82% dân số mắc hội chứng kẻ mạo danh. Bạn có phải là một trong số đó?

09 Thg 02

Theo một nghiên cứu của trường đại học Yale (Mỹ) được công bố vào năm 2019, có tới 82% dân số có thể mắc Impostor syndrome (hội chứng kẻ mạo danh). Phân tích đó cũng chỉ ra rằng hội chứng kẻ mạo danh “dẫn đến hiệu suất công việc kém, thiếu hài lòng trong công việc và tình trạng kiệt sức giữa các nhóm nhân viên khác nhau”.

Impostor syndrome (hội chứng kẻ mạo danh) là gì?

Hội chứng kẻ mạo danh (IS) là cảm giác nghi ngờ bản thân và tin rằng bạn không có năng lực như những gì người khác nghĩ về bạn. Nói tóm lại, bạn liên tục cảm thấy mình không đủ giỏi, kém cỏi, bị bỏ lại phía sau so với những người khác. 

Hội chứng mạo danh khiến bạn luôn cảm thấy mình kém cỏi

Hội chứng mạo danh khiến bạn luôn cảm thấy mình kém cỏi

Hội chứng kẻ mạo danh lần đầu tiên được chính thức công nhận và đặt tên bởi Tiến sĩ Pauline Rose Clance, một giáo sư tâm lý học người Mỹ vào những năm 1970, người đã viết cuốn sách “the impostor phenomenon” (Hiện tượng Kẻ mạo danh). Những người mắc phải hội chứng này cảm thấy rằng họ đang lừa đảo hoặc giả mạo. Họ cho rằng thành công mà họ có là do may mắn hoặc thậm chí là lừa dối, chứ không phải tài năng mà họ thực sự sở hữu.

Phân loại kiểu người thuộc hội chứng kẻ mạo danh

Theo Tiến sĩ Valerie Youn, tác giả của cuốn sách "The Secret Thoughts of Successful Women" (Những suy nghĩ bí mật của người phụ nữ thành đạt), có 5 kiểu người thuộc hội chứng này.

Các kiểu hội chứng kẻ mạo danh

Các kiểu hội chứng kẻ mạo danh

Người cầu toàn

Kiểu người này tập trung vào “làm thế nào” một công việc được thực hiện và họ sẽ cảm thấy thất bại dù chỉ là một lỗi nhỏ nhất.

Chuyên gia

Kiểu người này quan tâm đến lượng kiến thức mà họ biết và cảm thấy như một kẻ thất bại nếu không đủ kiến thức về một lĩnh vực nào đó.

Kẻ độc tấu

Những người độc tấu thường thích làm một mình và quan tâm "ai" là người làm việc đó. Nếu có người giúp đỡ, họ coi đó là dấu hiệu của sự yếu kém và thất bại.

Thiên tài bẩm sinh

Họ đánh giá bản thân thông qua thời gian và sự hiệu quả. Ngay khi mọi thứ bắt đầu trở nên khó khăn và không thể đạt được ngay trong lần thử đầu tiên. họ sẽ bắt đầu nghi ngờ bản thân và cảm thấy rất xấu hổ.

Siêu anh hùng

Thành công của kiểu người này được định nghĩa dựa trên số lượng vai trò mà họ có thể đảm nhiệm. Họ phải là một người cha/người mẹ, đối tác, ông chủ, bạn bè tốt trong mắt những người khác. Họ luôn làm việc lâu hơn và không nghỉ ngơi ngày nào. Nếu không thể hoàn hảo ở bất kỳ vai trò nào, họ sẽ coi bản thân là một kẻ thất bại.

Như bạn có thể thấy, tất cả các kiểu người này đều mong muốn trở trở nên tốt nhất theo một cách nào đó. Họ sẽ bị ám ảnh và liên tục bị đả kích tinh thần nếu không làm đủ tốt.

Điều gì gây ra hội chứng kẻ mạo danh?

Mặc dù không ai xác định được nguyên nhân cụ thể của hội chứng kẻ mạo danh, hầu hết các chuyên gia tin rằng có một số trường hợp hoặc trải nghiệm phổ biến có thể dẫn đến hội chứng kẻ mạo danh.

- Kỳ vọng từ gia đình và giá trị của sự thành công và hoàn hảo trong thời thơ ấu có thể ở lại với một cá nhân trong suốt cuộc đời của họ.

VD trong đời sống: Phụ huynh Châu Á luôn muốn con phải đạt được điểm cao nhất.

Meme về sự kỳ vọng của phụ huynh Châu Á

Meme về sự kỳ vọng của phụ huynh Châu Á

- Kỳ vọng về văn hóa: Các nền văn hóa khác nhau đặt ra các giá trị khác nhau về giáo dục, sự nghiệp và các định nghĩa khác nhau về thành công.

VD trong đời sống: Người Việt Nam quan niệm thành công tương đương với công việc ổn định, có nhà, có xe và có gia đình.

- Một trải nghiệm mới hoặc sự thay đổi mới (ví dụ: thăng chức, sự nghiệp mới,....) gây ra cảm giác lạ lẫm và khó nhìn nhận cảm xúc.

Ví dụ trong Marketing: Bạn mới được thăng chức lên thành Senior Content và bạn nghĩ năng lực của mình không xứng đáng để đảm nhiệm vị trí này dù cho mọi người đều công nhận bạn.

- Những quan niệm không thực tế về việc trở thành người quá xuất sắc hoặc quá cầu toàn.

Ví dụ trong Marketing: Marketing bao gồm nhiều lĩnh vực khác nhau và việc thành thạo tất cả có thể rất khó khăn (nếu không muốn nói là không thể). Fullstack là điều được khuyến khích bởi các công ty tuyển dụng, khiến các cá nhân phải chạy theo và thành thạo tất cả các kênh trong thời gian ngắn.

- Là thiểu số trong một vị trí/tình huống và cảm thấy bị giám sát chặt chẽ (ví dụ: là nữ giám đốc duy nhất tại nơi làm việc).

Ví dụ trong Marketing: Marketer liên tục bị feedback xấu và giám sát liên tục từ người sếp khó tính cũng có thể mắc hội chứng này. Họ cảm thấy bản thân mình kém cỏi và mất niềm tin vào bản thân.

Liên tục bị feedback xấu

Liên tục bị feedback xấu

- Xu hướng so sánh quá mức bản thân với những người xung quanh (đặc biệt khi xung quanh bạn là những người thành công và thành công trở nên bình thường hóa).

Ví dụ trong Marketing:  Marketers luôn cần liên tục cập nhật và không ngừng phát triển. Khi bạn nhìn thấy đồng nghiệp trong ngành chia sẻ những công việc lương nghìn đô. Bạn bắt đầu nghĩ rằng mình không đủ giỏi.

Tác hại của hội chứng kẻ mạo danh

Hội chứng kẻ mạo danh rõ ràng không chỉ dừng lại ở “một chút lo lắng” mà tác hại của nó còn vượt xa hơn. Nếu bạn là Marketer hoặc đang làm trong ngành sáng tạo và mắc phải hội chứng này, bạn có thể gặp phải một số điều sau:

- Xu hướng trì hoãn và cảm thấy tê liệt khi bắt đầu một dự án vì bạn sợ thất bại.

- Từ chối cơ hội việc làm vì bạn sợ thất bại hoặc hoàn thành không tốt.

- Căng thẳng, lo lắng ảnh hưởng tới thể chất, và những hậu quả sức khỏe đi kèm.

- Tiêu tốn quá nhiều năng lượng cho công việc khiến bạn kiệt sức dành cho các lĩnh vực khác trong cuộc sống.

- Thiếu tập trung và động lực để làm việc.

Tuy nhiên, khi biết kiềm chế và “sử dụng” hội chứng kẻ mạo danh đúng cách, nó sẽ giúp bạn thăng tiến trong sự nghiệp và nâng cao trình độ chuyên môn.

Sổ tay “sử dụng” hội chứng kẻ mạo danh

- Năm 1978, Clance khuyên rằng nên viết ra những lời khen mà bạn nhận được (sổ tay biết ơn cũng là một cách), và không thổi phồng chúng. Bất cứ khi nào bạn cảm thấy không chắc chắn về bản thân hoặc tài năng của mình, hãy nhìn lại sổ tay và sẽ khó có thể phủ nhận cách người khác nhìn nhận về bạn.

- Giáo sư Justin Kruger của trường đại học New York khuyên rằng hãy nói chuyện với mentor hoặc những người mà bạn ngưỡng mộ. Thông thường, bạn sẽ thấy rằng những người mà mình ngưỡng mộ nhất cũng sẽ có cùng chung cảm xúc giống bạn, dù cho họ thực sự tài năng.

- Lập danh sách những kiến thức, kỹ năng mà bạn KHÔNG biết hoặc còn yếu. Các chuyên gia tin rằng giải quyết những vấn đề khiến bạn lo lắng sẽ giúp bạn đối mặt và vượt qua hội chứng.

- Đặt mục tiêu của riêng bạn và theo dõi nó. Bằng cách này, bạn đã thiết lập con đường thành công của riêng mình. 

- Hãy tự thưởng cho mình sau mỗi lần hoàn thành mục tiêu, điều này sẽ giúp bạn tránh bị ảnh hưởng bởi thành tích của người khác.

Kết

Hội chứng kẻ mạo danh có thể cản trở bạn hoàn thành công việc. Tuy nhiên, hội chứng này không hẳn là điều xấu, nếu biết cách “lợi dụng”, nó sẽ giúp bạn ngày càng nâng cấp kỹ năng hơn trong việc và đạt được những mục tiêu lớn lao trong cuộc sống. 

Minh Anh - MarketingAI

Đánh giá của bạn

TAGS:

Bình luận của bạn

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bình luận không đăng nhập

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.