Thương hiệu lớn và nhãn hiệu riêng: Cuộc chiến "không cân sức" trong bối cảnh nền kinh tế suy thoái

11 Thg 05

Đại dịch COVID-19 đến và gây ra những ảnh hưởng không nhỏ đến cuộc sống cũng như sinh hoạt của mọi người dân trên thế giới. Việc hàng loạt công ty, nhà máy, doanh nghiệp phải đóng cửa dẫn đến việc cắt giảm nhân sự cũng như cắt giảm lương diễn ra khắp mọi nơi. Không còn cách nào khác, người dân phải thực hiện cắt giảm chi tiêu đối với một số mặt hàng không cần thiết. Chính vì thế mà một cuộc chiến giữa các thương hiệu (brand) và nhãn hiệu riêng (private label) đã "âm thầm" xảy ra, liệu người tiêu dùng sẽ đứng về bên nào khi họ buộc phải chọn 1 trong 2 do thu nhập không còn "xông xênh" như trước. Hãy cùng tìm hiểu bài viết dưới đây của MarketingAI nhé!

Thương hiệu nhãn riêng (Private label) dùng để chỉ các sản phẩm sở hữu bởi các nhà bán lẻ (retailers) trong khi đó các thương hiệu phạm vi quốc gia (National brands) thì lại sở hữu bởi các nhà sản xuất (Chimhundu R., 2011). Cùng theo dõi một số thông tin chính của báo cáo mới đây từ công ty Survata:

  • Cuộc khảo sát của Survata được thực hiện trên hơn 1000 người tiêu dùng Mỹ liên quan đến việc cắt giảm chi tiêu của họ. Theo đó, toàn bộ người tiêu dùng ở Mỹ đều đang thực hiện cắt giảm chi tiêu hàng ngày, với 55% cắt giảm 10-20% chi tiêu, 25% cắt giảm 30-40% tổng chi tiêu và 20% còn lại cắt giảm tới 50% tổng chi tiêu
  • Mặc dù cắt giảm chi tiêu, nhưng đa phần người tiêu dùng được hỏi cho biết họ thích các mặt hàng của thương hiệu hơn là các sản phẩm đến từ các nhãn hiệu riêng. Thống kê cho thấy 61% mọi người nói rằng họ sẽ chọn các sản phẩm làm sạch, 58% thích thực phẩm đóng gói, 57% ưu tiên thực phẩm đông lạnh và 54% đưa ra quan điểm tương tự với soda và cà phê thương hiệu, tất cả đều đến từ thương hiệu lớn.
  • Sự ưu tiên của người dân dành cho các nhãn hiệu riêng rõ ràng ít hơn hoặc thậm chí là không tồn tại đối với một số mặt hàng, khi 50% người tiêu dùng chuộng dùng các loại thuốc chung chung, không có nhãn hiệu và 51% có xu hướng dùng các sản phẩm chăm sóc cá nhân có thương hiệu. Trong khi đó, chỉ có 28% người tiêu dùng cho biết họ thích các sản phẩm trang điểm/ chăm sóc da, 29% quan tâm đến nhãn hiệu rượu/ bia ​​và 27% quan tâm đến nhãn hiệu rượu.

Phát hiện của Survata cho thấy các thương hiệu đầu tư vào tài sản thương hiệu trước khi xảy ra đại dịch sẽ có khả năng đứng vững hơn trong bối cảnh nền kinh tế bị suy thoái. GDP của Mỹ đã giảm 4,8% trong Quý 1 do đại dịch COVID-19 và nền kinh tế có thể sẽ tiếp tục gặp khó khăn trong những tháng tới, vậy nên không có gì ngạc nhiên khi người tiêu dùng đã bắt đầu cắt giảm đi những chi tiêu không cần thiết. Tuy nhiên, điều đáng chú ý là mọi người vẫn muốn mua các sản phẩm từ các thương hiệu tên tuổi, vì theo Survata, người tiêu dùng thường ít quan tâm đến các nhãn hiệu riêng trong thời kỳ suy thoái.

"Điều rất đáng chú ý ở đây là, bất chấp những lo ngại về chi tiêu trong thời kỳ đại dịch, người tiêu dùng vẫn có những mối quan tâm khác hơn là giá cả khi mua các sản phẩm đóng gói tiêu dùng”, Chris Kelly, người sáng lập đồng thời là CEO của Survata phát biểu trong một tuyên bố. "COVID-19 và những ảnh hưởng của nó không chỉ gây ra sự bất ổn đối với ngân sách của mỗi gia đình, mà còn tác động không nhỏ đến chất lượng nhận diện, hiệu quả và chuỗi cung ứng của một thương hiệu."

(Nguồn: Inma)

Niềm tin có lẽ là lý do chính giải thích cho việc tại sao người tiêu dùng lại dành sự ưu tiên tuyệt đối cho các thương hiệu trong thời kỳ đại dịch. Thống kê từ cuộc khảo sát của Survata cho thấy, 40% người tiêu dùng chỉ ra rằng niềm tin dành cho một thương hiệu là yếu tố tác động lớn nhất, thúc đẩy quyết định mua hàng của họ.

Rõ ràng, cuộc khủng hoảng sức khỏe hiện nay đang tác động rất nhiều đến hành vi mua hàng của người tiêu dùng theo những cách khác nhau: 72% những người được hỏi nói rằng họ đã nhận thức rõ hơn về tầm quan trọng của sự sẵn có của sản phẩm sau khi mua hàng trong thời gian đại dịch, vì sự thiếu hụt xảy ra thường xuyên. Ngoài ra, 64% người tiêu dùng cho biết sự sẵn có của sản phẩm là một yếu tố ảnh hưởng lớn đến việc mua hàng của họ. So với trước khi xảy ra đại dịch, giờ đây việc nghiên cứu sản phẩm của người tiêu dùng cũng cao lên gấp 3 lần.

Những phát hiện này mang đến những tín hiệu tích cực cho các brand marketer (nhà tiếp thị thương hiệu) thuộc các mặt hàng như chăm sóc cá nhân, thuốc men, sản phẩm làm sạch, đồ ăn nhẹ, đồ uống và thực phẩm đông lạnh, vì người tiêu dùng vẫn muốn mua hàng từ thương hiệu yêu thích của họ. Kết quả khảo sát của Survata một lần nữa đồng nhất với những gì mà các nhà tiếp thị mặt hàng đóng gói tiêu dùng lớn đã nói về doanh số Quý 1 của họ.

Cũng trong tuần này, PepsiCo cho biết họ đã nhìn thấy cơ hội tiềm năng trong lĩnh vực đồ ăn nhẹ, sản phẩm yến mạch Quaker và thương mại điện tử khi người tiêu dùng dành nhiều thời gian ở nhà hơn, bất chấp việc doanh thu tổng thể giảm sút vì các cửa hàng tiện lợi và nhà hàng đã bị đóng cửa.

(Nguồn: Internet)

Đối với một số danh mục sản phẩm khác, bức tranh có vẻ sẽ ảm đạm hơn. Khảo sát cho thấy người tiêu dùng dường như ít quan tâm đến các nhãn hiệu bia, vì vậy các loại bia thủ công đắt tiền có thể sẽ phải “hạ giá” để chấp nhận mức giá thấp hơn. Đây là cơ hội để các loại bia giá rẻ như Coors Light, Busch Beer và Natural Light.

Tuy nhiên, trên thực tế, bất kỳ nỗ lực thúc đẩy nào từ người tiêu dùng đối với các thương hiệu cũng không bù đắp nổi những mất mát doanh số do các nhà hàng và quán bar phải đóng cửa ngừng hoạt động trong thời gian diễn ra dịch COVID-19. Cũng trong tuần này, Molson Coors đã báo cáo rằng việc các quán bar phải đóng cửa tạo ra doanh thu thấp là một trong những lý do đằng sau quyết định cắt giảm ngân sách Marketing.

>> Xem thêm: Top 5 ý tưởng sáng tạo của các thương hiệu lớn Tạm kết

Tuy rằng chưa biết câu chuyện giữa các thương hiệu và nhãn hiệu riêng bao giờ sẽ kết thúc nhưng thực tế đã chứng mình, các thương hiệu lớn với sự chuẩn bị kỹ càng sẽ có khả năng đứng vững trước thời cuộc hơn là các nhãn hiệu riêng. Khi thu nhập của người dân bị giảm đi, họ sẽ có xu hướng lựa chọn những sản phẩm đến từ các thương hiệu tạo cho họ niềm tin lâu năm. Một lần nữa khẳng định, tạo dựng độ tin cậy là một trong những yếu tố quan trọng trong hành trình xây dựng thương hiệu của bất kỳ ngành nghề nào.

Tô Linh - MarketingAI

Theo Marketingdive

Đánh giá của bạn

Bình luận của bạn

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bình luận không đăng nhập

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.