Trong thời bình, chúng ta biết đến Podcast như một đại diện của làn sóng tiếp thị bằng âm thanh trên toàn thế giới, một kênh Marketing hiện đại, mới mẻ với cách tiếp cận độc đáo dựa trên lời nói. Nhưng ít ai biết rằng, từ năm 1945, những nhà cách mạng đại tài của Việt Nam cũng đã từng sử dụng sức mạnh của âm thanh & tiếng nói để "truyền thông" và lan tỏa tinh thần yêu nước, ý chí kháng chiến, đường lối cách mạng của Đảng tới hàng triệu đồng bào giữa khói lửa chiến tranh. Đại diện cho kênh "truyền thông" đặc biệt đó chính là: Đài Tiếng nói Việt Nam - Âm thanh của cách mạng đã góp phần cổ vũ cho tinh thần đại đoàn kết toàn dân trong công cuộc kháng chiến cứu nước.
75 năm sau kháng chiến, giọng đọc huyền thoại “Đây là Tiếng nói Việt Nam, phát thanh từ Hà Nội,...” trên Đài Tiếng nói Việt Nam những số đầu tiên vẫn luôn vang vọng trong tiềm thức của người Việt. Không chỉ thế hệ ông bà, bố mẹ, âm thanh đó vẫn tiếp tục sứ mệnh truyền cảm hứng về tinh thần yêu nước tới hàng triệu công dân trẻ của Việt Nam.
Dưới góc nhìn của người làm truyền thông, hành trình cách mạng của Đài Tiếng nói Việt Nam còn là một bài học đáng tự hào về nghệ thuật sử dụng âm thanh, tiếng nói để lan tỏa tinh thần, thông điệp tới hàng triệu người!
Trước khi nói đến hành trình cách mạng đầy rực rỡ của Đài Tiếng nói Việt Nam hãy cùng nhìn lại đôi điều về Radio và Podcast - Sự chuyển mình của hình thức Truyền thông bằng âm thanh đã quá quen thuộc với người làm marketing.
Khi chưa có sự ra đời của Podcast, Radio được biết tới là một phương tiện truyền thông bằng âm thanh đầu tiên tại Việt Nam cũng như trên toàn thế giới. Được phát triển từ nửa cuối thế kỷ thứ 19, Radio nhanh chóng tạo nên một cuộc cách mạng mới trong lĩnh vực thông tin và truyền thông. Công cụ này hoạt động truyền tin bằng sóng vô tuyến, trong đó các chương trình sẽ được thu và phát sóng theo một lịch trình có sẵn và người nghe sẽ không thể nghe lại hay lựa chọn chương trình theo ý thích. Để có thể nghe Radio, bạn sẽ cần tới những chiếc đài cassette, sau này là các phương tiện tân tiến hơn như điện thoại di động. Dần dần, cùng với sự phát triển của công nghệ hiện đại, các loại hình truyền thông mới đã ra đời như Internet, mạng xã hội, podcast,... tầm ảnh hưởng của Radio trên toàn thế giới đã không còn như trước.
Được biết tới như thế hệ mới của Radio, Podcast ra đời vào khoảng những năm 1980, nhưng phải đến những năm 2010 thì công cụ này mới thực sự trở nên phổ biến và được sử dụng nhiều trong đời sống cũng như trong marketing. Podcast được định nghĩa là những tệp âm thanh kỹ thuật số bao gồm sự kết hợp của những tiếng nói, âm nhạc,... được đăng tải trên các nền tảng trên mạng internet, cho phép người nghe có thể lựa chọn truy cập và tự do nghe bất cứ lúc nào.
Cũng chính nhờ sự tiện lợi này, Podcast dễ dàng tiếp cận đông đảo người dùng hơn so với người tiền nhiệm Radio. Nhưng tựu trung, Podcast vẫn kế thừa những ưu điểm cơ bản của Radio và có cách thức truyền tải nội dung tương đối giống nhau. Và trước khi chúng ta sử dụng Podcast như một kênh tiếp thị bằng âm thanh trong ngành Marketing hiện đại, thì Radio cũng từng là một công cụ truyền thông hàng đầu trong những thập kỷ trước.
Đặc biệt, đây cũng chính là một trong những con đường lan tỏa tinh thần yêu nước, truyền thông lý tưởng cách mạng mà Đảng Cộng sản Việt Nam đã sử dụng để góp phần làm nên thắng lợi vẻ vang của của dân tộc. Cùng nhìn lại hành trình phát triển của Đài tiếng nói Việt Nam và chiến thuật “truyền thông” bằng âm thanh đại tài của ông cha ta trong thời kỳ kháng chiến, dưới góc nhìn của người làm truyền thông!
Giai đoạn 1944-1945, chiến tranh thế giới thứ hai đang dần bước vào hồi kết, mâu thuẫn giữa Nhật và Pháp tại Đông Dương ngày một tăng cao, đẩy cách mạng Việt Nam bước vào một thế trận đầy căng thẳng.
Lúc bấy giờ, báo chí gần như là cầu nối “truyền thông” duy nhất để thông tin về tình hình cách mạng của nước ta tới người dân cả nước cũng như toàn thế giới. Tuy nhiên, những hạn chế về đường truyền khiến cho các trang báo giấy vẫn chưa đủ mạnh mẽ và đáp ứng tính kịp thời trong quá trình truyền tải thông tin giữa thời chiến. Mặt khác, tỷ lệ người dân Việt Nam không biết chữ trong thời điểm này vẫn còn rất cao, đòi hỏi một phương tiện giúp đồng bào dễ dàng tiếp cận hơn việc đọc báo.
Từ đây, Đảng ta đã tìm ra phương thức truyền thông mới - Một Đài phát thanh Quốc gia đại diện tiếng nói của Đảng, của dân tộc tới toàn thể đồng bào và bạn bè quốc tế. Vì vậy, ngay sau thành công của Cách mạng tháng Tám, Chủ tịch Hồ Chí Minh chỉ thị cho Đại tướng Võ Nguyên Giáp cùng các đồng chí đặc biệt gấp rút thành lập một Đài Phát thanh Quốc gia. Ông Xuân Thủy, Ủy viên Ủy ban Cách mạng lâm thời Bắc Bộ được giao nhiệm vụ tổ chức thực hiện. Đó chính là những bước đi đầu tiên trên hành trình lan tỏa thanh âm cách mạng của Đài Tiếng nói Việt nam.
#1. Quá trình lên ý tưởng “Đài Phát thanh Quốc gia”
Từ chỉ thị của Bác, Ông Trần Lâm là người được giao nhiệm vụ chính trong việc thành lập Đài Phát thanh Quốc gia. Với vai trò là cán bộ hoạt động tuyên truyền xung phong của Đảng, ông đã được giao nhiệm vụ lấy tin tức, tìm hiểu và nghe đài nước ngoài, nghiên cứu sách báo để xây dựng Đài phát thanh. Ông dần hình dung ra 3 bộ phận không thể thiếu trong một Đài phát thanh đó là: Biên tập chương trình, studio và phát sóng. Sau 10 ngày, Ban Biên tập chương trình bao gồm 20 người đã được tập hợp gồm có công chức, trí thức, cán bộ Mặt trận Việt Minh. Các máy móc, thiết bị chủ yếu của Đài là nhặt nhạnh, chắp vá, tận dụng, thậm chí là mua từ hàng đồng nát. Và đó chính là những viên gạch thô sơ đầu tiên của Đài Tiếng nói Việt Nam.
#2. 07/09/1945- Chính thức phát sóng chương trình đầu tiên.
11h30 phút ngày 07/09/1945: Đài Tiếng nói Việt Nam chính thức phát sóng lần đầu tiên, mang theo Bản Tuyên ngôn Độc lập lịch sử của Chủ Tịch Hồ Chí Minh, công bố về sự ra đời của nước Việt Nam Dân chủ Cộng Hòa tới toàn thể đồng bào và bạn bè quốc tế. Mở đầu với âm thanh lịch sử: "Đây là Tiếng nói của Việt Nam, phát thanh từ Hà Nội, thủ đô nước Việt Nam Dân chủ Cộng hoà.” trên nền ca khúc hùng tráng “Diệt phát xít” của nhà thơ, nhạc sĩ Nguyễn Đình Thi. Tiếp đó là tin tức thời sự được truyền đi bằng 3 thứ tiếng: tiếng Việt, tiếng Pháp và tiếng Anh.
#3. 01/06/1946 - Đài Tiếng nói Nam Bộ ra đời
Đài Tiếng nói Nam Bộ ra đời, Đài có khi lấy tên là Đài Tiếng nói Đồng Tháp Mười hay Đài Tiếng nói miền Nam Việt Nam.
#4. 23/10/1946 - Chủ tịch Hồ Chí Minh nói về Tạm ước 1946
Chủ tịch Hồ Chí Minh nói chuyện trực tiếp cùng đồng bào cả nước qua đường truyền của Đài Tiếng nói Việt Nam, thông báo tới toàn thể đồng bào về Tạm ước 14/09/1946.
#5. 21/01/1947 - Lá thư chúc Tết lần đầu tiên được đọc trên Đài Tiếng nói Việt Nam
Mùa Xuân 1947, lần đầu tiên Lá thư chúc Tết được Hồ Chủ Tịch gửi tới toàn thể đồng bào và chiến sĩ cả nước thông qua Đài Tiếng nói Việt Nam. Cùng với đó, Đài Tiếng nói Việt Nam đã ghi âm những lời Chủ tịch Hồ Chí Minh gửi tới đồng bào và chiến sỹ Nam Bộ.
#6. 10/10/1954 - Chính thức phát sóng với xưng danh “Đài Tiếng nói Việt Nam”
Năm 1945, khi bộ đội ta tiến vào giải phóng Thủ đô, Đài Tiếng nói Việt Nam đã chính thức vang vọng với xưng danh: “Đây là Đài Tiếng nói Việt Nam, phát thanh từ Hà Nội, thủ đô nước Việt Nam Dân chủ Cộng hoà”.
#7. 20/10/1954 - Chính thức phát sóng từ Thủ Đô Hà Nội
Sau nhiều lần di dời để đảm bảo an toàn trong kháng chiến, tới ngày 20/10/1954 Đài Tiếng nói Việt Nam chính thức được phát sóng từ Hà Nội - Thủ đô nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa.
#8. 23/12/1972 - Điện Biên Phủ trên không, B52 rải bom trên nhà đài
Mặc cho cơn mưa bom đạn từ Mỹ, bất chấp nhà cửa hơn 100 gia đình cán bộ và trụ sở lớn của đài bị phá hủy, Đài Tiếng nói Việt Nam chỉ dừng phát sóng duy nhất trong 9 phút và sau đó lại ngoan cường tiếp tục sứ mệnh truyền tin của mình.
#9. 02/07/1976 - Chính thức đổi xưng danh mới
Đúng 11h30 ngày 02/07/1976, Đài Tiếng nói Việt Nam đổi xưng danh thành: “Đây là Tiếng nói Việt Nam, phát thanh từ Hà Nội, thủ đô nước Cộng hoà Xã hội chủ nghĩa Việt Nam”.
Không chỉ góp phần làm nên chiến thắng vĩ đại của đất nước, cho đến nay, hành trình của Đài Tiếng nói Việt Nam vẫn là một tư liệu lịch sử cho những người làm truyền thông về cách thức sử dụng âm thanh để lan tỏa thông tin, thông điệp đầy sắc bén tới người nghe.
Ngay từ những ngày đầu thành lập, Chủ Tịch Hồ Chí Minh đã làm rõ về vai trò và mục tiêu của Đài Tiếng nói Việt Nam: Phục vụ hai mục tiêu lớn là “Đối nội” và “Đối ngoại”
“Về đối nội, truyền bá những chủ trương, chính sách của Đảng, Chính phủ, phản ánh kịp thời tình hình trong nước và thế giới; là cầu nối giữa trung ương với địa phương, chính quyền với nhân dân. Về đối ngoại, đập tan những luận điệu tuyên truyền, xuyên tạc của chủ nghĩa đế quốc và các thế lực phản động; tranh thủ sự đồng tình, ủng hộ của nhân dân thế giới đối với cách mạng Việt Nam"[1].
Từ đây, các bản tin đã được xây dựng bám sát hai mục tiêu quan trọng này, đảm bảo các tuyến nội dung luôn được đi đúng hướng, đúng đối tượng người nghe một cách chính xác và kịp thời nhất.
Tiêu biểu như bản tin đầu tiên trước khi chính thức phát sóng, với mục tiêu thông tin về phiên họp đầu tiên của Chính phủ do Chủ tịch Hồ Chí Minh chủ trì ngày 03/09/1945. 6 Nhiệm vụ cấp bách của nhà nước đã được truyền tải rõ ràng, bám sát mục tiêu về đối nội, giúp người dân nắm bắt tinh thần, chủ trương của Đảng:
- Tập trung tăng gia sản xuất để chống đói
- Mở ngay chiến dịch chống nạn mù chữ
- Tổ chức càng sớm càng tốt cuộc Tổng tuyển cử với chế độ phổ thông đầu phiếu, thực hiện quyền tự do, dân chủ của nhân dân
- Mở chiến dịch giáo dục cần, kiệm, liêm, chính để bài trừ thói hư, tật xấu do chế độ thực dân để lại;
- Bỏ ngay ba thứ thuế: thuế thân, thuế chợ, thuế đò;
- Tuyệt đối cấm hút thuốc phiện; Tuyên bố tự do tín ngưỡng và lương giáo đoàn kết.
Nhiệm vụ hàng đầu của Đài phát thanh đó chính là mang những thông tin quan trọng của cách mạng, cổ vũ tinh thần đồng bào trong cả nước. Trong thời kỳ kháng chiến, tỷ lệ người dân Việt Nam có khả năng đọc chữ quốc ngữ không có nhiều. Điều này khiến cho một bộ phận không nhỏ đồng bào gặp khó khăn trong việc tiếp cận ấn phẩm truyền thông bằng chữ viết như Báo chí. Như vậy, chúng ta buộc phải tìm ra một hướng tiếp cận khác, nơi mà mọi người dân đều thể hiểu và nắm bắt được thông điệp của Đảng. “Âm thanh” là lựa chọn phù hợp nhất trong thời điểm đó.
Ngoài ra, sự thấu hiểu người dân của Đài Tiếng nói Việt Nam cũng được thể hiện qua cách thức biên tập của từng bản tin. Bằng việc lắng nghe những nỗi lòng của người dân, đội ngũ biên tập của Đài không chỉ đưa ra thông tin kháng chiến mà còn nói lên những mong muốn, nguyện vọng của người dân trên cả nước, thể hiện sự thấu cảm và đồng hành cùng đồng bào.
Trong cuộc Tổng tuyển cử bầu Quốc hội đầu tiên của nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa được tiến hành ngày 06/01/1946, bầu cử diễn ra rất cam go và người dân cũng còn nhiều bỡ ngỡ trong những lần đầu tiên đi bầu cử. Đài đã nhanh chóng nêu rõ rằng: "...Hễ là người muốn lo việc nước thì đều có quyền ra ứng cử, hễ là công dân thì đều có quyền đi bầu cử. Không chia gái trai, giầu nghèo, tôn giáo, nòi giống, giai cấp, đảng phái, hễ là công dân Việt Nam thì đều có hai quyền đó" [2] - Như một lời cổ vũ cho toàn thể người dân còn đang e ngại và bỡ ngỡ trước công tác bầu cử.
Bên cạnh người dân, một đối tượng quan trọng khác mà Đài phát thanh hướng tới đó là quốc tế. Để họ hiểu được tình hình cách mạng Việt Nam và tranh thủ sự ủng hộ của bạn bè quốc tế, Đài đã sản xuất cả những bản tin bằng tiếng nước ngoài như Anh, Pháp, cho phép bạn bè quốc tế nắm bắt chính xác thông tin về công cuộc cách mạng tại Việt Nam
Tiêu biểu như bản tin ngày 03/09/1945, Đài phát thanh đã góp phần đẩy mạnh tuyên truyền giúp người dân trong nước và bạn bè quốc tế hiểu rõ những nội dung chính của Hiệp định sơ bộ ngày 6 tháng 3 năm 1946 mà Chính phủ Việt Nam Dân chủ Cộng hòa và Chính phủ Pháp ký kết tại Hà Nội. Khẳng định lại thông điệp rằng “Nước Pháp phải công nhận nước Việt Nam là một quốc gia tự do...” [3]
Trong công cuộc kháng chiến cam go, thời gian tiếp thu và ghi nhận thông tin của người dân, chiến sĩ bị hạn chế nhiều bởi bom đạn, chiến tranh. Vì vậy, nội dung truyền tải từ Đài luôn đảm bảo rõ ràng, ngắn gọn với ngôn từ đơn giản, để người dẫn có thể dễ hiểu, nắm bắt thông tin nhanh nhạy, nhưng cũng không kém phần trang trọng và đanh thép. Văn phong cũng được đội ngũ biên tập khéo léo tùy chỉnh trong nhiều trường hợp khác nhau, để truyền tải trọn vẹn tinh thần của Đảng.
Ngay từ lời xướng đầu tiên: "Đây là Tiếng nói của Việt Nam, phát thanh từ Hà Nội, thủ đô nước Việt Nam Dân chủ Cộng hoà.” đã cho thấy được sự sắc bén trong lời văn của đội ngũ biên tập nhà đài. Chỉ một câu nói đã thể hiện trọn vẹn tinh thần dân tộc - “Tiếng nói Việt Nam” và khẳng định sự độc lập, chủ quyền của nước nhà trước kẻ xâm lược “...phát thanh từ Hà Nội, thủ đô nước Việt Nam Dân chủ Cộng hoà.”
Một ví dụ đặc biệt khác, đó là bản tin được phát đi vào lúc 20 giờ ngày 19/12/1946, từ Trạm phát thanh Bạch Mai, Đài vang lên tiếng Phát động kháng chiến đanh thép “Đồng bào chú ý ! đồng bào chú ý ! Cuộc kháng chiến toàn quốc đã bắt đầu !” - Một lời kêu gọi ngắn gọn, nhưng đầy rạo rực, cấp thiết, để khơi dậy tinh thần toàn dân tộc trước cuộc kháng chiến chống Pháp đầy cam go.
Vẫn trong Tiếng nói Việt Nam đó, bức thư mà Hồ Chủ Tịch gửi đến người dân trong dịp Tết 1947 lại mang một màu sắc đầy tự hào, đầy ngoan cường với những lời động viên người dân sâu sắc: “Cờ đỏ sao vàng tung bay trước gió/Tiếng kèn kháng chiến vang dậy non sông/Toàn dân kháng chiến, toàn diện kháng chiến/Chí ta đã quyết, lòng ta đã đồng/ Tiến lên chiến sĩ! Tiến lên đồng bào/Sức ta đã mạnh, người ta đã đông/Trường kỳ kháng chiến, nhất định thắng lợi/Thống nhất độc lập, nhất định thành công!” [4]
Nếu ngày nay giới truyền thông đối mặt với khủng hoảng truyền thông, thì trong thời chiến Đảng và Nhà nước ta cũng phải đối mặt với không ít những tin đồn thất thiệt từ các thế lực thù địch, chống phá.
Vì vậy, là một trong những cơ quan truyền thông đầu tàu, cán bộ của Đài không ngừng lắng nghe những biến động và phản hồi trong dư luận để kịp thời phát hiện mầm mống của “khủng hoảng”. Bản tin về Hiệp ước 1946, được phát sóng vào ngày 23/10/1946 chính là một ví dụ điển hình cho sự nhạy bén và quyết liệt dó.
Trước đó, vào ngày 14 tháng 9 năm 1946 tại Paris, ta và Pháp ký Tạm ước nhằm bảo vệ Hiệp định sơ bộ 6 tháng 3, cứu vãn Hội nghị Fontainebleau, và kéo dài thời gian để xây dựng và củng cố lực lượng. Tuy nhiên, một số thế lực phản động đã lợi dụng điều đó để xuyên tạc về Chủ Tịch Hồ Chí Minh. Trước diễn biến đó, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã trực tiếp đến phòng thu âm của Đài Tiếng nói Việt Nam trực tiếp nói chuyện với đồng bào, chiến sĩ cả nước chỉ sau 1 ngày kể từ khi Người trở về từ Pháp. Người khẳng định “Đồng bào hãy tin rằng Hồ Chí Minh không phải là người bán nước”[3]. Đồng thời lý giải rõ ràng "cần phải biết chịu đựng hy sinh để mưu sự nghiệp lớn". Biện pháp xử lý nhanh chóng, kịp thời, đầy quyết liệt và nắm rõ nguồn cơn khủng hoảng đó đã giúp dập tan nhanh chóng những tin đồn thất thiệt. Kết hợp cùng với nhiều phương tiện khác, Đài đã thành công củng cố lại niềm tin của nhân dân vào Bác, vào Đảng và Cách mạng.
Ngay từ những bản tin đầu tiên, Đài Tiếng nói Việt Nam đã cho thấy được sự kết hợp chỉn chu giữa các yếu tố âm thanh như: Lời nói, Âm nhạc và Nhạc hiệu - Điều mà cho đến nay vẫn luôn được ứng dụng trong các chương trình Podcast.
Nhạc hiệu:
Lời xướng đầu tiên (7/9/1945) đến ngày 1/7/1976 (do Nguyễn Văn Nhất và Dương Thị Ngân thể hiện): “Đây là Tiếng nói Việt Nam, phát thanh từ Hà Nội, thủ đô nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa.”Từ 75 năm trước, Ban Biên tập của Đài Tiếng nói Việt Nam đã biết cách xây dựng và sử dụng một đoạn nhạc mở màn cho đồng nhất cho mọi bản tin. Kể từ đó, chỉ cần nghe thấy âm thanh đặc trưng “Đây là Tiếng nói Việt Nam,...” người nghe sẽ ngay lập tức nhận ra rằng đây là một bản tin từ Đài Tiếng nói Việt Nam.
Ngày nay, những âm thanh mở màn đó được gọi là nhạc hiệu và trở thành một trong những phần không thể thiếu khi xây dựng nội dung trên podcast hay radio thời hiện đại. Cũng giống như bộ nhận diện thương hiệu cho người xem cảm nhận qua thị giác, việc sử dụng đồng nhất một nhạc hiệu trong các nội dung giống như một tín hiệu giúp cho người nghe cảm nhận được sự hiện diện của thương hiệu qua thính giác.
Âm nhạc:
Âm nhạc được các đồng chí trong ban Biên tập của Đài Tiếng nói Việt Nam lựa chọn cho các bản tin không chỉ hào hùng, hấp dẫn mà còn nói lên được ý chí của cách mạng, tiếng lòng của người dân trong từng thời điểm khác nhau. Kết hợp với lời đọc truyền cảm tạo nên sự cộng hưởng mạnh mẽ, truyền cảm hứng mãnh liệt tới đồng bào.
Trong bản tin đầu tiên, lời xướng: “Đây là Tiếng nói Việt Nam, phát thanh từ Hà Nội, Thủ đô nước Việt Nam Dân chủ, Cộng hòa” đã được vang vọng trên nền ca khúc hùng tráng “Diệt phát xít” của nhà thơ, nhạc sĩ Nguyễn Đình Thi - Một giai điệu đầy hào hùng trong thời điểm chủ nghĩa phát xít tàn độc đứng trước thềm diệt vọng.
Còn đối với chương trình đầu tiên của Đài Phát thanh Nam Bộ được phát vào ngày 1/6/1946, lời xướng “Đây là Tiếng nói Nam Bộ, tiếng nói đau đớn, tiếng nói căm hờn, tiếng nói chiến đấu…” lại được phát trên nền nhạc bài “Thanh niên hành khúc” - Một lời cổ vũ kháng chiến đầy ý nghĩa trong giai đoạn miền Nam còn nhiều khó khăn, gian khổ.
Podcast hay Radio ngày nay cũng vậy, âm nhạc luôn là một gia vị cảm xúc không thể thiếu để đưa giọng đọc của người nói thêm phần thăng hoa hơn và truyền tải thông điệp một cách sâu sắc chính xác hơn.
Đài Tiếng nói Việt Nam sau gần 80 năm phát triển ở hiện tại
Từ một kênh phát sóng duy nhất với những máy phát 300W và tín hiệu Moóc-xơ (Mã Morse) xưa, qua hơn 75 năm phát triển, Đài Tiếng nói Việt Nam đã trở thành một đơn vị truyền thông, báo chí quan trọng bậc nhất của Đảng và Nhà nước ta. Tính đến năm 2020, Đài đã phát triển thành một hệ sinh thái bao gồm 4 loại hình báo chí: Báo nói, báo hình, báo điện tử, báo in với hơn 2700 cán bộ, nhân viên đang công tác.
Số lượng kênh phát thanh được nâng lên 8 kênh, mở rộng thêm 2 báo điện tử, 17 kênh truyền hình và 1 báo in. Để đảm bảo nguồn tin, Đài đã phát triển mạng lưới cơ quan thường trú rộng khắp trong và ngoài nước bao gồm: 6 khu vực trong nước, 13 cơ quan ở các khu vực trên thế giới. Về khả năng tiếp cận, hiện nay Đài phát thanh đã sử dụng 13 thứ tiếng của dân tộc thiểu số và 13 tiếng nước ngoài được bổ sung vào trong quá trình biên tập. Ngoài ra, Đài cũng phát triển các cơ quan đào tạo nhằm tạo nên nguồn nhân lực chất lượng cao cho đất nước, bao gồm một nhà hát ca múa nhạc; hai trường cao đẳng phát thanh, truyền hình.
Lời kết:
75 năm qua đi, hành trình của Đài Tiếng nói Việt Nam vẫn luôn là một câu chuyện lịch sử vĩ đại của đất nước và là một bài học đầy thiết thực, sâu sắc đối với những người làm trong ngành truyền thông, báo chí. Dù là Podcast của thời hiện đại, hay Radio trong những năm tháng chiến tranh thì những cách thức truyền tải, sự thấu hiểu về người nghe hay việc kết hợp nhuần nhuyễn giữa âm thanh, nhạc hiệu vẫn luôn là bài học mà người làm truyền thông không thể bỏ qua.
Chú thích:
[1] vovworld.vn › vi-VN › vov-chuyen-nguoi-chuyen-nghe, ngày 6-9-2014
[2] Bảo tàng Lịch sử quốc gia, Báo điện tử Đảng CSVN đã đăng ngày 30/09/2019
[3] Sách “70 năm Đài Tiếng nói Việt Nam (1945-2015), NXB Chính trị Quốc gia, 2015, tr 38.
[4] Đài Tiếng nói Việt Nam: Tiếng nói Việt Nam – Cầu nối Đảng với Dân, NXB Chính trị Quốc gia, Hà Nội, 2000, tr 55