Tiêu điểm Digital Marketing năm 2021: Các xu hướng nổi bật và cách triển khai

13 Thg 01

Một năm 2020 đầy hỗn loạn đã qua đi và đã đến lúc để chúng ta nhìn về phía trước. Một số xu hướng bước ra từ đại dịch đã khiến các doanh nghiệp buộc phải thích nghi và định hình lại các yếu tố trong bối cảnh tiếp thị. Đáng chú ý nhất, doanh số bán hàng Thương mại điện tử đã tăng vọt, mọi người dành nhiều thời gian hơn trên mạng xã hội và các cuộc họp qua video đã trở thành tiêu chuẩn. Điều này đã dẫn đến một sự thay đổi lớn trong cách các thương hiệu kết nối với người tiêu dùng của họ.

Vậy, trong thời điểm chuyển giao năm mới, những xu hướng marketing nào sẽ tiếp tục dẫn đầu vào năm 2021? Hãy cùng MarketingAI tìm hiểu trong bài viết dưới đây. 

1. Livestream và sự gia tăng của influencer content

Đại dịch bùng phát và khiến cho hàng loạt sự kiện trên thế giới bị hủy bỏ. Người tiêu dùng không thể tham gia trực tiếp các sự kiện và thậm chí là không thể gặp gỡ và trò chuyện với bạn bè và người thân của mình một cách bình thường. 

Vô hình chung, điều này đã mở ra một cơ hội phát triển mới dành cho ngành công nghiệp Livestream, bao gồm Livestream của các thương hiệu, của người nổi tiếng hay online workshop.  

Trên Facebook, lượt xem các video trực tiếp đã tăng vọt 50% trong thời gian cách ly, trong khi Instagram thì nhận mức tăng tới 70%. Lượng người dùng TikTok tăng vọt vào năm 2020 và nhiều khả năng sẽ tiếp tục bùng nổ vào năm 2021. 

Các nội dung lấy con người làm trọng tâm như các video livestream của người nổi tiếng, influencer có thể tạo niềm tin nơi người tiêu dùng và mở ra cơ hội kết nối cao hơn nhiều so với các nội dung khác, và cũng là điều mà người dùng cực kỳ khao khát trong năm 2020. 

Một trong những nền tảng livestream cho thấy hiệu quả cực tốt trong mùa dịch chính là Amazon Live. Nhiều influencers đã tận dụng nó để tổ chức nên các sự kiện online, quảng bá trực tiếp các sản phẩm yêu thích của họ đến với khán giả của mình. Không chỉ là một buổi livestream đơn giản, mà đây còn là một sự kiện trực tiếp mà người xem có thể mua hàng được ngay tại thời điểm họ đang xem, mở ra cơ hội chuyển đổi cao cho các doanh nghiệp. 

Livestream và sự gia tăng của influencer content

NYX Pro Makeup cũng đã thực hiện một chương trình khuyến mãi tương tự. Họ mời các influencer đến và phát trực tiếp một video hướng dẫn trang điểm trong buổi lễ kỷ niệm hàng năm Pride của họ. 

Livestream và sự gia tăng của influencer content

2. Xây dựng sứ mệnh thương hiệu có mục tiêu rõ ràng và mang thiện chí với cộng đồng 

Báo cáo Xu hướng Mạng xã hội năm 2021 của Hootsuite có viết rằng:

“Vào năm 2021, những thương hiệu thông minh nhất sẽ là những thương hiệu hiểu được mình phù hợp với cuộc sống của khách hàng ở đâu trên mạng xã hội. Và họ sẽ tìm ra những cách sáng tạo để hòa vào dòng chảy xã hội và xu hướng thảo luận trên các nền tảng, thay vì cố gắng dẫn dắt nó hay tạo ra những nội dung nhằm thu hút sự chú ý của người tiêu dùng.”

Để làm được điều này, điều quan trọng là các doanh nghiệp phải biết minh bạch thông tin. 

Người tiêu dùng sẽ không thể tương tác với thương hiệu nào có những hành vi “mờ ám”, không rõ ràng hoặc không thể hiện được sự chân thành. Chẳng có lý do gì để họ bỏ tiền ra cho một thứ mà họ không thể và không muốn tin tưởng cả. Đó là lý do tại sao kết nối sẽ là yếu tố then chốt cần phải có đối với các thương hiệu muốn trở thành điểm tựa đáng tin cậy vào năm 2021. 

Hơn bao giờ hết, các thương hiệu cần phải đào sâu vào tìm hiểu hơn nữa để tìm ra những cách phát triển mạnh mẽ trong bối cảnh hỗn loạn hiện nay. Báo cáo từ Deloitte cho biết, để làm được điều này, các thương hiệu cần phải “tập trung sâu sắc vào lý do tại sao họ tồn tại và họ được xây dựng để phục vụ ai”

Những hành động tốt đẹp vì cộng đồng của các thương hiệu không còn là điều gì xa lạ, nhưng nó cần phải được chú trọng hơn nữa vào năm tới. 

Có lẽ chúng ta sẽ được thấy nhiều các chiến dịch vì cộng đồng đến từ các thương hiệu vào năm 2021, tựa như chiến dịch #HotelsForHeroes của chuỗi khách sạn Hilton (với mục tiêu tặng phòng nghỉ miễn phí cho nhân viên y tế), hay chiến dịch quyên góp khẩu trang miễn phí cho đại dịch của thương hiệu thời trang nổi tiếng Chanel.  

Xây dựng sứ mệnh thương hiệu có mục tiêu rõ ràng và mang thiện chí với cộng đồng 

3. Xây dựng UGC để nâng cao trải nghiệm khách hàng

Trải nghiệm khách hàng chưa bao giờ quan trọng đến thế. Người tiêu dùng khao khát những trải nghiệm thú vị với các thương hiệu và đề cao một hành trình khách hàng đơn giản và đáng nhớ. Họ muốn được xem những bằng chứng mua hàng của người đi trước để yên tâm hơn khi mua hàng, vì xét cho cùng, chẳng ai muốn đưa ra một quyết định sai lầm cả.

Nội dung do người dùng tạo (UGC) thỏa mãn tất cả các yêu cầu của một nội dung mang tính kết nối:

  • Nó giúp xây dựng và củng cố cộng đồng
  • Nó liên quan mật thiết đến nhu cầu tìm kiếm và nâng cao tinh thần của người dùng
  • Nó tạo ra cơ hội gặp gỡ giữa thương hiệu và khách hàng khi họ lướt mạng xã hội
  • Nó giúp các thương hiệu tạo ra nhiều nội dung hơn trong bối cảnh xu hướng mua hàng online tại nhà và các biện pháp hạn chế đi lại tăng cao

UGC từ lâu đã là một cách hiệu quả để các thương hiệu tạo dựng mối quan hệ với khách hàng và cung cấp bằng chứng xã hội (social proof) đáng tin cậy. Đây cũng là một chủ đề sẽ tiếp tục được thảo luận nhiều vào năm 2021. 

>> Xem thêm: Bài học từ UGC Marketing năm 2020 và cách lên kế hoạch cho năm 2021

4. Nhấn mạnh vào tính bền vững

81% người tiêu dùng cảm thấy các thương hiệu nên có những hành động để cải thiện môi trường. 

Đây hoàn toàn không phải là một con số đáng ngạc nhiên. Trong vài năm qua, chúng ta đã được chứng kiến những thay đổi trong một vài thương hiệu nhằm hướng đến một tương lai bền vững hơn. Điều đó được thể hiện trong cách họ thay đổi vật liệu sử dụng, bao bì, hệ thống sản xuất,...

Cuộc săn lùng một hành tinh xanh hơn vẫn tiếp tục và người tiêu dùng thì vẫn đang tích cực tìm kiếm những thương hiệu có hành động với mục đích và ý thức liên quan đến môi trường. Trái Đất đang ngày càng trở nên “mong manh” và dễ bị tổn thương, vì vậy, xu hướng bền vững vẫn sẽ tiếp tục là chìa khóa để các thương hiệu thành công hơn vào năm 2021.

Ocean Cleanup là một ví dụ tuyệt vời về một thương hiệu đã làm tốt điều này. Cuối tháng 10 vừa qua, họ đã cho ra mắt dòng sản phẩm đầu tiên được làm hoàn toàn từ nhựa tái chế, được thu thập từ khu vực đảo rác Thái Bình Dương. 

Ocean Cleanup đã chia sẻ thông báo ra mắt sản phẩm mới này lên Tintup và nói rằng thương hiệu sẽ tiếp tục sử dụng các sản phẩm tái chế từ đại dương để tạo ra các sản phẩm bền vững trông đẹp mắt và có giá trị sử dụng cao. Được biết, doanh thu tạo ra từ các sản phẩm này sẽ được tái đầu tư trở lại vào các chiến dịch làm sạch của thương hiệu. 

>> Xem thêm: Tại sao các thương hiệu cần coi trọng tính bền vững trong kỷ nguyên của COVID-19?

5. Nền văn hóa đa dạng và hòa nhập sẽ là chìa khóa

Văn hóa đa dạng và hòa nhập đã nhận được nhiều sự quan tâm vào năm 2020. Phong trào Black Lives Matter đã mở ra một cuộc thảo luận sôi nổi về vấn đề đa sắc tộc trên toàn cầu và nêu bật những vấn đề nhức nhối vốn dĩ đã tồn tại từ lâu trong các thành phần khác nhau của xã hội.

Một nghiên cứu của Accenture cho thấy sự thay đổi văn hóa theo hướng hòa nhập cũng đang tác động đến hành vi mua hàng, với 41% người tiêu dùng sẽ quyết định không mua hàng của các nhà bán lẻ không bày tỏ quan điểm rõ ràng về vấn đề sắc tộc và sự đa dạng - và 29% sẵn sàng đổi sang mua hàng của thương hiệu khác nếu thương hiệu họ trung thành không thể hiện đủ sự đa dạng.

Như vậy, các thương hiệu lựa chọn không tham gia hoặc tham gia một cách hời hợt vào các cuộc thảo luận về vấn đề xã hội trên Internet sẽ sớm thấy được “hậu quả” vào năm 2021. Mặt khác, các thương hiệu công khai thể hiện tiếng nói và hành động của họ trong các sự kiện xã hội, sẽ gặt hái được nhiều thành công và thúc đẩy kết nối sâu hơn với người tiêu dùng.  

6. Tìm kiếm bằng giọng nói và hình ảnh gia tăng

Ngày càng nhiều người tiêu dùng tìm kiếm thông qua các công cụ kích hoạt bằng giọng nói như Alexa. Điều này có thể là do mọi người bị hạn chế đi ra ngoài và khó có cơ hội được trò chuyện với ai, hoặc cũng có thể là do loại hình công nghệ này đang dần trở nên phổ biến hơn (cứ 4 ngôi nhà ở Mỹ thì có 1 nhà sở hữu 1 chiếc loa thông minh). 

Nhưng không chỉ tìm kiếm bằng giọng nói sẽ trở thành xu hướng vào năm 2021 - mà các phương pháp tìm kiếm sáng tạo khác cũng đang cho thấy những dấu hiệu vươn lên dẫn đầu, như tìm kiếm trực quan (visual search). 

Các công cụ như Google Lens cho phép người tiêu dùng có thể tìm kiếm bất cứ thứ gì họ có thể nhìn thấy. Điều này có nghĩa là các nhà tiếp thị sẽ cần tập trung nhiều hơn vào việc thêm alt-text vào trong các hình ảnh (đoạn văn bản xuất hiện trong ảnh giúp các công cụ tìm kiếm hiểu được hình ảnh này đang nói về điều gì) và sitemap dành cho các link về hình ảnh.  Trong năm tới, vai trò của hình ảnh sẽ ngày càng trở nên quan trọng trong các chiến dịch SEO. 

Nó cũng sẽ có lợi về mặt doanh thu. Dự đoán về trải nghiệm khách hàng trong ngành bán lẻ năm 2021 có nói: 

"Những doanh nghiệp sớm thiết kế lại website của họ để hỗ trợ cho các phương pháp tìm kiếm bằng hình ảnh và giọng nói sẽ tăng doanh thu thương mại kỹ thuật số lên 30%." 

7. Nội dung dễ tiêu thụ

Các định dạng nội dung dễ tiêu thụ cũng chiếm được cảm tình nhiều người tiêu dùng vào năm 2020. Tựa như podcast - một dạng nội dung có thể  dễ dàng truyền tải và tiêu thụ khi người dùng đang di chuyển. Hay newsletter - dạng nội dung cập nhật như bản tin, liên tục được gửi trực tiếp đến email của người đăng ký, rất thuận tiện và dễ theo dõi. 

Các nghiên cứu cho thấy rằng 55% người Mỹ hiện nghe podcast, trong khi lượt truy cập newsletter đã tăng 14% trong thời gian giãn cách xã hội. 

Các nhà quảng cáo cũng đang chi tiêu nhiều hơn cho podcast, đây là một dấu hiệu cho thấy họ sẽ tiếp tục thành công vào năm 2021. 

Nội dung tiện lợi và sẵn có như podcast và newsletter sẽ giúp các thương hiệu kết nối sâu hơn với khách hàng và mang đến cách giữ liên lạc thân mật hơn. 

Lấy ví dụ tiêu biểu từ cuốn sách của hãng thời trang Nisolo. Họ đã sử dụng newsletter để kết nối với khách hàng và kiểm tra mọi thứ trước khi cung cấp các tài nguyên liên quan có thể giúp khách hàng vượt qua thời kỳ hỗn loạn.

Nội dung dễ tiêu thụ

Bạn đã sẵn sàng cho năm 2021?

Những tình huống bất ngờ xảy ra vào năm 2020 đã buộc các thương hiệu phải suy nghĩ kỹ hơn về cách họ kết nối với khách hàng của mình vào năm tới. Thời gian online nhiều hơn là động lực để thúc đẩy các thương hiệu mở rộng hoạt động kinh doanh trên nhiều nền tảng và mở ra nhiều cách tiếp cận lấy con người làm trung tâm hơn. 7 xu hướng trên đây dự kiến sẽ là “kim chỉ nam” trong mọi hoạt động của doanh nghiệp và là một phần không thể thiếu trong các chiến lược marketing. 

Tô Linh - MarketingAI

Theo Socialmediatoday

>> Có thể bạn quan tâm: Xu hướng quảng cáo kỹ thuật số nào sẽ thống trị vào năm 2021?
Đánh giá của bạn

TAGS:

Bình luận của bạn

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bình luận không đăng nhập

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.