Thông thường những yếu tố nội dung đi kèm với hình ảnh, video hay phim vừa mang tính giải trí vừa để lại bài học quý giá đều có tác động tích cực và nhanh chóng để con người tiếp nhận.
Bạn không thể ngờ rằng 4 bộ phim sau có thể đem lại những bài học Marketing quý giá và thực tế hơn cả Philip Kotler. Góc nhìn quyết định tất cả, hãy thử nhìn mọi thứ dưới góc độ của một Marketer và bạn sẽ nhận ra Marketing chính là cuộc sống xung quanh mình.
1. The Wolf of Wall Street (2013)
Bộ phim dựa trên câu chuyện có thật về cuộc đời của Jordan Belfort, một tay buôn bán cổ phiếu khét tiếng trên sàn chứng khoán phố Wall, người đã kiếm được hàng tỷ USD bằng việc lừa gạt khách hàng và đốt sạch số tiền vào những thói chơi xa xỉ như mua xế hộp, du thuyền, gái và chất gây nghiện. Năm 1998, ông bị bỏ tù vì tội gian lận tài chính và rửa tiền. Nhờ hợp tác với Cục Điều tra liên bang Mỹ (FBI), ông đã ra khỏi tù chỉ sau 2 năm, trở lại cuộc đời lương thiện.
Tuy rằng, Belfort không thành công vì đã không đặt khách hàng lên đầu tiên. Nhưng về khía cạnh Marketing, chúng ta có thể học được 3 điều từ lão “sói già” này:
- Xác định tập khách hàng lý tưởng và chuyên môn hóa: Công ty của Belfort không những bán cổ phiếu mà còn bán cổ phiếu mệnh giá thấp (penny stocks) cho những người có tiền. Ông ta nhận ra đây là thị trường tiềm năng mà chưa ai khám phá và đã tự tạo ra cho mình một “đại dương xanh”, nơi mà ông ta làm chủ thị trường và kiếm cả một gia tài.
- Tạo ra một hệ thống: Khi mới thành lập, những nhân viên sales của Belfort không hề biết cách nói chuyện với khách hàng. Chính vì thế, ông đã viết lên một kịch bản, hệ thống tư duy mỗi khi đi gặp doanh nghiệp, người giàu có cho nhân viên mình. Từ đó, hệ thống được phát triển và củng cố nhiều lần để giúp mỗi nhân viên đều có thể mang lại lợi nhuận cho công ty
- Xoa dịu nỗi đau cho khách hàng: Trong Marketing, chúng ta có cụm từ “starving crowd” - là nhóm khách hàng đang tuyệt vọng để tìm giải pháp cho bản thân. Belfort luôn hỏi khách hàng rằng “Điều gì làm bạn đau đầu nhất?”. Đây chính là cách ông tìm được nỗi đau, sự tuyệt vọng đang ẩn giấu trong mỗi con người và từ đó, đánh sâu vào tiềm thức của khách hàng để họ không có cách gì khác ngoài việc mua sản phẩm của ông.
2. The Joneses (2009)
"The Joneses" là một bộ phim bình luận xã hội đối với xã hội chủ nghĩa tiêu thụ. Gia đình nhà Jones luôn bị những người ở khu McMansions ganh tị vì họ được cho là gia đình hoàn hảo. Cô vợ Kate Jones là một “trend setter” - đẹp, sexy, ăn mặc từ đầu đến chân trong nhãn hiệu thiết kế. Anh chồng Steve Jones là doanh nhân thành đạt, được ngưỡng mộ vì là người có tất cả: một người vợ tuyệt đẹp, căn nhà lớn và một nguồn cung cấp vô tận của đồ chơi công nghệ cao. Hai người con Jenn và Mick thống trị trường mà chúng đang học bằng cách thể hiện ra độ “ngầu”. Nhưng khi những người hàng xóm cố gắng đua đòi với gia đình này, họ không hề nhận ra sự thật đằng sau gia đình quá hoàn hảo này là họ những Marketers, Salesman chuyên nghiệp. Vậy đâu là yếu tố khiến những người hàng xóm này trở nên mê muội?
- Chiến lược “stealth marketing”: Nhà Jones đã thâm nhập vào khu McMansions, trở nên nổi tiếng và cực kỳ thân thiện, đáng tin trong mắt những người dân. Từ đó, họ có thể triển khai chiến lược bán hàng có 1-0-2 của họ từ niềm tin và sự ham muốn của người dân.
- Trở nên quyến rũ trong mắt khách hàng: Khi vừa chuyển đến, gia đình nhà Jones luôn trong tình trạng cập nhật đồ mới và hiện đại nhất. Điều này đã khiến khu dân cư không những ngưỡng mộ mà còn ghen tị, vì vậy, họ quyết định phải mua bằng được để cho bằng vai phải lứa với nhà Jones.
- Giải quyết “nỗi buồn” cho khách hàng: Khi ông hàng xóm Larry bị vợ lạnh nhạt, Steve Jones đã nhìn thấy được nỗi buồn của ông và khuyên bảo ông hãy tặng cho vợ mình những món đồ trang sức quý giá, những vật phẩm đắt tiền để mua lại được tình yêu của vợ mình. Chúng ta có thể thấy dường như, Steve đã biết đánh vào những cảm xúc yếu đuối nhất của con người
- Tận dụng Instant Gratification (sự thỏa mãn nhất thời) để marketing hiệu quả
- 7 Bài Học Từ Steve Jobs Mà Mọi Marketer Cần Phải Học
3. Moneyball (2011)
Moneyball dựa trên cuốn sách "Moneyball: Nghệ thuật để chiến thắng trong một trò chơi không công bằng" của Michael Lewis xuất bản năm 2003. Phim xoay quanh Billy Beane, giám đốc điều hành câu lạc bộ Oakland Athletics, trong công cuộc chèo lái đội bóng của mình để cạnh tranh chức vô địch giải bóng chày nhà nghề Mỹ (MLB). Đây là một câu chuyện có thật về nỗ lực giải cứu Oakland A’s thoát khỏi khủng hoảng sau khi các trụ cột lần lượt rời bỏ đội bóng để theo tiếng gọi của những bản hợp đồng béo bở từ các đối thủ khác… Thời điểm đó, một loạt quyết định bị coi là điên rồ của Billy Beane đã đưa Oakland từ một đội bóng lót đường trở thành đối thủ khiến ngay cả những ông lớn của làng bóng chày Mỹ phải dè chừng. Billy Beane có một nguyên tắc là không bao giờ xem Oakland thi đấu trên sân, mà chỉ nghe kết quả thông báo quá sóng radio.
Marketers có thể rút ra được khá nhiều bài học hay ho từ nhân vật chính Billy Beane:
- Đừng ngại thay đổi. Marketing là chạy đua với thời đại, và nếu không thay đổi, bạn sẽ không thể tạo nên những cú đột phá như Beane đã từng làm.
- Đừng bao giờ đánh giá thấp dữ liệu và những con số, không chỉ là số liệu của mình mà cả số liệu của đối thủ. Khả năng phân tích dữ liệu chính là chìa khóa đưa đến thành công.
- Ngân sách không quyết định quá lớn đến sự thành bại của một chiến dịch Marketing. Đôi khi một khoản tiền nhỏ nhưng được sử dụng hợp lý và hiệu quả sẽ mang về kết quả ngoài mong đợi.
4. Thank you for Smoking (2005)
Phải nói trước rằng đây không phải là một bộ phim cổ xúy cho việc hút thuốc như nhiều người vẫn lầm tưởng. Câu chuyện hài châm biếm xoay quanh Nick Naylor, người đại diện và phát ngôn viên, chịu trách nhiệm cho các chiến dịch hành lang của một công ty thuốc lá. Dĩ nhiên Nick và công ty của mình luôn muốn bán càng nhiều người hút thuốc và mua sản phẩm của họ càng tốt, nhưng đó không phải là điều dễ dàng. Và không còn cách nào khác, Nick buộc phải vận dụng miệng lưỡi của mình để hoàn thành tốt vai trò người đại diện cho khói thuốc. Thậm chí trong bài phát biểu ở trường của con trai, Nick còn cố thuyết phục trẻ em rằng việc hút thuốc không xấu xa như thế. Nghe đến đây, nhiều người sẽ bĩu môi và xếp bộ phim vào một xó. Nhưng điều kì lạ là xuyên suốt bộ phim, cảm xúc bao trùm người xem chính là sự cảm thông cho nhân vật chính.
Bộ phim không dạy chúng ta rằng hút thuốc là tốt, nó đem lại cho marketers một insight rất đắt về sự mong manh của ý chí con người. Con người luôn muốn được thuyết phục. Họ muốn tin những điều người khác nói. Tất cả mọi thứ trên đời đều có thể là đối tượng của marketing, và đó là lý tại sao marketing có thể thay đổi hành vi khách hàng. Yếu tố quan trọng nhất chưa hẳn là sản phẩm, mà chính là sự thấu hiểu và con đường đi đến tâm trí khách hàng.
Hà Nguyễn / https://marketingai.vn/
Nguồn: tomorrowmarketer
Bình luận của bạn