1. Chọn hình đại diện và đặt ảnh bìa chuyên nghiệp
Hình đại diện là điều đầu tiên thu hút người dùng nhấn vào profile của bạn trên bất cứ nền tảng mạng xã hội, không riêng gì LinkedIn. Theo chia sẻ của Jane Deehan, Senior Content Marketing Manager tại LinkedIn: "Hình đại diện nên là ảnh mới nhất với tỷ lệ khuôn mặt chiếm khoảng 60%. Ảnh đại diện nên phản ánh hình dáng thực tế bên ngoài, giúp người xem dễ nhận diện bạn hơn".
Bên cạnh hình đại diện, ảnh bìa cũng đóng vai trò quan trọng trong việc giới thiệu bản thân. Đây có thể là một ảnh cá nhân hoặc một bức tranh phong cảnh, thể hiện phần nào về tính cách của người dùng. Ví dụ, nếu bạn là một Freelancer, việc sử dụng ảnh bìa là hình ảnh chăm chỉ làm việc tại văn phòng có thể tạo ra ấn tượng tích cực và thể hiện sự chuyên nghiệp.
2. Tạo thu hút ngay từ tiêu đề và phần giới thiệu
Tiêu đề thường được sử dụng để miêu tả chức danh công việc, tuy nhiên, người dùng có thể thêm nhiều nội dung khác như mục tiêu đã hoàn thành trong năm, ý nghĩa công việc bạn đang theo đuổi… để tạo dấu ấn cá nhân riêng.
Ngoài ra, phần giới thiệu cũng đóng vai trò quan trọng. Đây là nơi mà bạn có cơ hội chia sẻ câu chuyện nghề nghiệp: Kể về các thành tựu, kỹ năng chính và định hướng nghiệp của bạn trong lĩnh vực này để làm nổi bật điểm mạnh của cá nhân. Tuy nhiên, nếu có thể, bạn có thể đầu tư thời gian để chia sẻ thêm vài dòng về những lý do khiến bạn theo đuổi công việc này, bạn thấy thích điều gì ở ngành này... Hãy bắt đầu bằng một câu chuyện thú vị để khơi gợi sự tò mò của nhà tuyển dụng thay vì chỉ kể về các kỹ năng chuyên môn, thành tích đã đạt được.
3. Chứng minh trình độ học vấn và các kỹ năng thông qua các chứng chỉ, giấy xác nhận
Bằng cấp và chứng chỉ không chỉ chứng minh trình độ học vấn mà còn là cách thể hiện sự chuyên nghiệp và cam kết đối với quá trình phát triển nghề nghiệp. Đối với một số ngành nghề cụ thể, những chứng chỉ cụ thể và liên quan như chứng chỉ kỹ năng kỹ thuật, chứng chỉ ngôn ngữ, hoặc chứng chỉ quản lý dự án có thể mang lại lợi thế cạnh tranh.
4. Nổi bật các kỹ năng chuyên môn
LinkedIn cho phép người dùng dễ dàng thêm vào các kỹ năng phù hợp với kinh nghiệm và chuyên môn. Tuy nhiên, bạn cũng cần cân nhắc nên thêm kỹ năng nào, tránh trường hợp chọn quá nhiều làm loãng hồ sơ. Tính năng này của LinkedIn chính là cơ hội giúp người dùng khiến mình trở nên nổi bật so với hàng trăm triệu hồ sơ khác.
5. Mở rộng mạng lưới kết nối
Để tối ưu hóa cơ hội tìm việc trên LinkedIn, việc liên hệ với đồng nghiệp, giáo viên hoặc chuyên gia để nhờ họ kết nối và đề xuất cho bạn là một bước quan trọng. Điều này không chỉ làm tăng độ tin cậy và uy tín của bạn, mà còn giúp bạn mở rộng mạng lưới kết nối với những người có sự uy tín trong ngành.
Tuy nhiên, việc xây dựng mạng lưới kết nối cần được thực hiện một cách có chủ đích. Mở rộng kết nối đến những tài khoản có cùng mục tiêu nghề nghiệp và sở thích sẽ giúp giữ cho hồ sơ của bạn tập trung và có ý nghĩa hơn. Điều này không chỉ làm tăng khả năng tiếp cận với các công việc uy tín mà còn giúp nhà tuyển dụng đánh giá cao về khả năng kết nối và giao tiếp của bạn trong ngành.
6. Chia sẻ nội dung liên quan đến lĩnh vực chuyên môn
Để thành công trong việc tìm kiếm việc làm, việc trau dồi kiến thức và kỹ năng là quan trọng. Bạn có thể chia sẻ suy nghĩ của bản thân hoặc của những người có ảnh hưởng trong ngành để thể hiện quan điểm và kiến thức chuyên sâu. Nếu nhà tuyển dụng hoặc người trong ngành thấy những chia sẻ này, họ có thể quan tâm và tiếp tục quay lại trang hồ sơ của bạn.
7. Thường xuyên hoạt động và đăng nội dung mới
Bằng cách thường xuyên cập nhật và chia sẻ bài đăng mới, bạn không chỉ thể hiện sự chủ động và tích cực trong việc xây dựng hồ sơ cá nhân mà còn tăng cơ hội tiếp cận với người xem và nhà tuyển dụng. Ngoài ra, quan tâm và tương tác với những tài khoản mà bạn theo dõi giúp bạn xây dựng mối quan hệ chặt chẽ với cộng đồng chuyên ngành.
Bên cạnh việc chia sẻ nội dung của bản thân, việc chia sẻ lại những tác phẩm hay của những người trong ngành cũng là một cách tốt để thể hiện sự quan tâm đến các kiến thức, kỹ năng chuyên sâu.
8. Đồng bộ hoá với tài khoản email
Đồng bộ hoá hồ sơ với địa chỉ email nhằm tối ưu hóa trải nghiệm trên LinkedIn. Điều này không chỉ làm cho tài khoản của bạn trông chuyên nghiệp hơn mà còn tăng độ chính xác của thông tin cá nhân trên nền tảng. Ngoài ra, người dùng cũng nên kiểm tra tất cả các kết nối để kiểm soát danh sách người liên hệ.
9. Đặt hồ sơ ở chế độ công khai
Đặt hồ sơ ở chế độ công khai sẽ giúp các nhà tuyển dụng và những người trong ngành dễ dàng tìm thấy và theo dõi hồ sơ LinkedIn của bạn. Họ cũng dễ dàng nhận ra bạn có phải người quen hay không sau khi xem ảnh đại diện.
10. Luôn cập nhật vị trí
Khi ứng tuyển cho công việc mới, thông tin vị trí trên LinkedIn càng trở nên quan trọng. Nhà tuyển dụng thường sử dụng các bộ lọc để tìm kiếm ứng viên phù hợp với vị trí cụ thể, vì vậy việc đảm bảo rằng thông tin vị trí của bạn được cập nhật chính xác để tăng cơ hội được chọn.
11. Sử dụng từ khoá SEO
Tối ưu hóa từ khóa SEO trên LinkedIn có thể giúp ứng viên nổi bật trong mắt nhà tuyển dụng và tăng khả năng xuất hiện trong kết quả tìm kiếm. Các từ khóa có thể bao gồm ngành nghề, công việc, kỹ năng chuyên môn, và từ ngữ liên quan đến thành tích và mục tiêu nghề nghiệp. Người dùng có thể sử dụng từ khoá SEO ở phần mô tả giới thiệu về bản thân.
12. Thay đổi URL cho hồ sơ
Khi mới tham gia LinkedIn, URL thường chứa các ký tự và số ngẫu nhiên, nhưng bạn có thể tùy chỉnh nó để chứa tên của mình. Việc này không chỉ giúp tạo ấn tượng tích cực với nhà tuyển dụng mà còn tăng khả năng người khác tìm thấy hồ sơ của bạn. Để thay đổi URL của tài khoản LinkedIn, bạn có thể vào mục "Edit public profile & URL".
13. Sử dụng tính năng "Open to work"
Thống kê từ LinkedIn chỉ ra rằng, khi người dùng sử dụng tính năng "Open To Work", có tới hơn 40% cơ hội nhận được tin nhắn từ nhà tuyển dụng và khoảng 20% khả năng nhận được tin nhắn từ những người dùng khác trên mạng xã hội này. Như vậy, việc bật tính năng này có thể giúp người dùng gia tăng cơ hội có công việc mới.
14. Cập nhật hồ sơ thường xuyên
Cuối cùng, nhưng không kém phần quan trọng, hãy đảm bảo rằng hồ sơ của bạn luôn "mới", bằng cách thường xuyên cập nhật thông tin về công việc hiện tại, tình trạng tìm kiếm việc, kỹ năng mới đã đạt được, hoặc các dự án đã hoàn thành. Việc này không chỉ thể hiện sự phát triển và học hỏi, mà còn giúp thu hút sự chú ý từ nhà tuyển dụng và đối tác tiềm năng, bởi vì họ luôn tìm kiếm những ứng viên đầy động lực và tiến bộ.
Tạm kết
Như vậy, việc tối ưu hóa hồ sơ LinkedIn là một bước quan trọng để tăng cơ hội nghề nghiệp và mở ra những cánh cửa mới trong sự nghiệp. Bằng cách chú ý đến hình ảnh, mô tả vị trí, các kỹ năng chuyên môn…, bạn có thể tạo ra một hồ sơ chuyên nghiệp và thu hút sự chú ý từ nhà tuyển dụng và đối tác tiềm năng.
Thanh Thanh - MarketingAI
Tổng hợp
Bình luận của bạn