UX writing là gì? UX writing quan trọng như thế nào trong website?

09 Thg 11

UX writing là gì? UX writing là hành động viết nội dung cho các điểm tiếp xúc trực tiếp với người dùng. Nội dung này không chỉ thể hiện tiếng nói của tổ chức mà còn phải quan tâm và hữu ích cho người dùng. Vậy làm thế nào để có thể "thổi hồn" cho ứng dụng hay website thông qua những câu chữ ngắn gọn và súc tích?

UX Writing là gì?

UX Writing là gì? UX Writing là phần văn bản microcopy nhằm mục đích chỉ dẫn, cảnh báo, giải thích, trình bày cho người dùng khi tương tác với một ứng dụng hoặc website nào đó. Chẳng hạn như thông báo nhập tên đăng nhập, mật khẩu khi truy cập Facebook.

UX writing là những văn bản mang tính tương tác khi người dùng sử dụng ứng dụng hoặc website
UX writing là những văn bản mang tính tương tác khi người dùng sử dụng ứng dụng hoặc website

UX writing giống như GPS chỉ dẫn người dùng trong suốt hành trình, trong trường hợp này chính là hành trình của người dùng.

Những người làm công việc này được gọi là UX Writer. UX Writer sáng tạo nội dung microcopy cho các phần của ứng dụng, website và các sản phẩm kỹ thuật số khác như menu, nút, nhãn, chatbox, thông báo lỗi, box điền thông tin,... nhằm giúp người dùng dễ dàng hơn trong việc sử dụng sản phẩm bất kẻ trình độ, độ tuổi, giới tính.

Chúng ta có thể coi UX writing giống như một cuộc trò chuyện giữa sản phẩm và người dùng. Cách bạn thiết kế cuộc trò chuyện đó đóng một phần quan trọng trong việc tạo ra trải nghiệm tốt nhất cho người dùng. Và đó chính xác là mục đích của UX writing: giúp người dùng đạt được mục tiêu một cách thoải mái và dễ dàng nhất có thể.

Sự quan trọng của UX Writing

Văn bản có ở khắp mọi nơi

Như bạn có thể thấy, UX Writing có ở khắp mọi nơi. Giao diện dù có trực quan thế nào, nó vẫn chủ yếu dựa vào văn bản làm phương tiện giao tiếp chính.

Văn bản tác động trực tiếp đến các chỉ số kinh doanh

Thực tế, Microcopy không có tác dụng gì đến doanh thu. Một UX Writer cấp cao của Google, đã trình bày một nghiên cứu điển hình về tin nhắn mời dùng app Duo của họ, chúng cho thấy sự khác biệt về số lần nhấp và tỷ lệ chênh lệch giữa văn bản hiệu quả và kém hiệu quả lên đến 30,1%. Ý nghĩa kinh doanh của việc UX Writing cũng tương tự như ý nghĩa kinh doanh của UX nói chung: giữ chân người dùng, ít làm người dùng thất vọng hơn và kết quả cuối cùng là tăng doanh thu. Sự quan trọng của UX Writing

Tính nhất quán

Nhiệm vụ của một UX Writer vô cùng quan trọng trong dự án. Càng nhiều người tham gia vào việc viết lách, nội dung càng khó gắn kết và thống nhất. Đó là lý do tại sao người viết nội dung UX lại mang đến giá trị to lớn cho sản phẩm. Chuyên viên làm nội dung UX cũng là người kết nối chặt chẽ với nhà thiết kế, nhà phát triển hoặc quản lý dự án để xây dựng sản phẩm hoàn thiện nhất.

Thế nào là một UX Writing tốt?

Một UX writing được gọi là tốt nếu người dùng của bạn có thể:

  • Dễ dàng sử dụng và hiểu giao diện mà không cần nhiều hỗ trợ
  • Dễ dàng sử dụng và hiểu giao diện trong các ngữ cảnh, nền tảng và môi trường khác nhau
  • Hoàn thành nhiệm vụ và mục tiêu một cách nhanh chóng mà không cần phải suy nghĩ quá nhiều
  • Thích sử dụng giao diện và quay lại thường xuyên

Bạn có thể đo lường sự hiệu quả của microcopy của mình thông qua:

  • Bài test người dùng và khả năng sử dụng (đây là phương pháp kiểm tra hiệu quả nhất)
  • Dữ liệu web và dữ liệu di động, bản đồ nhiệt và bản ghi của khách truy cập
  • Phân tích các yêu cầu trợ giúp và hỗ trợ khách hàng
UX writing như thế nào được gọi là
UX writing như thế nào được gọi là "tốt". Ảnh: UX Studio

Phân biệt UX Writing và Copywriting

UX Writing và Copywriting khác nhau như thế nào? Copywriting thường gắn liền với marketing như tăng doanh thu, tăng nhận diện thương hiệu hay tăng thị phần. Copywriting có thể là những nội dung xuất hiện trên biển quảng cáo hoặc một bài viết giới thiệu sản phẩm và có khả năng đứng độc lập với sản phẩm mà không mất đi ý nghĩa. UX Writing xuất hiện trên các giao diện số với mục tiêu là tối ưu hóa trải nghiệm của người dùng với sản phẩm. Nếu Copywriting mang mục đích thu hút sự chú ý của người đọc trong thời gian ngắn nhất có thể thì UX Writing mang mục đích truyền tải thông điệp rõ ràng nhất có thể. >>> Có thể bạn quan tâm: Những bí quyết quan trọng bạn cần biết về Copywriting

7 nguyên tắc tạo UX writing “thổi hồn” cho ứng dụng, website

Trước khi đi sâu vào các nguyên tắc, hãy tìm hiểu qua về hai thuật ngữ sau:

Microcopy” đề cập đến các từ và cụm từ nhỏ trong giao diện sản phẩm. Nếu không có microcopy, mọi người sẽ không thể sử dụng hoặc hiểu các ứng dụng, cổng thông tin hoặc trang web. Microcopy là một thành phần thiết yếu của trải nghiệm người dùng.

UX Writers” là những người viết bản microcopy và “UX Writing” là hành động, thực hành hoặc nhiệm vụ. Mặc dù thuật ngữ microcopy và UX writing tương đối mới, nhưng cách viết microcopy đã tồn tại kể từ khi giao diện web xuất hiện. Trong một thời gian dài, content writer, technical writer và designer được giao nhiệm vụ viết microcopy. Nhưng hiện tại, design leader bắt đầu nhận ra rằng, microcopy là trung tâm của trải nghiệm người dùng và cần một người thực sự có năng lực đảm trách. 

Và dưới đây là 7 nguyên tắc mà bất cứ một UX writer nào cũng cần nắm rõ và cách áp dụng vào công việc:

Ngắn gọn

Thông điệp cần được truyền tải một cách ngắn gọn và dễ hiểu nhất. Mỗi từ được sử dụng cần phục vụ cho một mục đích cụ thể.

Nên:

  • "Đăng nhập để tải video"
  • Định dạng bắt buộc: "emailaddress@example.com"
  • "Ưu đãi sẽ hết hạn sau 2 ngày nữa"
Không nên:
  • "Bạn cần đăng nhập để tải xuống video"
  • "Địa chỉ email đã nhập không khớp với định dạng được yêu cầu. Vui lòng nhập email theo định dạng chuẩn"
  • "Phiếu mua hàng sẽ tự động hết hạn sau 2 ngày nữa"

Sử dụng từ ngữ đơn giản, không có biệt ngữ

Tránh sử dụng những từ ngữ quá chuyên môn, vì người dùng có thể không hiểu hoặc không quen thuộc với chúng. Thay vào đó, hãy sử dụng những từ ngữ đơn giản, phổ biến. Ngoài ra, từ ngữ cần mô tả đúng với ngữ cảnh, cho người dùng biết vê hành động và phản hồi mà bạn mong đợi từ họ.

nguyên tắc tạo UX writing
Ảnh: uxmag

Để đảm bảo nguyên tắc này, hãy trả lời các câu hỏi sau:

  • Nội dung có rõ ràng với cả những người già nhất và trẻ nhất trong cơ sở người dùng của bạn không?
  • Nội dung có rõ ràng, dễ nhớ nếu người dùng chỉ đọc một lần và đọc một cách nhanh chóng hay không?
  • Nội dung có rõ ràng với những người chưa từng sử dụng giao diện của bạn trước đây không

Nên: "Kết nối", "Lưu", "Tải xuống", sử dụng "hôm nay, ngày mai, ngày kia" cho các sự kiện gần, sử dụng "AM, PM"

Không nên: "Định cấu hình", "Cam kết", "Truyền dữ liệu", đối với các sự kiện xa, sử dụng "Thứ X, ngày 01/01 thay vì "01/01/2021", "12 giờ"

Từ ngữ tích cực

Sử dụng câu từ mang ý nghĩa tích cực sẽ mang lại cảm giác thoải mái, vui vẻ hơn cho người dùng. Do đó, hãy tránh sử dụng các từ mang hơi hướng tiêu cực hay phủ định kép như "không hủy theo dõi".

Nên: "Không thể kết nối", "Oops..."

Không nên: "Lỗi kết nối", "Error"

Từ ngữ cần thể hiện được sự chủ động

Việc sử dụng các từ ngữ mang tone bị động trong câu khiến hệ thống, sản phẩm như "người thứ ba" và cuộc trò chuyện giữa hai bên sẽ mất tự nhiên hơn. Một tone mang hơi hướng chủ động sẽ mang lại cho người dùng cảm giác như đang tương tác với người thực.

Nên: Gọi người dùng là "bạn, của bạn" và hệ thống là "chúng tôi, của chúng tôi", "Nhấp vào nút Tìm kiếm"

Không nên: "Cần nhấp vào nút Tìm kiếm để tìm thấy bài viết"

Thêm thông tin chi tiết

Nội dung cần ngắn gọn những phải đầy đủ, đặc biệt đối với những thông tin về tài chính. Do đó, hãy cung cấp cho người dùng các thông tin liên quan để nội dung trở nên rõ ràng và tin cậy hơn.
sử dụng thêm các biểu tượng hoặc hình ảnh
Ảnh: uxmag
Tuy nhiên, thông tin thêm cần được trình bày một cách khoa học bằng các gạch đầu dòng thay vì một đoạn văn bản. Hãy sử dụng thêm các biểu tượng hoặc hình ảnh để thông tin trở nên trực quan hơn.

Linh hoạt

Microcopy tốt phải phù hợp và thích ứng với từng tình huống hoặc ngữ cảnh cụ thể mà nó tồn tại, đồng thời thích ứng với nhu cầu của người dùng khi những nhu cầu đó thay đổi trong suốt quá trình trải nghiệm.

Chẳng hạn, chúng ta thường mặc định microcopy phải ngắn, nhưng đôi khi, sử dụng tầm 10 từ sẽ thích hợp hơn 3 từ. Điều này sẽ phụ thuộc vào ngữ cảnh và nhu cầu của người dùng.

Làm thế nào để làm cho microcopy trở nên phù hợp hơn:

  • Thấu hiểu người dùng
  • Tiến hành test nội dung như kiểm tra khả năng sử dụng và thực hiện nghiên cứu thực địa để tính đến các tình huống và môi trường khác nhau.
  • Khi xây dựng quy trình thiết kế, hãy bắt đầu với nhu cầu của người dùng. Sau đó, tạo nội dung và thiết kế xung quanh những nhu cầu đó.

Gắn với thương hiệu (Branded)

Microcopy tốt sẽ tạo cảm giác như nó là một phần của một thương hiệu.

Mẹo tạo microcopy nhất quán, có thương hiệu:

  • Tạo hướng dẫn phong cách nội dung xác định rõ giọng nói, giọng điệu, phong cách biên tập và thông điệp thương hiệu.
  • Tạo một thư viện mẫu microcopy với các từ và cụm từ thường được sử dụng.
Kết

Thông qua những thông tin được chia sẻ trong bài viết trên, hy vọng đã giúp bạn hiểu rõ hơn UX writing là gì, những nguyên tắc để mang lại một UX writing hiệu quả. Và trên hết, UX writing muốn tốt cần phải lấy người dùng làm trung tâm

Lương Hạnh - MarketingAI

Theo UXmag

>> Có thể bạn quan tâm: Noise marketing là gì? Làm thế nào để tránh “tiếng ồn” trong thông điệp truyền thông?
Đánh giá của bạn

TAGS:

Bình luận của bạn

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bình luận không đăng nhập

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.