Thị trường thương mại điện tử: "Kẻ" về nông thôn, "người" tiếp tục ở thành thị!

06 Thg 05

Hiện nay, ngành thương mại điện tử đang được các chuyên gia kinh tế đánh giá là một trong những ngành có tốc độ phát triển nhanh nhất trên thị trường. Thị trường thương mại điện tử gần đây tại Việt Nam có nhiều biến động và một trong số đó là mục tiêu thị trường của các hãng. Những sự chuyển dịch đó cụ thể là gì? Hãy cùng MarketingAI đi tìm hiểu thực trạng của các hãng E-commerce tại Việt Nam.

Lazada chuyển dịch về thị trường nông thôn

Thống kê của Cục TMĐT và Kinh tế số (Bộ Công Thương) cho thấy, TMĐT đang có mức độ tăng trưởng nhanh, đặc biệt là trong 5 năm gần đây. Quy mô thị trường TMĐT tăng dần đều ở mức trên 20%/ năm; Năm 2018, tổng doanh thu ngành TMĐT đạt 2,26 tỷ USD, tăng 29,4% so với năm 2017, số lượng khách mua hàng thông qua TMĐT đạt 49,8 triệu người…, đưa Việt Nam lọt vào top 6/10 thị trường TMĐT lớn nhất thế giới.

Chính bởi những điều đó dẫn tới một sự thật rằng mức tăng trưởng các giao dịch thương mại điện tử ở các khu vực nông thôn cũng vô cùng tiềm năng. Khi mà Việt Nam được đánh giá là một trong những thị trường Thương mại điện tử phát triển nhanh nhất ở Đông Nam Á với mức tăng trưởng 30%/năm. Thế nên gần đây, thấy được tiềm năng này nên Lazada đã chuẩn bị và nhắm đến thị trường hấp dẫn này.

(Nguồn: tribune)

Đầu tiên, phải kể về cơ cấu dân số, khi mà các hãng như Tiki, Shopee, Sendo... tập trung phát triển ở 2 khu vực thành thị lớn là Hà Nội và Tp. Hồ Chí Minh. Thì TMĐT ở vùng nông thôn có nhiều cơ hội, tiềm năng để phát triển, dân số của 2 thành phố này chỉ chiếm 16% dân số cả nước trong khi các tỉnh thành còn lại bao gồm cả nông thôn chiếm hơn 83%. Điều này đủ để thấy Lazada có nhiều đất để "dụng võ" hơn.

Hiện tại Lazada đã tiến hành khảo sát thực địa, đưa chợ dừa Bến tre và các sản phẩm thủ công địa phương vào mục hàng bày bán chính thức trên trang thương mại điện tử. Hơn thế nữa, hãng cũng làm rất tốt khâu Logistics khi mà được ông lớn Alibaba hỗ trợ để phát triển khâu vận chuyển tại Việt Nam. Chính bởi những yếu tố này mà Lazada tự tin có thể làm tốt và thâu tóm được những thị phần đầy hấp dẫn tại thị trường mà chưa ai nhòm ngó này. Với sự thụt lùi về lượng truy cập, danh tiếng và doanh thu trong 2 năm trở lại đây của Lazada, cùng với với đó là sự phát triển nhanh như "vũ bão" của các đối thủ cùng ngành thì đây là cơ hội để hãng có thể lấy lại danh tiếng và làm cho thị trường phải trầm trồ như cách mà Shopee đã làm năm 2018.

Tiki và Shopee tiếp tục "tuyên chiến" tại khu vực thành thị

Có thể thấy rõ thị trường thương mại điện tử trong năm 2019 này sẽ vô cùng khốc liệt khi mà các hãng đang đẩy mạnh nhất có thể về các chiến dịch truyền thông và nâng cao trải nghiệm dịch vụ của khách hàng.

Tiki thì đang là hãng có những chiến lược mạnh mẽ nhất, khi mà hãng trong thời gian vừa quan có những phương án tài trợ cho các MV ca nhạc như: "Anh ơi ở lại - ChiPu", "Đừng yêu nữa, em mệt rồi - Min", "Anh ta là sao - Erik". Điểm chung là các ca sĩ này là những tên tuổi đang hot và có lượng người xem phần đông là những người trẻ, những người ở khu vực thành thị. Việc đầu tư cho các MV này rất có ích khi mà người xem bị bủa vây bởi yếu tố thương hiệu của hãng kéo đến việc Mention về hình ảnh thương hiệu của Tiki trên các trang mạng xã hội đạt được lượng lớn.

Hơn nữa, Tiki tiếp tục tập trung tại khu vực thành thị do chưa đủ khả năng xử lý các vấn đề liên quan tới chuỗi cung ứng và vận chuyển. Giữa bối cảnh lĩnh vực thương mại điện tử có dấu hiệu chững lại tại thành thị thì hãng vẫn tiếp tục với mục tiêu của mình tại thị trường thành thị. Shopee đang dần “trực tuyến hóa” các phiên chợ với mọi loại mặt hàng, và Sendo đang tập trung triển khai tại những thị trấn gần các khu trung tâm hơn khi mà hệ thống Vinmart và các dịch vụ giao hàng đang dần được Vin mở rộng hơn cả.

Những cơ hội khi phát triển TMĐT tại khu vực nông thôn

Hiệp hội Thương mại điện tử (VECOM) đặt mục tiêu đến năm 2025 sẽ thúc đẩy nông thôn thông minh hơn trong lĩnh vực TMĐT, vì nếu không thay đổi tỷ trọng TMĐT giữa nông thôn và thành thị thì sẽ khó đưa TMĐT Việt Nam phát triển.

Hiện nay tỷ lệ dân số nông thôn chiếm tới 70% và ở góc độ thị trường thương mại điện tử thì nếu không đẩy nhanh số hóa về khu vực này sẽ khó để đẩy nền E-commerce tại Việt Nam sánh bằng các quốc gia trong khu vực. VECOM nhận định, đến năm 2025, tầng lớp người tiêu dùng kết nối sẽ chiếm vị trí quan trọng trong tỷ trọng phát triển thị trường Thương mại điện tư tại Việt Nam. Tầng lớp tiêu dùng kết nối sẽ giúp TMĐT tăng trưởng nhanh hơn, không chỉ có tầng lớp trung lưu ở thành phố, mà Việt Nam có 58 triệu người kết nối internet, trong số đó có nhiều người ở khu vực nông thôn. Chính vì thế, tương lai của ngành thương mại điện tử là làm sao phát triển cân bằng được giữa thị trường thành thị và nông thôn sao cho có tỷ lệ thuận với nhau, từ đó mới có thể phát triển tổng thể được toàn ngành.

“Trong 7 năm qua, chỉ số TMĐT cho thấy riêng Hà Nội và TP.Hồ Chí Minh chỉ có 1/6 dân số, nhưng chiếm tới 80% quy mô TMĐT, tỷ trọng này không thay đổi trong suốt 7 năm qua. Nếu Chính phủ không có tác động thì tỷ trọng này sẽ tiếp tục duy trì trong các năm tới. Chừng nào hai thành phố lớn vẫn chiếm lĩnh thì TMĐT không lớn nhanh và mạnh được,”

Ông Nguyễn Thanh Hưng, Chủ tịch VECOM

Xem thêm: E-commerce là gì? Các kênh Digital Marketing hoạt động hiệu quả cho E-commerce

Kết

Thị trường thương mại điện tử tại Việt Nam đang chứng kiến những con số ấn tượng vài năm trở lại đây. Cùng với đó, các tên tuổi như Shopee, Lazada, Tiki, Sendo đang có những bước tiến khác nhau để tranh giành vị trí dẫn đầu trong ngành. Chắc chắn trong thời gian tới thị trường này sẽ còn nhiều biến động, cùng chờ đón những chiến lược sắp tới của các hãng để xem ai mới là "thủ lĩnh" thực sự.

Thắng Nguyễn - MarketingAI

Đánh giá của bạn

Bình luận của bạn

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bình luận không đăng nhập

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.