Thống kê về lạm phát: Giá cả leo thang và bài toán chi tiêu tại Đông Nam Á

27 Thg 12

Giá hàng hóa tăng cao khiến người dùng Đông Nam Á có xu hướng giảm chi tiêu trong năm 2023. Nghiên cứu được thực hiện bởi Blackbox-ADNA, khảo sát hơn 9.000 người trưởng thành trên 6 quốc gia Đông Nam Á bao gồm: Việt Nam, Thái Lan, Singapore, Philippines, Malaysia và Indonesia. 

Toàn cảnh về lạm phát

Nhìn chung, người tiêu dùng Đông Nam Á lo lắng về việc tăng giá chung trong tất cả các các mặt hàng bao gồm: lo ngại về hàng hóa gia đình tăng chiếm 33%; lãi suất tăng (32%); giá nhiên liệu/chi phí vận tải tăng (31%); giá lương thực tăng cao (30%); và giá tiện ích tăng (30%).

Người Đông Nam Á nhất trí cho rằng hai nguyên nhân lớn nhất gây ra lạm phát cao hiện nay là hậu quả của COVID đối với nền kinh tế toàn cầu (63%) và chiến tranh Nga-Ukraine (41%). Nguyên nhân thứ ba đến từ các chính sách của chính phủ (18%). Quan điểm này rõ ràng nhất tại Malaysia (28%) và Philippines (18%).

3 nỗi lo ngại lớn nhất về tài chính 
Bên cạnh đó, các khoản vay trở nên đắt đỏ hơn. Khi Covid xảy ra, các khoản vay trở nên dễ dàng hơn với lãi suất rất thấp vì tính thanh khoản tương đối cao (tức là mọi người có nhiều tiền mặt trong tay và gửi trong ngân hàng). Tuy nhiên, khi lạm phát tăng cao, các ngân hàng nhà nước bắt đầu tăng lãi suất, khiến các ngân hàng tư nhân gặp khó khăn hơn trong việc duy trì lãi suất cho vay thấp. Rõ ràng, điều này có nghĩa là các khoản vay mua nhà, xe cộ và kinh doanh ngày càng trở nên đắt đỏ hơn. Trong cuộc khảo sát, 21% người Đông Nam Á tin rằng lãi suất tăng là vấn đề tài chính lớn nhất của họ. Người Indonesia (26%), đặc biệt quan tâm đến việc ngân hàng Indonesia tăng lãi suất đáng kể vào tháng 10 năm 2022, một động thái nhằm giảm thiểu rủi ro lạm phát cơ bản. Tuy nhiên việc đồng Rupiah bị mất giá đã khiến Indonesia dễ bị lạm phát nhất dù chính phủ đã có những chính sách cải thiện đáng kể. Người Singapore (20%) lo ngại là điều dễ hiểu khi giá nhà ở và các khoản vay tăng đều đặn vào năm 2022. Vậy người tiêu dùng đã và đang làm gì để giảm thiểu những chi phí không cần thiết? Đây là một bài toán khó cho cả người dùng và doanh nghiệp.

Ưu tiên các thương hiệu rẻ hơn

Theo nghiên cứu, 12% người dùng trên 6 nước đang mua hàng từ các thương hiệu rẻ hơn. Số người đồng ý với quan điểm này tại từng quốc gia bao gồm: 18% người tiêu dùng tại Indonesia, 16% tại Việt Nam và 13% ở Philippines. 

Đa số các nước đồng ý cắt giảm chi tiêu trong gia đình để đối mặt với lạm phát

Trong khi đó, chỉ 9% ở Malaysia và 5% ở Singapore có kế hoạch mua hàng từ các thương hiệu rẻ hơn như một cách để giảm chi tiêu. Thay vào đó, người Malaysia có kế hoạch ăn những bữa ăn rẻ hơn ở nhà (30%) và mua nhiều mặt hàng giảm giá (26%). Còn người Singapore có kế hoạch cắt giảm việc ăn uống/nhà hàng ở bên ngoài (35%) và ăn những bữa ăn rẻ hơn ở nhà (27%). Nghiên cứu cũng chỉ ra rằng, những người có thu nhập cao ít bị ảnh hưởng hơn bởi lạm phát và vì thế họ cũng ít có khả năng thay đổi hành vi mua sắm hơn. 

Chi tiết chi tiêu trong 6 tháng qua tại các nước Đông Nam Á
Các mức cắt giảm khác là sử dụng điện hợp lý hơn và chi tiêu ít hơn cho trẻ em. Điều thú vị là người Singapore (20%) ủng hộ việc cắt giảm chi tiêu cho dịch vụ giao đồ ăn. Điều này không tốt cho những công ty như Grab và Foodpanda, những công ty đang phải đối mặt với những thách thức trong việc cải thiện nguồn doanh thu của họ.

Cắt giảm chi tiêu nhờ mua sắm trực tuyến

Đồ gia dụng đang trở nên đắt đỏ hơn trong tất cả các mặt hàng thuộc lĩnh vực gia đình, được xem là một trong hai vấn đề quan trọng hàng đầu trong khu vực và ở hầu hết các nước Đông Nam Á. 

Trong khi đó, cùng với việc cắt giảm chi tiêu, người tiêu dùng cũng đang thử nghiệm các chiến thuật tiết kiệm tiền khác như áp dụng giảm giá, hoàn lại tiền và các ưu đãi khác. Những chiến thuật này dường như thúc đẩy 44% người mua sắm ở Đông Nam Á mua sắm trực tuyến thay vì mua sắm tại các cửa hàng truyền thống. Điều này cũng đúng đối với người tiêu dùng mua hàng hóa tại địa phương. Nghiên cứu cho thấy 33% người dùng thích mua sắm trực tuyến do giảm giá và các chương trình nhận thưởng (17%).

Họ cũng bị thu hút bởi những lợi ích khác như sự tiện lợi (43%), nhiều lựa chọn (25%), nắm bắt xu hướng mới nhất một cách nhanh chóng (19%), mua được những thứ không có sẵn tại địa phương (17%) và giá cả (11%). Một phần ba trong số những người được khảo sát thích mua sắm trực tuyến vì được giao hàng tận nơi, xếp hạng theo thứ tự là Singapore (35%), Việt Nam (34%), Malaysia (33%), Thái Lan (31%), Philippines và Indonesia (29%).

Có một số nền tảng thương mại điện tử mà người dùng Đông Nam Á thường sử dụng bao gồm: Shopee và Lazada (93%) với mức độ ưa thích cao nhất, theo sau là Amazon (91%), tiếp theo là Shein (85%) và AliExpress ( 73%).

Thói quen mua sắm online của người dùng tại Đông Nam Á

Thương mại điện tử không thoát khỏi lạm phát

Khảo sát nhấn mạnh rằng tỷ lệ mua hàng trực tuyến  của người Đông Nam Á vào năm 2022 đã giảm 9% so với năm 2021. Dù mua hàng trực tuyến có nhiều lợi ích, nó cũng chứa nhiều rủi ro. Ba vấn đề hàng đầu của người dùng Đông Nam Á khi mua sắm trực tuyến là: sai kích cỡ hoặc giao sai đơn hàng (50%); bị mất hàng (29%); và chất lượng hàng hóa không đảm bảo (27%). Điều này cũng khiến người dùng hạn chế hoặc không bao giờ mua lại.

Bên cạnh đó, lạm phát cũng ảnh hưởng tới các sàn thương mại điện tử. Việc chi quá tay cho các chương trình khuyến mãi, săn sale sập sàn khiến các sàn này phải chịu một khoản lỗ nặng nề. Hậu quả là họ phải cắt giảm những chương trình khuyến mãi này. Tuy nhiên, giống như một vòng lặp vô tận, người dùng mua hàng online vì có nhiều chương trình giảm giá và hoàn tiền, nếu không còn những chương trình này, lượng người tiêu dùng cũng giảm theo. 

70% người dùng Đông Nam Á nói rằng họ có nhiều khả năng chờ đợi và mua hàng trong các mùa giảm giá cao điểm như Amazon Prime Day và ngày 11/11 trên Taobao. Hành vi này rõ ràng hơn ở các nước Singapore (85%), Malaysia (81%) và Indonesia (71%).

Thống kê mua sắm trong mùa cao điểm 

Nhận định từ chuyên gia

Nishant Kaushal, trưởng bộ phận dữ liệu, chiến lược và giải pháp toàn cầu của ADNA cho biết, nghiên cứu này xác thực nỗi sợ lạm phát chung và điều này ảnh hưởng lớn đến hầu hết dân số, ngoại trừ một số người giàu mới có thể đối phó với hậu quả của việc giá cả leo thang. 

Kaushal cũng giải thích rằng các chiến thuật bán hàng và Marketing dựa trên nỗi sợ hãi sẽ làm tăng sự căng thẳng không đáng có. Điều mà các Marketers cần làm bây giờ là thể hiện sự đồng cảm thực sự với người tiêu dùng để thuyết phục họ và tăng sự gắn bó với thương hiệu.

David Black, Giám đốc điều hành của Blackbox Research cho biết, nghiên cứu chỉ ra rằng: ngay cả thương mại điện tử cũng không tránh khỏi sự tấn công dữ dội của lạm phát. Ông nói thêm: "Trong tương lai, sự cạnh tranh sẽ ngày càng gay gắt và các sàn thương mại cần tìm ra các chiến lược mới để kết nối tốt hơn với người tiêu dùng"

Minh Anh - MarketingAI

Theo Blackbox Research Team

Đánh giá của bạn

TAGS:

Bình luận của bạn

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bình luận không đăng nhập

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.