông tin có giá trị và truyền bá thông tin đó với thế giới.

“Khách hàng sẽ là những người lan tỏa câu chuyện và thúc đẩy nội dung được chia sẻ rộng rãi hơn. Họ mang đến sự chân thực và niềm tin lâu dài trong từng lời giới thiệu cuộc trò chuyện được diễn ra trong không gian nhắn tin riêng tư. Và nếu lời giới thiệu đến từ chồng hoặc vợ của bạn thì những giá trị mà bạn nhận được còn hơn cả những gì thương hiệu nói”, Alt chia sẻ.

5. Sự kiện tài trợ (sponsored events) để cung cấp trải nghiệm cho khách hàng

Giai đoạn cuối năm cũng là quãng thời gian bùng nổ của chuỗi các sự kiện nổi bật. Rất nhiều các thương hiệu đã chờ đợi khoảnh khắc này trong năm để tung ra các sự kiện offline hấp dẫn, tăng nhận diện thương hiệu, thu hút khách hàng mới và đẩy mạnh doanh thu. Tất nhiên, sự xuất hiện của đại dịch COVID-19 đã khiến cho điều này trở nên khó khăn hơn bao giờ hết nhưng không có nghĩa là không thể làm được. Việc Việt Nam đã kiểm soát tốt đại dịch đã tạo điều kiện thuận lợi cho các nhãn hàng có thể tổ chức nên một vài sự kiện quan trọng cuối năm, nhằm cung cấp cho người tham dự thông tin chất lượng, nội dung có giá trị và trải nghiệm khách hàng, thúc đẩy xây dựng mối quan hệ lâu dài.

Những sự kiện tri ân khách hàng là một ví dụ tiêu biểu trong trường hợp này. Bắt đầu bằng việc để đại diện thương hiệu lên thực hiện một bài phát biểu đầy cảm hứng và chia sẻ nó trên mạng xã hội, dán tờ rơi hoặc phát banner digital tại các trung tâm thương mại để thu hút thêm nhiều khách hàng tham gia. Đặc biệt, hãy để những người tham gia thử sản phẩm mới trong sự kiện. Đây không chỉ là cơ hội làm tăng trải nghiệm khách hàng mà còn là lúc bạn nhận được những phản hồi chân thực nhất về sản phẩm.

(Nguồn: FPT)

Các sự kiện như thế này sẽ là nền tảng cho mối quan hệ thương hiệu - khách hàng trung thành. Tất nhiên, không phải những người tham dự sẽ là khách hàng trung thành ngay lúc đó - nhưng nếu những gì bạn mang đến cung cấp đủ giá trị cho người tham gia, thì cuối cùng sẽ có lúc họ thành khách hàng trung thành.

Một số lợi ích khác mà Sponsored event đem lại:

  • Xây dựng danh tiếng
  • Tăng độ phủ cho thương hiệu
  • Thêm các quan hệ đối tác kinh doanh mới
  • Xây dựng cộng đồng

6. Hợp tác với Influencers để đẩy mạnh độ phủ thương hiệu mùa cuối năm

Phương thức Influencer Marketing trong Digital Marketing tạo ra tầm ảnh hưởng giống như marketing truyền miệng trong marketing truyền thống vậy. Thậm chí, nó còn hiệu quả hơn vì các thương hiệu có thể đo lường hiệu suất của chiến dịch đó qua các lượt thảo luận (like, share), mức độ tương tác trên mạng xã hội, lượt giới thiệu, lượt nhấp và lượt chuyển đổi.

89% các marketers khẳng định rằng ROI mà Influencer Marketing đem lại tốt bằng hoặc thậm chí là tốt hơn các chiến lược marketing khác và 71% nói rằng Influencer Marketing mang lại cho họ những khách hàng tiềm năng chất lượng và lưu lượng truy cập tốt hơn.

Các thương hiệu cần lưu ý những điều sau khi hợp tác với các Influencers:

  • Chọn Influencer cẩn thận: phù hợp với ngành và đặc biệt hợp với một lĩnh vực chuyên biệt mà thương hiệu đang nhắm đến.
  • Làm việc với nhiều Influencer: với một chiến dịch lớn thì việc hợp tác với nhiều Influencer cùng một lúc từ Micro-influencer đến Nano-influencer là điều cần thiết
  • Đặt mục tiêu cho chiến dịch: Xác định mục tiêu chiến dịch để biết bạn cần hỏi và mong đợi gì từ Influencer đó. Mục tiêu có thể là thúc đẩy chuyển đổi, tăng phạm vi tiếp cận của thương hiệu, tăng lượng người theo dõi trên mạng xã hội hoặc phổ biến hơn ở các thị trường mới.
  • Cho phép họ sáng tạo và thêm dấu ấn riêng vào chiến dịch quảng bá: Một khi đã chọn họ làm người hợp tác, hãy để họ tạo dấu ấn riêng cho các chiến dịch. Họ sẽ biết đâu là cách tương tác tốt nhất với khán giả của mình để làm sao quảng cáo đó trông không giả tạo hoặc tự đề cao.

3 ý tưởng dễ sử dụng khi làm việc với một Influencer:

  • Cung cấp cho họ mã giảm giá
  • Chạy các cuộc thi, giveaway và quà tặng
  • Gửi sản phẩm và nhờ họ làm clip review

Điều quan trọng khi chạy các chiến dịch Influencer Marketing đó là hãy chọn nền tảng mà khán giả mục tiêu của thương hiệu hoạt động nhiều nhất. Theo Mediakix, 89% marketers cho rằng Instagram rất quan trọng đối với các chiến dịch Influencer Marketing, tiếp đến là Instagram Stories, với 73% và YouTube với 56%.

7. Sử dụng các phiếu giảm giá, voucher, coupons và tặng sample dùng thử miễn phí để tăng doanh số bán hàng

Không có gì ngạc nhiên khi các phiếu giảm giá, voucher khuyến mãi và sản phẩm dùng thử miễn phí luôn có sức hút với khách hàng. Nhưng làm sao để tận dụng, khai thác nó tối đa để đem lại doanh thu tối ưu nhất.

Lời khuyên là hãy nhắm đến mục tiêu dài hạn thay vì ngắn hạn. Ví dụ, tạo chương trình ưu đãi cho các gói đăng ký theo năm thay vì theo tháng - nó sẽ là tiền đề cho một mối quan hệ lâu dài, nghiêm túc hơn giữa thương hiệu và khách hàng.

Bên cạnh đó, các sản phẩm dùng thử miễn phí cũng có một sức cám dỗ cực lớn. Khách hàng sẵn sàng thử cái gì đó miễn phí mà không có bất kỳ ràng buộc nào. Ngược lại, thương hiệu cũng tự tin rằng người dùng thử sản phẩm miễn phí sẽ sẵn sàng trả thêm tiền để được trải nghiệm điều tuyệt vời đó lần nữa. Vì vậy, nó tạo ra một tình huống đôi bên cùng có lợi.

Phương thức marketing này đặc biệt quen thuộc trong các nền tảng phát sóng trực tuyến như Netflix với những dòng quảng cáo “sử dụng miễn phí tháng đầu tiên”, hay “dùng thử 7 ngày miễn phí”,...

(Nguồn: HBO)

Có tác dụng không kém các sample dùng thử và chương trình ưu đãi là các voucher giảm giá, tích điểm, thẻ thành viên,... Nó thôi thúc hành động mua hàng lặp đi lặp lại của khách hàng và là tiền đề tạo ra lòng trung thành thương hiệu.

8. Chiến lược hoàn tiền và giảm giá để duy trì sự hài lòng của khách hàng

Hoàn tiền và giảm giá là một số phương thức marketing kinh điển trong chiến lược quảng bá sản phẩm. Khái niệm đằng sau chúng là khá giống nhau. Tuy nhiên, chúng khác nhau về bản chất và cách thực hiện.

Hoàn tiền là một cách thể hiện đảm bảo với khách hàng rằng chất lượng sản phẩm của bạn luôn tốt. Chiến thuật Promotion này hoạt động giống như Tâm lý học nghịch đảo (reverse psychology). Việc biết rằng có thể lấy lại tiền nếu không hài lòng với sản phẩm sẽ khiến người dùng muốn dùng thử. Tất nhiên, các doanh nghiệp áp dụng loại chiến lược Promotion này hầu hết đều phải tự tin rằng khách hàng sẽ không đòi lại tiền. Vì vậy, trước khi áp dụng loại chiến lược này, hãy đảm bảo rằng bạn đã cung cấp cho khách hàng một sản phẩm/ dịch vụ chất lượng tốt.

Trong khi đó, chiến lược giảm giá lại nhắm đến một mục đích khác đó là sự trở lại của khách hàng. Đối tượng mục tiêu không phải leads mà là khách hàng hiện tại, nhằm đảm bảo lòng trung thành của họ.

Một ví dụ tuyệt vời về chiến lược giảm giá là chính sách promotion-sale của Apple. Cho đến tận ngày nay, Apple vẫn đang tận dụng các chương trình giảm giá để thiết lập mối quan hệ khách hàng lâu dài với một số nhóm đối tượng nhất định. Ví dụ, hằng năm, vào mỗi dịp Promotion cho mùa Back-to-school, Apple sẽ tiếp cận đến sinh viên và thực hiện một trong những phương thức giảm giá trên.

9. Tạo ra các Chương trình Khách hàng Trung thành (Customer Loyalty Programs) để tăng sự hài lòng của khách hàng

Đây là một chiến lược cũ nhưng chưa bao giờ hết hiệu quả. Trên thực tế, các thương hiệu đã luôn thưởng cho khách hàng trung thành của mình ngay cả khi khái niệm này còn chưa tồn tại. Các điểm số tích lũy qua mỗi lần mua hàng hay các chương trình khách hàng thân thiết là ví dụ tiêu biểu cho điều đó. Nó làm cho khách hàng cảm thấy được tôn trọng và quan trọng, tạo ra một liên kết cá nhân đặc biệt với chính thương hiệu.

Hãy nhìn vào hãng hàng không Lufthansa và chương trình Miles & More của họ dưới đây. Đây là chương trình khách hàng thân thiết rộng lớn nhất ở Châu Âu với hơn 20 triệu thành viên trên toàn thế giới. Điểm mấu chốt của chương trình phần thưởng này là bạn bay với họ càng nhiều thì càng có nhiều lợi ích: tiện nghi tốt hơn, giá tốt hơn, chuyển chỗ nhanh hơn và nhiều đặc quyền khác.

Lên một chiến lược Promotion phù hợp với thương hiệu 

Có một sự thật là bạn không thể áp dụng những chiến lược trên cho cùng một chiến dịch Promotion cuối năm của mình. Không thể mù quáng làm theo tất cả các bước và hi vọng rằng nó sẽ đem lại thành công như cách các thương hiệu lớn đã làm. Hãy luôn nhớ tới các yếu tố định vị thương hiệu, chất lượng của sản phẩm, sức mua của thị trường, nền kinh tế, xu hướng, nhu cầu, nội địa hóa, khả năng tiếp cận sản phẩm hoặc dịch vụ và danh mục sản phẩm. Và đừng quên người có ảnh hưởng quan trọng nhất: khán giả mục tiêu.

MarketingAI dành tặng bạn một số mẹo trước khi bắt đầu một chiến lược Promotion hiệu quả:

  1. Đặt mục tiêu quảng cáo rõ ràng  để bạn có cảm giác  chân thực về vị trí công ty đang đứng.
  2. Đặt ngân sách để giúp bạn ưu tiên các hành động của mình.
  3. Xác định đối tượng mục tiêu để biết cách tiếp cận đúng đắn trong các chiến dịch.
  4. Chọn các hình thức khuyến mại hiệu quả nhất và phù hợp với mục tiêu và ngân sách.
  5. Triển khai chiến dịch xoay quanh thông điệp cốt lõi
  6. Thường xuyên đo lường kết quả chiến dịch để xem liệu nó có cần được điều chỉnh hay không.

Kết

Khi lên một chiến dịch Promotion, hãy nghĩ về tính năng giá trị nhất của sản phẩm hoặc dịch vụ và bắt đầu lập kế hoạch từ đó, tập trung vào việc đưa tính năng đó đến với đối tượng mục tiêu bạn hướng tới. Tính cá nhân của thương hiệu sẽ bao hàm những nhu cầu của chiến dịch: áp dụng chiến lược nào, những Social Influencer nào cần liên hệ để hợp tác hoặc loại hình social media marketing nào bạn nên thử. Hy vọng rằng bài viết này sẽ giúp bạn chọn ra các kỹ thuật quảng cáo tốt nhất cho mùa push sale cuối năm và khởi động chúng ngay trong những ngày tới đây, vì chỉ còn vài tháng nữa là kết thúc năm rồi.

Tô Linh - MarketingAI

Theo Bannersnack Blog

>> Có thể bạn quan tâm: Nhận định 4 xu hướng phát triển trong ngành bán lẻ Dược phẩm trên thế giới hiện nay
Đánh giá của bạn

Bình luận của bạn

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bình luận không đăng nhập

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.