Xu hướng storytelling dẫn đầu ngành tiếp thị 2021

14 Thg 04

Nhiều người nghĩ rằng mục tiêu chính của quảng cáo là bán một sản phẩm, nhưng điều này không có thể không đúng với mọi trường hợp. Ví dụ storytelling là phương thức marketing cho phép nhà quảng cáo tương tác với khán giả, khiến họ đắm chìm vào những gì đang xảy ra trong câu chuyện. Bán sản phẩm lúc này chỉ là mục tiêu đứng thứ 2. 

Việc quảng cáo bằng cách kể chuyện mang lại nhiều lợi ích. Phương thức này có thể thu hút sự quan tâm của mọi người khi khoảng thời gian chú ý trung bình đang ngày càng bị rút ngắn, các loại content cạnh tranh gay gắt để thu hút sự chú ý từ khách hàng. Hơn nữa, người dùng ngày nay rất "dị ứng" với quảng cáo, các lời mời chào khuyến mại và có xu hướng bỏ qua chúng.

Marketing storytelling là khác biệt bởi vì nó có các kỹ thuật khác nhau để hỗ trợ một câu chuyện trong khi hiển thị sản phẩm một cách tích cực. Các khía cạnh như nhạc phim, hội thoại, góc máy và diễn viên có thể thu hút người xem và giúp họ nhớ câu chuyện và thương hiệu rất lâu sau khi xem.

Dưới đây là 9 xu hướng Marketing storytelling mà các chuyên gia trong ngành nên lưu ý trong năm tới và trong tương lai gần.

1. Data-Driven Storytelling

Data-driven storytelling là một xu hướng nên thử nghiệm vì nó cung cấp cho các nhà quảng cáo ngữ cảnh. Google trend sẽ khai thác sức mạnh của dữ liệu từ các từ khóa và topic mà người dùng tìm kiếm ở các khu vực khác nhau trên thế giới. Thương hiệu có thể đưa dữ liệu vào một giai thoại để nhấn mạnh về một vấn đề trong xã hội đang được công chúng quan tâm.

Storytelling theo hướng dữ liệu cũng hoạt động tốt với các công ty có thể thu thập thông tin thông qua các mô hình kinh doanh của họ.

Ví dụ: Spotify nghiên cứu các số liệu để xác định bài hát nào sẽ xuất hiện trên danh sách phát hoặc đánh giá bài hát của từng người dùng thích nhất.

Hãng sử dụng dữ liệu để cung cấp tổng kết cuối năm cho mỗi người đăng ký Premium. Ví dụ: một người có thể xem bài hát hoặc nghệ sĩ nào họ đã nghe nhiều nhất hoặc họ đã dành bao nhiêu thời gian để phát trực tuyến các bản nhạc từ Spotify trong cả năm.

Bằng cách cung cấp những thông tin chi tiết đó, Spotify có thể giúp người dùng hình dung sự tương tác giữa họ và dịch vụ nghe nhạc trực tuyến này, biến những khoảnh khắc nổi bật của họ trở nên tuyệt vời hơn, ý nghĩa hơn.

2. Câu chuyện được lấy nguồn trực tiếp từ khách hàng

Khách hàng ngày càng đề cao tính xác thực. Do đó, thương hiệu có thể lấy cảm hứng các câu chuyện từ chính người dùng. Cách tiếp cận này còn được gọi là kể chuyện do khách hàng dẫn dắt.

Ví dụ thương hiệu Trulia cung cấp những câu chuyện hấp dẫn do khách hàng dẫn dắt trên blog của mình bằng cách tập trung vào chủ nghĩa hiện thực. Quá trình tìm nhà là điều mà hầu như ai cũng phải trải qua vào một thời điểm nào đó. Trulia đi sâu vào những gì khách hàng đã trải qua, sau đó đăng tải lại câu chuyện tìm nhà của các khách hàng đã từng sử dụng dịch vụ lên cho người dùng đọc.

Quảng cáo dựa trên câu chuyện thường phát huy hiệu quả nhất khi người tiêu dùng liên quan trực tiếp đến câu chuyện. Trulia hiểu rõ điểm đó và sử dụng cách thức này để định hình thương hiệu.

3. Thương hiệu liên kết storytelling với podcast

Xu hướng nghe podcast đang ngày càng phổ biến. Người dùng nghe tin tức, xem hài kịch từ radio ngày một nhiều hơn.

Podcast tiếp cận người nghe bằng nhiều định dạng khác nhau, trong số đó có hình thức kể chuyện. Đạo diễn người Mỹ - LeVar Burton thậm chí còn có podcast “LeVar Burton Reads” dành cho những người trưởng thành muốn nghỉ ngơi sau cuộc sống bận rộn và lắng nghe một câu chuyện ngắn do một chuyên gia đọc.

Những điều này liên quan như thế nào đến cách kể chuyện tiếp thị? Thống kê từ Edison Research chỉ ra 54% người tiêu dùng có nhiều khả năng cân nhắc và chú ý nhiều hơn tới các thương hiệu mà họ nghe được quảng cáo trong podcast. Sau đó, dễ dàng nhận thấy tại sao quyết định tài trợ podcast dựa trên câu chuyện của một thương hiệu hoặc thậm chí tạo một podcast cho người nghe có thể mang lại lợi nhuận cao hơn và tăng khả năng nhận diện thương hiệu.

4. Các công ty thuê đội ngũ PR kể câu chuyện của họ

Internet giúp các tổ chức liên kết với nhau dễ dàng hơn bao giờ hết. Một xu hướng mới nổi gần đây đó là các thương hiệu đang có nhu cầu thuê các công ty PR sáng tạo câu chuyện cho doanh nghiệp của họ. Các chuyên gia PR thường rất hiểu sức mạnh của ngôn từ, và nhiều người trong số họ có kiến thức về báo chí. Thêm vào đó, họ theo kịp các xu hướng liên quan đến kể chuyện và ngành nói chung.

Việc thuê các đội ngũ PR để được hỗ trợ xây dựng hoặc kể một câu chuyện sẽ nằm trong số các xu hướng storytelling hình thành trong năm nay và tiếp tục phát triển về lâu dài.

5. Sparklines kết hợp storytelling

Biểu đồ thu nhỏ (sparklines) là biểu thị trực quan của dữ liệu và các nhà phân tích cho rằng chúng sẽ giúp định hình cách kể chuyện vào năm 2021. Biểu đồ thu nhỏ giúp truyền đạt cách một thương hiệu có thể giúp một người đi từ vị trí của họ đến nơi họ muốn. Nó cũng có thể hỗ trợ một lời kêu gọi hành động.

Ví dụ: Netflix hiển thị khung thời gian cho những người đăng ký tiềm năng, trong đó người dùng có thể nhìn thấy thông báo trước khi họ nhận được hóa đơn đầu tiên, thêm vào đó, Netflix sẽ nhắc người dùng thời gian dùng thử miễn phí của họ sắp kết thúc.

Đồng hồ đếm ngược thời gian ở dạng đồ họa sẽ giúp người dùng dễ theo dõi giá trị của tài khoản khi đăng ký dùng thử.

6. Visual storytelling thông qua video 

Nghiên cứu gần đây cho thấy thế hệ trẻ thích xem video hơn và những người tiêu dùng thuộc mọi nhóm nhân khẩu học có nhiều khả năng chú ý đến video hơn so với các hình thức tiếp thị khác. Các chuyên gia marketer cần ghi nhớ điều này và không nên bỏ qua định dạng video trong năm nay.

Visual storytelling trên mạng xã hội là một kỹ thuật đang ngày càng phát triển. Ví dụ: nếu một công ty muốn tăng cường sự tương tác trên Instagram, họ có thể tạo một video ngắn thu hút sự chú ý từ người dùng. Nếu một công ty viết một bài đăng trên blog về một quy trình mới mà họ sử dụng để tiết kiệm năng lượng, thì một video giải thích vì sao lại có sự thay đổi đó lại có thể rất quan trọng.

7. Storytelling giúp khách hàng tìm hiểu nhiều hơn về thương hiệu thực phẩm

Người tiêu dùng có xu hướng ngày càng quan tâm nhiều hơn tới thành phần thực phẩm. Đặc biệt trong năm 2021, Innova Market Insights đã công bố 10 xu hướng thực phẩm hàng đầu và cách quảng cáo bằng storytelling đã xuất hiện hàng đầu.

Do đó, người bán nên mong đợi nhiều câu chuyện hơn về sản xuất thực phẩm, tính bền vững và các khía cạnh khác ngoài việc quảng cáo hương vị của nó.

8. Các nhà quảng cáo kể chuyện thông qua “Digital Realities"

Ngoài việc truyền tải câu chuyện thông qua văn bản và video, các nhà quảng cáo đang ngày càng quan tâm nhiều hơn đến công nghệ "Digital realities" sử dụng thực tế ảo VR.

Tạp chí hàng đầu thế giới - National Geographic đã tiên phong sử dụng các công nghệ như thực tế ảo (VR) và video 360 độ vào storytelling.

Khách truy cập trang web có thể trải nghiệm cảm giác như thế nào khi nhìn cận cảnh một con sư tử hoặc tham gia vào một loại hình phiêu lưu thực tế khác. Phương pháp này hỗ trợ trong việc xây dựng thương hiệu cho National Geographic thêm hấp dẫn, truyền cảm hứng và hy vọng khám phá thiên sống động tới người dùng.

9. Influencers kể chuyện theo cách của riêng họ

Thông thường, các nhà tiếp thị thường thích kiểm soát và chi phối các influencer hợp tác với họ. Các đại diện của công ty có xu hướng nghĩ rằng họ mới là người hiểu nhất về thương hiệu họ đang kinh doanh. Họ muốn hướng influencer đi theo giọng điệu, ngôn ngữ, văn phong mà họ muốn khi đăng các bài tài trợ.

Tuy nhiên, bằng chứng cho thấy thời đại của influencer sẽ chuyển sang hướng kể chuyện do người sáng tạo điều khiển. Công chúng đang ngày càng trở nên hoài nghi với nhiều người có ảnh hưởng, và họ thường tự hỏi liệu những người này có vai trò gì khác ngoài những người phát ngôn cho thương hiệu hay không.

Nếu các influencer có thể tự do sáng tạo những gì liên quan tới thương hiệu, thì nội dung sẽ trở nên xác thực. Người dùng có thể mua hàng và tin tưởng người bán thực sự yêu thích các sản phẩm hoặc thương hiệu mà họ lựa chọn.

Hải Yến - MarketingAI 

Theo linchpinseo

>> Có thể bạn chưa biết: Quên Storytelling Marketing Đi, Giờ Là Thời Đại Của Storydoing

Đánh giá của bạn

TAGS:

Bình luận của bạn

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bình luận không đăng nhập

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.