Theo thống kê, mỗi ngày Youtube thu về hơn 5 tỷ lượt xem video, con số này ở Facebook là hơn 4 tỷ lượt. Thị trường video ngày càng trở nên rộng lớn với sự tham gia của hàng loạt mạng xã hội tên tuổi khác, trong đó không thể không kể đến TikTok - “mạng xã hội của thế hệ Gen Z”, với hơn 500 triệu người dùng hàng tháng.
Video trở thành công cụ marketing đem lại hiệu quả hàng đầu hiện nay (Nguồn: Guia de marketing)
Không có gì ngạc nhiên khi video đang là công cụ Marketing chiếm lĩnh thị trường với độ phủ sóng mạnh mẽ liên tục phát triển. Khán giả yêu thích nó, muốn chia sẻ nó và đặc biệt là khao khát trở thành một phần của nó. Đây là lúc các doanh nghiệp cần nắm bắt cơ hội, đẩy mạnh hoạt động Video Marketing lên mức tối đa, cho dù mục đích là để công nhận khán giả, gợi ra những phản ứng chân thực nhất, kể một câu chuyện, đơn giản hóa những ý tưởng khó hiểu hay chỉ là giải trí! Bài viết dưới đây của MarketingAI sẽ chỉ ra 5 phương pháp sử dụng video hiệu quả để kết nối với khách hàng!
Có lẽ chính bạn cũng đang cảm nhận được sự gia tăng của video online trên thị trường toàn cầu. Nó đang được coi là xu hướng xây dựng content marketing hot nhất và tạo ra nhiều sự tương tác nhất. Nhưng nó cũng đặt ra vấn đề rằng, có quá nhiều video bị bão hòa trên mạng và điều đó khiến các doanh nghiệp tự hỏi rằng làm thế nào để tối ưu hóa sức mạnh của video, và thực sự tận dụng nó cho việc đẩy mạnh thương hiệu và kết nối với khán giả. Tác giả Lisa Barone của website Search Engine Watch đã chia sẻ 5 cách sử dụng video hiệu quả trong trường hợp này.
1. Để công nhận vai trò của khán giả
Bạn đã bao giờ nghe đến cái tên Vsnap chưa? Đó là một công cụ cho phép doanh nghiệp quay lại các video tin nhắn ngắn để chia sẻ với khách hàng của mình. Vsnap coi những video chụp nhanh này như một cách để chính bản thân có thể tự cảm nhận và mang đến những hành động nhân văn hơn. Điều ấn tượng ở đây là Vsnap thực sự hành động như những gì họ nói.
- Mỗi khi ai đó theo dõi Vsnap trên Twitter, vị Community Manager của Snap là Trish Fontanilla sẽ gửi cho họ một video nhận dạng và gửi lời cảm ơn.
- Khi một trong những thành viên cộng đồng tweet rằng họ đang vừa trải qua một ngày tồi tệ, Trish cũng sẽ gửi tới cho anh ấy/cô ấy một tin nhắn video để cổ vũ.
- Nếu ai đó đang tán gẫu về Vsnap trên Twitter, tất nhiên Trish sẽ tham gia vào cuộc trò chuyện đó và lên tiếng chào khi thấy thích hợp.
Trish Fontanilla thực sự trở nên nổi tiếng trên Internet chỉ bằng cách sử dụng video để kết nối với bạn bè và người dùng của công ty. Những video này có thể chỉ mất khoảng 30-60s để tạo ra, nhưng hiệu quả mà chúng đem lại vô cùng lớn. Nó thể hiện rằng Vsnap rất coi trọng khách hàng của mình.
Việc sử dụng video trong quá trình chăm sóc khách hàng và chỉ đơn giản là nói “cảm ơn” có thể không phù hợp với tất cả các doanh nghiệp, nhưng ít nhất nó sẽ cho bạn biết khi nào nên sử dụng video để truyền tải các thông điệp, mục đích nhân đạo hơn.
Đó có thể là video được chiếu mỗi khi sự kiện kết thúc như một lời cảm ơn chân thành gửi tới khách hàng đã đến tham dự và mong họ luôn giữ liên lạc với bạn. Hoặc đó cũng có thể là một tin nhắn video dành tặng các khách hàng đầu tiên mua hàng. Hay video tặng những ai đã để lại bình luận tích cực và tạo ra hiệu ứng đặc biệt trên blog. Dù là gì đi nữa thì cũng hãy cố gắng truyền tải các thông điệp nhân văn nhất có thể.
2. Khơi gợi cảm xúc
Bạn có thể viết một bài viết dài 10,000 từ về thông điệp sản phẩm hoặc câu chuyện thương hiệu mà bạn muốn truyền tải. Cũng có trích dẫn các số liệu thống kê, chia sẻ những câu chuyện cá nhân và kể lại hàng nghìn lần bạn đã gặp khó khăn như thế nào khi thành lập nên công ty này. Nhưng bạn biết không? Tất cả những điều đó đều không tạo ra tác động mạnh mẽ như một video biết cách kể chuyện.
Kể chuyện bằng video sẽ giúp khách hàng cảm nhận rõ ràng những khó khăn, sự tâm huyết, nhiệt thành mà bạn đã đặt vào sản phẩm và công ty của bạn. Đó chính là sức mạnh của video. Nó kích thích và khơi gợi cảm xúc của khán giả. Nó giúp mọi người cảm nhận và trải nghiệm những điều mà đôi khi ngôn từ trực tiếp sẽ không thể đem lại.
Câu chuyện Hành trình hạnh phúc của Nhà khiến hàng ngàn người xem đồng cảm (Nguồn: The Coffee House Youtube Channel)
Doanh nghiệp hãy thử nghĩ xem, có thông điệp nào bạn đang muốn truyền tải mà có thể đưa vào các video thay vì các phương tiện khác hay không? Thông điệp đó sẽ khơi gợi cảm xúc, tạo tính giải trí và sự hài hước, hay mang lại sự xúc động đều có thể nhờ video!
3. Kể một câu chuyện
Chúng ta đang sống trong thời đại storytelling. Nơi mà khách hàng không chỉ muốn biết bạn đã làm gì mà còn muốn biết bạn đã làm như thế nào, tại sao bạn làm điều đó và ai đã giúp bạn làm điều đó. Họ muốn một câu chuyện. Vậy tại sao ta không kể câu chuyện đó qua video?
- Sử dụng video để giới thiệu công ty và những giá trị cốt lõi của công ty. Chia sẻ những khung cảnh “hậu trường” hài hước và cảm động để thành công kích thích khán giả về mặt thị giác.
- Xây dựng những câu chuyện nhỏ xoay quanh các tính năng chính của sản phẩm/dịch vụ, nhằm tập trung vào các thông điệp chính và nêu bật lợi ích quan trọng của nó.
- Cho khách hàng thấy chiến dịch của thương hiệu đã đi vào cuộc sống như thế nào, làm thế nào để thiết kế ra những nhân vật đó và ý tưởng ấy đến từ đâu bằng cách ghi lại quá trình làm việc của công ty và những đội ngũ đặt nhiều tâm huyết nhất.
Chúng ta đã thấy nhiều công ty sử dụng những video như vậy để kể câu chuyện thương hiệu của họ. Tại sao lại vậy? Bởi vì nó hiệu quả. Tương tự như cách mà các “cảnh quay bổ sung - encore” đã giữ chân mọi người ở lại các buổi chiếu phim lâu hơn. Bởi vì những cảnh phim bổ sung xung quanh thương hiệu luôn giúp thương hiệu trở nên hấp dẫn và thú vị hơn trong mắt khách hàng.
Video kể lại câu chuyện hành trình phát triển của Nhà gây tiếng vang lớn vào năm ngoái (Nguồn: The Coffee House Youtubel Channel)
4. Đơn giản hóa ý tưởng
Không phải lúc nào sự phức tạp và ẩn ý cũng đem lại hiệu quả. Đối với các khách hàng mới tìm hiểu về công ty, những video đơn giản dễ hiểu sẽ giúp họ thực sự hiểu bạn là ai thay vì những video vẽ ra một câu chuyện dài. Không phải là họ không đánh giá cao các video giải thích tính năng và công dụng mà sản phẩm/dịch vụ đem lại, nhưng họ sẽ không thể hiểu hết nếu không biết doanh nghiệp đó thật sự là ai và cho đến khi họ chứng kiến tận mắt sản phẩm đó đem lại hiệu quả.
Đối với những ngành tương đối khó hiểu và phức tạp, như công nghệ chẳng hạn, việc sử dụng video để đơn giản hóa các khái niệm khó có thể tạo ra sự khác biệt lớn trên thị trường.
Ví dụ, có gì khó hiểu hơn ngành chăm sóc sức khỏe? Gần như là không. Đó là lý do tại sao Stay Smart, Stay Healthy sử dụng whiteboards video để giải thích các khái niệm khó và giúp người tiêu dùng nắm bắt chúng dễ dàng hơn.
Video đó tạo ra hiệu quả mà không một lượng chữ viết nào có thể làm được. Nó khiến cho ngành chăm sóc sức khỏe trở nên dễ hiểu hơn đối với người bình thường.
Bằng cách sử dụng video để đơn giản hóa thông điệp/ mục đích của công ty, bạn sẽ giúp mọi người cảm thấy an tâm hơn bởi những gì bạn cung cấp. Họ thực ra không hiểu hết những từ ngữ chuyên biệt mà bạn sử dụng đâu, họ chỉ thấy được lợi ích mà họ sẽ nhận được. Và họ nhìn thấy bạn.
5. Giải trí
Thay vì dồn mọi công sức để tạo ra một video bán hàng, tại sao không tạo ra một thứ gì đó khiến khán giả thích và muốn chia sẻ nó?
Thời gian của người tiêu dùng giờ đây luôn “đắt giá” từng phút giây, nhưng trong một thế giới mà thời gian chú ý ngắn hơn bao giờ hết, việc tạo video giải trí (hoặc ít nhất là mang tính chất giải trí) mà vẫn đảm bảo hiệu quả branding sẽ giúp bạn luôn đứng vững trong tâm trí người dùng và để lại cho một ấn tượng thương hiệu cực kỳ tích cực.
Tại sao video Harlem Dance lại “viral” đến vậy? Bởi vì chúng ngắn, siêu thú vị mà không yêu cầu doanh nghiệp phải đầu tư quá nhiều thời gian.
Kết
Khán giả rất thích video. Họ thích chia sẻ nó và muốn trở thành một phần trong các video đó. Vậy, doanh nghiệp của bạn đã sử dụng video trong các hoạt động Marketing thế nào? Hãy để lại bình luận bên dưới nhé!
Tô Linh - MarketingAI
Theo SearchEngineWatch
>> Có thể bạn quan tâm: 7 bước đưa bạn đến sự thành công trong chiến lược Video Marketing mạng xã hội
Bình luận của bạn