4 lý do khiến bạn đặt tên không phù hợp cho doanh nghiệp

05 Thg 03

Nếu bạn đã từng xem qua bộ film The Social Network đình đám, chắc hẳn bạn sẽ nhớ phân cảnh nhân vật Sean Parker đưa ra lời khuyên cho mọi người trong buổi họp bữa trưa (bao gồm: Mark Zuckerberg, Christy Lee và Eduardo Saverin) rằng tên của doanh nghiệp sẽ chỉ là “Facebook”, thay vì “The Facebook” và nó đã trở thành một trong những đóng góp lớn nhất của Sean. Nếu vẫn giữ cái tên The Facebook thì liệu nó có thể thành công được như Facebook ngày nay? Nhiều người sẽ khẳng định là KHÔNG. Chính từ lời khuyên của Sean đã có tác động mạnh mẽ tới Mark, khiến ông không chỉ thay đổi tên của doanh nghiệp mà định hướng cho toàn bộ nền tảng đến một phong cách tối giản, giống như những gì chúng ta nhận được ở Facebook ngày hôm nay. Đó là chưa kể, rất nhiều nền tảng mạng xã hội lớn ngày nay cũng đều “học tập” theo Facebook về cách đặt tên, điển hình là YouTube, Twitter, Twitch, Instagram,.. Tất cả đều chung một đặc điểm là ngắn gọn, chỉ với một từ duy nhất. Giống như Facebook, những cái tên này đều đã ăn sâu vào tâm trí người dùng và nó sẽ còn được nhớ mãi sau này.

(Nguồn: VietNamBiz)

Dĩ nhiên, không có một khuôn mẫu nào phù hợp cho tất cả trong việc đặt tên cho doanh nghiệp. Có thể cách đặt tên phù hợp cho các ứng dụng mạng xã hội lại không sử dụng được cho doanh nghiệp của bạn. Tuy nhiên, dù bất kể doanh nghiệp của bạn hoạt động trong ngành nào, việc đặt tên cho doanh nghiệp có thể ảnh hưởng rất nhiều đến sự thành công của nó. Trong bài viết này, cùng MarketingAI tìm hiểu và phân tích những yếu tố tạo nên một cái tên doanh nghiệp, từ đó bạn có thể tránh được những lỗi này trong quá trình suy nghĩ và đặt tên cho doanh nghiệp của mình, hoặc tái định vị thương hiệu.

“The Facebook” và những cái tên tương tự

Quyết định thay đổi tên của Mark Zuckerberg là minh chứng cho mình chỉ với một chút thay đổi (Bỏ chữ The) có thể tạo ra ảnh hưởng rất lớn tới việc Branding và chiến lược sau này. Tuy nhiên, Facebook không phải doanh nghiệp duy nhất có sự thay đổi trong tên của mình. Thực tế, có rất nhiều doanh nghiệp phổ biến hiện nay đều đã từng trải qua sự đổi tên hoàn toàn hoặc tái định vị thương hiệu.

(Nguồn: GenK)

Google - một trong những công cụ tìm kiếm phổ biến nhất trên thế giới đã từng có cái tên rất khác trong những giai đoạn đầu. Ban đầu, tên của công cụ này có tên là BackRub, gợi nhắc tới cách các công cụ này phân tích backlinks. Sau đó cái tên đã được rút gọn lại và Google được đăng ký bản quyền vào ngày 15 tháng 9 năm 1997.

Vào ngày 6 tháng 7 năm 2006, ''Google'' đã trở thành một động từ mới trong từ điển tiếng Anh. Công ty xuất bản Merriam-Webster tuyên bố họ đã thêm Google dưới dạng động từ chuyển tiếp, nghĩa là "sử dụng công cụ tìm kiếm Google để lấy thông tin về một thứ gì đó trên World Wide Web."

Định hình được ngôn ngữ là mục tiêu thực sự của các thương hiệu.

Hãy xem xét tiếp một ví dụ khác, liệu bạn sẽ lựa chọn sản phẩm thức uống có ga thử một thương hiệu tên Brad’s Drink chứ? Có lẽ là không, tuy nhiên hầu hết chúng ta đều đã từng biết hoặc thử một lần Pepsi trong đời. Bạn có tin được không, chúng là hai thức uống giống hệt nhau. Vào năm 1893, Caleb Bradham đã phát triển được một công thức đồ uống độc đáo sau khi pha chế một loại hạt cola với các gia vị. Tự hào về việc phát minh ra một loại đồ uống độc đáo mà ông tin đây sẽ là một thức uống có lợi cho sức khỏe, thay thế cho cola. Caleb đã đặt tên cho công thức này là Brad’s Drink theo tên của mình. 5 năm sau đấy, Brad’s Drink đã đổi tên thành Pepsi-Cola, theo tên một enzyme hỗ trợ tiêu hóa là Pepsin. Thương hiệu này sau đó đã rút gọn lại thành Pepsi vào năm 1961 - cái tên mà theo nhiều người nhận định là mang lại cảm giác “tươi mát” hơn hẳn.

(Nguồn: Rewind & Capture)

Một ví dụ khác là Dunkin’s Donuts với quyết định tái định vị thương hiệu sau 68 năm với cái tên y hệt. Ban đầu thương hiệu này có tên Open Kettle, bởi người sáng lập là William Rosenberg từng phục vụ những chiếc bánh donut với những tách cà phê thượng hạng. Sau một thời gian bàn luận với các quản lý khác, William quyết định đổi tên cho nhà hàng của mình thành Dunkin’s Donuts vào năm 1950. 

Vào năm 2018, doanh nghiệp tuyên bố rút gọn tên thành Dunkin’. Thay đổi tên là một trong nhiều bước để biến mình thành thương hiệu hàng đầu về đồ uống. Giám đốc Marketing của Dunkin’s Mỹ - ông Tony Weisman từng giải thích rằng cái tên “Dunkin” ngắn hơn, đơn giản hơn, là một phiên bản hiện đại hơn mà chúng tôi đã luôn muốn trở thành. Thông qua việc cắt bỏ cái tên “Donuts”, thương hiệu đã tái định vị khi tập trung hơn vào mảng đồ uống, đây cũng là mảng mang lại biên lợi nhuận cao hơn cho doanh nghiệp so với bánh donut.

Những thương hiệu này đều nhận thấy tên trước đó đều giới hạn sự phát triển, từ đó họ đã thay đổi để tìm đến sự làm mới thương hiệu.

Điều gì khiến cho tên của doanh nghiệp trở nên không phù hợp?

Để xác định được chính xác thế nào một cái tên “xấu” hoặc không phù hợp cũng phức tạp như việc trả lời cho câu hỏi thế nào là một cái tên “hay” với doanh nghiệp. Những cái tên, giống như bao ngôn từ khác thì nó phụ thuộc rất nhiều vào cảm nhận của mỗi người, không ai giống ai. Mỗi khi brainstorm thường sẽ có cảm giác rằng những cái tên “hay” đều đã được chọn hết rồi. Suy cho cùng, có tới 627,000 doanh nghiệp mới được hình thành mỗi năm. Điều này vô hình chung khiến cho việc đặt tên doanh nghiệp trở thành một cuộc đua căng thẳng, thậm chí có phần bất khả thi. Khi đặt tên, phải thật thận trọng với những yếu tố có thể khiến bạn chọn một cái tên có thể khiến bạn hối hận sau này. Dưới đây là 4 lý do có thể khiến bạn đặt tên “xấu” cho doanh nghiệp của mình.

1. Không lồng ghép giọng điệu vào trong đó

Trước khi tiến vào việc brainstorm ý tưởng, hãy chắc chắn rằng bạn đã tìm được giọng điệu phù hợp cho thương hiệu của mình, cũng như phù hợp với ngành mà bạn đang hoạt động. Có năm giọng điệu khác nhau cho doanh nghiệp tham khảo, đó là:

  • Hiện đại
  • Cổ điện
  • Vui tươi
  • Thực dụng
  • Cảm động

Ngay cả Google cũng nhận ra được điều này cho cái tên đầu tiên của mình, họ nhận ra rằng giọng điệu vui tươi sẽ không phù hợp với ngành công nghệ trong thời điểm ấy. Tuy nhiên, bạn vẫn có thể không tuân theo một quy tắc này và vượt ra khỏi chúng, lựa chọn một giọng điệu khác biệt hoàn toàn và trở nên nổi bật so với đối thủ.

Hãy nhìn vào Apple làm ví dụ, họ lựa chọn một đồ vật cụ thể (một loại trái cây) cho tên thương hiệu của mình, trong khi toàn bộ các đối thủ cùng ngành đều sử dụng những thuật ngữ chuyên ngành, tập trung vào công nghệ. Nếu bạn quyết định sẽ đi ngược lại với tiêu chuẩn, chắc chắn rằng toàn bộ việc Branding hay chiến lược Marketing sau này phải hỗ trợ mạnh mẽ cho định hướng này.

2. Luôn tin vào nhận định: Ngắn hơn sẽ tốt hơn

Có một quan niệm sai lầm phổ biến rằng một tên thương hiệu thành công nên ngắn gọn. Điều này hoàn toàn không phải vậy. Thực tế, nếu quyết định một cái tên ngắn cho thương hiệu thường đi kèm là chi phí đắt đỏ, đặc biệt là trong việc đảm bảo các tên miền và xử lý trên mạng xã hội. Hãy nhìn ví dụ sau, trang web đầu tiên của Uber có tên: UberTaxi.com. Trong năm 2010, Uber đã mua lại tên miền: Uber.com từ phía chủ của nó là Universal Music Group. Dù mới là doanh nghiệp non trẻ, startup này đã sử dụng vốn chủ sở hữu để mua tên miền. Universal Music Group đã bán lại cổ phiếu của họ cho Uber với giá khoảng 1 triệu đô la. Bốn năm sau, giá trị của Uber được báo cáo là 17 tỷ đô la. Ngoài ra, nếu bạn thấy rằng một doanh nghiệp tương tự đã sử dụng tên đó hoặc có tên tương tự, bạn có nguy cơ gây nhầm lẫn cho khách hàng hoặc có thể gặp phải vấn đề liên quan tới đăng ký bản quyền thương hiệu. Trước khi quyết định một tên ngắn hơn, hãy chắc chắn rằng mình đã tiến hành việc nghiên cứu và tìm hiểu thị trường kĩ càng.

3. Nó quá phức tạp

Khi đặt tên cho doanh nghiệp, chúng ta luôn khuyến khích việc sáng tạo ra khỏi khuôn khổ. Thực tế, những cái tên mà chứa đựng trong đó ý nghĩa hoặc câu chuyện đằng sau cho phép thương hiệu kết nối với khách hàng của mình, cũng như kích thích sự kết nối này. Tuy nhiên, nếu cái tên đó quá phức tạp thì nó lại là một vấn đề. Một cái tên “tốt” thường nó cần phải dễ đánh vần, dễ nghe và phát âm. Một cái tên quá phức tạp sẽ gây khó khăn cho khách hàng trong việc tìm kiếm bạn trên Internet, chưa kể đến việc ghi nhớ cái tên đó hay giới thiệu chúng đến người xung quanh. Trong một báo cáo bởi Prezi, 80% khách hàng sẽ quên đi nội dung từ phía thương hiệu chỉ 3 ngày sau đó. Sở dĩ xảy ra điều này là vì khách hàng cho rằng hiện nay có quá nhiều nội dung phải tiếp nhận mỗi ngày. Chính vì vậy mà những cái tên đơn giản, dễ nhớ sẽ là thứ giúp doanh nghiệp ghi điểm trong tâm trí của khách hàng.

4. Quyết định một cái tên quá sớm

Dĩ nhiên ai chả yêu thành quả của mình, nhất là sau khi “vắt óc” suy nghĩ ra được một cái tên ưng ý. Tuy nhiên đây cũng là vấn đề cần lưu ý, bởi lẽ có thể cái tên đó chưa phải là cái tên phù hợp nhất với doanh nghiệp như bạn nghĩ. Trong nhiều trường hợp, chúng ta thường có xu hướng nghiêng về những giả định, mối quan hệ hoặc thiên vị cá nhân. Lấy ví dụ, vào mùa hè năm 2019 vừa rồi, Kim Kardashian West phải thay đổi lại tên cho thương hiệu đồ lót của mình từ Kimono thành Skims sau những cáo buộc liên quan tới vi phạm thuần phong mỹ tục vì những bộ kimono được coi là một phần đặc trưng văn hóa của người Nhật. Đây chính là hậu quả của việc lựa chọn những cái tên thương hiệu chưa được kiểm tra kỹ càng.

(Nguồn: Cosmopolitan)

Chính vì vậy mà sau khi Brainstorm, điều quan trọng cần làm tiếp theo chính là thử nghiệm trên khách hàng. Việc này sẽ cung cấp cho bạn rất nhiều Insight giá trị, giúp bạn biết được liệu cái tên sắp sửa đặt cho doanh nghiệp có thực sự hấp dẫn với thị trường bạn đang nhắm tới hay không. Để thực hiện việc thử nghiệm, hãy cân nhắc các phương thức như tung khảo sát trên các diễn đàn, nhóm hội Facebook, các dịch vụ khảo sát khách hàng để thu thập các ý kiến về ý tưởng tên cho doanh nghiệp của bạn. 

>> Xem thêm: Portfolio là gì? Tổng hợp portfolio mẫu truyền cảm hứng cho bạn

Tạm kết

Hãy ghi nhớ rằng, cái tên sẽ chính là nền móng cho thương hiệu của bạn. Danh tính thương hiệu của bạn có thể sẽ được quyết định chỉ bởi một hoặc vài từ. Tên thương hiệu chính là nền tảng cho tính cách thương hiệu của bạn, do đó bạn phải tìm ra một cái tên phản ánh chính xác hình ảnh của doanh nghiệp. Qua bài viết này, chắc hẳn bạn đã hiểu được những lý do, nguyên nhân dẫn đến việc đặt ra một cái tên “xấu” cho doanh nghiệp, gây ảnh hưởng đến hình ảnh và tệ hơn là kết quả kinh doanh của doanh nghiệp.

Tuấn Anh - MarketingAI

Theo Blog Hubspot

Đánh giá của bạn

Bình luận của bạn

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bình luận không đăng nhập

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.