TikTok chia sẻ về cách hoạt động của thuật toán trên ứng dụng

22 Thg 06

Bất chấp có những tranh cãi khác nhau xoay quanh vấn đề quyền sở hữu, chính sách kiểm duyệt, hay nỗ lực tăng trưởng của ứng dụng, TikTok vẫn đang làm việc chăm chỉ để cho thấy rằng họ là một công ty minh bạch, không có gì cần che giấu, và người dùng hoàn toàn có thể tin tưởng. Ứng dụng này đã cho ra mắt thêm một Trung tâm minh bạch (Transparency Center) mới ở LA, mọi người có thể ghé qua và xem cách TikTok thực hiện các chính sách của mình. Đồng thời TikTok cũng hạn chế truy cập dữ liệu người dùng để giảm thiểu nguy cơ lạm dụng thông tin có khả năng xảy ra, cũng như bổ nhiệm thêm một CEO tại trụ sở Hoa Kỳ, gia tăng thêm sự độc lập và tách biệt với công ty mẹ tại Trung Quốc. 

Trong tuần này, TikTok đã cố gắng cung cấp thêm một nỗ lực minh bạch của mình trong việc giải thích chính xác cách thức hoạt động của các thuật toán liên quan đến nội dung đề xuất cho người dùng và cách các video thu hút được sự chú ý trên nền tảng.

Đại diện TikTok giải thích rằng: "Khi bạn mở TikTok và truy cập vào phần #For you, hệ thống sẽ cung cấp một loạt các video được gợi ý dựa trên sở thích của bạn, giúp bạn dễ dàng tìm thấy các bài đăng cũng như các Tiktoker mà bạn yêu thích. Phần For You này được cung cấp bởi hệ thống đề xuất đeẻ mang đến cho người dùng các nội dung họ có khả năng quan tâm dựa vào những đặc điểm của từng cá nhân cụ thể.”

(Nguồn: TikTok)

Các yếu tố chính có khả năng xác định video nào xuất hiện trong phần For You của mỗi người dùng là:

  • Tương tác của người dùng - Đây là các yếu tố như video bạn thích hoặc chia sẻ, các tài khoản mà bạn theo dõi, bình luận mà bạn đăng và nội dung bạn tạo. Tất cả những thứ đó đều được gọi là tương tác của người dùng. Vì vậy, nếu bạn đăng clip kèm một hashtag nhất định, có nhiều khả năng bạn sẽ thấy các nội dung có chứa hashtag giống vậy trong feed của mình.
  • Thông tin video - Chúng có thể bao gồm các chi tiết như chú thích (caption), âm thanh và bài hát cụ thể nào đó, và đương nhiên là cả hashtag.
  • Cài đặt thiết bị và tài khoản - Các yếu tố tạo ra ảnh hưởng ít hơn có thể kể đến như cài đặt về ngôn ngữ, quốc gia hay loại thiết bị di động mà bạn đang sử dụng. TikTok nói rằng những yếu tố này sẽ được hệ thống xem xét để làm sao mang tới hiệu quả trình bày tối ưu nhất, nhưng chúng không được cho trọng lượng như hai yếu tố ở trên.

Vì vậy, như bạn có thể thấy, thuật toán của TikTok tương tự như các thuật toán mà hầu hết các nền tảng xã hội khác đang áp dụng - đó là việc dựa vào các yếu tố trong nội dung mà bạn tương tác, sau đó cố gắng hiển thị cho bạn nhiều hơn các nội dung tương tự như vậy. Bạn có nghĩ rằng việc bình luận sẽ tạo ra tác động mạnh mẽ hơn và sẽ giúp bạn nhìn thấy nhiều nội dung được tạo ra từ tài khoản đó hơn không? Trong khi đó, việc tương tác nhiều hơn với các xu hướng hashtag nhất định cũng khiến bạn gặp nhiều gợi ý tương tự hơn.

Dù không cung cấp những insights chất lượng mà bạn đang mong đợi, nhưng TikTok cũng đã chia sẻ một số gợi ý khác phục vụ cho các tính toán chiến lược của bạn.

  • “Một chỉ số đo lường mức độ yêu thích, chẳng hạn như khi người dùng xem hết 1 video dài từ đầu đến cuối thì sẽ nhận được đề xuất tốt hơn, hay như việc người xem và người tạo video có ở cùng một quốc gia hay không.”

Vì vậy, đối với những người xem hết video của bạn, họ sẽ có khả năng tiếp cận cao hơn.

  • “Đối với người dùng mới sử dụng ứng dụng, chúng tôi mời họ chọn các danh mục yêu thích, như thú cưng hoặc du lịch, để hệ thống có thể điều chỉnh các gợi ý sao cho phù hợp nhất với sở thích của họ. Điều này cho phép ứng dụng tạo dựng được nội dung cơ bản trên feed trong giai đoạn đầu tiên, sau đó, nội dung ấy sẽ dần dần được đa dạng hóa hơn dựa trên tương tác của bạn với những video đầu tiên.” 

Cũng như với các nền tảng khác, TikTok sẽ cố gắng để tương thích với người dùng mới qua các nội dung liên quan, dựa trên sở thích.

  • "Nội dung phần For You không chỉ được định hình bởi sự tương tác của bạn với các nội dung trên feed. Ví dụ: khi bạn quyết định theo dõi các tài khoản mới, hành động đó sẽ làm thay đổi phần nào các nội dung gợi ý cho bạn, cũng như việc khám phá các hashtag, âm thanh, hiệu ứng và chủ đề xu hướng trên tab Khám phá."

Thêm một lần nữa, chúng ta đều biết điều này là hiển nhiên. Nhưng có một điều không thể tránh khỏi là mọi hoạt động của người dùng trên ứng dụng đều bị “theo dõi” và đo lường. Nếu bạn tìm kiếm điều gì đó trên ứng dụng này, nó sẽ ảnh hưởng đến các nội dung được gợi ý cho bạn. Vì vậy, nếu ai đó cầm điện thoại của bạn và tìm kiếm những video điên rồ, bạn cũng có thể thấy tìm kiếm đó ảnh hưởng đến nội dung trên feed của bạn.

  • "Tính đa dạng là điều cần thiết để duy trì một cộng đồng toàn cầu phát triển và nó cũng góp phần giúp các cộng đồng nhỏ ở nhiều quốc gia của TikTok lại gần nhau hơn. Cuối cùng, đôi khi bạn có thể bắt gặp một video trong feed có vẻ không liên quan đến sở thích của bạn hay cũng chẳng có một lượng tương tác khổng lồ. Đó chính là một yếu tố quan trọng và có chủ ý trong cách đưa ra các nội dung đề xuất của chúng tôi: đa dạng hóa video trong feed của bạn giúp bạn có cơ hội bổ sung hay tìm hiểu các danh mục nội dung mới, khám phá những TikToker mới hay những quan điểm và ý tưởng mới khi bạn lướt qua các nội dung trên feed."

Đây có thể là một lưu ý không mấy hữu ích, nhưng nó khá thú vị. Về cơ bản, TikTok sẽ trình chiếu các video được chọn, bất chấp mức độ tương tác hay cấp độ của người tạo nội dung, nhằm mục đích đa dạng hóa nội dung trên feed của bạn.

(Nguồn: Heroku)

Tiếp theo là tin tức quan trọng nhất trong tổng quan thuật toán của TikTok:

  • "Mặc dù các video được đăng bởi một tài khoản có nhiều người theo dõi sẽ nhận được nhiều lượt xem hơn, do tài khoản đã xây dựng được 1 cơ số người theo dõi lớn từ trước đó. Nhưng số lượng người theo dõi hay việc tài khoản đó trước đây có nhiều video đạt hiệu suất cao không nằm trong các yếu tố ảnh hưởng trực tiếp trong hệ thống gợi ý cho người dùng.”

Điều này là khác so với các nền tảng khác. Về cơ bản, TikTok nói rằng hiệu suất trong quá khứ và trạng thái profile của người tạo nội dung hoàn toàn không được xem xét trong thuật toán của họ. Những TikToker nổi tiếng chắc chắn sẽ có được nhiều lượt tiếp cận hơn, bởi vì nhiều người đang theo dõi họ, nhưng TikTok sẽ sử dụng số liệu thống kê video và mức độ tương tác riêng lẻ để hiển thị nội dung phù hợp cho người dùng.

Về cơ bản, TikTok sẽ luôn hướng tới mục đích hiển thị cho bạn nhiều nội dung bạn thích hơn, dựa trên hoạt động của bạn, với mỗi bài đăng được đánh giá độc lập, sao cho phù hợp nhất với sở thích trước đó. TikTok không đưa ra con số cụ thể về % trọng số mà các yếu tố này đóng vai trò, nhưng những điểm được chỉ ra trong bài viết này giải thích rất nhiều về lý do tại sao bạn thấy những nội dung này trong TikTok feed của mình. Đối với các marketers, những điều này có thể giúp cung cấp thêm những insights về cách tối đa hóa video TikTok của bạn:

  • Mỗi video được tính một cách độc lập
  • Căn chỉnh theo sở thích xu hướng sẽ giúp bạn kết nối với nhiều người dùng hơn
  • Đối với những người dùng xem hết video của bạn, thì bạn có thể tiếp cận họ dễ dàng hơn.

Không có con số khoa học chính xác được đưa ra ở đây, nhưng đây là những điểm chính mà bạn cần lưu ý, dựa trên những insights này, bạn sẽ có thể tối đa hóa hiệu suất hoạt động trên kênh TikTok của mình.

Tô Linh - MarketingAI

Theo SocialmediaToday

Đánh giá của bạn

TAGS:

Bình luận của bạn

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bình luận không đăng nhập

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.